Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 06-08-2020 8:09am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
BS Lê Tiểu My

Trước đây, giới hạn vận động là một trong những phương cách áp dụng cho những bệnh nhân có nguy cơ sinh non hoặc dấu hiệu doạ sinh non (gò tử cung, mở cổ tử cung,…), tăng huyết áp thai kỳ v.v… Tuy nhiên, các nghiên cứu về giới hạn vận động đều cho thấy không mang lại lợi ích cải thiện kết cục, ngược lại còn mang đến những tác động bất lợi.
 

Một số chỉ định của giới hạn vận động hoặc nằm nghỉ tại giường thường gặp:
  • Sinh non
  • Vỡ ối non
  • Cổ tử cung ngắn, khâu cổ tử cung
  • Tiền sản giật hoặc các rối loạn huyết áp khác
  • Đa thai có nguy cơ sinh non
  • Nhau tiền đạo hoặc nhau bám bất thường
  • Bệnh tim
  • Thai giới hạn tăng trưởng
  • Xuất huyết tam cá nguyệt 2 và 3 trong thai kỳ
  • Doạ sẩy thai
Giới hạn vận động có nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, được hiểu là vận động ít hơn so với thường nhật. Trong những nghiên cứu đánh giá về giới hạn vận động cũng có nhiều định nghĩa khác nhau, từ “nằm tại giường” – không vận động hay chỉ vận động 1-2 giờ/ ngày để vệ sinh, tắm rửa; hoặc nằm nghỉ 3 lần mỗi ngày trong vòng 1 giờ. Hạn chế vận động còn bao gồm cả không tập thể dục, không nhấc đồ nặng, không làm việc. Đến nay vẫn chưa có hệ thống nào giúp đánh giá mức độ hạn chế vận động. Hầu hết các nghiên cứu đánh giá chủ yếu dựa trên ghi nhận của bệnh nhân nên chứng cứ hiện tại còn nhiều hạn chế. Tuy vậy, hầu hết các hiệp hội Y khoa uy tín như Hội Sản Phụ khoa Canada, Hội Sản Phụ khoa Hoàng gia (Anh) đều tuyên bố nằm tại giường không cải thiện kết cục sản khoa và không khuyến cáo áp dụng trong thực hành. Hơn thế nữa, hạn chế vận động có thể gây nhiều tác hại về thể chất và tâm thần, đặc biệt khi nằm tại giường tuyệt đối trong thời gian mang thai. Về thể chất, bệnh nhân có thể bị teo cơ, giảm dung tích phổi, táo bón, tăng nguy cơ huyết khối hoặc nhiễm trùng, kháng insulin, đau cơ, mệt mỏi, mất ngủ… Không những vậy, lo lắng về tình trạng thai kèm theo hạn chế vận động có thể ảnh hưởng tâm thần. Trong tình trạng sợ mất con, nằm tại chỗ khiến bệnh nhân suy nghĩ nhiều hơn, chán nản, khó tập trung, gia tăng căng thẳng cho người thân trong gia đình, trầm cảm… Ngoài ra, hạn chế vận động, không làm việc khiến giảm thu nhập, lại tăng thêm áp lực.
Society for Maternal – Fetal Medicine vừa công bố khuyến cáo về vai trò của giới hạn vận động trong thai kỳ, theo đó:
  1. Không áp dụng thường quy bất kỳ dạng nào của hạn chế vận động trong thai kỳ ở những trường hợp nguy cơ sinh non dựa trên các triệu chứng sinh non, sau doạ sinh non hoặc cổ tử cung ngắn (Mức 1B).
  2. Không áp dụng điều trị nội trú thường quy hoặc hạn chế vận động để dự phòng sinh non ở những thai phụ đa thai (Mức 1A).
  3. Hiện nay còn thiếu chứng cứ cho thấy hạn chế vận động có thể cải thiện kết cục thai kỳ ở những thai kỳ có giới hạn tăng trưởng trong tử cung, vỡ ối non trên thai non tháng hoặc tăng huyết áp thai kỳ, cộng với những tác dụng bất lợi của hạn chế vận động, khuyến cáo không chỉ định hạn chế vận động trong những trường hợp trên (Mức 2B).
 
Lược dịch từ: Society for Maternal-Fetal Medicine Consult Series #50: The role of activity restriction in obstetric management.
 
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK