Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 16-09-2021 9:17pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
Ths. Trần Hà Lan Thanh_IVFMD Phú Nhuận

Hơn bốn thập kỷ qua, cùng với sự phát triển tối ưu không ngừng của các kỹ thuật trong hỗ trợ sinh sản đã cải thiện kết quả điều trị. Tuy nhiên, tỉ lệ thai còn khá thấp nên phải chuyển nhiều hơn một phôi, làm gia tăng tỉ lệ đa thai và kéo theo tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ và sức khoẻ của mẹ khi mang đa thai.
 
Việc tăng hiệu quả và an toàn trong điều trị đang được đẩy mạnh tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản. Trong đó, việc lựa chọn đúng phôi chuyển nhằm tăng tỉ lệ thai, đồng thời giảm số phôi chuyển, giảm tỉ lệ đa thai là một trong những hướng tiếp cận. Hiện có nhiều phương pháp mới giúp cải thiện việc đánh giá lựa chọn phôi hơn phương pháp hình thái học cổ điển, nhằm tăng tỉ lệ thành công trong điều trị thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Trong đó, hệ thống nuôi cấy phôi kết hợp với camera quan sát liên tục (TLM: time-lapse monitoring) cho phép nuôi cấy phôi không gián đoạn giúp ghi nhận đánh giá chi tiết hình thái phôi, cung cấp các thông số động học trong suốt quá trình phát triển của phôi tiền làm tổ. Nuôi phôi kết hợp với TLM được nghiên cứu về tính an toàn và hiệu quả qua những nghiên cứu đoàn hệ, tổng quan của nhiều tác giả trên thế giới. Một trong những lợi ích của TLM là sử dụng các thông số động học để xây dựng các mô hình tiên lượng hay những thuật toán dự đoán tiềm năng của phôi như: hình thành phôi nang, khả năng làm tổ, phôi nguyên bội hoặc lệch bội, trẻ sinh sống…. (Meseguer et al., 2011; Rubio et al., 2014; Macer et al., 2017).  TLM cung cấp công cụ lựa chọn phôi không xân lấm, đánh giá khách quan giúp lựa chọn phôi tiềm năng làm tổ tốt hơn và hạn chế thao tác phôi ngoài tủ cấy.
 
Theo những nghiên cứu gần đây, đã chứng tỏ một số dấu ấn sinh học tiên lượng khả năng phát triển hoàn thiện là các thông số động học trong vòng 24 giờ đầu của quá trình phát triển phôi tiền làm tổ. Với việc gia tăng số lượng và chất lượng các thông tin ghi nhận từ phôi giai đoạn sớm nên cần phải nuôi cấy phôi trong điều kiện ổn định quan sát liên tục (Kirkegaard et al., 2013a; Tejera et al., 2013; Drejza et al., 2017).
 
Chính vì thế, một nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí JBRA Assisted Reproduction (năm 2020) đã thực hiện với mục tiêu chính là có thể cung cấp những thông số động học giúp lựa chọn phôi có tiềm năng phát triển hoàn thiện để chuyển cho bệnh nhân điều trị TTTON. Đây là nghiên cứu phân tích theo thời gian hồi cứu các bệnh nhân điều trị ICSI có nuôi phôi đến giai đoạn phôi nang từ tháng 9 năm 2018 đến tháng 3 năm 2019, tiến hành so sánh các thông số động học hình thái phôi 24 giờ đầu đến giai đoạn phôi nang nở rộng ở 4 nhóm phôi nang chất lượng hình thái khác nhau từ xuất sắc, tốt, trung bình và kém.
 
Các phôi được nuôi trong hệ thống Embryoscope và ghi nhận các thông số động học hình thái. Các thông số động học này được định nghĩa bởi Meseguer và cộng sự (2011), như: thời điểm xuất hiện thể cực thứ 2 (tCPap), xuất hiện tiền nhân (tPNap), tiền nhân biến mất (tPNbd), thời điểm phôi 2, 3, 4, 5 tế bào (t2, t3, t4, t5), khoảng thời gian chu kỳ tế bào thứ 2 (cc2 = t3 – t2), khoảng thời gian chu kỳ tế bào thứ 3 (cc3 = t5 – t3), khoảng thời gian đồng bộ của chu kỳ tế bào thứ 2 (s2 = t4 -t3), thời điểm phôi nang nở rộng tăng thể tích và màng trong suốt mỏng (tB). Phôi nang được phân theo hình thái học độ nở rộng khoang phôi, chất lượng hình thái lớp tế bào lá nuôi (TE), khối nội mô (ICM) thành 4 loại theo hệ thống Gardner và Lane (Schoolcraft et al., 1999): Loại A (xuất sắc): 3AA, 4AA, 5AA, 6AA; Loại B (tốt): 3AB, 4AB, 4BA; loại C (trung bình): 3BB, 4BB, 5BB, 6BB, 3AC, 4AC, 3CA; loại D (kém): 3BC, 4BC, 5BC, 3CB, 3CC, 4CC, 5CC, phôi nang co sụp.
 
Kết quả ghi nhận được là:
  • Tổng 337 phôi nang bao gồm 136 phôi loại A, 31 phôi loại B, 89 phôi loại C, 80 phôi loại D.
  • Thông số thời điểm xuất hiện thể cực thứ 2 (tCPap) ngắn hơn đáng kể ở nhóm phôi nang loại A (2,99 giờ; p < 0,05) khi so với nhóm phôi nang loại B (3,4 giờ), loại C (3,48 giờ), loại D (3,55 giờ). Tương tự, tPNbd và t2 ở nhóm phôi nang loại A cũng ngắn hơn đáng kể có ý nghĩa thống kê (21,80 giờ và 24,38 giờ; p < 0,05) khi so với nhóm phôi nang loại B (22,96 giờ và 25,57 giờ), loại C (23,21 giờ và 25,53 giờ), loại D (23,47 giờ và 25,78 giờ).
  • Ở nhóm phôi nang loại D có s2 dài hơn đáng kể (3,67 giờ; p < 0,05) khi so với nhóm phôi loại A (1,97 giờ), loại B (2,7 giờ) và loại C (2,09 giờ).
  • Thông số tB ở phôi loại A (104,04 giờ) không khác biệt có ý nghĩa thống kê khi so với phôi nang loại B không khác biệt (104,10 giờ; p > 0,05), nhưng ngắn hơn đáng kể khi so với nhóm phôi nang loại C (107,27 giờ;  p < 0,05) và loại D (106,86 giờ;  p < 0,05).
  • Còn những thông số như tPNap, t3, t4, t5, cc2, cc3 không khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các nhóm phôi nang.
 
Kết quả của nghiên cứu cũng tương đương với một số nghiên cứu khác các thông số động học quan trọng giúp lựa chọn phôi tiềm năng làm tổ tốt hơn và cho kết quả trẻ sinh sống cao. Theo Azzarello và cộng sự (2012), cho thấy tPNbd đạt 24,9 giờ có tương quan tiên lượng trẻ sinh sống. Theo Herrero và cộng sự (2013), cho thấy những phôi nang có tB đạt 104,1 giờ sẽ có tiềm năng làm tổ cao. Thông số t2 khoảng 25-27 giờ sẽ cho tỉ lệ làm tổ cao hơn khi chuyển phôi phân chia và cũng như có tỉ lệ tạo thành phôi nang cao hơn (Pfeffer et al., 2005; Fu et al., 2009, Lee et al., 2012).
 
Tóm lại, phôi nang chất lượng tốt hơn sẽ có một số thông số động học giai đoạn sớm (như tCPap, tPNbd, t2, s2, tB) ngắn hơn. Tuy nhiên vẫn cần thêm các nghiên cứu thiết kế tốt nhằm có thể phát triển các thông số mới này thành các dấn ấn sinh học để phân loại và lựa chọn phôi có tiềm năng phát triển hoàn thiện để chuyển cho bệnh nhân điều trị TTTON.
 
Nguồn: Morphokinetic parameters as auxiliary criteria for selection of
blastocysts cultivated in a time-lapse monitoring system, JBRA Assisted Reproduction, 2020, doi: 10.5935/1518-0557.20200035

Các tin khác cùng chuyên mục:
HOẠT ĐỘNG
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK