Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 16-09-2021 8:51pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Thị Vân Anh – IVF Vạn Hạnh

Dịch bệnh virus corona 2019 (COVID-19) do virus SARS-CoV-2 bùng phát vào tháng 12 năm 2019 ở Trung Quốc đã lây lan sang nhiều quốc gia. Đại dịch gây ảnh hưởng đến toàn cầu không chỉ tàn phá nền kinh tế - xã hội mà còn lấy đi hàng triệu sinh mạng. Bên cạnh đó, vấn đề lây nhiễm virus SARS-CoV-2 qua đường tình dục, ảnh hưởng của nó lên khả năng sinh sản của nam và nữ, mang thai, tác dụng tiềm ẩn gây quái thai và xử lý giao tử an toàn trong phòng thí nghiệm là những lo ngại của các bác sĩ thuộc lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm (In vitro fertilization – IVF). Đại dịch COVID-19 làm chậm tất cả các dịch vụ công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART) trên toàn cầu và thậm chí là đăng ký khám định kỳ của bệnh nhân mới. Người dân đang trì hoãn quá trình sinh sản bình thường và các cặp vợ chồng vô sinh – hiếm muộn cũng đẩy lùi kế hoạch thực hiện các biện pháp điều trị.
 
Tính đến ngày 27 tháng 7 năm 2021 đã có 195.705.870 trường hợp mắc COVID-19 và 4.188.862 trường hợp tử vong. Mặc dù COVID-19 được xác định gây bệnh đường hô hấp nhưng hiện nay nó được coi là một bệnh hệ thống vì có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác nhau. Những thách thức mới đang xuất hiện liên quan đến COVID-19 như tác động lên quá trình sinh sản tự nhiên và hỗ trợ sinh sản khi nhiễm virus, cũng như hậu quả lâu dài sau khi bệnh nhân hồi phục.
 
Hai nghiên cứu gần đây vào năm 2021 cho thấy vắc xin  COVID-19 không có tác động đến khả năng sinh sản của nam và nữ. Do đó, tạo được niềm tin của công chúng về tính an toàn của vắc xin mRNA (messenger Ribonucleic Acid) từ công nghệ của Mỹ. Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ (ASRM) cũng đưa ra quan điểm và hướng dẫn của mình rằng tiêm chủng là cách tốt nhất để tránh nhiễm và hạn chế lây lan. Những thông tin sai lệch về vắc xin gây vô sinh làm cho những người phụ nữ trẻ có ý định mang thai lưỡng lự không tiêm ngừa. Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên đã chứng minh vắc xin COVID-19 không gây hại đến khả năng sinh sản hoặc làm tăng tỷ lệ sẩy thai.
 
Vô sinh nam
Ảnh hưởng trực tiếp của virus SARS-CoV-2 này đối với cơ quan sinh sản nam đã được công bố từ năm 2020 ở Trung Quốc dưới dạng các nghiên cứu sau khi khám nghiệm tử thi. Cơ chế chính xác của tổn thương tinh hoàn chưa được làm rõ nhưng có vẻ xuất phát từ nhiệt độ cao do sốt dai dẳng và gây phản ứng miễn dịch thứ phát dẫn đến viêm tinh hoàn tự miễn. SARS-CoV-2 bám vào Angiotensin-converting enzyme 2 (ACE2) làm thụ thể xâm nhập vào tế bào người. Người ta nhận thấy thụ thể của nó có trong phổi và cả trong tinh hoàn, tập trung ở các tế bào Leydig và Sertoli. Cả hai giả thuyết là virus xâm nhập vào tinh hoàn làm thay đổi chức năng và sự gắn kết của virus vào thụ thể ACE2 dẫn đến viêm đều đang được đánh giá và theo dõi.
 
Vô sinh nữ
Một báo cáo năm 2020 nghiên cứu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cho thấy nồng độ hormone sinh dục và dự trữ buồng trứng không thay đổi đáng kể sau khi nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây của Ding và cộng sự (2021) ở Vũ Hán ghi nhận tổn thương buồng trứng bao gồm suy giảm dự trữ buồng trứng và rối loạn nội tiết ở những người phụ nữ mắc COVID-19. Họ đề nghị rằng cần phải quan tâm nhiều hơn đến chức năng buồng trứng  nhất là đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Bên cạnh đó, Basigin (BSG) có vai trò quan trọng trong sinh sản là thụ thể trung gian cho sự xâm nhập của COVID-19. Những ức chế hoặc gián đoạn BSG gây ra do virus dẫn đến sự suy giảm khả năng làm tổ của phôi. Do đo, Mahdian và cộng sự (2020) cũng khuyến cáo các cặp vợ chồng nhiễm COVID-19 không nên cố gắng sinh con cho đến khi điều trị xong.
 
Ý nghĩa của COVID-19 trong labo IVF
Các nhà khoa học đã nhanh chóng tìm kiếm phương pháp thực hành tốt về thụ tinh trong ống nghiệm và xem xét tập trung vào quy trình thủy tinh hóa. Xu hướng hiện tại là luôn sử dụng các vật chứa bảo quản lạnh an toàn cao, có khả năng chống lại lây nhiễm chéo và đáng tin để đông lạnh tinh trùng và đông lạnh phôi.
 
Hướng dẫn được đề xuất cho bác sĩ IVF
Một trong những tiên lượng xấu của COVID-19 là rối loạn đông máu mà trong ART có thể gây nguy cơ biến chứng huyết khối dẫn đến tắc mạch. Do đó, Fabreques và Penarrubia (2020) đề nghị sử dụng dự phòng heparin trọng lượng phân tử thấp khi thực hiện lấy noãn và ngay cả khi quyết định hủy chọc hút. Đồng thời, việc chuẩn bị nội mạc tử cung để chuyển phôi trữ nên sử dụng đường truyền qua da để giảm thiểu nguy cơ huyết khối tốt hơn qua đường uống.
 
Đại dịch kêu gọi thận trọng và tất cả các cơ quan quản lý sinh sản khuyến nghị hoãn chuyển phôi các chu kỳ hiện tại và không bắt đầu chu kỳ mới. Tuy nhiên, một số trường hợp ngoại lệ bệnh nhân vô sinh – hiếm muộn cần được hỗ trợ nhiều hơn từ IVF như: thu thập noãn khẩn cấp cho bệnh nhân ung thư, cho phụ nữ lớn tuổi hoặc giảm dự trữ buồng trứng không thể bị hoãn lại vô thời hạn. Bên cạnh đó, các cặp vợ chồng hiếm muộn cần được hỗ trợ tinh thần nhiều hơn vì những tác động tâm lý khi họ phải ngưng hoặc hoãn chu kỳ do đại dịch COVID-19.

Vắc xin COVID và khả năng sinh sản
Nghiên cứu của Orveito và cộng sự (2021) đánh giá ảnh hưởng của vắc xin mRNA đối với điều trị IVF. Kết quả ghi nhận vắc xin mRNA không có ảnh hưởng đến hoạt động hoặc khả năng dự trữ buồng trứng của bệnh nhân trong chu kỳ IVF ngay sau đó. Trong một nghiên cứu gần đây về các thông số tinh dịch đồ trước và sau tiêm 2 liều vắc xin COVID-19 cho thấy không có sự giảm đáng kể nào.
 
Tóm lại, vô sinh không gây nguy hiểm đến sự sống còn về thể chất của các cặp vợ chồng nhưng nó gây nguy hiểm cho chất lượng cuộc sống tương lai. Trong đó, độ tuổi là yếu tố vô sinh không thể đảo ngược nếu không điều trị đúng cách kịp thời. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của COVID-19 thì hỗ trợ sinh sản không thể giống như trước đại dịch. Tiếp tục với IVF từng phần, đông lạnh phôi được tạo ra và tiến hành chuyển phôi sau đại dịch là chiến lược tốt nhất hiện nay. Bên cạnh đó, một nhóm các nhà nghiên cứu đã đề xuất phân tầng tiên lượng các trường hợp vô sinh dễ bị tổn thương hơn để lập kế hoạch tái khởi động dần các phương pháp điều trị hiếm muộn trên toàn thế giới.
 
Nguồn: Allahbadia G. (2021). Will Procreation Ever Be The Same After COVID-19?. Journal of obstetrics and gynaecology of India, 1–6. Advance online publication.

Các tin khác cùng chuyên mục:
HOẠT ĐỘNG
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK