Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 29-07-2020 7:43am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

CTV Nguyễn Vĩnh Xuân Phương

Hút thuốc lá đã được chứng minh có liên quan đến việc gia tăng nồng độ testosterone và làm giảm chất lượng tinh dịch, trong khi đó việc sử dụng thuốc lá điện tử hoặc thuốc hít có ảnh hưởng đến chức năng của tinh hoàn hay không vẫn chưa được khẳng định.

Một nghiên cứu cắt ngang mới đây đăng năm 2020 được thực hiện trên dân số chung gồm 2008 nam giới cung cấp thông tin về hút thuốc lá và hút cần sa (tham gia nghiên cứu từ năm 2012 đến năm 2018), trong đó có 1221 người có thêm thông tin về hút thuốc lá điện tử và thuốc hít (tham gia nghiên cứu từ năm 2015 đến năm 2018).

Tuổi trung vị của nhóm nghiên cứu là 19 tuổi. Đối tượng tham gia nghiên cứu cung cấp mẫu máu, tinh dịch và điền vào một bảng câu hỏi về lối sống bao gồm thông tin về hành vi hút thuốc. Những mối liên quan giữa các loại hút thuốc (hút thuốc lá điện tử, thuốc hít, cần sa và hút thuốc lá thông thường) và nội tiết tố sinh sản (bao gồm testosterone tự do và toàn phần, SHBG, LH, oestradiol và tỉ lệ inhibin B/FSH, testosterone/LH và testosterone/LH tự do) và các thông số tinh dịch (bao gồm tổng số tinh trùng và mật độ tinh trùng) đều được đánh giá bằng phương pháp phân tích hồi quy tuyến tính đa biến và đều được hiệu chỉnh các yếu tố gây nhiễu.

Khoảng một nửa số nam giới (52%) hút thuốc, 13% sử dụng thuốc lá điện tử, 25% sử dụng thuốc hít và 33% sử dụng cần sa. Người sử dụng thuốc lá điện tử và cần sa thường cũng kèm theo hút thuốc. So với người không sử dụng, người sử dụng thuốc lá điện tử hằng ngày có số lượng tinh trùng thấp hơn đáng kể (91 triệu so với 147 triệu). Tương tự, người hút thuốc lá hằng ngày cũng có số lượng tinh trùng thấp hơn so với người không hút thuốc (103 triệu so với 139 triệu) khi phân tích hiệu chỉnh. Hơn nữa, nhóm hút thuốc có nồng độ testosterone tự do và toàn phần cao hơn đáng kể. Cụ thể, nhóm hút thuốc hằng ngày và nhóm hút không thường xuyên đều có nồng độ testosterone toàn phần cao hơn nhóm không hút thuốc là 6.2% và 4.1%. Tương tự, hai nhóm có tiếp xúc với thuốc lá kể trên cũng có nồng độ testosterone tự do cao hơn nhóm không hút thuốc, đều là 6.2%. Tuy nhiên, khác biệt về nồng độ testosterone lại không được ghi nhận trong nhóm sử dụng thuốc lá điện tử. Người sử dụng cần sa hằng ngày có nồng độ testosterone toàn phần cao hơn người không sử dụng cần sa. Các tác giả không tìm thấy mối liên quan giữa việc sử dụng thuốc hít và thay đổi các chỉ dấu phản ánh chức năng tinh hoàn.

Nghiên cứu không loại trừ được việc kết quả có bị ảnh hưởng bởi các yếu tố gây nhiễu do các tác nhân liên quan đến hành vi hay không. Số người sử dụng thuốc lá điện tử hằng ngày còn bị hạn chế và các kết quả này cần được chứng minh từ các nghiên cứu khác.

Đây là nghiên cứu trên người đầu tiên chỉ ra rằng không chỉ hút thuốc lá mà hút thuốc lá điện tử có liên quan đến giảm số lượng tinh trùng. Điều này có thể là kiến thức quan trọng cho nam giới đang có kế hoạch có con vì thuốc lá điện tử thường được xem là ít gây hại hơn hút thuốc lá thông thường.

Nguồn: Holmboe, S. A., Priskorn, L., Jensen, T. K., Skakkebaek, N. E., Andersson, A. M., & Jørgensen, N. (2020). Use of e-cigarettes associated with lower sperm counts in a cross-sectional study of young men from the general population. Human reproduction (Oxford, England)35(7), 1693–1701.

Các tin khác cùng chuyên mục:
Đa Thai - Ngày đăng: 23-07-2020
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK