Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 30-11-2020 1:04pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

ThS. Lê Thị Bích Phượng- Chuyên viên phôi học- IVFMD Phú Nhuận

Thời gian kiêng xuất tinh là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến các thông số tinh dịch đồ và là một trong những tiêu chí được đánh giá trong xét nghiệm tinh dịch đồ theo hướng dẫn của WHO 2010. Theo WHO 2010, ngày kiêng xuất tinh thích hợp để lấy mẫu xét nghiệm tinh dịch đồ nên nằm trong khoảng từ 2-7 ngày. Cho đến nay, thời gian kiêng xuất tinh vẫn là một thông số gây nhiều tranh cãi cũng như chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy thời gian kiêng xuất tinh thích hợp để thực hiện IVF. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, kiêng xuất tinh dài ngày có thể gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng tinh dịch. Kiêng xuất tinh dài ngày làm tăng số lượng và nồng độ tinh trùng tuy nhiên lại tác động tiêu cực đến khả năng di động và sống của tinh trùng.

Gần đây, tính toàn vẹn DNA tinh trùng đã thu hút được nhiều sự quan tâm. Trong quá trình sản sinh và trưởng thành của mình, DNA tinh trùng dễ bị tổn thương bởi việc tiếp xúc với các gốc oxy hoá tự do khi được vận chuyển qua các tuyến ống của cơ quan sinh sản. Sự phân mảnh DNA tinh trùng (SDF) trong tinh dịch sau xuất tinh được chứng minh là cao hơn đáng kể so với tinh trùng thu nhận từ tinh hoàn. DNA tinh trùng phân mảnh càng cao càng làm giảm khả năng sinh sản của nam giới. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, stress oxy hoá trong tinh hoàn là nguyên nhân chính gây tăng SDF, do đó họ đề xuất rằng thời gian lưu trữ của tinh trùng trong tinh hoàn càng lâu càng làm tăng SDF. Một số nghiên cứu đã được thực hiện nhằm đánh giá mối tương quan giữa thời gian kiêng xuất tinh và chỉ số SDF nhưng cho đến nay kết quả vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Vì vậy, Michael H. Dahan và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu này nhằm so sánh SDF trong mẫu tinh dịch có thời gian kiêng xuất tinh 3 ngày và mẫu xuất tinh sau 3 giờ.

Nghiên cứu tiến cứu trên 112 bệnh nhân từ tháng 01/2017 đến tháng 06/2019. Bệnh nhân được tư vấn kiêng xuất tinh 3 ngày sau đó lấy mẫu tinh dịch lần 1 và 3 giờ sau khi xuất tinh lần 1 sẽ tiếp tục lấy mẫu tinh dịch cho lần xét nghiệm thứ 2. SDF được đánh giá bằng kỹ thuật SCD bởi bộ xét nghiệm Halosperm.

Bệnh nhân tham gia nghiên cứu có độ tuổi trung bình là 41,1 ± 6,3 tuổi. Chỉ số phân mảnh DNA có sự cải thiện đáng kể ở mẫu sau 3 giờ xuất tinh (23,7 ± 16,0% với 34,6 ± 19,4%; p ≤ 0,0001). Phân tích hồi qui đa biến cho thấy độ tuổi trẻ hơn (40,3 ± 6,0 với 42,1 ± 8,1 tuổi; p = 0,03; 95% CI 0,84–0,99) và có sử dụng thuốc chống oxy hoá (34% với 17%; p = 0,02; 95% CI 1,25–19,8) có tương quan đến sự cải thiện hơn 30% SDF. Ở 44 bệnh nhân có chỉ số tinh dịch bất thường, có sự cải thiện về chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng ở mẫu xuất tinh sau 3 giờ từ 40,0 ± 20,5 xuống 26,9 ± 15,9% (p ≤ 0,0001). Ở 68 bệnh nhân có các chỉ số tinh dịch đồ bình thường, sự phân mảnh DNA tinh trùng cũng được quan sát thấy, SDF giảm từ 34,4 ± 18,7 xuống 24,0 ± 16,8% (p ≤ 0,0001) ở mẫu xuất tinh sau 3 giờ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy phân mảnh DNA tinh trùng có thể giảm ở mẫu xuất tinh thứ 2 sau 3 giờ kiêng tính từ thời điểm xuất tinh lần đầu tiên ở cả nam giới có kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ bình thường và bất thường.

Nguồn: Three hour abstinence as a treatment for high sperm DNA fragmentation: a prospective cohort study. Journal of Assisted Reproduction and Genetics. 10.1007/s10815-020-01999-w 2020.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK