Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 05-02-2025 2:16am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN Lê Ngọc Quế Anh – IVF Tâm Anh
 
Giới thiệu
Việc chọn phôi tốt nhất để chuyển vào tử cung và phát hiện sớm các phôi bất thường là rất khó. Nhân tế bào và hạch nhân là hai cấu trúc quan trọng trong hợp tử. Kích thước của tiền nhân (pronuclear – PN) và cách sắp xếp của hạch nhân (nucleolus precursor bodies – NPB) liên quan đến khả năng phân chia và phát triển thành phôi khỏe mạnh của hợp tử. Công nghệ time-lapse giúp theo dõi sự phát triển của phôi liên tục từ đó đánh giá được hình dạng và quá trình phát triển của phôi. Nghiên cứu tập trung vào hiện tượng phân chia bất thường trong quá trình phát triển phôi đó là sự phân chia trực tiếp. Hai loại phân chia bất thường chính được nghiên cứu là phân chia trực tiếp tức thời (instant direct cleavage – IDC) với hợp tử phân chia trực tiếp thành ba tế bào con ngay tức thì và phân chia nhanh (fast cleavage – FC) với hợp tử phân chia thành ba tế bào con trong vòng chưa đầy 5 giờ. Các bất thường trong nguyên phân xảy ra ở giai đoạn phân chia sớm ảnh hưởng đến phần lớn các phôi bào giai đoạn sau và ảnh hưởng đến khả năng hình thành phôi nang, tỷ lệ làm tổ và ảnh hưởng đến kết quả mang thai.
Mục tiêu nghiên cứu:
  • Hiểu rõ sự khác biệt giữa hai loại IDC và FC
  • Đánh giá tác động của IDC và FC: tỷ lệ xảy ra và kết quả lâm sàng
  • Dự đoán phân chia bất thường: Dựa vào dấu hiệu hình thái ở giai đoạn hợp tử
 
Phương pháp
Nghiên cứu hồi cứu từ một đơn vị IVF từ 2014 đến 2022 trên 3060 phôi từ 1811 chu kỳ IVF. Mô hình phân chia, động học hình thái và kết quả được ghi nhận. Tiêu chí nhận bao gồm các phôi thụ tinh 2PN, từ tinh trùng xuất tinh và nuôi cấy bằng hệ thống time-lapse ít nhất 5 ngày.
Nghiên cứu được chia thành ba nhóm theo mô hình phân chia của phôi:
  • Nhóm đối chứng: Hợp tử phân chia bình thường (n = 551)
  • Nhóm phân chia nhanh (FC): từ hợp tử đến 3 tế bào dưới 5 giờ (n = 1.587)
  • Nhóm phân chia trực tiếp tức thời (IDC): hợp tử phân chia trực tiếp thành ba tế bào (n = 922)
Các kết quả được ghi nhận bao gồm tỷ lệ phôi ngừng phát triển, tỷ lệ phôi nang hữu dụng (chuyển hoặc trữ lạnh), tỷ lệ phôi nang bị loại bỏ (ICM loại C hoặc TE loại C), khoảng thời gian từ lúc thụ tinh đến khi tiền nhân biến mất (PN fading) và từ lúc tiền nhân biến mất đến lần phân chia đầu tiên và tỷ lệ thai.
 
Kết quả
Trong số 14462 phôi phát triển từ hợp tử 2PN được nuôi cấy trên 113 giờ có 82,7% (11953/14462) phân chia bình thường và 17,3% phân chia trực tiếp (trong đó 922/14462 IDC và 1587/14462 FC).
Trong số 922 phôi IDC có 881 (95,54%) phôi không thể phát triển đến giai đoạn phôi nang so với 1120/1587 phôi FC (70,57%) và 264/551 (47,91%) phôi nhóm đối chứng.
Tỷ lệ phôi nang hữu dụng từ nhóm phân chia nhanh là 108/1.587 (6,81%), nhóm đối chứng là 180/551 (32,67%) và 4/922 (0,43%) nhóm IDC.
Thời gian nhân tế bào biến mất và thời gian từ khi biến mất đến lần phân chia đầu tiên có sự khác biệt đáng kể giữa nhóm đối chứng, FC, IDC (lần lượt 24,68% so với 27,19% với 29,45%, p<0,0001).
Mặc dù tỷ lệ mang thai của phôi nang từ nhóm đối chứng và nhóm phân chia nhanh tương đương nhau (lần lượt là 40,35% và 42,55%) nhưng số lượng phôi phân chia trực tiếp (IDC) đạt đến giai đoạn phôi nang rất thấp (chỉ 4 phôi trong tổng 992 phôi IDC được phân tích) và không phù hợp để so sánh thống kê về tỷ lệ mang thai.
 
Bàn luận
Nghiên cứu làm rõ sự khác biệt giữa IDC và FC cho thấy chúng có ảnh hưởng khác nhau đến khả năng phát triển của phôi. Phôi người có các cơ chế tự sửa chữa thông qua khả năng loại bỏ các phôi bào bất thường dưới dạng phân mảnh hoặc thông qua quá trình chết tế bào theo chương trình (apoptosis). Thời gian tiền nhân biến mất và thời gian từ lúc tiền nhân biến mất đến lần phân chia đầu tiên ở các phôi IDC và FC đều dài hơn so với phôi bình thường. Điều này cho thấy sự chậm trễ trong quá trình phân chia tế bào ở các phôi có kiểu phân chia bất thường. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng thời gian chu kỳ tế bào dài hơn có thể liên quan đến chất lượng phôi kém, dị bội hoặc các bất thường di truyền khác. Sự chậm trễ trong chu kỳ tế bào có thể ảnh hưởng đến quá trình hoạt hóa bộ gen phôi. Ở các phôi IDC, do sự phân chia nhiễm sắc thể không đồng đều nên có thể gây khó khăn cho quá trình hoạt hóa bộ gen phôi, dẫn đến phôi không phát triển được.
Không có sự khác biệt đáng kể về đặc điểm hình thái của hợp tử như kích thước nhân, số lượng hạch nhân giữa các hợp tử sẽ phát triển thành phôi nhóm IDC và hợp tử phát triển thành phôi bình thường. Điều này cho thấy rằng việc chỉ dựa vào hình thái ban đầu của hợp tử để dự đoán IDC là không đủ.
 
Kết luận
Cần nuôi cấy phôi IDC trong 5 ngày, cho đến giai đoạn phôi nang và tránh chuyển phôi có xu hướng ngừng phát triển ngay cả khi chúng có chất lượng hình thái tốt vào ngày 3. Trong khi đó, phôi phân chia nhanh có thể được chuyển vào ngày ba khi không có lựa chọn thay thế.
 
Nguồn: Nemerovsky L, Ghetler Y, Wiser A, Levi M. Two types of cleavage, from zygote to three cells, result in different clinical outcomes and should be treated differently. Front Cell Dev Biol. 2024 Jun 3;12:1398684. doi: 10.3389/fcell.2024.1398684. PMID: 38887513; PMCID: PMC11180787.
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, thứ bảy 19 . 7 . 2025

Năm 2020
Năm 2020

New World Saigon hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 06 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Kính mời quý đồng nghiệp quan tâm đến hỗ trợ sinh sản tham ...

Y học sinh sản số 73 (Quý I . 2025) ra mắt ngày 20 . 3 . 2025 và ...

Sách ra mắt ngày 6 . 1 . 2025 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK