Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 07-06-2012 2:00pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Khác

images20

 

PGS.TS. Phạm Văn Bùi

 


ĐẠI CƯƠNG

Tiểu đêm là vấn đề thường gặp và có tác động quan trọng đối với chất lượng cuộc sống. Nguyên nhân gây tiểu đêm có rất nhiều.. Hỏi bệnh, khám thực thể cẩn thận và sử dụng nhật ký đi tiểu là các bước quan trọng để phát hiện nguyên nhân tiểu đêm và giúp điều trị thích hợp.

ĐỊNH NGHĨA

Dù có tác động rất lớn, gây phiền phức và những hậu quả quan trọng đến sức khỏe, tiểu đêm được mô tả không rõ ràng và xử trí không thích hợp. Năm 2002, Hội tiểu không kiểm soát thế giới (International Continence Society - ICS) định nghĩa tiểu đêm như là sự than phiền của cá nhân phải thức trong đêm một lần hay hơn để đi tiểu (Abrams et al., 2003)

TỈ LỆ MẮC TRONG DÂN SỐ

Do các định nghĩa về tiểu đêm rất thay đổi nên khó xác định chính xác tỷ lệ mắc trong dân số. Tỷ lệ này được ghi nhận  là 58% ở nam  và 66% ở nữ trong lứa tuổi 50-59 tuổi và là  72% ở nam,  91% ở nữ  trên 80 tuổi (Middelkoop, Smilde-van den Doel, Neven, Kamphuisen, & Springer, 1996). Gần đây hơn, trong một thăm dò qua điện thoại 5204 người trong cộng đồng, tuổi  trung bình 45,8 tuổi, 31% ghi nhận có tiểu đêm ít nhất môt lần, và 14,2% ghi nhận có tiểu đêm ít nhất hai lần   (Coyne và cs, 2003). Các khảo sát ở Nhật và Áo, trong đó tiểu đêm được định nghĩa là tiểu từ hai lần trở lên mỗi đêm, phát hiện tiểu đêm có tỷ lệ lần lượt là 28,5 và 11,3% (Schatzl et al., 2000; Yoshimura et al., 2004).

TÁC ĐỘNG CỦA TIỂU ĐÊM

Một số các khảo sát ghi nhận 63-75% người cảm nhận tiểu đêm gây phiền phức (Jolleys, Donovan, Nanchahal, Peters, & Abrams, 1994; Scarpa, 2001; Swithinbank et al., 1999). Tiểu đêm có tác động quan trọng đến giấc ngủ. Theo Marschall-Kehrel (2004) giấc ngủ không bị gián đoạn rất cần thiết cho sự duy trì sức khỏe thể chất, tinh thần và tình cảm. Một khảo sát dịch tễ cắt ngang ở Hòa Lan ghi nhận tiểu đêm là một trong hai nguyên nhân quan trọng nhất gây rối loạn giấc ngủ ở người trên 50 tuổi (Middelkoop et al., 1996). Trong một dân số người lớn tuổi ở Thụy Điển, tiểu đêm được thấy làm tăng tỷ lệ rối loạn giấc ngủ, giảm chất lượng giấc ngủ và tăng mệt mỏi trong ngày; thức dậy thường xuyên còn gây cảm nhận giấc ngủ không đủ và không hồi phục sức khỏe(Asplund & Aberg 1992). Ngoài ra, các triệu chứng như vọp bẻ, châm chit, kiến bò ở chân, đổ mồ hôi đêm cũng tăng song song với số lần đi tiểu (Asplund & Aberg 1992). Các thay đổi giấc ngủ liên quan với tiểu đêm còn gây ngủ ngày, cản trở các cảm nhận thân thể và thăng bằng cũng như tăng nguy cơ té ngã (Van Balen et al., 2001). Trong nghiên cứu về té ngã trong đêm ở người lớn tuổi, tiểu đêm ≥2 lần tăng nguy cơ té ngã gấp hai lần so với tiểu đêm<2 lần (Stewart, Moore, May, Marks, & Hale, 1992).

Tiểu đêm còn làm tăng tỷ lệ tử vong. Trong nghiên cứu dịch tễ hơn 6.000 người nam và nữ, ≥65 tuổi ở miền bắc Thụy Điển, 190 nam và 287 nữ ghi nhận tiểu đêm ≥ 3 lần, 44 tử vong ở nam tiểu đêm ≥3 lần và 34 tử vong ở nữ. Tỷ lệ tử vong tăng gấp đôi ở cả nam lẫn nữ tiểu đêm ≥3 lần (Asplund, 1999).

Ngoài ra có những bằng chứng gợi ý mất ngủ có thể ảnh hưởng trên chức năng miễn dịch (Benca & Quintas, 1997), và giấc ngủ quan trọng trong bảo tồn sức đề kháng của cơ thể (Irwin et al., 1996).

CÁC LOẠI TIỂU ĐÊM

Tiểu đêm có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân. Các nguyên nhân này có thể chia thành bốn loại: đa niệu, đa niệu về đêm, những vấn đề liên quan đến bàng quang, và tiểu đêm hỗn hợp (Paula Laureanno 2010).

Đa niệu

Đa niệu được định nghĩa khi tổng lượng nước tiểu 24 giờ >40 ml/kg. Bảng 1 liệt kê các nguyên nhân đa niệu

Bảng 1. Các nguyên nhân đa niệu

Đái tháo đường týp 1 và 2

Đái tháo  nhạt

Do não thùy

Do thận

Thứ phát do thận do:

Lithium

Rối loạn điện giải- Tăng calci, giảm kali máu

Đa niệu nguyên phát

Tâm lý

Do uống nhiều

Do điều trị (lợi tiểu)

Đa niệu về đêm

Bình thường lưu lượng nước tiểu giảm trong đêm. Hiện tượng này dường như liên quan đến tăng hocmon chống lợi niệu (ADH). Khi ADH tăng, sẽ làm tăng hấp thu nước ở các tế bào ống thận và do vậy làm giảm thể tích nước tiểu. Lượng nước tiểu xuất trong giấc ngủ có thể được diễn tả là % của tổng lượng nước tiểu xuất trong 24 giờ nếu tổng lượng  nước tiểu xuất trong 24 giờ bình thường. Lượng này có thể thay đổi đáng kể giữa người nọ với người kia và thường gia tăng theo tuổi. Người khỏe mạnh từ 21 đến 35 tuổi sản xuất từ 11 giờ đêm đến 7 giờ sáng 14±4% tổng lượng nước tiểu (95% confidence interval [CI] 10% to 19%) (Robertson et al., 1999). Trong khi đó, người lớn tuổi hơn sản xuất trung bình 34±15% (95% CI 30-36%) (Rembratt, Robertson, Norgaard, & Andersson, 2000.

Được gọi là đa niệu về đêm khi lượng nước tiểu xuất trong đêm >20% tổng lượng nước tiểu mỗi ngày ở người trẻ và 33% ở người lớn tuổi hơn (Carter, 1992). Các nguyên nhân đa niệu về đêm có thể chia thành các nguyên nhân gây đa niệu nước hay đa niệu nước/chất hòa tan (bảng 2). Suy tim ứ huyết, giảm thể tích, các bệnh ứ trệ hệ tĩnh mạch, và dùng nhiều muối có thể gây tụ dịch ở chi dưới, ứ đọng muối nước và đa niệu về đêm, giống như  trong suy thận (Weiss & Blaivas, 2000, 2002)

Một số bệnh lý hô hấp như ngưng thở lúc ngủ gây giảm oxy trong phổi dẫn đến co mạch phổi và làm tăng các chất peptides gây thải muối vào nước tiểu. và gây tăng thải nước trong lúc ngủ. (Krieger et al., 1993).

Bảng 2. Các nguyên nhân của đa niệu về đêm (Appell, R.A., & Sand, P.K. (2008)

Thứ phát do đa niệu nước

Khiếm khuyết chu trình bài tiết hay tác động của ADH

.....• Nguyên phát (không rõ nguyên nhân)

.....• Thứ phát

.......→ Uống quá nhiều nước, chất chứa cafein, rượu bia

.......→ Tổn thương thần kinh trung ương do tai biến mạch máu não ảnh hưởng trục hạ đồi-não thùy

Đa niệu nước/chất hòa tan

Suy tim ứ huyết

Rối loạn chức năng hệ thần kinh tự động

Hội chứng ngưng thở lúc ngủ

Suy thận

Thiếu estrogen

Những vấn đề liên quan đến bàng quang- thể tích mỗi lần đi tiểu giảm

Ở cả nam lẫn nữ, thể tích trung bình một lần tiểu về đêm lớn hơn 1/3 lần tiểu trong ngày dù cho tiểu đêm bao nhiêu lần (Asplund, 1992). Nếu số lần tiểu về đêm thực sự (actual number of night time voids -ANV) lớn hơn số lần tiểu đên dự đoán (predicted number of night time voids -PNV) thì thể tích nước tiểu mỗi lần đi tiểu thấp hơn là dung tích thực sự của bàng quang. Sự sai biệt giữa số lần đi tiểu thực sự và số lần đi tiểu dự đoán càng lớn thì tiểu đêm càng có thể gây ra do các bệnh lý niệu khoa hơn là nội khoa (Stember, Weiss, Lee, & Blaivas, 2007). Các vấn đề liên quan đến sức chứa đựng của bàng quang có thể liên quan đến giảm dung tích bàng quang, giảm dung tích bàng quang về đêm, tăng hoạt cơ chóp bàng quang hay những bệnh có thể gây kích thích bàng quang (Weiss & Blaivas, 2002). Bảng 3 trình bày các yếu tố có thể ảnh hưởng đến sức chứa đựng của bàng quang.

Bảng 3. Các vấn đề ảnh hưởng đến sức chứa đựng của bàng quang

Giảm dung tích bàng quang

Bế tắt đường ra bàng quang với tăng thể tích nước tiểu tồn lưu sau đi tiểu

Bướu bàng quang, tiền liệt tuyến hay, bướu, hẹp niệu đạo

Giảm tính co bóp bàng quang với tăng thể tích nước tiểu tồn lưu sau đi tiểu

Giảm dung tích bàng quang về đêm

ng hoạt cơ chóp bàng quang

Không nguyên nhân (bàng quang tăng hoạt)

Thứ phát do nguyên nhân thần kinh (xơ cứng rải rác)

Bàng quang kích thích

Nhiễm trùng niệu

Viêm mô kẽ bàng quang/hội chứng đau bàng quang

Sỏi bàng quang

Tiểu đêm hỗn hợp

Tiểu đêm có thể do nhiều nguyên nhân gây ra cùng lúc như có cả đa niệu về đêm và giảm thể tích mỗi lần đi tiểu. Một nghiên cứu 94 bệnh nhân cho thấy đa niệu về đêm 7%, giảm thể tích mỗi lần đi tiểu 57%, đa niệu ban ngày 23% và hỗn hợp đa niệu về đêm  với giảm thể tích mỗi lần đi tiểu 36% (Weiss et al, 1998).

ĐIỀU TRỊ

Điều trị tùy theo nguyên nhân gây bệnh nhưng có thể dùng Desmopressin (chất đồng dạng tổng hợp của arginin, vasopressine có tác dụng giống như ADH) hay các thuốc kháng muscarinic kết hợp với thay đổi lối sống và hành vi.

Không uống nước về tối nếu được và giảm uống rượu bia, các nước uống chứa caffeine. Phù chi dưới và ứ trệ tĩnh mạch cần mang vớ chuyên biệt và đặt chân cao về chiều trước khi nghỉ ngơi lúc tối. có thể dùng dụng cụ giúp thở qua mũi dưới áp lực dương để điều trị ngưng thở lúc ngủ (Appell & Sand, 2008- Paula Laureanno et al, 2010)..

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Abrams, P., Cardozo, L., Fall, M., Griffiths, D., Rosier, P. (2003). The standardization of terminology in lower urinary tract function: Report from the standardization sub-committee of the International Continence Society. Urology, 61, 37..
  • Appell, R.A., & Sand, P.K. (2008). Nocturia: Etiology, diagnosis and treatment. Neurourology andUrodynamics, 27, 34–39.
  • Asplund, R. (1992). Micturition habits anddiuresis in relation to sleep and wellbeingin elderly subjects with emphasison antidiuretic hormone (thesis). Stockholm: Karolinksa Institute.
  • Asplund, R. (1999). Mortality in the elderly in relation to nocturnal micturition. British Journal of UrologyInternational, 84(3), 297–301.
  • Asplund, R., & Aberg, H. (1992). Health of the elderly with regard to sleep and nocturnal micturition. ScandinavianJournal of Primary Health Care, 10, 98–104.
  • Benca, R.M., & Quintas, J. (1997). Sleep and host defenses: A review. Sleep,20, 1027–1037.
  • Carter, P.G. (1992). The role of nocturnalpolyuria in nocturnal urinary symptomsin healthy elderly males. MDthesis. Bristol, United Kingdom.
  • Coyne, K.S., Zhou, Z., Bhattacharyya, S.K., Thompson, C.L., Dhawan, R., & Versi, E. (2003). The prevalence of nocturia and its effect on health-related quality of life and sleep in a community sample in the USA. British Journal ofUrology International, 92(9), 948–954.
  • Irwin, M., McClintick, H., Costlow, C., Fortner, M., White, J., & Gillin, J.C. (1996). Partial night sleep deprivation reduces natural killer and cellular immune responses in humans. TheFederation of American Societies forExperimental Biology, 10, 643–653.
  • Jolleys, J.V., Donovan, J.L., Nanchahal, K., Peters, T.J., & Abrams, P. (1994). Urinary symptoms in the community: How bothersome are they? BritishJournal of Urology, 74, 551–555.
  • Krieger, J.N., Petiau, C., Sforza, E., Delanoe, C., Hecht, M.T., & Chamouard, V. (1993). Nocturnal pollakiuria is a symptom of obstructive sleep apnea. Urology International, 50, 93–97.
  • Marschall-Kehrel, D. (2004). Update on nocturia: The best of rest is sleep. Urology,64, 21–24.
  • Middelkoop, H.A., Smilde-van den Doel, D.A., Neven, A.K., Kamphuisen, H.A., & Springer, C.P. (1996). Subjective sleep characteristics of 1485 males and females aged 50–93: Effects of sex and age, and factors related to self-evaluated quality of sleep. The Journals ofGerontology Biological Sciences andMedical Sciences, 51, 108–115.
  • Paula Laureanno RN; Pamela Ellsworth (2010). Demystifying Nocturia: Identifying the Cause and Tailoring the Treatment. Urol Nurs.  30(5):276-287.
  • Rembratt, A., Robertson, G.L., Norgaard, J.P., & Andersson, K.E. (2000). Pathogenicaspects of nocturia in the elderly:Differences between nocturics andnonnocturics. Presentation at the 30th International Continence Society Meeting, Finland, August 2000.
  • Robertson, G., Rittig, S., Kovacs, L., Gaskill, M.B., Zee, P., & Nanninga, J. (1999). Pathophysiology and treatment of enuresis in adults. ScandinavianJournal of Urology and Nephrology, 202 (Suppl.), 36–39.
  • Scarpa, R.M. (2001). Lower urinary tract symptoms: What are the implications for patients? European Urology, 40, 12–20.
  • Schatzl, G., Temml, C., Schmidbauer, J., Dolezal, B., Haidinger, G., & Madersbacher, S. (2000). Cross-sectional study of nocturia in both sexes: Analysis of a voluntary health screening project. Urology, 56, 71–75.
  • Stember, D.S., Weiss, J.P., Lee, C.L., & Blaivas, J.G. (2007). Nocturia in men. International Journal of ClinicalPractice, 61(Suppl., 155), 17–22.
  • Stewart, R.B., Moore, M.T., May, F.E., Marks, R.G., & Hale, W.E. (1992). Nocturia: A risk factor for falls in the elderly. Journal of the American GeriatricSociety, 40, 1217–1220.
  • Swithinbank L.V., Donovan J.L., duHeaume J.C., Rogers C.A., James M.C., Yang Q., & Abrams, P. (1999). Urinary symptoms and incontinence in women: Relationships between occurrence, age, and perceived impact. British JournalGeneral Practice, 49(448), 897–900.
  • Van Balen, R., Steyerberg, E.W., Polder, J.J., Ribbers, T.L., Habbema, J.D., & Cools, H.J. (2001). Hip fracture in elderly patients: Outcomes for function, quality of life, and type of residence. Clinical Orthopedics, 390, 232–243.
  • Weiss, J.P., & Blaivas, J.G. (2000). Nocturia. Journal of Urology, 163, 5–12.
  • Weiss, J.P., & Blaivas, J.G. (2002). Nocturnal polyuria versus overactive bladder in nocturia. Urology, 60, 28–32.
  • Weiss, J.P., Blaivas, J.G., & Stember, D.S. (1998). Nocturia in adults: Classification and etiology. Neurourologyand Urodynamics, 17(4), 467–472.
  • Weiss, J.P., Weinberg, A.C., & Blaivas, J.G. (2008). New aspects of the classification of nocturia. Current UrologyReports, 9, 362–367.
  • Yoshimura, K., Terada, M., Matsui, Y., Terai, A., Kinukawa, N., & Arai, Y. (2004). Prevalence of and risk factors for nocturia: Analysis of a health screening program. International Journal of Urology, 11, 282–287.

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
Chuyển giới tính - Ngày đăng: 17-05-2012
TỔNG QUAN VỀ BĂNG HUYẾT SAU SINH - Ngày đăng: 29-06-2009
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ Nhật ngày 9 . 6 . 2024

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK