BS Nguyễn Lệ Quyên
1. Nghỉ ngơi tại nhà không được khuyến cáo như là một biện pháp can thiệp trong phòng ngừa tiền sản giật và các rối loạn huyết áp trong thai kỳ ở những phụ nữ có nguy cơ cao mắc phải những bệnh này. (Mức độ chứng cứ thấp – Mức độ khuyến cáo yếu.)
2. Nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường không được khuyến cáo nhằm cải thiện kết quả thai kỳ ở những thai phụ có cao huyết áp (kèm hoặc không kèm tiểu đạm). (Mức độ chứng cứ thấp – Mức độ khuyến cáo yếu.)
3. Việc giới hạn lượng muối nhập trong thai kỳ với mục tiêu phòng ngừa tiền sản giật và các biến chứng của nó cũng không được khuyến cáo. (Việc thực hiện chế độ ăn tốt cho sức khỏe nên áp dụng cho cả cộng đồng, trong đó bao gồm cả phụ nữ mang thai. Thực hành chế độ ăn tốt cho sức khỏe đồng nghĩa với việc tránh chế độ ăn quá mặn.) (Mức độ chứng cứ trung bình – Mức độ khuyến cáo yếu.)
4. Ở những vùng mà lượng canxi trong chế độ ăn thấp thì việc bổ sung canxi trong thai kỳ được khuyến cáo để phòng ngừa tiền sản giật ở tất cả phụ nữ, đặc biệt là những người có nguy cơ cao bị tiền sản giật (với liều: 1.5 – 2.0 g canxi nguyên tố / ngày). (Mức độ chứng cứ trung bình – Mức độ khuyến cáo mạnh.)
Một người phụ nữ được xem như có nguy cơ cao bị tiền sản giật nếu như họ có một hoặc nhiều các yếu tố nguy cơ sau đây:
- Tiền căn bị tiền sản giật trước đó
- Đái tháo đường
- Tăng huyết áp mạn tính
- Bệnh thận
- Bệnh tự miễn
- Đa sản
Đây không phải là một danh sách đầy đủ toàn diện các yếu tố nguy cơ của tiền sản giật, và có thể được bổ sung thêm tùy thuộc vào tình hình dịch tễ học của tiền sản giật ở từng địa phương khác nhau.
5. Bổ sung Vitamin D trong thai kỳ không được khuyến cáo để phòng ngừa tiền sản giật và các biến chứng của nó. (Mức độ chứng cứ rất thấp – Mức độ khuyến cáo mạnh.)
6. Bổ sung Vitamin C và Vitamin E (đơn thuần hay kết hợp) cũng không được khuyến cáo sử dụng trên thai phụ để phòng ngừa tiền sản giật và các biến chứng của nó. (Mức độ chứng cứ cao – Mức độ khuyến cáo mạnh.)
7. Acid acetylsalicylic liều thấp (Aspirin 75 mg/ ngày) được khuyến cáo sử dụng để phòng ngừa tiền sản giật cho những phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh này. (Mức độ chứng cứ trung bình – Mức độ khuyến cáo mạnh.)
8. Sử dụng acid acetylsalicylic (Aspirin) liều thấp 75 mg/ngày để phòng ngừa tiền sản giật và các biến chứng của nó nên bắt đầu trước tuần 20 của thai kỳ (nếu có thể thì bắt đầu từ tuần thứ 12 của thai kỳ). (Mức độ chứng cứ thấp – Mức độ khuyến cáo yếu.)
9. Những phụ nữ bị cao huyết áp mức độ nặng trong thai kỳ nên được điều trị bằng thuốc hạ áp. (Mức độ chứng cứ rất thấp – Mức độ khuyến cáo mạnh.)
10. Việc lựa chọn và đường sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp cho những trường hợp tăng huyết áp mức độ nặng trong thai kỳ trước hết nên dựa trên kinh nghiệm lâm sàng cùng với đặc điểm riêng của từng loại thuốc, giá cả, cũng như khả năng có thuốc ở từng địa phương. (Mức độ chứng cứ rất thấp – Mức độ khuyến cáo yếu.)
11. Thuốc lợi tiểu, đặc biệt là nhóm Thiazides không được khuyến cáo trong việc sử dụng để phòng ngừa tiền sản giật cũng như các biến chứng của nó. (Mức độ chứng cứ thấp – Mức độ khuyến cáo mạnh.)
Nhóm nghiên cứu công nhận rằng Hydralazine, Alpha methyldopa, thuốc ức chế bêta (bao gồm Labetalol) và Nifedipine đã và đang được sử dụng rộng rãi, và hiện tại thì những loại thuốc này được xem là thích hợp để điều trị cho tới khi có bằng chứng tốt hơn. Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý rằng hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy rằng Nifedipine có tác dụng tương tác thuốc bất lợi với Magnesium Sulfate. Nên tránh sử dụng các loại thuốc như thuốc ức chế men chuyển, thuốc ức chế thụ thể angiotensin, và Sodium Nitroprusside vì lý do an toàn.
12. Magnesium sulfate được khuyến cáo sử dụng trong phòng ngừa sản giật ở thai phụ bị tiền sản giật nặng hơn là những loại thuốc chống co giật khác. (Mức độ chứng cứ cao – Mức độ khuyến cáo mạnh.)
13. Magnesium sulfate được khuyến cáo sử dụng trong điều trị sản giật hơn là những loại thuốc chống co giật khác. (Mức độ chứng cứ trung bình – Mức độ khuyến cáo mạnh.)
14. Magnesium sulfate để phòng ngừa và điều trị tiền sản giật được khuyến cáo dùng hoàn toàn bằng đường tĩnh mạch hoặc tiêm bắp. (Mức độ chứng cứ trung bình – Mức độ khuyến cáo mạnh.)
15. Tại các cơ sở không thể áp dụng phác đồ điều trị Magnesium sulfate một cách đầy đủ thì khuyến cáo nên sử dụng Magnesium sulfate liều tấn công sau đó ngay lập tức chuyển lên tuyến trên đối với những thai phụ bị tiền sản giật mức độ nặng và sản giật. (Mức độ chứng cứ rất thấp – Mức độ khuyến cáo yếu.)
16. Không khuyến cáo sử dụng thuốc Corticosteroids cho mục đích chuyên biệt điều trị những thai phụ bị hội chứng HELLP. Khuyến cáo này không bao gồm việc sử dụng corticosteroids cho những chỉ định điều trị vì mục đích khác như là kích thích trưởng thành phổi ở thai nhi. (Mức độ chứng cứ rất thấp – Mức độ khuyến cáo yếu.)
17. Khởi phát chuyển dạ được khuyến cáo áp dụng cho những thai phụ bị tiền sản giật nặng ở tuổi thai mà thai nhi không thể sống được hoặc khả năng sống thêm được 1-2 tuần nữa thấp. (Mức độ chứng cứ rất thấp – Mức độ khuyến cáo mạnh.)
18. Ở những thai phụ bị tiền sản giật nặng, thai có thể sống được nhưng dưới 34 tuần tuổi thai, việc tiếp tục theo dõi thai kỳ được khuyến cáo, với điều kiện kiểm soát được tăng huyết áp ở mẹ, không có rối loạn chức năng cơ quan của mẹ và không có suy thai, đồng thời có thể theo dõi sát được. (Mức độ chứng cứ rất thấp – Mức độ khuyến cáo yếu.)
19. Ở những thai phụ bị tiền sản giật nặng ở tuổi thai có thể sống được từ 34 đến 36 tuần thì việc tiếp tục theo dõi thai kỳ cũng có thể được khuyến cáo, với điều kiện kiểm soát được tăng huyết áp ở mẹ, không có rối loạn chức năng cơ quan của mẹ và không có suy thai, đồng thời có thể theo dõi sát được. (Mức độ chứng cứ rất thấp – Mức độ khuyến cáo yếu.)
Chính sách quản lý theo dõi nói trên bao gồm: điều trị nội trú tại bệnh viện với steroids giúp trưởng thành phổi cho thai, Magnesium sulfate (khi cần), thuốc hạ áp (khi cần), theo dõi sát tình trạng mẹ và thai để phát hiện sớm các chỉ định chấm dứt thai kỳ như là tăng huyết áp không thể kiểm soát bằng điều trị nội khoa hoặc là tình trạng của mẹ và thai trở nên xấu hơn, như rối loạn chức năng các cơ quan ở mẹ hoặc suy thai.
20. Ở những thai phụ bị tiền sản giật nặng mà thai đã đủ tháng thì nên cho sinh sớm. (Mức độ chứng cứ thấp – Mức độ khuyến cáo mạnh.)
21. Ở những thai phụ bị tiền sản giật mức độ nhẹ hoặc cao huyết áp thai kỳ nhẹ (cao huyết áp xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ không có sự hiện diện của protein niệu), mà thai đã đủ tháng thì khuyến cáo nên tiến hành khởi phát chuyển dạ. (Mức độ chứng cứ trung bình – Mức độ khuyến cáo yếu.)
Nếu như có chống chỉ định của khởi phát chuyển dạ vì bệnh lý của mẹ hoặc thai thì khuyến cáo nên quyết định mổ lấy thai sớm.
22. Ở những thai phụ đã được điều trị thuốc hạ áp trước sanh thì vẫn tiếp tục duy trì thuốc hạ áp sau sanh. (Mức độ chứng cứ rất thấp – Mức độ khuyến cáo mạnh.)
23. Điều trị thuốc hạ áp được khuyến cáo sử dụng ở những trường hợp tăng huyết áp nặng sau sanh. (Mức độ chứng cứ rất thấp – Mức độ khuyến cáo mạnh.)
Những hướng dẫn trên sẽ được cập nhật sau 5 năm hoặc ngay khi xác định chứng cứ mới cho thấy cần thay đổi những khuyến cáo này.
Nguồn: WHO recommendations for Prevention and treatment of pre-eclampsia and eclampsia
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...