Đặng Quang Vinh [1],[2], Lê Thụy Hồng Khả [1],
Nguyễn Thị Thu Lan [3],
Vương Thị Ngọc Lan [4], Hồ Mạnh Tường [2],[3]
[1] IVF Vạn Hạnh, [2] Khoa Y ĐHQG TpHCM, [3] IVFAS, [4] Bộ môn Sản ĐHYD TpHCM
GIỚI THIỆU
Trưởng thành noãn trong ống nghiệm (IVM) là một kỹ thuật trong đó noãn được chọc hút ở giai đoạn chưa trưởng thành (GV), và được nuôi cấy trong các môi trường chuyên biệt cho đến khi trưởng thành (MII). Các giai đoạn tiếp sau đó như tạo phôi, nuôi cấy phôi diễn ra như một chu kỳ TTTON thông thường. Về cơ bản, kỹ thuật này can thiệp vào khâu đầu tiên của qui trình, đó là thu được noãn để làm TTTON. Như vậy, trong IVM, kích thích buồng trứng (KTBT) là hoàn toàn không cần thiết hay chỉ cần kích thích “mồi” (priming) với liều thấp và trong thời gian ngắn. Do đó, nguy cơ quá kích buồng trứng (QKBT) hoàn toàn không xảy ra. Trong thời gian đầu, IVM chỉ được áp dụng cho các đối tượng PCOS, là những người có nguy cơ QKBT cao khi KTBT. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, IVM còn được chỉ định cho các bệnh nhân có dự trữ buồng trứng bình thường, đáp ứng kém với KTBT, chu kỳ xin cho noãn…
IVM được triển khai tại Việt Nam từ năm 2006, và hai em bé đầu tiên của kỹ thuật IVM tại Việt Nam (sinh đôi) ra đời vào ngày 2/5/2007. Hiệu quả của IVM trên các đối tượng PCOS đã được chúng tôi báo cáo. Theo Chian, đến cuối năm 2008, tổng cộng có trên 1000 trẻ sinh ra từ IVM, trong đó, Việt Nam đứng hàng thứ 5 trên thế giới và thứ 3 ở khu vực châu Á. Bài viết này nhằm báo cáo kết quả của kỹ thuật IVM trên những bệnh nhân có chỉ định làm TTTON và có dự trữ buồng trứng bình thường.
PHƯƠNG PHÁP
Đây là một báo cáo loạt ca trên 48 bệnh nhân làm IVM. Các bệnh nhân có chu kỳ kinh nguyệt đều, có chỉ định làm TTTON do tinh trùng chồng, do tai vòi hay thất bại với bơm tinh trùng vào buồng tử cung và các xét nghiệm cho thấy dự trữ buồng trứng trong giới hạn bình thường sẽ được tiến hành làm IVM.
Vào ngày thứ 3,4 của kỳ kinh, bệnh nhân được cho sử dụng FSH với liều 100IU/ngày trong 3 ngày. hCG 10,000 IU được tiêm vào ngày hôm sau. Chọc hút noãn được tiến hành 38 tiếng sau đó, dưới sự hỗ trợ của hệ thống máy tạo áp lực. Noãn sau khi chọc hút được kiểm tra độ trưởng thành. Các noãn MII sẽ được tiêm tinh trùng vào bào tương trứng trong khoảng 4-6 tiếng sau. Các noãn còn lại được nuôi cấy trong môi trường chuyên biệt trong 26-28 tiếng. Các noãn trưởng thành trong in vitro sẽ được thực hiện ICSI như thường quy. Phôi được chuyển vào 2 ngày sau đó.
Niêm mạc tử cung được chuẩn bị bắt đầu vào ngày chọc hút với 8mg estradiol/ngày và progesterone vào ngày tiêm tinh trùng. Việc sử dụng estradiol và progesterone ngoại sinh đưọc kéo dài đến ngày thử thai.
KẾT QUẢ
Trong thời gian từ tháng 04/2010 đến 09/2010, có 48 bệnh nhân có chỉ định TTTON và có dự trữ buồng trứng bình thường được thực hiện IVM. Các đặc điểm chung của bệnh nhân được trình bày trong bảng 1.
Số trứng chọc hút trung bình là 8,6 ± 3,6, tỷ lệ trứng trưởng thành sau nuôi cấy là 77,4%. Có 47 chu kỳ có chuyển phôi (01 trường hợp không chuyển phôi do niêm mạc tử cung không thuận tiện). Tỷ lệ thai lâm sàng đạt được là 22,9% với tỷ lệ làm tổ 7,7% (bảng 2).
Bảng 1. Đặc điểm chung của bệnh nhân
Đặc điểm |
Trị số |
Tuổi vợ trung bình |
31,1 ± 4,15 |
Thời gian vô sinh |
6,3 ± 3,9 |
Chỉ định làm TTTON
|
42,3% 27,1% 30,6% |
FSH |
6,1 ± 1,5 |
AFC |
8,5 ± 3,7 |
Bảng 2. Kết quả điều trị
|
N = 48 |
Số noãn chọc hút |
8,6 ± 3,6 |
Tỷ lệ noãn trưởng thành in vitro |
77,4% |
Tỷ lệ thụ tinh |
75% |
Số phôi trung bình |
4,3 ± 2,4 |
Số phôi tốt trung bình |
1,9 ± 1,7 |
Số phôi chuyển trung bình |
3,4 ± 1,5 |
Độ dày NMTC trung bình |
7,1 ± 1,9 |
Tỷ lệ thai lâm sàng |
22,9% |
Tỷ lệ làm tổ |
7,7% |
BÀN LUẬN
Đây là báo cáo đầu tiên tại Việt nam cho thấy IVM có thể được áp dụng cho những trường hợp vô sinh có chỉ định TTTON trên phụ nữ có dự trữ buồng trứng bình thường. Trong nghiên cứu này, thời gian tiêm thuốc của bệnh nhân là tối thiểu, giảm thời gian theo dõi, không cần định lưọng nội tiết và tổng chi phí điều trị thấp hơn nhiều.
hCG đã được sử dụng một cách thường quy trong IVM cho các đối tượng PCOS. Vai trò của FSH ngắn ngày (priming) trên các bệnh nhân không PCOS cũng đã không được chứng minh. Trong nghiên cứu này, các bệnh nhân được cho sử dụng FSH phối hợp với hCG trong thời gian ngắn (priming). Kết quả thu được của chúng tôi cũng phù hợp với một báo cáo gần đây khi phối hợp sử dụng FSH và hCG trước chọc hút (Fadini và cs, 2009). Trong nghiên cứu này, khi phối hợp 150IU FSH trong 3 ngày và 10,000IU hCG trước chọc hút, tỷ lệ thai lâm sàng đạt được là 29,9% và tỷ lệ làm tổ là 16,4%.
KẾT LUẬN
Kết quả của nghiên cứu của chúng tôi cho thấy đối với những bệnh nhân có dự trữ buồng trứng bình thường và có chỉ định TTTON, IVM có thể là một phương pháp điều trị hiệu quả.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Child T, Abdul-Jalil A, Gulekli B et al. In vitro maturation and fertilization of oocytes from unstimulated normal ovaries, polycystic ovaries, and women with polycystic ovary syndrome. Fertil Steril,2001;76:936 – 42
Fadini R, Canto M, Renzini M et al. Effect of different gonadotrophin priming on IVM of oocytes from women with normal ovaries: a prospective randomized study. Reprod Biomed Online,2009,19:343-51
Fadini R, Canto M, Renzini M et al. Predictive factors in in-vitro maturation in unstimulated women with normal ovaries. Reprod Biomed Online,2009,18:251-61
ĐQVinh, HMTường, VTNLan và cs. Hiệu quả của kỹ thuật trưởng thành trứng non trong ống nghiệm. Thời sự Y Dược học, 2009:1-5
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Quinter Central Nha Trang, Chủ Nhật ngày 12 . 01 . 2025
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...