Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 30-11-2020 1:01pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

ThS. Lê Thị Bích Phượng- Chuyên viên phôi học- IVFMD Phú Nhuận

Trong khi mối tương quan giữa hình thái phôi, tiềm năng phát triển và tính toàn vẹn di truyền của phôi vẫn còn gây nhiều tranh cãi thì việc lựa chọn phôi có tiềm năng làm tổ cao nhất vẫn còn là thách thức trong hỗ trợ sinh sản. Hiện nay đa phần các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm lựa chọn phôi dựa trên đánh giá hình thái phôi. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy mối tương quan giữa hình thái và tiềm năng làm tổ của phôi vẫn còn yếu. Nhiều trung tâm IVF có chính sách chuyển phôi tươi giai đoạn phôi phân chia ngày 2 hoặc ngày 3. Các tiêu chí đánh giá hình thái phôi phân chia bao gồm số lượng phôi bào, mức độ đồng đều của phôi bào và mức độ phân mảnh của phôi. Do đó, một tỉ lệ lớn phôi giai đoạn phân chia có thể bị loại bỏ do chất lượng kém và tiên lượng không tốt để làm tổ. Ngày nay, hệ thống nuôi cấy phôi phát triển hơn cho phép nuôi cấy phôi dài ngày và lựa chọn phôi nang để chuyển cho bệnh nhân. Một vài nghiên cứu báo cáo rằng phôi phân chia chất lượng kém nuôi cấy đến giai đoạn phôi nang vẫn có khả năng làm tổ và phát triển thành trẻ sinh sống khoẻ mạnh. Tiềm năng phát triển của phôi phân chia chất lượng kém cho đến nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Do đó, Fatemeh Taheri và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu này nhằm đánh giá đặc điểm di truyền của phôi nang phát triển từ phôi phân chia chất lượng kém để đánh giá tính hữu dụng của các phôi này.

Nghiên cứu tiến cứu thực hiện từ tháng 08/2015 đến tháng 02/2017. Phôi được chia thành 3 nhóm: nhóm 1 (n=41) gồm phôi chất lượng tốt từ những bệnh nhân thực hiện PGT-A, nhóm 2 và nhóm 3 gồm những phôi đã bị loại bỏ do không đủ chất lượng để chuyển hoặc trữ, phôi nhóm 2 (n=31) được nuôi cấy đến giai đoạn phôi phân chia ngày 3 và sinh thiết, phôi nhóm 3 (n= 27) được nuôi cấy đến giai đoạn phôi ngày 5 sau đó được đánh giá hình thái và sinh thiết.

Nghiên cứu thực hiện trên 72 phôi phân chia và 27 phôi nang của 99 bệnh nhân có độ tuổi từ 28,75 ± 4,11 (nhóm 1); 29,35 ± 3,64 (nhóm 2) và 30,44 ± 3,30 (nhóm 3). Kết quả FISH phân tích trên 5 nhiễm sắc thể cho thấy tỉ lệ phôi nguyên bội ở nhóm 1 và 2 tương ứng là 56,1% và 38,7%. Thể tam nhiễm và đơn nhiễm ở nhiễm sắc thể 13 có tần suất xuất hiện nhiều nhất ở 3 nhóm phôi. Ở nhóm 3, tỉ lệ phôi nguyên bội chiếm 55,5%; hơn một nửa phôi nang phát triển từ phôi phân chia bị loại bỏ có chất lượng tốt khi đánh giá dựa trên hình thái phôi. Tỉ lệ phôi khảm không có sự khác biệt giữa nhóm 2 và 3 (25,8% với 37,0%, p = 0,28).

Kết quả nghiên cứu này cho thấy phôi phân chia chất lượng kém bị loại bỏ trong quá trình đánh giá và sử dụng phôi vẫn có thể phát triển thành phôi nang nguyên bội khi đánh giá trên 5 nhiễm sắc thể. Kết quả nghiên cứu này cung cấp thêm bằng chứng cho việc sử dụng phôi phân chia chất lượng kém, giúp bệnh nhân có thêm cơ hội chuyển phôi và mang thai.

Nguồn: Generation of viable blastocysts from discarded human cleavage embryos. Middle East Fertility Society Journal. 10.1186/s43043-020-00028-1 2020.
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK