Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Tuesday 24-09-2013 7:13am
Viết bởi: Administrator

images_109 Mai Công Minh Tâm, Hứa Trần Phong,

Trang Thanh Nhã, Nguyễn Thị Xuân Yến

 


Tóm tắt

Quản trị rủi ro cho labo thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) là một hoạt động thiết yếu và cực kỳ quan trọng nằm trong hoạt động lớn về quản trị chất lượng của labo, giúp hoạt động labo luôn ổn định và trong tầm kiểm soát tốt nhất. Có thể nói, nuôi cấy phôi là một khâu quan trọng mang tính hệ thống trong qui trình labo TTTON và là nhân tố quyết định sự thành bại cho việc điều trị bệnh nhân vô sinh-hiếm muộn. Hoạt động này luôn cần một điều kiện ổn định về các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ khí O2 và CO2 để tạo môi trường phát triển tốt nhất cho phôi. Bất cứ những rủi ro có thể xảy đến cho hệ thống nuôi cấy phôi, cũng như một khi phôi đã bị tác động bởi các yếu tố bất lợi trong môi trường nuôi cấy, khả năng phát triển và làm tổ của phôi sẽ bị ảnh hưởng. Một số nghiên cứu cho thấy hệ thống vận chuyển điều hòa chức năng cung cấp acid amin cho phôi hầu như không hiện diện hoặc cũng không thể phục hồi hoàn toàn từ những stress pH (Lane và Gardner, 1998; Phillips và cs., 2000). Do vậy, hoạt động quản trị rủi ro cho hệ thống nuôi cấy phôi đóng vai trò như một công cụ hữu hiệu giúp duy trì tầm soát và xử lý các tình huống khi có rủi ro xảy ra trong quá trình nuôi cấy (Tâm và cs., 2011). Bài báo cáo này được xây dựng với mục tiêu giới thiệu mô hình quản trị rủi ro cho hệ thống khí trung tâm phục vụ cho nuôi cấy phôi tại IVF Mekong, bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn đem đến một cái nhìn thực tế nhằm xây dựng và đánh giá một chương trình quản trị rủi ro tại các trung tâm TTTON vừa và nhỏ.

Trước khi chính thức hoạt động, kế hoạch xây dựng chương trình quản trị chất lượng toàn diện đã được đầu tư xây dựng ngay từ đầu cho hệ thống labo trung tâm TTTON IVF Mekong, trong đó, mô hình quản trị rủi ro cho hệ thống khí trung tâm là nhân tố quan trọng gắn liền với quản trị chất lượng cho qui trình chuyên môn. Về cơ bản, hệ thống khí CO2 phục vụ cho hoạt động nuôi cấy phôi tại IVF Mekong thực chất là một nhánh của hệ thống khí trung tâm của Bệnh viện Phụ Sản Quốc tế Phương Châu (Cần Thơ) (cung cấp cho khu vực Trung tâm Mổ nội soi của bệnh viện và khu vực phòng Labo TTTON IVF Mekong). Hệ thống khí CO2 này được theo dõi, điều khiển và kiểm soát bởi bộ phận kỹ thuật-bảo trì của bệnh viện, do đó việc theo dõi vận hành và kiểm soát các rủi ro của hệ thống khí là cực kỳ quan trọng. Mặt khác, hệ thống khí nitơ được đặt tại khoa IVF Mekong nên việc theo dõi và bảo trì được kiểm soát chặt chẽ hơn. Từ đó, mô hình quản trị rủi ro cho hệ thống khí được xây dựng nhằm giúp các đơn vị có liên quan trong chuỗi hoạt động của qui trình vận hành cần có đủ những thông tin cần thiết nhằm tương tác tốt hơn giữa các đơn vị và giảm thiểu đến mức thấp nhất những sai sót do con người và do hệ thống. Chúng tôi tiến hành xây dựng mô hình theo kế hoạch như sau:

n

Sơ đồ 1. Kế hoạch tổng thể quản trị rủi ro cho hệ thống khí trung tâm

Sau đó, kế hoạch cụ thể đã được bàn bạc, thảo luận và được triển khai giữa các đơn vị có liên quan trong qui trình. Việc thảo luận và đánh giá các rủi ro đóng vai trò cực kỳ quan trọng giúp các đơn vị có liên quan trong mô hình quản trị hệ thống khí nắm rõ kế hoạch và những phương án cần thiết khi có sự cố. Việc phân định trách nhiệm xử lý tình huống khi có sự cố xảy ra cũng được bàn bạc cụ thể và rõ ràng nhằm giảm thiểu tối đa những rủi ro mang tính hệ thống. Về phần Lab IVF Mekong, chúng tôi cũng tiến hành thảo luận và bàn bạc kế hoạch đánh giá rủi ro cho hệ thống khí CO2 và khí nitơ cung cấp cho các tủ cấy, cũng như lên phương án dự phòng trong những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Ngoài ra, chương trình tập huấn khi có sự cố cũng được xây dựng và triển khai giúp các đơn vị có liên quan tương tác tốt nhất trong các tình huống thực tế. Chúng tôi cũng đã triển khai được 2 đợt tập huấn: đợt 1 trước khi chính thức hoạt động vào ngày 28/04/2011 và đợt 2 vào ngày 20/09/2012. Hoạt động này sẽ được tổ chức 1 lần/năm vào thời gian bảo trì hệ thống trang thiết bị của IVF Mekong.

Về mặt kỹ thuật, hệ thống này cung cấp khí CO2 cho hoạt động nuôi cấy phôi (1 tủ cấy chính, 3 tủ cấy tạm và 1 lồng thao tác IVF Chamber) của IVF Mekong (Hình 1). Hệ thống khí nitơ được đặt bên ngoài khu vực vô trùng và cung cấp trực tiếp cho tủ nuôi cấy chính. Lưu lượng sử dụng và cung cấp khí CO2 của hệ thống luôn được theo dõi hàng ngày và được ghi nhận trên các bảng theo dõi. Các hoạt động ghi nhận đều được tiến hành theo nguyên tắc “double-check”. Khi có sự cố về hệ thống khí (rò rỉ, tụt áp...), hệ thống sẽ báo động cho các hộp cảnh báo sự cố về khí đặt tại các vị trí quan trọng trong bệnh viện. Khi đó, sự tương tác giữa các đơn vị liên quan (Phòng Kỹ thuật-bảo trì, IVF Mekong...) sẽ được tăng cường nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin để đưa ra các phương án xử lý nhanh và hiệu quả nhất.

n1

Hình 1. Mô hình khái quát hệ thống cung cấp khí phục vụ nuôi cấy phôi tại
IVF Mekong

n2

Hình 2. Hệ thống khí CO2 tại nhà khí trung tâm

n3

Hình 3. Hệ thống khí nitơ tại IVF Mekong

n4

Hình 4. Bảng theo dõi khí nitơ tại IVF Mekong

n5

Hình 5. Bảng theo dõi khí CO2 tại nhà khí trung tâm

n6

Hình 6. Hộp báo động khí CO2 trong Bệnh viện Phụ Sản Quốc tế Phương Châu

n7

Hình 7. Theo dõi diễn biến khí CO2 của tủ nuôi cấy chính (CO2 data-logger, Galaxy)

Như vậy, mô hình quản trị rủi ro cho hệ thống khí trung tâm phục vụ cho nuôi cấy phôi tại IVF Mekong đã được đầu tư xây dựng và triển khai bài bản nhằm đảm bảo sự nhận diện đầy đủ các rủi ro có thể có trong hệ thống cũng như tăng cường sự tương tác của các đơn vị có liên quan. Với cột mốc em bé IVF thứ 200 của IVF Mekong và tỉ lệ thai trung bình 40%, chúng tôi luôn tin tưởng vào hiệu quả và chất lượng dịch vụ cung cấp cho bệnh nhân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, hệ thống quản trị rủi ro nói riêng và quản trị chất lượng toàn diện cho labo TTTON nói chung đóng vai trò cốt lõi giúp cải thiện và nâng cao tỉ lệ thành công cho IVF Mekong trong hơn 2 năm hoạt động vừa qua.

Tài liệu tham khảo

1. David Mortimer, Sharon T Mortimer (2005). Quality and Risk Management in the IVF Laboratory. Risk management: being proactive (chapter 9).

2. Lane M & Gardner DK (1998). Amino acids and vitamine prevent culture-induced metabolic pertubations and associated loss of viability of mouse blastocysts. Hum Reprod; 13:991-997.

3. Mai Công Minh Tâm, Hà Thanh Quế, Đặng Quang Vinh (2011). Hệ thống nuôi cấy phôi. Thụ tinh trong ống nghiệm (2011). Đồng chủ biên: Hồ Mạnh Tường, Đặng Quang Vinh, Vương Thị Ngọc Lan.

4. Phillips KP, Levelle MC, Claman P, Baltz JM (2000). Intracellular pH regulation in human preimplantation embryos. Hum Reprod; 15:896-904.

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK