Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 31-07-2020 4:22pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
BS Lê Tiểu My

Trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây, tỷ lệ mổ lấy thai có khuynh hướng gia tăng toàn cầu, có những khu vực lên đến hơn 35% như Mỹ latinh. Cùng với những tai biến do mổ lấy thai như nhiễm trùng, tăng nguy cơ xuất huyết, người ta bắt đầu lo ngại về những ảnh hưởng cho những thai kỳ tiếp theo sau, như nguy cơ nhau bám bất thường, vỡ tử cung, thai bám sẹo mổ cũ và gần đây là khuyết sẹo mổ.

Khuyết sẹo mổ lấy thai có thể gây triệu chứng xuất huyết tử cung bất thường, đau vùng chậu mạn tính hoặc có thể liên quan đến hiếm muộn thứ phát. Việc đánh giá sẹo mổ ngoài giai đoạn mang thai nhằm tiên lượng cho thai kỳ tiếp theo đã được khảo sát qua nhiều nghiên cứu. Một nghiên cứu mới công bố kết quả trên tạp chí The journal of Maternal – Fetal & Neonatal Medicine đã được thực hiện nhằm trả lời câu hỏi: Có hay không mối liên quan giữa bề dày cơ tử cung còn lại (residual myometrial thickness – RMT) của sẹo MLT và nguy cơ vỡ tử cung, nứt sẹo mổ ở thai kỳ sau mổ.

Đây là nghiên cứu đoàn hệ trên 149 trường hợp sau mổ lấy thai lần đầu được siêu âm ngả âm đạo khảo sát sẹo mổ từ 6-15 tháng sau phẫu thuật. Sau đó, tất cả các phụ nữ này được theo dõi kết cục thai kỳ cho những lần mang thai tiếp theo và đánh giá nguy cơ vỡ tử cung, nứt sẹo mổ. Kết quả phân tích nguy cơ được thực hiện ở ngưỡng cắt bề dày cơ tử cung còn lại ở vị trí sẹo mổ - RMT < 3mm.

Trong số tổng cộng 149 trường hợp tham gia nghiên cứu có 39 trường hợp được MLT lại (14 trường hợp mổ chương trình và 25 trường hợp cấp cứu). Trong nhóm những bệnh nhân này có 1 thai phụ vỡ tử cung và 5 trường hợp nứt vết mổ. Tỷ lệ RMT mỏng (<3mm) ở những trường hợp vỡ tử cung hoặc nứt vết mổ này cao hơn có ý nghĩa so với nhóm chứng (4/33 trường hợp); tỉ số khả dĩ 5,5 (95% CI 1,9 – 16,2).

Nhóm nghiên cứu cho rằng, bề dày cơ tử cung còn lại tại vị trí sẹo MLT mỏng trên siêu âm ngả âm đạo ở những bệnh nhân có tiền căn mổ lấy thai liên quan đến nguy cơ vỡ tử cung và nứt sẹo mổ ở những lần mang thai tiếp sau đó. Dù nghiên cứu còn hạn chế, cỡ mẫu nhỏ, nhưng thông tin này cũng góp phần cung cấp dữ liệu về những ảnh hưởng dài hạn của mổ lấy thai, cũng như thông tin tư vấn, tiên lượng cho bệnh nhân khi mang thai lại.
 
Lược dịch từ: Cesarean scar thickness in non-pregnant woman as a risk factor for uterine rupture The Journal of Maternal – Fetal & Neonatal Medicine – Jan 2020 -  https://doi.org/10.1080/14767058.2020.1719065
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
Đa Thai - Ngày đăng: 23-07-2020
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK