Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 09-09-2021 6:19pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CVPH.Trần Vĩnh Thiên Ngọc – IVFMD

Tỷ lệ giới tính (SER) được định nghĩa là tỷ số sinh nam:nữ trong dân số được chuẩn hóa thành 100, và nó thường ổn định ở mức 105 ở Hoa Kỳ. Bình thường, tỷ lệ giới tính vẫn tương đối không đổi; dao động nhỏ giữa 104,6 và 105,9 trong khoảng thời gian 60 năm ở Hoa Kỳ. Những thay đổi đáng chú ý về tỷ lệ giới tính xảy ra trong thời kỳ chiến tranh, di cư lao động và ở các nhóm dân cư ưa thích con trai. Sự thay đổi của tỷ lệ giới tính lệch bao gồm tăng tỷ lệ nam cao ở dân số nam ở độ tuổi trưởng thành, tỷ lệ tử vong giữa nam và nữ tăng ở độ tuổi lớn hơn và chế độ phụ hệ duy trì. Khoảng 1,7% tổng số trẻ sinh ra hàng năm ở Hoa Kỳ được thụ thai bằng công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART). Con số này chiếm hơn một triệu ca sinh sống kể từ năm 1987. Cùng với sự gia tăng ART ở Hoa Kỳ, việc sử dụng xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (PGT) cũng đã tăng từ 4% của tất cả các chu kỳ vào năm 2005 lên hơn 22% vào năm 2015.
 
Ủy ban Đạo đức của Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ (ASRM) đã đưa ra hướng dẫn xung quanh việc vô tình biết giới tính sau PGT, nêu rõ rằng bệnh nhân nên được hỏi liệu họ có muốn tiết lộ giới tính của phôi hay không. Ngoài ra, nếu các phòng khám thực hiện chính sách không cho phép tiết lộ giới tính để lựa chọn phôi chuyển, thì bệnh nhân nên biết các chính sách đó trước khi bắt đầu điều trị. Tuy nhiên, hiện tại không có bằng chứng để bác bỏ hoặc ủng hộ tuyên bố này. Có bằng chứng cho thấy đã có sự gia tăng thực hành lựa chọn giới tính phi y tế giữa các phòng khám ART. Ngoài ra, bản thân quá trình nuôi cấy kéo dài có thể làm thay đổi tỷ lệ nam:nữ nhưng hiện vẫn còn bất đồng kết quả giữa các nghiên cứu. Trước những tranh cãi xung quanh việc lựa chọn giới tính phi y tế và tác động có thể có của nuôi cấy kéo dài đối với giới tính con cái, nhóm nghiên cứu của trường Đại học Duke (Mỹ) đã tìm cách xác định mức độ mà việc sử dụng PGT làm thay đổi SER sau khi thụ tinh trong ống nghiệm và liệu mối liên quan này có khác nhau theo khu vực phòng khám hoặc lứa tuổi hay không.
 
Nghiên cứu này được hồi cứu dữ liệu từ 2014 đến 2016 từ cơ sở dữ liệu của SART bao gồm các chu kỳ chuyển phôi tươi và trữ. Số liệu thu thập từ những chu kỳ sinh sống một con sau khi chuyển phôi tự thân tươi hoặc trữ phôi nang PGT, phôi nang không PGT hoặc phôi giai đoạn phân chia không PGT. SER giữa các nhóm được so sánh bằng cách sử dụng các test chi bình phương. Hồi quy Modified Poisson mô hình hóa những nguy cơ liên quan (RR) đến tỷ lệ nam:nữ trong số các trường hợp chuyển phôi nang PGT so với phôi phân chia và phôi nang không PGT, điều chỉnh theo tuổi, BMI, tình trạng hút thuốc, chủng tộc, số lượng noãn sau chọc hút và trung tâm IVF.
 
Kết quả cho thấy SER là 110 đối với phôi nang PGT, 107 đối với phôi nang không PGT (p = 0,005), và 99 đối với phôi phân chia không PGT (p <0,001). Nguy cơ sinh con trai cao hơn 2% trong các lần chuyển phôi nang PGT so với chuyển phôi nang không PGT (RR 1.02; 95% CI: 1.01, 1.04). Nguy cơ cao hơn 5% trong các lần chuyển phôi nang PGT so với chuyển phôi phân chia không PGT (RR 1.05; 95% CI: 1.02, 1.07). Mối liên quan giữa PGT và giới tính trẻ sơ sinh không khác biệt đáng kể theo vùng (p = 0,57).
 
SER giữa các cặp vợ chồng có làm PGT (110) cao hơn SER dân số (105). Nhóm tác giả tin rằng đây là một thay đổi rõ rệt khi xem xét sự ổn định của SER dân số khoảng 105 kể từ những năm 1940 ở Mỹ. IVF với PGT hiện tại không có khả năng làm thay đổi đáng kể SER dân số, vì chỉ khoảng 1,7% ca sinh ở Mỹ là từ IVF, và chỉ khoảng 50% chu kỳ ART bao gồm PGT vào năm 2016. Tuy nhiên, đã có nghiên cứu sự gia tăng sử dụng PGT từ 16,8% trong năm 2014 lên 50,1% vào năm 2016. Do sự gia tăng của ART và tăng sử dụng PGT, nhóm tác giả tin rằng các công nghệ này có thể tác động đến SER dân số theo thời gian, nguy cơ sinh con trai tăng lên với PGT. Sự tăng do PGT có thể là do sự lựa chọn phôi giới tính nam để chuyển tăng, hoặc thất bại làm tổ và loại bỏ phôi giới tính nữ do bất thường di truyền. Các yếu tố di truyền cho thấy khả năng sống sót của phôi giới tính nam cao hơn bao gồm các lợi thế có thể được mã hóa trên nhiễm sắc thể Y và các lỗi in dấu di truyền trên nhiễm sắc thể X của phôi giới tính nữ. Hơn nữa, đã có báo cáo rằng phôi giới tính nữ có tỷ lệ khiếm khuyết di truyền cao hơn. Ví dụ, hội chứng Turner, có tỷ lệ mắc là 22,2/100.000, điều này có thể giải thích thêm về sự ưu tiên chọn phôi giới tính nam. Một số sự gia tăng rủi ro liên quan đến PGT có thể do nuôi cấy dài ngày. Nuôi cấy dài ngày có thể hỗ trợ sự phát triển phôi giới tính nam do phôi giới tính nam đã được chứng minh hấp thu pyruvate và glucose nhanh hơn so với phôi giới tính nữ. Nghiên cứu này là nghiên cứu quốc gia đầu tiên ở Mỹ cho thấy mối liên hệ giữa chuyển phôi PGT và giới tính con sinh ra. Điểm mạnh của nghiên cứu này gồm đây là nghiên cứu đầu tiên sử dụng dữ liệu chuyển phôi tươi và trữ trong SART để nghiên cứu những thay đổi tổng thể trong tỷ lệ giới tính với kích thước mẫu lớn. Một thế mạnh khác là việc sử dụng hai nhóm đối chứng là phôi nang không PGT và phôi phân chia không PGT, cho phép phân định rõ hơn hiệu quả của nuôi cấy phôi nang từ tác dụng của PGT trên SER.
 
Tóm lại, sử dụng PGT làm thay đổi tỷ lệ giới tính dân số 105 đến 110, làm tăng khả năng sinh con trai. Việc sử dụng IVF với PGT có khả năng làm thay đổi tỷ lệ giới tính, làm tăng sự mất cân bằng giữa nam và nữ, cần nghiên cứu thêm để xác định mức độ PGT làm thay đổi tỷ lệ giới tính quốc gia.
 
Nguồn: Shaia K, Truong T, Pieper C, Steiner A. Pre-implantation genetic testing alters the sex ratio: an analysis of 91,805 embryo transfer cycles. Journal of assisted reproduction and genetics. 2020 May;37(5):1117.

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK