Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 12-02-2025 1:32am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN. Phạm Bích Vân - IVF Tâm Anh
 
Lệch bội ảnh hưởng đến khoảng một nửa số phôi tiền làm tổ ở người và là nguyên nhân chính gây thất bại làm tổ nhiều lần, phôi ngừng phát triển, sẩy thai và các rối loạn bẩm sinh. Cơ chế gây ra lệch bội là do sai sót trong quá trình giảm phân khi tạo giao tử và thụ tinh với một giao tử lệch bội hoặc sai sót trong quá trình nguyên phân khi phôi phát triển. Mặc dù tuổi mẹ từ lâu đã được xem như là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tỉ lệ phôi nguyên bội, các trung tâm sinh sản và các bác sĩ vẫn đạt được tỉ lệ phôi nguyên bội khác nhau ngay cả trong nhóm người hiến noãn có tuổi trẻ. Điều này cho thấy ngoài tuổi tác, còn có các yếu tố khác tác động đến kết quả này. Nghiên cứu trên động vật chỉ ra rằng siêu kích thích buồng trứng (với liều gonadotropin cao) có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của noãn và gây ra các bất thường về nhiễm sắc thể của phôi. Một số nghiên cứu cho thấy tỉ lệ phôi nguyên bội bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như liều gonadotropin, phác đồ kích thích, thời gian kích thích và số lượng noãn thu được, trong khi một số nghiên cứu khác lại không thấy có sự ảnh hưởng nào giữa việc kích thích buồng trứng và tỉ lệ phôi nguyên bội.
Để giảm thiểu sai lệch lựa chọn mẫu, nghiên cứu này đã tập trung vào nhóm bệnh nhân tham gia xét nghiệm di truyền tiền làm tổ cho các rối loạn đơn gen (PGT-M), giúp kiểm tra tình trạng nguyên bội mà không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nguy cơ lệch bội như tuổi tác hay vấn đề sinh sản khác. Nghiên cứu cũng đã khảo sát tác động của kích thích buồng trứng đối với tỉ lệ thụ tinh và hình thành phôi nang trong các chu kỳ PGT-M.
 
Phương pháp:
Tổng cộng có 617 phụ nữ (có độ tuổi từ 22 đến 45) tham gia 867 chu kỳ PGT-M, bao gồm 12.874 noãn thu được và 3.106 phôi nang được sinh thiết. Kết quả chính của nghiên cứu là tỉ lệ phôi nguyên bội được tính bằng cách chia số lượng phôi nang nguyên bội chia cho tổng số lượng phôi nang đã sinh thiết trong mỗi chu kỳ. Các kết quả phụ bao gồm tỉ lệ thụ tinh bình thường (số phôi có 2PN trên số noãn trưởng thành) và tỉ lệ phôi phát triển thành phôi nang (số phôi nang / số phôi 2PN).
 
Kết quả:
Các tham số kích thích buồng trứng khác nhau bao gồm các phác đồ khác nhau, liều gonadotropin (liều khởi đầu và tổng liều), thời gian kích thích khác nhau và việc bổ sung HMG, hay số lượng noãn thu được đều có tỉ lệ phôi nguyên bội và tỉ lệ thụ tinh tương đương nhau ở tất cả các nhóm tuổi (tất cả P > 0,05). Tỉ lệ phát triển phôi nang giảm khi liều gonadotropin khởi đầu tăng ở phụ nữ từ 31–34 tuổi (P = 0,005), nhưng ngược lại tỉ lệ phát triển phôi nang tăng khi liều gonadotropin khởi đầu tăng ở phụ nữ từ 35–37 tuổi (P = 0,017). Ở phụ nữ từ độ tuổi 31–34, 35–37 và 38–40 tuổi, tỉ lệ phát triển phôi nang giảm đáng kể khi số lượng noãn thu được tăng lên (P = 0,001, P<0,001, và P = 0,012).
 
Bàn luận:
Kết quả cho thấy các yếu tố liên quan đến kích thích buồng trứng (như liều gonadotropin cao và thời gian kích thích kéo dài, cũng như số lượng noãn thu được) không ảnh hưởng đến tỉ lệ nguyên bội của phôi nang, nhưng có ảnh hưởng đến tỉ lệ phát triển thành phôi nang ở một số nhóm tuổi. Đặc biệt là đối với phụ nữ từ 31–40 tuổi có tỉ lệ phát triển phôi nang giảm khi số lượng noãn thu được tăng lên.
Ảnh hưởng của kích thích buồng trứng đến tỉ lệ phôi nguyên bội vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Một bài tổng quan hệ thống bao gồm 15 nghiên cứu từ 2007 đến 2019 của Rodriguez-Purata và cộng sự (2022) cùng với một số nghiên cứu gần đây đã cho kết quả không đồng nhất, điều này có thể  do sự khác biệt trong các nhóm nghiên cứu, giai đoạn sinh thiết và phương pháp đánh giá. Một số nghiên cứu cho thấy kích thích buồng trứng không ảnh hưởng đến tỉ lệ phôi nguyên bội, trong khi nghiên cứu của Baar và cộng sự (2007) nhận thấy rằng sử dụng liều gonadotropin cao có thể làm giảm tỉ lệ nguyên bội và Haaf và cộng sự (2009) đã phát hiện ra tỉ lệ phát triển phôi nang giảm khi số lượng noãn thu được tăng lên ở phụ nữ dưới 40 tuổi. Nghiên cứu này cũng chỉ ra một điều thú vị đó là liều gonadotropin tác động ngược lại đối với tỉ lệ phát triển phôi nang ở các nhóm tuổi khác nhau. Liều gonadotropin cao có liên quan đến tỉ lệ phát triển phôi nang thấp hơn ở phụ nữ từ 31–34 tuổi, nhưng lại có tỉ lệ phát triển phôi nang cao hơn ở phụ nữ từ 35–37 tuổi. Điều này có thể là vì phụ nữ trẻ (31–34 tuổi) có đủ số nang phát triển với liều gonadotropin thấp, trong khi phụ nữ lớn tuổi hơn (35–37 tuổi) cần liều cao hơn để có đủ số lượng nang phát triển. Hạn chế của nghiên cứu bao gồm như việc nghiên cứu này mang tính hồi cứu và số lượng bệnh nhân lớn tuổi khá ít. Các nghiên cứu tiếp theo cần xác nhận kết quả này và nghiên cứu tác động của kích thích buồng trứng đối với lệch bội đồng nhất và khảm.
 
Kết luận:
Tóm  lại, nghiên cứu này đã chỉ ra rằng kích thích buồng trứng không ảnh hưởng đến tỉ phôi nguyên bội hoặc tỉ lệ thụ tinh ở những bệnh nhân thực hiện PGT-M. Tuy nhiên, đối với phụ nữ trong độ tuổi 31-40 tỉ lệ phát triển phôi nang giảm khi số lượng noãn thu được tăng lên. Do đó, cần điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp, đặc biệt là khi xét đến ảnh hưởng của tuổi mẹ đối với chất lượng phôi.
 
 
Nguồn: MA, Congcong, et al. Effects of ovarian stimulation on embryo euploidy: an analysis of 12 874 oocytes and 3106 blastocysts in cycles with preimplantation genetic testing for monogenic disorders. Human Reproduction Open, 2024, 2024.4: hoae054.

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, thứ bảy 19 . 7 . 2025

Năm 2020
Năm 2020

New World Saigon hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 06 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Kính mời quý đồng nghiệp quan tâm đến hỗ trợ sinh sản tham ...

Y học sinh sản số 73 (Quý I . 2025) ra mắt ngày 20 . 3 . 2025 và ...

Sách ra mắt ngày 6 . 1 . 2025 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK