Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 13-09-2021 5:20pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Quỳnh Như- IVFMD Tân Bình

Chuyển đơn phôi trở thành xu hướng phổ biến trên khắp thế giới, nhờ chính sách này tình trạng đa thai được giảm thiểu mà không làm giảm tỷ lệ sống cộng dồn trên mỗi chu kỳ. Trong một số chu kỳ để giảm nguy cơ quá kích buồng trứng, thực hiện xét nghiệm di truyền tiền làm tổ hoặc bệnh nhân có nhiều phôi dư thì lựa chọn trữ phôi và chuyển phôi trữ đông (FET) sau đó được áp dụng. Chuyển phôi trữ đã chứng minh tính hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân, tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất về các phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung (NMTC) tối ưu cho FET.
 
Nhiều phương pháp chuẩn bị NMTC được thực hiện trong thực hành lâm sàng . Hiện nay, có ba phác đồ được sử dụng rộng rãi nhất: (i) chu kỳ nhân tạo (hormone replacement treatment - HRT); (ii) chu kỳ tự nhiên và (iii) chu kỳ tự nhiên cải biên. Chưa có bằng chứng y văn nào so sánh hiệu quả của cả 3 phác đồ trên. Hiện tại, phác đồ HRT được áp dụng rộng rãi ở nhiều trung tâm do tính thuận lợi và linh hoạt thời điểm chuyển phôi cho bệnh nhân. Tuy nhiên, phác đồ này có nhược điểm là không có hoàng thể, do đó thời gian sử dụng progesterone trước khi chuyển phôi rất quan trọng và có ảnh hưởng đến kết quả mang thai của bệnh nhân (Mackens và cs, 2017). Dựa trên những bằng chứng hiện có, đối với phác đồ HRT thời điểm sử dụng progesterone tối ưu là vào ngày phóng noãn hoặc sau đó 1 ngày và phôi nang được đề xuất chuyển cho bệnh nhân vào ngày (tuổi phôi + 1) kể từ thời điểm sử dụng progesterone. Tuy nhiên trong thực hành lâm sàng, thời điểm chuyển phôi nang khác nhau giữa các trung tâm và dao động trong vòng 5 đến 7 ngày kể từ ngày sử dụng progesterone. Chưa có bằng chứng nào chứng minh thời điểm nào là tối ưu cho việc chuyển phôi nang.
 
Do đó, mục đích chính của nghiên cứu này là đánh giá tỷ lệ trẻ sinh sống giữa những chu kỳ FET được thực hiện vào ngày thứ 6 hoặc thứ 7 kể từ thời điểm sử dụng progesterone, phương pháp chuẩn bị NMTC là HRT. Ngoài ra nghiên cứu còn đánh giá ảnh hưởng của tuổi phôi và chất lượng phôi nang đối với kết quả thai.
 
Trong nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu này, đối tượng là những bệnh nhân thực hiện HRT-FET đầu tiên từ tháng 1 năm 2016 đến tháng 12 năm 2019. Các phác đồ chuẩn bị NMTC bao gồm HRT và HRT với GnRHa. Trong đó, HRT được áp dụng cho những bệnh nhân có chu kỳ kinh nguyệt không đều, rối loạn phóng noãn hoặc NMTC và noang noãn phát triển kém trong chu kỳ tự nhiên. HRT với GnRHa áp dụng cho những bệnh nhân lạc NMTC giai đoạn I và II, u xơ tử cung < 4cm. Khi độ dày NMTC đạt ít nhất 7mm, bệnh nhân bắt đầu sử dụng progesterone. Dựa vào thời điểm chuyển phôi sau khi dùng progesterone, bệnh nhân được chia vào 2 nhóm : P6 (chuyển phôi vào ngày thứ 6) và P7 (chuyển phôi vào ngày thứ 7).  Các phân nhóm con gồm: tuổi mẹ, tuổi phôi, phác đồ chuẩn bị NMTC (HRT hay HRT với GnRHa).
 
Do thiết kế nghiên cứu không ngẫu nhiên, nhóm nghiên cứu thực hiện đánh giá kết quả bằng phương pháp điểm xu hướng (Propensity Score Matching- PSM). Kết quả chính là tỷ lệ sinh sống, các kết quả phụ bao gồm tỷ lệ thai lâm sàng, thai sinh hoá, thai ngoài tử cung và sẩy thai sớm (sẩy thai trước tam cá nguyệt đầu tiên).
 
Tổng cộng có 1.400 chu kỳ đủ điều kiện tham gia nghiên cứu, trong đó 700 chu kỳ nhóm P7 và 700 chu kỳ nhóm P6. Nghiên cứu đạt được một số kết quả sau:
+ Tỷ lệ sinh sống ở nhóm P6 cao hơn hẳn so với P7, chênh lệch đến 6,86% (38,43% so với 31,57%, p = 0,01).
+ Tỷ lệ thai lâm sàng P6 đạt 50,43% và cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm P7 (44,14%).
+ Tỷ lệ sẩy thai và thai ngoài tử cung không có sự khác biệt giữa hai nhóm.
+ Các kết quả chu sinh gồm : tuổi thai, cân nặng trẻ, tỷ lệ sinh non, dị tật bẩm sinh tương tự ở cả hai nhóm.
+ Sau khi phân nhóm, nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sinh sống cao hơn đáng kể ở những bệnh nhân trẻ tuổi (<35 tuổi), chuyển phôi ngày 5 có chất lượng tốt với phác đồ P6.
 
Nghiên cứu cũng gặp một số hạn chế như đây là nghiên cứu thiết kế hồi cứu do đó vẫn tồn tại những yếu tố gây nhiễu đến kết quả. Ngoài ra, việc hỗ trợ hoàng thể sau chuyển phôi chưa được thống nhất ở 2 nhóm, điều này có thể tác động đến kết quả mang thai của bệnh nhân. Tóm lại, phân tích hồi cứu này cho thấy chuyển đơn phôi nang đông lạnh vào ngày thứ 6 sau khi dùng progesterone cho thấy tỷ lệ sống cao hơn so với chuyển vào ngày thứ 7 trong chu kỳ HRT, đặc biệt đối với những bệnh nhân <35 tuổi.
 
 TLTK: Yang, X., Bu, Z., & Hu, L. (2021). Live birth rate of frozen-thawed single blastocyst transfer after 6 or 7 days of progesterone administration in hormone replacement therapy cycles: a propensity score-matched cohort study. Frontiers in endocrinology, 12.

Các tin khác cùng chuyên mục:
HOẠT ĐỘNG
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK