Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 19-07-2021 8:56am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
NHS Lâm Thạch Thảo- IVFMD Phú Nhuận

Bệnh viêm đường hô hấp cấp do coronavirus 19 (COVID-19) xuất hiện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12 năm 2019 và lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến hàng triệu người, với tỷ lệ tử vong cao hơn so với dịch bệnh do virus SARS và MERS cộng lại.
Khi xem xét mối quan hệ giữa nhiễm COVID-19 và các phương pháp điều trị hiếm muộn, Đơn vị đặc nhiệm về Coronavirus/COVID-19 của Hội Y học sinh sản Hoa Kỳ (ASRM) đã nhấn mạnh rằng “virus dường như không lây nhiễm vào các giao tử hoặc phôi”. Tuy vậy, chưa có y văn nào đánh giá về ảnh hưởng của nhiễm COVID-19 đối với các kết cục của điều trị KTBT - TTTON.

Vaccine mRNA SARS-CoV-2 mới được Pfizer cung cấp đã được chứng minh có hiệu quả ngăn ngừa nhiễm bệnh 95% kể từ một tuần sau tiêm liều thứ 2. Vaccine này đã được chứng minh là tạo ra nồng độ kháng thể trung hòa SARS- COV2 cao cùng với đáp ứng tế bào T CD8 + và T CD4+ đặc hiệu Th1. Dựa trên các thông tin nêu trên, các phương tiện truyền thông đại chúng đã đưa ra các tuyên bố không có cơ sở về việc tiêm ngừa vắc xin SARS-CoV-2 có mối tương quan với vô sinh ở mức độ nặng.
Orvieto và cộng sự đã thực hiện một nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của việc tiêm vaccine BNT162b2 SARS-CoV-2 đối với các đặc điểm của chu kỳ KTBT và số lượng phôi trong quá trình điều trị IVF sau khi tiêm vaccine COVID-19, giúp cung cấp thêm thông tin cho chuyên gia hỗ trợ sinh sản tư vấn bệnh nhân trong quá trình điều trị.

Nghiên cứu khảo sát 36 cặp vợ chồng trải qua điều trị KTBT-TTTON hai lần liên tiếp, trước và sau khi tiêm liều vaccine mRNA SARS-CoV-2 thứ hai. Khoảng thời gian giữa thời điểm tiêm mũi vaccine thứ hai đến ngày bắt đầu chu kỳ điều trị IVF tiếp theo là 7–85 ngày.
Kết quả cho thấy không có sự khác biệt giữa các chu kỳ về tổng số ngày kích thích buồng trứng, tổng liều gonadotropin đã sử dụng, cũng như nồng độ estradiol đỉnh và nồng độ progesterone ngày khởi động trưởng thành noãn giữa hai chu kỳ IVF trước và sau tiêm vaccine. Hơn nữa, không có sự khác biệt nào được ghi nhận về số lượng noãn và số noãn trưởng thành chọc hút được, tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ phôi tốt và tỷ lệ phôi tốt trên tổng số lượng phôi 2PN, hoặc các thông số tinh dịch đồ. Không có bệnh nhân nào có thai trong chu kỳ điều trị IVF trước khi tiêm vaccine, trong khi 3 bệnh nhân đã có thai trong số 10 bệnh nhân được chuyển phôi (30% mỗi lần chuyển) trong chu kỳ sau khi tiêm vaccine mRNA SARS-CoV-2.

Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả nhận thấy vaccine mRNA SARS-CoV-2 không có ảnh hưởng lên các kết cục của chu kỳ IVF ngay sau đó của bệnh nhân. Việc tiêm vaccine không có tác dụng bất lợi nào của đối với đáp ứng buồng trứng của bệnh nhân, cũng như tác động bất lợi lên các giao tử/phôi đang phát triển, với tỷ lệ có thai chấp nhận được (30% mỗi lần chuyển). Điều này có thể được giải thích là do mức độ đáp ứng viêm toàn thân do vaccine mRNA gây ra ít hơn, với tác dụng dường như là tối thiểu trên quá trình phát triển nang noãn và sinh tinh.
Hạn chế của nghiên cứu này là cỡ mẫu nhỏ và thời gian theo dõi ngắn. Tuy nhiên, một điểm mạnh trong nghiên cứu là so sánh được hai chu kỳ IVF liên tiếp (trước và sau khi tiêm chủng) trong cùng một nhóm bệnh nhân. Tất cả phụ nữ tham gia nghiên cứu đều thực hiện hai chu kỳ điều trị liên tiếp, giúp loại bỏ nhiều yếu tố sai lệch và quy kết kết quả nghiên cứu vào hiệu quả trước và sau khi tiêm chủng.

Tóm lại, việc tiêm ngừa vaccine mRNA SARS-CoV-2 không ảnh hưởng đến đáp ứng buồng trứng của bệnh nhân trong chu kỳ IVF ngay sau đó. Cần có các nghiên cứu lớn hơn trong tương lai với thời gian theo dõi dài hơn nhằm xác thực các quan sát được rút ra từ nghiên cứu này.

Tài liệu tham khảo
Orvieto, R., Noach-Hirsh, M., Segev-Zahav, A., Haas, J., Nahum, R., & Aizer, A. (2021). Does mRNA SARS-CoV-2 vaccine influence patients' performance during IVF-ET cycle?. Reproductive Biology and Endocrinology, 19(1), 1-4.

Các tin khác cùng chuyên mục:
HOẠT ĐỘNG
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK