Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 27-03-2021 2:45pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
NHS Vũ Thị Phương Thảo – Phòng khám Ngọc Lan

1. Giang mai là gì?
 
Giang mai là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (sexually transmitted disease (STD)), mắc phải khi quan hệ tình dục không an toàn hoặc tiếp xúc thân mật với người bị nhiễm bệnh. Có thể bị giang mai từ quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng mà không được bảo vệ. Cũng có thể mắc bệnh giang mai bằng cách tiếp xúc trực tiếp như đụng chạm hoặc hôn một người bị nhiễm giang mai. Các vết loét thường có trên bộ phận sinh dục ngoài hoặc trong âm đạo, hậu môn hoặc trực tràng, hoặc cũng có thể ở môi và trong miệng.
 
Nếu mắc bệnh giang mai và không được điều trị ngay, thai phụ có thể truyền bệnh cho thai nhi. Có tới 40% trẻ sinh ra từ những người mẹ bị giang mai không được điều trị sẽ chết vì nhiễm bệnh. Hầu hết giang mai được truyền từ mẹ sang con trong khi mang thai, nhưng cũng có thể lây trong khi sinh con qua ngả âm đạo. Khi bé sinh ra đã bị giang mai, thì gọi là giang mai bẩm sinh.
 
Trong lần khám thai đầu tiên, bác sĩ sẽ làm xét nghiệm máu để kiểm tra các bệnh STD, trong đó có giang mai. Bác sĩ cũng hỏi về bệnh sử để xem liệu thai phụ có thể có nguy cơ mắc bệnh giang mai hay không. Bác sĩ có thể hỏi về chuyện quan hệ tình dục, cách sử dụng biện pháp bảo vệ,... Nếu thai phụ đã từng bị STD, bác sĩ có thể cho xét nghiệm lại trong tam cá nguyệt thứ ba và sau khi sinh con.
 
2. Bị giang mai khi mang thai có thể ảnh hưởng đến thai nhi không?
 
Bị giang mai có thể gây ra các vấn đề:
 
  • Thai sẩy hoặc lưu trước 20 tuần.
  • Sinh non: sinh trước 37 tuần.
  • Thai chậm tăng trưởng trong tử cung: bé nhỏ so với tuổi thai và nhẹ cân.
  • Các vấn đề về bánh nhau và dây rốn: Giang mai bẩm sinh có thể gây phù bánh nhau và dây rốn, ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp oxy và dinh dưỡng cho thai.
  • Thai chết lưu trong tử cung sau 20 tuần.
     
Mắc giang mai khi mang thai cũng có thể gây ra vấn đề cho bé sau khi sinh, bao gồm tử vong sơ sinh và tình trạng sức khỏe nghiêm trọng suốt đời cho bé. Tử vong sơ sinh là khi bé mất trong 28 ngày đầu đời.
 
Thai chết lưu và tử vong sơ sinh có nhiều khả năng xảy ra với bé nếu mẹ mắc giang mai và không được điều trị.
 
3. Những dấu hiệu và triệu chứng của giang mai là gì và giang mai được điều trị như thế nào?
 
Các dấu hiệu và triệu chứng của giang mai phụ thuộc vào thời gian bệnh nhân bị nhiễm bệnh và thời gian điều trị. Ngay cả khi các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhân biến mất mà không cần điều trị, bệnh cũng có thể trở nên tồi tệ hơn. Nếu phụ nữ có thai bị giang mai được điều trị trước 26 tuần, thai nhi có thể an toàn không bị nhiễm bệnh. 
 
Các dấu hiệu và triệu chứng của giang mai xảy ra theo thời gian trong các giai đoạn, tùy thuộc vào việc có được điều trị hay không. Điều trị thường sử dụng kháng sinh là penicillin. Điều trị có thể ngăn bệnh tiến triển sang giai đoạn tiếp theo, vì vậy điều quan trọng là phải điều trị ngay khi biết bệnh nhân bị nhiễm bệnh.
 
Các giai đoạn của giang mai gồm:
 
- Giang mai nguyên phát: dấu hiệu đầu tiên của giang mai là một vết loét nhỏ, cứng, không đau được gọi là săng giang mai, thường phát triển ở vùng sinh dục hoặc âm đạo. Bệnh nhân có thể có một hoặc một vài vết loét, kéo dài trong khoảng 6 tuần, ngay cả khi được điều trị.
 
- Giang mai thứ phát: trong giai đoạn thứ hai, bệnh nhân có vết loét và phát ban ở lòng bàn tay và dưới chân. Bệnh nhân cũng có thể bị:
 
  • Sốt
  • Hạch bạch huyết sưng to
  • Đau họng
  • Rụng tóc
  • Nhức đầu
  • Sụt cân
  • Đau cơ và mệt mỏi
     
- Giang mai tiềm ẩn: trong giai đoạn này, các dấu hiệu và triệu chứng biến mất, nhưng bệnh nhân vẫn đang nhiễm bệnh. Nhiễm trùng có thể ở trong cơ thể người bệnh trong nhiều năm mà không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. 
 
- Giang mai muộn: nếu không được điều trị, bệnh nhân có thể có các dấu hiệu và triệu chứng sau này trong cuộc sống gồm:
 
  • Gặp vấn đề về thị lực, như mù lòa
  • Tổn thương các cơ quan nội tạng, kể cả tim
  • Gặp vấn đề về thần kinh, có thể ảnh hưởng đến não, tủy sống và dây thần kinh khắp cơ thể. Bệnh nhân cũng có thể bị chứng mất trí, gặp vấn đề về suy nghĩ, ghi nhớ, giao tiếp và thực hiện các hoạt động hàng ngày.
     
Nếu bị giang mai nguyên phát hoặc thứ phát, một mũi penicillin thường có thể chữa khỏi. Nếu mắc giang mai tiềm ẩn hoặc muộn, bệnh nhân có thể cần tiêm nhiều hơn.
 
4. Làm thế nào để bảo vệ mình khỏi giang mai?
 
Đây là những gì chúng ta có thể làm:
 
  • Không quan hệ tình dục: đây là cách tốt nhất để bảo vệ bạn khỏi STD, bao gồm cả giang mai.
  • Nếu có quan hệ tình dục,  nên quan hệ tình dục an toàn. Quan hệ tình dục với chỉ một người, người này không quan hệ với nhiều bạn tình. Nếu không chắc chắn bạn tình của mình có bị STD hay không, hãy sử dụng phương pháp phòng ngừa. Các phương pháp phòng ngừa bao gồm bao cao su nam và nữ và màng chắn miệng hoặc màng cao su quan hệ bằng miệng (dental dam hoặc rubber dam). 
  • Kiểm tra chăm sóc sức khoẻ trước khi sinh, ngay cả khi cảm thấy sức khoẻ tốt. Nhiều trường hợp mắc giang mai xảy ra ở những phụ nữ không được chăm sóc kiểm tra trước khi sinh. Khi kiểm tra chăm sóc trước khi sinh, bác sĩ sẽ đưa ra các câu hỏi để xem thai phụ có nguy cơ mắc giang mai và các bệnh nhiễm khác có thể ảnh hưởng đến thai kỳ không. Nếu có nguy cơ mắc giang mai, bác sĩ sẽ cho xét nghiệm máu để xem thai phụ có bị nhiễm hay không.
  • Xét nghiệm và điều trị: nếu nghĩ rằng mình có thể mắc giang mai, hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức. Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm và bắt đầu điều trị nếu có nhiễm bệnh. Khi điều trị càng sớm, thai phụ và bé càng ít bị biến chứng. 
  • Yêu cầu người chồng cũng phải được xét nghiệm và điều trị giang mai. Vì nếu người chồng bị nhiễm bệnh, thai phụ có thể bị tái nhiễm. 
Các tin khác cùng chuyên mục:
Vô sinh nam do lối sống - Ngày đăng: 25-08-2020
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK