Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 04-09-2021 11:15am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
NHS. Đặng Hồng Thúy
Đơn vị HTSS, Bệnh Viện Mỹ Đức

Hiếm muộn là vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến khoảng 15% cặp vợ chồng trong tổng số 48,5 triệu người trên toàn thế giới. Bên cạnh các nguyên nhân đã được chứng minh đến từ người vợ hoặc người chồng, vẫn còn 10 – 30% hiếm muộn chưa rõ nguyên nhân. Rõ ràng, một số yếu tố liên quan đến lối sống như chế độ ăn uống, hoạt động thể chất, khói thuốc và rượu có ảnh hưởng nhất định đến kết quả điều trị hỗ trợ sinh sản (HTSS).Trong các yếu tố này, chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index - BMI) của người phụ nữ là một trong những yếu tố có tác động vô cùng mạnh mẽ đến kết quả HTSS trong mối tương quan với tuổi và chiều cao người phụ nữ. Các tài liệu nghiên cứu khác nhau đã báo cáo về mối tương quan giữa BMI và hiếm muộn, cụ thể hơn phụ nữ nhẹ cân và thừa cân có nguy cơ vô sinh tương tự nhau. Nói cách khác, sự cân bằng năng lượng và trao đổi chất là vô cùng quan trọng để duy trì sức khỏe sinh sản.
 
Hai nghiên cứu được công bố vào năm 2016 và 2020 cho thấy nguy cơ sẩy thai tăng cũng như các kết cục bất lợi trong thai kì ở nhóm phụ nữ nhẹ cân. Kết quả tương tự được thể hiện trong nghiên cứu của Cai và cộng sự vào năm 2017 với tỷ lệ sinh sống giảm và tỷ lệ sẩy thai tăng được báo cáo ở nhóm đối tượng có BMI giảm. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu công bố vào năm 2020 cũng đưa ra bằng chứng về mối liên quan giữa việc tăng BMI với nguy cơ vô sinh và kết cục bất lợi trong thai kì. BMI tăng gây ra các vấn đề về phóng noãn, ảnh hưởng đến năng lực phát triển của noãn và giảm khả năng tiếp nhận của nội mạc tử cung. Tác động bất lợi này làm giảm hiệu quả của các phương pháp HTSS, trong đó phụ nữ thừa cân cần liều gonadotrophins cao hơn để kích thích buồng trứng, đồng thời tăng tỉ lệ sẩy thai và giảm tỉ lệ sinh sống. Tuy nhiên, hầu hết các báo cáo nghiên cứu về việc tăng nguy cơ sẩy thai ở nhóm phụ nữ nhẹ cân hoặc thừa cân đều bị hạn chế bởi các phôi được chuyển ở các nhóm đối tượng trên chưa được kiểm tra di truyền về số lượng nhiễm sắc thể (NST) trước đó. Phát hiện thú vị này đặt ra một số câu hỏi: vậy nguyên nhân thất bại xuất phát từ NST của phôi hay do rối loạn chức năng của nội mạc tử cung? BMI có mối liên quan đến NST của phôi và tỉ lệ sinh sống sau chuyển phôi nguyên bội hay không? Các kết quả nghiên cứu của Gemma Fabozzi và cộng sự vào năm 2021 sẽ phần nào giải thích những thắc mắc này.
 
Nghiên cứu quan sát, được tiến hành với sự tham gia của 1811 phụ nữ da trắng đã trải qua quá trình xét nghiệm di truyền phôi tiền làm tổ nhằm phát hiện các bất thường về số lượng NST (preimplantation genetic testing for aneuploidy – PGT-A) tại một trung tâm IVF tư nhân ở Rome từ tháng 4/2013 đến tháng 3/2020. Đầu tiên, bệnh nhân được kích thích buồng trứng, chọc hút noãn theo quy trình tại trung tâm. Phôi được theo dõi đến giai đoạn ngày 5 đến ngày 7, được thực hiện PGT-A và thủy tinh hóa khi đủ điều kiện. Nếu xác định bệnh nhân có ít nhất 1 phôi nguyên bội sau PGT-A, bệnh nhân sẽ được chuyển 1 phôi nguyên bội ở chu kỳ chuyển phôi trữ tiếp theo. Kết cục thai kì được thu thập từ các cuộc phỏng vấn qua hình thức gọi điện do nữ hộ sinh hoặc bác sĩ lâm sàng thực hiện, bao gồm các vấn đề liên quan đến thai kì, tuổi thai và cân nặng lúc sinh.
 
Trong 1.811 đối tượng tham gia nghiên cứu, có 1.125 bệnh nhân được thực hiện chuyển đơn phôi nang nguyên bội (single embryo transfer - SET), phân nhóm theo chỉ số BMI như sau: nhẹ cân (BMI < 18,5; N = 160, gồm 112 ca được thực hiện SET), cân nặng bình thường (BMI: 18,5-25; N = 1392, gồm 859 ca được thực hiện SET), thừa cân (BMI > 25; N = 228, gồm 135 ca được thực hiện SET), béo phì (BMI > 30; N= 31, gồm 19 ca được thực hiện SET). Kết cục nghiên cứu chính là tỉ lệ phôi nguyên bội trung bình trên mỗi bệnh nhân (mean euploidy rate – m-ER). Trong đoàn hệ phôi được PGT-A cho thấy m-ER giảm khi BMI của người phụ nữ tăng từ 17 đến 22-23 và trở về bình nguyên ổn định khi BMI > 23.
 
Kết cục tiếp theo liên quan đến tỉ lệ sinh sống như sau:
  • BMI < 18,5, N = 112 ca SET với 62 ca có thai, tỉ lệ sẩy thai chiếm 11,3% (N = 7/62), tỉ lệ sinh sống 49,1% (N = 55/112).
  • BMI: 18,5-25, N = 859 SET với 461 ca có thai, tỉ lệ sẩy thai chiếm 14,5% (N = 67/461), tỉ lệ sinh sống 45,2% (N = 388/859).
  • BMI: 25 - 30, N = 135 SET với 65 ca có thai, tỉ lệ sẩy thai chiếm 26,2% (N = 17/65), tỉ lệ sinh sống 35,6% (N = 48/135).
  • BMI > 30, N = 19 SET với 10 ca có thai, tỉ lệ sẩy thai chiếm 30% (N = 3/10), tỉ lệ sinh sống 36,8% (N = 7/19).

Kết quả lâm sàng không có sự khác biệt giữa phụ nữ nhẹ cân và cân nặng bình thường. Trong khi đó, phụ nữ thừa cân và béo phì có tỉ lệ sẩy thai cao hơn và tỉ lệ sinh sống thấp hơn so với 2 nhóm còn lại. Bệnh nhân xác nhận rằng họ không tăng cân quá ngưỡng khi mang thai, nghĩa là ≤ 18 kg đối với phụ nữ nhẹ cân, ≤ 16 kg đối với phụ nữ có cân nặng bình thường, ≤ 11,5 kg với phụ nữ thừa cân và ≤ 9 kg với phụ nữ béo phì. Hồi quy tuyến tính và hồi quy logistic được tiến hành nhằm xác định, phân tích các yếu tố gây nhiễu giả định như tuổi mẹ, thời gian vô sinh, nguyên nhân vô sinh, liều FSH, chỉ số AMH, chất lượng và tuổi phôi; nhằm điều chỉnh kết quả với khoảng tin cậy 95%.
 
Những hạn chế chính trong nghiên cứu là bản chất hồi cứu và cỡ mẫu nhỏ hơn so với các nghiên cứu được báo cáo trước đó. BMI của phụ nữ trước sinh được thu thập duy nhất tại một thời điểm, do đó có những dao động nhỏ không thể loại trừ. Tuy nhiên, những kết quả mà nghiên cứu đem lại đã lần nữa khẳng định về sự tác động nghiêm trọng của lượng dinh dưỡng không cân đối đến kết cục của các phương pháp HTSS; từ đó góp phần thúc đẩy, định hướng cho những nghiên cứu trong tương lai về việc khám phá các chỉ số khác ngoài BMI nhằm xác định khối lượng, sự phân bố chất béo trong cơ thể cũng như các cơ chế dẫn đến rối loạn chuyển hóa, mất cân bằng năng lượng, suy giảm khả năng phát triển của phôi và khả năng tiếp cận của nội mạc tử cung; định hướng chiến lược tư vấn cho đối tượng phụ nữ thừa cân, béo phì trước những nguy cơ của họ.
 
Nguồn: Fabozzi, G., Cimadomo, D., Allori, M., Vaiarelli, A., Colamaria, S., Argento, C., ... & Ubaldi, F. M. (2021). Maternal pre-conceptional body mass index associates with embryos’ chromosomal constitution and live birth rate after single euploid blastocyst transfer: just the tip of an iceberg?. Reproductive BioMedicine Online.

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK