Hàng năm, khoảng 10,7 triệu trẻ dưới 5 tuổi tử vong – trong đó, 4 triệu chết trong vòng 4 tuần đầu đời và 3,3 triệu khác chết lúc mới sinh. Đây chỉ mới là những con số được báo cáo chính thức. Ở những nước kém phát triển hơn, nơi chiếm đến 98% số trẻ sơ sinh chết và 97% trẻ chết lúc sinh được báo cáo, những con số tử vong này không phải lúc nào cũng được cập nhật.
Từ năm 2000, khi mục tiêu thiên niên kỉ của Liên Hiệp Quốc được ký kết, đã có rất nhiều nỗ lực nhằm làm giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, nhưng rất khó để đạt được mục tiêu cắt giảm 2/3 tỉ lệ tử vong hiện tại đến trước năm 2015, khi mà số tử vong sơ sinh không giảm. Hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản yếu kém chính là một hàng rào ngăn cản quan trọng.
Tỉ lệ tử vong sơ sinh và tỉ lệ trẻ chết chu sinh cao nhất ở Châu Phi vùng cận Sahara, kế đó là Châu Á và Mỹ Latinh. Ở các nước có tỉ lệ tử vong cao nhất, khoảng 10% trẻ không sống quá 1 tháng. Tử vong sơ sinh nói chung thường do biến chứng trước sinh, ngạt hay chấn thương lúc sinh, nhiễm trùng, dị tật bẩm sinh nặng, hoặc các nguyên nhân chu sinh đặc biệt khác. Tỉ lệ của những nguyên nhân cũng thay đổi: ở những vùng có tử vong sơ sinh thấp, nguyên nhân trước sinh và dị tật gặp nhiều hơn. Ngược lại, ở vùng có tử vong cao hơn, ngạt lúc sinh, uốn ván, và nhiễm trùng lại là những nguyên nhân chính. Sức khỏe và dinh dưỡng của mẹ rất quan trọng đối với sức khỏe của trẻ sơ sinh, và nhiễm trùng ở mẹ có thể gây ra những hậu quả rất xấu ở trẻ.
Thế nhưng, những nguyên nhân chính gây ra dự hậu xấu vẫn là việc điều trị, chăm sóc kém các biến chứng ở mẹ, chăm sóc sơ sinh kém, những tập quán chăm sóc ở nhà có hại như bôi những chất dơ vào cuống rốn trẻ và không giữ ấm tốt cho trẻ. Ví dụ, nguy cơ tử vong ở thai phụ có tiền sản giật nặng là 0,5%, và tỉ lệ tử vong chu sinh ở con trong tình huống này là 13%. Nếu tiền sản giật không được điều trị và sản phụ bị sản giật, tỉ lệ tử vong mẹ tăng lên đến 5% và tỉ lệ con tử vong là 28%. Thêm vào đó, nhiễm trùng, nguyên nhân làm nhiều trẻ tử vong, lại có nhiều nguồn gốc khác nhau; nhiều trẻ trước đó khỏe mạnh sau lại nhiễm trùng mắc phải trong cộng đồng. Ước tính trong khoảng 25% trẻ chết lúc sinh ở các nước kém phát triển, tử vong xảy ra chỉ sau sinh 1 thời gian ngắn và đa phần do các biến chứng của cuộc sinh.
Các can thiệp mới xoay quanh mục tiêu giảm tỉ lệ tử vong sơ sinh: chúng ta biết phụ nữ mang thai và sơ sinh cần được chăm sóc, do đó chúng ta dự đoán trước ngày dự sinh và những biến chứng có thể xảy ra trong những tháng cuối thai kỳ và lúc sinh. Không có gì có thể thay thế sự chăm sóc chuyên nghiệp trong vòng 24h sau sinh, giúp đỡ thai phụ, khuyến khích bà mẹ cho con bú, phát hiện sớm biến chứng và tổ chức chăm sóc cho bà mẹ cũng như thai nhi. Không phải chỉ việc chăm sóc khi sinh quan trọng, việc chăm sóc trước sinh cũng rất cần thiết, vì nó cung cấp những nhu cầu chăm sóc sức khỏe, ví dụ như tiêm chủng uốn ván, ngăn ngừa và điều trị nhiễm HIV và những bệnh lây qua đường tình dục khác, sốt rét…
Khoảng ½ phụ nữ trên thế giới vẫn còn sinh con tại nhà mà không được chăm sóc tốt. Sự khan hiếm các tổ chức cung cấp dịch vụ y tế, kiến thức lạc hậu và kĩ năng còn yếu, tình trạng quá tải, thiếu vệ sinh, thiếu các thuốc, dụng cụ và thiết bị thiết yếu là những nguyên nhân gây trở ngại cho việc chăm sóc bà mẹ trẻ em ở những nước đang phát triển. Các nước này gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng hệ thống chăm sóc y tế để có thể đáp ứng được nhu cầu khi số lượng phụ nữ - trẻ em ngày một tăng. Hầu hết phụ nữ ở các nước đang phát triển bắt đầu sinh con khi còn rất trẻ, trước khi trưởng thành về mặt sinh học và xã hội. Nguy cơ của những phụ nữ này và con cái của họ không chỉ liên quan đến biến chứng trong thai kì mà còn có các bệnh lây qua đường tình dục, trong đó có nhiễm HIV. Gần đây, những kĩ thuật sinh sản có giúp đỡ đã có thể thực hiện ngày càng nhiều ở các nước kém phát triển và gây ra tình trạng đa thai và sinh non. Gần 50% các trường hợp sinh đôi và hầu hết các trường hợp sinh ba đều sinh non và tử vong với tỉ lệ cao hơn gấp nhiều lần so với trẻ sinh đủ tháng.
Phụ nữ tiếp tục đối mặt với nguy cơ tử vong khi sinh con. Kém may mắn thay, những thay đổi cần thiết trong chăm sóc trước sinh và sơ sinh diễn ra quá chậm để có thể tới được hơn nửa số phụ nữ và trẻ em trên toàn thế giới.
BS. Lê Phạm Thu Hà
(Nguồn: N Engl J Med 2005; 352:2047-2048)
Quinter Central Nha Trang, chiều thứ bảy 11.1.2025 (13:00 - 17:00)
Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...