Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 22-07-2006 2:21pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin cộng đồng

Tiền liệt tuyến (TLT) là một cơ quan trong hệ sinh dục nam có nhiệm vụ sản xuất ra tinh dịch. TLT nằm ở vùng cổ bàng quang và đoạn đầu của niệu đạo. Do vậy, những bất thường của TLT thường biểu hiện bằng những triệu chứng của đường tiểu.

Bệnh lý thường gặp gồm có những bệnh lành tính như viêm, sỏi, phì đại (còn được gọi là bướu lành) và bệnh ác tính (hay ung thư TLT). Việc điều trị những bệnh lành tính thường đơn giản và không để lại di chứng đáng kể. Riêng ung thư TLT, nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm.

Tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong

Ung thư tiền liệt tuyến (K TLT) là ung thư thường gặp nhất ở nam giới trên 65 tuổi tại các nước Âu - Mỹ. Ở các nước châu Á, K TLT ít gặp hơn nhưng những thống kê gần đây cho thấy dường như có sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh.

Kết quả thống kê tại TP.HCM năm 1996 cho thấy K TLT đứng hàng thứ 8 trong số các ung thư thường gặp nhất ở nam giới. Sau đó, năm 1997, K TLT đứng thứ 6 trong 10 ung thư thường gặp nhất.

K TLT còn là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 2 chỉ sau K phổi. Toàn nước Pháp có 16 trường hợp tử vong do K TLT trên 100.000 người trong năm 2000 so với 49 trường hợp tử vong do ung thư phổi.

Tại Mỹ người ta ước tính sẽ có 27.300 ca tử vong trong năm 2006. Tuy nhiên, tử suất này có khuynh hướng giảm dần nhờ những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị. Cách đây khoảng 10 năm, vào năm 1997, có khoảng 41.800 trường hợp tử vong hàng năm do K TLT.

Nguyên nhân gây bênh

Ngày nay, người ta vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra K TLT. Cũng như tất cả các loại ung thư khác, sự sinh sản của những tế bào bị đột biến gen nhiều lần được xem như là nguyên nhân gây ra K TLT. Sự sinh sản này xảy ra liên tục và không ngừng do các tế bào đột biến không còn chịu sự kiểm soát của cơ thể. Vì thế, bệnh luôn có khuynh hướng lan rộng tại chỗ cũng như lan sang các cơ quan khác (di căn). Tuy nhiên, qua những thống kê dịch tễ học, người ta nhận thấy có một số yếu tố nguy cơ như sau :

- Tuổi: Tuổi càng lớn dễ mắc ung thư do tích lũy các đột biến tế bào. Tỷ lệ mắc bệnh rất thấp ở nam giới dưới 40 tuổi: 1/19.000. Sau đó, tỉ lệ này tăng rất nhanh: 1/45 ở nam giới từ 41 - 59 tuổi, 1/7 ở nam giới từ 60 - 79 tuổi.

- Tiền căn gia đình: Nguy cơ gia tăng gấp 2 - 3 lần so với người bình thường khi có 1 người thân trong gia đình đã bị K TLT trước đó (cha hoặc anh). Nếu có từ 2 người trở lên thì nguy cơ gia tăng gấp 5 lần.

Biểu hiện lâm sàng

K TLT thường biểu hiện bằng các rối loạn đi tiểu như: tiểu lắt nhắt, tiểu khó, tiểu không hết, bí tiểu, tiểu ra máu... hoặc tình trạng xuất tinh có máu. Trong thực tế, có không ít bệnh nhân đến khám vì đau nhức xương. Đây là tình huống trễ vì đã có tổn thương xương do di căn. Bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng đồng nghĩa với tổn thương TLT lâu ngày.

Hay nói cách khác, bướu đã đủ lớn để chèn ép vào đường tiểu. Tuy nhiên, các triệu chứng kể trên cũng có thể gặp trong các bệnh lý lành tính khác. Do vậy, khi có một trong những triệu chứng kể trên, nên đến khám tại các bệnh viện có chuyên khoa niệu để được định bệnh chính xác. Xin đừng vội tự kết luận là mình đã bị K TLT.

Có thể phát hiện K TLT sớm

Có thể được phát hiện K TLT sớm ngay từ khi chưa có triệu chứng lâm sàng. Chỉ cần lưu tâm và sử dụng 2 biện pháp đơn giản, không tốn kém và rất hiệu quả: Khám trực tràng bằng tay và đo nồng độ PSA (prostate specific antigen) trong máu. Qua thăm khám trực tràng bằng tay, bác sĩ có thể nhận biết được tình trạng của TLT.

PSA do các tế bào TLT tiết ra, đặc biệt là các tế bào K TLT tiết ra rất nhiều PSA trong máu bệnh nhân. Giá trị bình thường của PSA dưới 4 ng/ml. Từ 4 - 10 ng/ml là giá trị trung gian cần phải theo dõi thường xuyên. Khi PSA trên 10 ng/ml thì thật sự có bất thường và phải kiểm tra TLT ngay. Hai phương pháp này có giá trị bổ sung cho nhau để tầm soát K TLT.

“Khám trực tràng bằng tay + PSA = tầm soát K TLT ở người trên 50 tuổi” được xem như một công thức lý tưởng giúp phát hiện sớm K TLT.

Sinh thiết là biện pháp chẩn đoán xác định

Trước một bệnh nhân bị nghi ngờ mắc bệnh K TLT, sinh thiết là biện pháp duy nhất giúp khẳng định qua chẩn đoán giải phẫu bệnh. Phần lớn các trường hợp sinh thiết được tiến hành bằng cách đâm kim sinh thiết xuyên qua thành trước trực tràng để lấy ra một mẩu mô bướu TLT. Việc sử dụng siêu âm hướng dẫn giúp cho việc sinh thiết chính xác hơn.

Một số ít các trường hợp, người ta có thể sinh thiết TLT xuyên qua vùng hội âm (hay tầng sinh môn). Thủ thuật này tương đối đơn giản, ít sang chấn và chỉ cần gây tê tại chỗ. Ngoài việc khẳng định chẩn đoán, việc chẩn đoán giải phẫu bệnh còn giúp cho bác sĩ có một ý niệm về mức độ ác tính của tế bào bướu và nguy cơ di căn xa của bệnh.

Các phương pháp điều trị

Các phương pháp điều trị sẽ được quyết định dựa vào các chẩn đoán xác định ung thư, chẩn đoán giai đoạn bệnh được tiến hành trước đó. Hiện nay, 2 phương pháp điều trị chủ yếu và rất hữu hiệu là phẫu thuật và xạ trị. Bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời chỉ bằng hoặc phẫu thuật, hoặc xạ trị. Phương pháp phẫu thuật triệt để là cắt toàn bộ TLT qua mổ hở hoặc qua nội soi. Biến chứng phẫu thuật có thể gặp là tiểu không kiểm soát và rối loạn cương.

Trước năm 1980, xạ trị đã được ứng dụng trong điều trị, tuy nhiên không được lựa chọn nhiều vì những khuyết điểm và biến chứng khi sử dụng các máy xạ trị Cobalt. Từ sau 1980, đặc biệt từ năm 1990 về sau, xạ trị được sử dụng ngày càng nhiều hơn. Đó là nhờ sự ra đời của các máy gia tốc, sự phát triển của các phần mềm điện toán chuyên dụng để tính toán chi tiết liều lượng và sự phân bố liều lượng trong vùng xạ trị.

Kết quả điều trị của phẫu thuật và xạ trị trong những tình huống sớm này như nhau. Nhưng xạ trị có ưu thế hơn vì tỉ lệ biến chứng thấp hơn. Đặc biệt, xạ trị được xem là chọn lựa ưu tiên cho những bệnh nhân vốn lớn tuổi, thường có những bệnh lý nội khoa kèm theo (tim - mạch, hô hấp, đái tháo đường...) gây trở ngại cho việc phẫu thuật. Ở giai đoạn muộn hơn, khi tế bào ung thư đã lan vào các cơ quan lân cận, hạch chậu, hoặc di căn xa, việc điều trị trở nên phức tạp hơn và thường đòi hỏi kết hợp nhiều phương thức điều trị như phẫu thuật, xạ trị, nội tiết tố liệu pháp và đôi khi cả hóa.

ThS. BS. VÕ KIM ĐIỀN (Bệnh viện FV)
Báo Sức khỏe & Đời sống

Từ khóa:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK