Có thể nói không mấy phụ nữ biết thật rõ về ung thư vú, nhưng nỗi ám ảnh về căn bệnh này lại rất lớn. Vì thế hễ cứ thấy có gì là lạ trong ngực, nhiều người lập tức nghĩ đến ung thư, mà lại giữ lấy nỗi lo âu một mình dẫn đến mất ăn mất ngủ, sụt cân, chỉ vì một dấu hiệu… chẳng hề gì.
Không ít thiếu phụ tuổi trung niên đến gặp bác sĩ với nét mặt đăm chiêu: “Tôi có một cục ở vú, lớn bằng đầu ngón tay cái, mà “hạch” này sờ vào nó “chạy” dữ lắm, đau ê ê, mới thấy gần đây thôi”. Người đẹp yên lặng, gần như nín thở theo dõi nét mặt thầy thuốc khám bệnh, rồi trở nên vô cùng căng thẳng khi bác sĩ cho biết có một “bọc nước” nhỏ trong vú.
Bác sĩ bình thản lấy kim chọc nhẹ vào đó, rút ra độ 3 - 4 cc nước hơi đục, thế là cái bướu xẹp hoàn toàn. Khi được biết đây chỉ là bướu lành, có bệnh nhân bật dậy mắt sáng rỡ, có người thì nước mắt ràn rụa: “Không phải ung thư hả bác sĩ? Trời ơi! Mấy hôm nay không ăn không ngủ, người ta nói tuổi này mà có cục hạch như vậy chắc là… dữ rồi”.
Trường hợp ngược lại, nhiều phụ nữ sờ thấy rõ một cục ở trong ngực chỉ bằng hột đậu phọng mà vẫn vô tình bỏ qua, đến khi nó phát triển lớn cỡ hột nhản mới nghĩ đến chuyện đi khám: “Ai mà biết, thấy không đau điếc gì, vẫn ăn ngủ bình thường.
Tưởng ung thư thì phải đau chớ?”. Người bệnh đâu biết là thời kỳ khởi phát ung thư rất im lìm, tưởng hiền lành mà lại rất hiểm. Bướu ung thư lại thường chắc hoặc cứng, không gây đau và người bệnh vẫn khỏe mạnh. Còn bướu lành thường tròn, sờ thấy mặt trơn láng “chạy tới chạy lui” dưới ngón tay khám, có thể hơi lớn thêm và hơi đau nhức khi gần tới ngày hành kinh.
Mặc dù hàng ngày luôn phải tiếp xúc với những nỗi đau, nhưng nhiều thầy thuốc chuyên khoa vẫn hết sức chạnh lòng mỗi khi đi thăm trại bệnh ung thư vú, tuy phải giữ vẻ bình tĩnh bề ngoài mà trong dạ thật bùi ngùi. Bởi cứ khoảng mười người bệnh thì có tới ba người mang vú lở loét, thậm chí hôi thúi.
Đó là trường hợp những chị em ban đầu sờ trong ngực thấy cục u nhỏ bằng đầu ngón tay cái, rồi nghe lời bày biểu dán các loại thuốc cao, thuốc gia truyền và giã lá cây (lá sống đời, lá đu đủ, cây chó đẻ, hột lình lịch, cây xuyên tâm liên, lá vòi voi…) đắp ngực để … rút mủ lấy cùi. Lúc đó trong người vẫn bình thường nên chị em không nghĩ phải đi bệnh viện mà cứ ở nhà chờ “cùi” ra, rồi đến khi da vú lở loét hay chảy máu thì mừng và cho là … máu độc ra.
Thông thường phụ nữ không dễ để ai sờ mó vào ngực mình, dầu có bệnh gì đi nữa. Vậy mà khi một bà thầy hay ông lang lý luận “Cục u nhỏ cỡ đó mà không đau, do máu độc chớ gì”, nhiều chị em rất tin tưởng và yên tâm để cho châm cứu (thật ra là chỉ dùng kim châm ngay vào bướu vú) hoặc cắt lễ.
Nào ngờ chỉ một vài tháng sau, cục u to cứng lên và đỏ ửng, hạch nách sờ thấy cộm. Đó là tình trạng bùng phát theo từ y học, còn nói theo dân gian thì đã… chọc trúng ổ kiến lửa! Một khi bệnh bị kích thích bùng phát lên như thế, thầy thuốc chuyên khoa chỉ còn cách trị liệu tạm bợ, vì “chọc” nó nên ung thư thời kỳ 1 tiến qua thời kỳ 3 hoặc 4 chỉ trong vài tháng. Đúng là nhiều phụ nữ chưa được cảnh giác về tính âm thầm và hiểm ác của ung thư vú.
Thế nhưng, ai là người dễ bị ung thư vú?
Từ tuổi 30, phụ nữ có thể bị ung thư vú. Tuổi trẻ hơn, hiếm gặp. Dưới 25 tuổi, thường là các bệnh lành. Phần lớn ung thư vú xảy đến cho phụ nữ trong độ tuổi 35 - 45, nguy cơ càng tăng lên khi người phụ nữ lớn tuổi hơn.
Phụ nữ phương Tây có nguy cơ ung thư vú rất cao so với phụ nữ châu Á. Hiện nay ung thư vú là loại thường gặp nhất ở phụ nữ nước ta. Theo số liệu công bố mới đây, ở Hà Nội hàng năm cứ 100.000 phụ nữ thì có 30 người phát hiện bị ung thư vú, còn tại TP HCM con số này là 20.
Các yếu tố sau đây càng làm tăng nguy cơ: trong gia đình đã có người bị ung thư vú (mẹ, chị, em ruột), xáo trộn di truyền do sự thay đổi đột biến của gen (BRCA 1, BRCA 2 và vài gen khác).
Ngoài ra, càng chịu tác động lâu dài của estrôgen thì nguy cơ càng gia tăng, thí dụ như phụ nữ bắt đầu có kinh nguyệt sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh trễ (sau 55 tuổi), hoặc dùng nhiều liệu pháp nội tiết thay thế sau mãn kinh trong thời gian dài; chưa bao giờ sinh con hay có con đầu lòng trễ (sau 30 tuổi). Phụ nữ hút thuốc và uống rượu cũng tăng nguy cơ ung thư vú; chế độ dinh dưỡng nhiều thịt và chất béo, cơ địa béo phì, cũng dễ bị ung thư hơn…
Vậy thì, làm sao biết được ung thư vú?
Như đã nói, ung thư sớm thường không gây đau đớn. Nhưng khi phát triển nó có thể gây ra các xáo trộn cần lưu ý, chẳng hạn:
- Một cục hoặc một chỗ dày lên ở trong vú hay ở trong nách.
- Có sự thay đổi hình dáng của vú.
- Chất dịch tiết ra ở núm vú hoặc núm vú thụt vào.
- Thay đổi ở da vú, quầng vú, núm vú (đỏ, sưng, ngứa).
Cần đến bác sĩ ngay khi thấy bất cứ triệu chứng nào kể trên. Tuy phần lớn không phải là ung thư, nhưng cần thiết để bác sĩ khám định rõ bệnh và điều trị càng sớm càng tốt. Tóm lại, phụ nữ trên 30 tuổi, hễ sờ nắn trong vú thấy có một cục, dù không đau hoặc hơi đau, cũng nên đi khám ngay.
Và liệu có thể phát hiện bệnh thật sớm?
Kinh nghiệm cho thấy việc tầm soát để phát hiện sớm ung thư vú mang đến hiệu quả rõ rệt. Vì vậy, dẫu bận bịu thế nào chị em phụ nữ cũng nên ráng nhín chút thời giờ để đi khám sức khỏe toàn diện định kỳ mỗi năm một lần. Đặc biệt là khám ngực, khám lâm sàng tuyến vú (do bác sĩ hoặc chuyên viên khám), hay siêu âm vú.
Chụp nhũ ảnh là phương pháp tốt để rà tìm các xáo trộn ở vú. Việc này nên được thực hiện từ tuổi 40, vì tuổi nhỏ hơn không có lợi do ngực “dầy” quá. Nhũ ảnh có thể cho thấy vài đốm vôi li ti trong vú, đây có thể là triệu chứng sớm của ung thư. Tuy nhiên nhũ ảnh cũng có một số hạn chế, như có thể bỏ sót vài ung thư (âm tính giả), hoặc ghi nhận các dấu hiệu ung thư mà thực sự là xáo trộn lành tính (dương tính giả).
Cũng đừng quá mê tín nhũ ảnh, nên nhớ ngực nhỏ hay ngực mỏng thì khi “ép vú” (chụp nhũ ảnh) có thể rất đau, mà khám tay lại dễ phát hiện bất thường trong vú.
Siêu âm là xét nghiệm không độc hại và góp phần đáng kể trong việc giúp tìm ra các loại xáo trộn của vú trong đó có ung thư. Các bác sĩ siêu âm trong nước đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm giúp phát hiện sớm một số ung thư vú.
Ngoài ra, phụ nữ nên thực hành tự khám vú, bắt đầu khoảng tuổi đôi mươi (từ khi có ngực) và nên tự khám sau mỗi kỳ hành kinh. Với người đã mãn kinh cũng cần tiến hành hàng tháng. Việc tự khám đều đặn giúp chị em biết rõ tình trạng mỗi bên vú nên rất dễ nhận ra một khi có biểu hiện bất thường.
Có thể tự khám vú bằng cách đứng trước gương, ở trần, buông xuôi hai tay, rồi đổi tư thế: hai tay để phía sau mông, nghiêng nhẹ người tới trước. Quan sát cả hai vú xem có thay đổi gì về kích thước (một bên lớn hơn thường lệ, hoặc teo nhỏ lại), da vú (da chuyển màu cam, hay lõm xuống). Ấn nhẹ núm vú xem có máu hoặc chất dịch tươm ra ở đầu vú không.
Tiếp theo, nằm ngửa, kê gối dưới vai bên phải, tay phải để sau ót, bàn tay trái xòe thẳng nhẹ nhàng ép sát tuyến vú vào thành sườn, bắt đầu từ phần trên, rồi đến phần dưới của vú, cuối cùng là núm vú, nhằm tìm xem có khối u hay khối bướu nào không. Có thể chia vú ra thành bốn phần để khám lần lượt, không bỏ sót chỗ nào. Khi khám vú trái thì đổi ngược tư thế lại. Khám cả vùng nách để tìm hạch.
Quan trọng nhất là phải khám đúng cách. Thay vì xòe cả bàn tay ép nhẹ nhàng xuống tuyến vú, nhiều người lại lấy hai ngón tay kẹp tuyến vú, hoặc dùng hết mấy ngón tay bóp nặn cả vú, để rồi hốt hoảng khi cảm nhận hình như có khối bướu (Đặc biệt các thiếu nữ tuổi dậy thì ngực nảy nở, tuyến sữa đang phát triển khiến cho cảm giác có cục u, nhất là lúc sắp hành kinh ngực căng lên thấy như có nhiều cục lộm cộm).
Đây là điều rất thường gặp, khiến không ít phụ nữ phải hao phí nhiều giọt nước mắt, đồng thời là cơ hội giúp thầy thuốc chuyên môn có dịp ngắm những nụ cười rạng rỡ, bởi sau khi khám kỹ lại thì… chẳng có cục u cục bướu nào cả!
Theo BS NGUYỄN CHẤN HÙNG
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...