Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 08-06-2006 2:08pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin cộng đồng

Thạc sĩ Bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan - Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Từ Dũ

Thụ tinh trong ống nghiệm với trứng của người hiến trứng và tinh trùng của người chồng của cặp vợ chồng hiếm muộn, sau đó, phôi có được sẽ được cấy vào buồng tử cung của người vợ. Nhờ kỹ thuật này, người vợ bị hiếm muộn do nguyên nhân buồng trứng suy yếu vẫn có thể mang thai và sanh đẻ bình thường. Kỹ thuật TTTON với trứng hiến tặng thành công trên thế giới từ năm 1984, kỹ thuật này hiện nay được áp dụng rộng rãi ở hầu hết các trung tâm TTTON trên thế giới.
Những số phận …
Một cặp vợ chồng đã trên 40 tuổi có 2 con ngoan ngoãn, học giỏi. Gia đình đang hạnh phúc thì tai họa ập đến, cả 2 đứa trẻ đều mất trong một tai nạn. Hai vợ chồng như điên loạn, cuộc sống bỗng chốc không còn ý nghĩa đối với họ! Họ quyết định phải có con, nhưng…
Một cặp vợ chồng trẻ, công việc ổn định, sau khi lập gia đình một thời gian, người vợ phát hiện có u buồng trứng, phải mổ. Sau đó bệnh lại tái phát, sau 2 lần phẫu thuật, buồng trứng bị suy yếu rất nhiều. Nhiều năm sau đó, dù cố gắng chữa trị hai vợ chồng vẫn không thể có con. Mặc dù thương nhau, nhưng dưới áp lực gia đình, hạnh phúc của gia đình đứng trước nguy cơ tan vỡ… Ai biết được điều gì sẽ đến với người phụ nữ này trong quãng đời còn lại nếu gia đình tan vỡ…
Một người phụ nữ sau một thời gian phải bươn chải với cuộc đời cực khổ, sóng gió. Bằng nghị lực, chị đã vượt qua tất cả và có được một nghề nghiệp và vị trí trong xã hội. Lúc này chị mới có thể tìm được một người thương yêu mình và quyết định lập gia đình khi đã qua 40 tuổi. Chị mong muốn có con ngay, đó cũng là mong ước của anh. Đối với chị, đứa con sẽ minh chứng cho tình yêu của hai vợ chồng, sự đền đáp cho những gian truân chị đã trải qua trong cuộc đời và là đó cũng chính là niềm hy vọng của chị trong cuộc sống tương lai, nhưng ... Và còn nhiều, nhiều lắm những con người, những số phận mà tiến bộ y học có thể giúp họ, tìm lại được hạnh phúc, niềm vui, hy vọng trong cuộc đời nhiều bất trắc. Các trường hợp trên đều gặp một khó khăn chung là buồng trứng của người vợ đã suy yếu và không thể có con tự nhiên như những người phụ nữ khác. Với trứng của người hiến tặng những người phụ nữ trên có thể sẽ mang thai, sinh con với chính người mình yêu. Cuộc sống vẫn bộn bề, nhưng đối với họ, thực hiện được thiên chức làm mẹ, chăm sóc những sinh linh bé nhỏ do chính mình mang nặng đẻ đau có thể là những niềm hạnh phúc đến tột cùng.
Hiếm muộn xảy ra ở khỏang 1/6 các cặp vợ chồng trong tuổi sinh sản. Có nhiều nguyên nhân gây hiếm muộn, trong đó, suy giảm chức năng của buồng trứng đóng một vai trò quan trọng. Chức năng sinh sản của buồng trứng bắt đầu ở người phụ nữ từ lúc dậy thì, khi chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu xuất hiện và bắt đầu giảm dần từ 30 tuổi trở đi, đặc biệt là sau 35 tuổi, buồng trứng suy giảm rất nhanh. Sau 40 tuổi, gần 1/3 phụ nữ bình thường không còn có khả năng có thai tự nhiên, mặc dù tuổi mãn kinh thường trong khoảng từ 45 đến 50 tuổi. Ngoài ra, những trường hợp có bệnh lý về buồng trứng như u nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng, sau phẫu thuật ở buồng trứng cũng ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng và làm khả năng có con của phụ nữ giảm đi rất nhiều.
Kỹ thuật TTTON với trứng hiến tặng
Bí mật của những tế bào trứng
Hai buồng trứng của phụ nữ bình thường có khoảng vài triệu trứng. Sau khi dậy thì, mỗi tháng có một trứng “rụng” ở một trong 2 buồng trứng. Trứng sau khi “rụng”, đi vào vòi trứng và thụ tinh với tinh trùng của người chồng tạo thành phôi. Phôi sẽ đi vào tử cung và phát triển thành thai. Trong cả đời sống sinh sản của người phụ nữ từ lúc dậy thì đến khi tiền mãn kinh chỉ có tối đa hơn 300 trứng rụng, nếu người phụ nữ có dùng thuốc ngừa thai, số lần trứng rụng còn ít hơn nhiều. Thực tế, chỉ có vài trứng thụ tinh và phát triển thành thai. Hàng triệu tế bào trứng khác đều đều thoái hóa và tự tiêu trong quá trình phát triển và lớn lên của người phụ nữ.
Như vậy, sinh lý sinh sản của phụ nữ được qui định bởi tạo hóa là một quá trình rất hoang phí. Một người phụ nữ trong suốt cuộc sống chỉ sử dụng một vài trứng để sinh con đẻ cái, trong khi hàng triệu trứng khác ở 2 buồng trứng sẽ bị tự tiêu hủy.
Những phụ nữ không may mắn
Không may là quy luật hào phóng trên dù đúng với đa số phụ nữ nhưng không phải cho tất cả phụ nữ. Các thống kê cho thấy rằng có 1% phụ nữ do bẩm sinh hay do quá trình tiêu hủy tế báo trứng xảy ra nên bị “hết trứng” dù chưa đến 40 tuổi; tình trạng này gọi là “suy buồng trứng sớm”. Một số phụ nữ khác, do bệnh lý ở buồng trứng hay phẫu thuật trên buồng trứng làm buồng trứng bị “suy sụp” nhanh hơn bình thường nên cũng bị “hết trứng” sớm hơn.
Thống kê cho thấy khỏang 1/3 phụ nữ sau 40 tuổi đã không thể có con tự nhiên do buồng trứng suy giảm nhanh hơn bình thường, mặc dù vẫn còn chu kỳ kinh nguyệt. Mặt khác, khi buồng trứng bắt đầu suy yếu nhanh (từ 35 tuổi trở đi), khả năng bất thường của thai và em bé tăng nhanh do bất thường tế bào trứng.
Các lý do trên khiến một tỉ lệ không nhỏ phụ nữ khó có con thậm chí không thể có con do suy giảm trầm trọng chức năng buồng trứng.
Điều kỳ diệu của y học và cơ thể con người
Với sự thành công của TTTON vào năm 1978, người ta thấy rằng hiện tượng thụ tinh giữa trứng và tinh trùng người có thể diễn ra bên ngoài cơ thể. Kỳ diệu hơn nữa, vào năm 1984, người ta thấy rằng một người phụ nữ hoàn toàn có thể mang thai và sinh con khỏe mạnh với phôi tạo thành từ trứng của người phụ nữ khác. Thậm chí khoa học còn có thể làm hơn như thế nữa khi vào năm 1997, người ta công bố trường hợp một phụ nữ 63 tuổi, đã mãn kinh, vẫn có thể mang thai và sinh con khỏe mạnh với trứng hiến tặng.
Bằng các tiến bộ vượt bậc của Y học, các nhà khoa học nhận thấy tử cung của người phụ nữ vẫn còn khả năng mang thai một thời gian khá lâu, hơn 10 năm sau khi buồng trứng ngưng hoạt động (sau khi mãn kinh). Thành tựu này giúp những người phụ nữ mà buồng trứng suy yếu hoặc không còn hoạt động, vẫn có thể mang thai, sinh đẻ, thực hiện thiên chức thiêng liêng của phụ nữ. Có thể nói, tử cung người phụ nữ là cơ quan “bao dung” nhất trong cơ thể con người, thể hiện cao nhất bản chất của người phụ nữ.
Hiến tặng trứng – tinh thần tương trợ và tính nhân bản
Việc tự nguyện hiến tặng những tế bào sống cho các phụ nữ không máy mắn, giúp họ tìm lại niềm vui, hạnh phúc, thiên chức làm mẹ là một trong những hành vi tương trợ mang tính nhân bản cao nhất.


Chúng ta đều hiểu hiến máu từ lâu đã được được nhìn nhận và tôn vinh như một hành động nhân đạo cao cả. Hàng triệu triệu tế bào máu có trong một đơn vị máu có thể đóng góp phần quan trọng để cứu sống một con người. Hãy tưởng tượng, dù muốn hay không, mỗi tháng vẫn có hàng trăm, hàng ngàn thế bào trứng từ 2 buồng trứng của người phụ nữ tự tiêu hủy do qui luật sinh học. Chỉ cần một số rất nhỏ trong đó đã có thể góp phần tạo nên một mầm sống, một cuộc sống mới, mang lại niềm hạnh phúc, hy vọng mục đích sống của một người phụ nữ, hơn nữa đó có thể là hạnh phúc của cả một gia đình, một dòng tộc.
Mục đích cao đẹp nhất của cuộc sống là gì nếu không phải là góp phần đem lại hạnh phúc và niềm tin vào cuộc sống cho người thân và những người xung quanh ta. Với mục đích đó, hiến tặng trứng là một nghĩa cử mang tính nhân bản sâu sắc.

Tháng 11/2005

Từ khóa:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK