Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 16-09-2021 8:59pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
NHS. Trần Kim Thương - IVFAS

Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý mãn tính đặc trưng bởi sự tăng trưởng của mô nội mạc tử cung bên ngoài buồng tử cung, thường gặp nhất là ở khoang chậu (buồng trứng, dây chằng tử cung–cùng, túi cùng Douglas), gây viêm nhiễm và ảnh hưởng đến nhiều mặt trong cuộc sống của phụ nữ. Nó được coi là một trong những vấn đề phụ khoa phổ biến nhất. Theo dữ liệu dịch tễ học, tỷ lệ mắc bệnh lạc nội mạc tử cung trong dân số nói chung dao động trong khoảng 4% đến 15%, tùy thuộc vào nguồn bệnh. Trong một số trường hợp, lạc nội mạc tử cung có thể không có biểu hiện lâm sàng; do đó, tỷ lệ hiện mắc thực sự dường như bị đánh giá thấp. Tuy nhiên, nó được báo cáo ở 50% phụ nữ bị vô sinh. Các nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng lạc nội mạc tử cung làm tăng gấp đôi nguy cơ vô sinh. Sự tồn tại của bệnh thường được nghĩ đến dựa trên biểu hiện lâm sàng. Phụ nữ mắc bệnh thường có biểu hiện đau vùng chậu, đau bụng kinh, giao hợp đau và vô sinh.
 
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá chất lượng cuộc sống và tỷ lệ trầm cảm ở phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung. Tiền sử bệnh nền, triệu chứng và khả năng sinh sản được xem xét. Mục tiêu phụ của nghiên cứu là phân tích mối liên quan giữa tỷ lệ mắc các loại đau vùng chậu, mức độ nghiêm trọng của nó và các giai đoạn của bệnh lạc nội mạc tử cung.
 
Nghiên cứu bao gồm phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị lạc nội mạc tử cung đã được xác nhận. Giai đoạn bệnh được phân loại theo ASRM. Phụ nữ đã hoàn thành hai bảng câu hỏi: “Bảng câu hỏi lâm sàng của WERF EPHect” và khảo sát về các rối loạn sinh sản. Nhóm nghiên cứu bao gồm 246 người, trong đó 77,2% phụ nữ có triệu chứng. Các phàn nàn phổ biến nhất là đau vùng chậu mãn tính (CPP, 71,1%), đau bụng kinh (69,0%) và giao hợp đau (45,2%). Cường độ đau không phụ thuộc vào giai đoạn lạc nội mạc tử cung (p = 0,02). Tỷ lệ trầm cảm có tương quan thuận với triệu chứng giao hợp đau (14,5 so với 19,6 tuổi, p = 0,002). CPP (OR (tỷ số chênh) = 3,8, KTC 95% 1,2–12,8, p = 0,04) và đại tiện đau (OR = 7,7, KTC 95% 1,4–42,3, p = 0,01) làm tăng nguy cơ trầm cảm. Các triệu chứng liên quan đến lạc nội mạc tử cung và mức độ nghiêm trọng của cơn đau tương quan với tỷ lệ trầm cảm. Giai đoạn lạc nội mạc tử cung có liên quan đáng kể đến tỷ lệ vô sinh.
 
Các đặc điểm cơ bản của phụ nữ trong nhóm nghiên cứu liên quan đến giai đoạn lạc nội mạc tử cung. Tất cả các bệnh nhân đều có tổn thương nội mạc tử cung được xác nhận khi nội soi ổ bụng (64,8%), phẫu thuật mở ổ bụng (11,5%) hoặc khi siêu âm (23,6% - nang buồng trứng điển hình). Tổng cộng 75,2% phụ nữ đã trải qua ít nhất một lần nội soi (LPS) trước đó, 21,2% ít nhất hai lần, trong khi 6,8% nhiều hơn hai. Hơn một nửa số phụ nữ được khảo sát (52,8%) từng được chẩn đoán vô sinh. Tại thời điểm thu thập dữ liệu, 95 người được hỏi (39,7%) không có khả năng thụ thai.
 
Tổng cộng 15,1% phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung được chẩn đoán là trầm cảm. Tuổi trung bình khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng trầm cảm là 22,2 (SD = 7,6) tuổi. Tỷ lệ trầm cảm tại thời điểm thu thập dữ liệu có tương quan thuận với tuổi bị giao hợp đau (14,5 tuổi, SD = 4,3 so với 19,6 SD = 7,4 ở nhóm không trầm cảm, p = 0,002). Tỷ lệ xuất hiện các triệu chứng trầm cảm hoặc mệt mỏi mãn tính độc lập với giai đoạn lạc nội mạc tử cung (p = 0,8 đến 0,9 cho mỗi giai đoạn). Trong phân tích hồi quy đa biến, trong số tất cả các loại đau được báo cáo, chỉ có đau vùng chậu mãn tính và đại tiện đau là có ảnh hưởng đáng kể đến tỷ lệ các triệu chứng trầm cảm.
 
Đau liên quan đến lạc nội mạc tử cung, nhưng không phải bản thân bệnh, dường như làm tăng tỷ lệ trầm cảm. Giảm hoạt động thể chất và tình dục do các triệu chứng liên quan đến bệnh lý có từ trước được quan sát thấy ở phần lớn phụ nữ. Trên cơ sở các bằng chứng hiện có, không có mối tương quan đáng kể giữa mức độ nghiêm trọng của lạc nội mạc tử cung và tỷ lệ các loại đau khác nhau. Do đó, các triệu chứng liên quan đến lạc nội mạc tử cung dự đoán rất kém giai đoạn của nó. Tuy nhiên, giai đoạn lạc nội mạc tử cung có liên quan đáng kể đến tỷ lệ vô sinh, điều này dường như không tương quan với tỷ lệ trầm cảm ở những phụ nữ này. Cần có các nghiên cứu sâu hơn về sinh lý bệnh giữa lạc nội mạc tử cung và trầm cảm hoặc suy giảm khả năng sinh sản.
 
 Warzecha, Damian, et al. "The impact of endometriosis on the quality of life and the incidence of depression—A cohort study." International Journal of Environmental Research and Public Health 17.10 (2020): 3641.


Các tin khác cùng chuyên mục:
HOẠT ĐỘNG
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK