Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Sunday 31-10-2021 8:26am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Thị Thu Thảo - IVFMD Bình Dương

Rối loạn tăng huyết áp trong thai kỳ (Hypertensive disorders of pregnancy – HDP), bao gồm tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật (TSG), là một trong những biến chứng thai kỳ phổ biến nhất và là nguyên nhân gây bệnh lý và tử vong ở mẹ. Công nghệ hỗ trợ sinh sản (Assisted reproductive technology - ART) có liên quan đến các kết quả bất lợi khi mang thai, bao gồm cả HDP. Tuy nhiên, tác động của đa thai, hiến noãn, cũng như chuyển phôi tươi và đông lạnh cần được nghiên cứu thêm. Do đó, Hui Ju Chih và cộng sự đã thực hiện một tổng quan hệ thống và phân tích gộp nhằm xác định xem liệu mang thai trong thụ tinh trong ống nghiệm (in vitro fertilization - IVF)/ tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (intracytoplasmic sperm fertilization - ICSI) có liên quan đến việc tăng tỷ lệ HDP và TSG so với thụ thai tự nhiên (spontaneous conception - SC) hay không. Hơn nữa, nghiên cứu nhằm xác định xem liệu tỷ lệ có khác nhau tùy thuộc vào loại quy trình, thủ thuật hay không. Bên cạnh đó, tổng quan nhằm cung cấp các khuyến nghị lâm sàng cho phụ nữ dự định mang thai thông qua IVF/ICSI.

Tổng quan đã xác định các nghiên cứu từ Thư viện EMBASE, MEDLINE và Cochrane (đến ngày 8 tháng 4 năm 2020). Nghiên cứu đoàn hệ bao gồm các trường hợp mang thai sau khi IVF có hoặc không có sử dụng kĩ thuật ICSI so với SC, HDP hoặc TSG là kết quả được quan tâm. Nhóm đối chứng là những phụ nữ thụ thai tự nhiên mà không cần ART hoặc thuốc hỗ trợ sinh sản.

Kết quả cho thấy có 85 nghiên cứu được đưa vào sau khi sàng lọc 1.879 bản tóm tắt và 283 bài báo toàn văn. So với SC, trong IVF/ICSI mang đơn thai (OR 1,70; 95% KTC, 1,60–1,80; I2  = 80%) và mang đa thai (OR 1,34; 95% KTC, 1,20–1,50; I2  = 76%) đều liên quan đến tỷ lệ HDP cao hơn. Các trường hợp đơn thai trong chu kì hiến noãn có tỷ lệ HDP cao nhất trong số tất cả các nhóm được phân tích (OR 4,42; 95% KTC, 3,00–6,51; I2  = 83%). Chuyển phôi đông lạnh dẫn đến tỷ lệ HDP cao hơn (OR 1,74; 95% KTC, 1,58–1,92; I2  = 55%) so với chuyển phôi tươi (OR 1,43; 95% KTC, 1,33–1,53; I2 = 72%). Mối liên quan giữa thai kỳ IVF/ICSI và SC là tương tự nhau đối với TSG.

Nghiên cứu cho thấy rằng mang thai IVF/ICSI có tỷ lệ HDP và tiền sản giật cao hơn so với SC, bất kể số lượng nhiều hay ít. Bên cạnh đó, tỷ lệ đặc biệt cao đối với các trường hợp mang thai chuyển phôi đông lạnh và hiến noãn. Do đó, những nghiên cứu sâu hơn dựa trên quy trình điều trị IVF khác nhau nên được xem xét. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần nhận thức được những rủi ro này và xây dựng các kế hoạch chăm sóc và can thiệp cụ thể đối với các trường hợp mang thai IVF/ICSI để giảm tỷ lệ các biến chứng tăng huyết áp và sau đó là các nguy cơ về bệnh lý và tử vong ở mẹ.

Tài liệu tham khảo: Hui Ju Chih, Flavia T. S. Elias, Laura Gaudet và cộng sự. Assisted reproductive technology and hypertensive disorders of pregnancy: systematic review and meta-analyses. BMC Pregnancy and Childbirth. 2021.

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK