Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 13-07-2021 2:05pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Như Quỳnh – IVFMD Vạn Hạnh

Trong kĩ thuật hỗ trợ sinh sản, khả năng tiếp nhận phôi của nội mạc tử cung đóng vai trò quan trọng trong các kết quả lâm sàng. Siêu âm là phương pháp đơn giản, hiệu quả, không xâm lấn được dùng để đánh giá nội mạc tử cung trước các chu kì chuyển phôi tươi trong thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, việc đánh giá dựa trên độ dày nội mạc tử cung trước khi sử dụng hCG để kích thích trưởng thành noãn vẫn còn nhiều tranh cãi. Nghiên cứu hồi cứu được nhóm nhà khoa học Iran đánh giá trên 1000 bệnh nhân thực hiện chu kì ICSI/IVF nhằm tìm hiểu mối liên quan giữa độ dày nội mạc tử cung và tỉ lệ thai.

Đối tượng tham gia nghiên cứu là bệnh nhân từ 18 – 45 tuổi, không bị lạc nội mạc tử cung, tại Yazd Research and Clinical Center từ tháng 5/2016 đến tháng 5/2018. Tiêu chuẩn loại bao gồm: vô sinh nam nặng, polyp buồng tử cung, bất thường tử cung, xin noãn và các trường hợp có thực hiện chẩn đoán tiền làm tổ. Tùy độ tuổi, nguyên nhân vô sinh, đáp ứng buồng trứng và đặc điểm bệnh lí hiện tại của cơ thể, bệnh nhân sẽ được sử dụng các phác đồ kích thích buồng trứng đồng vận hoặc đối vận. Khi có 2 nang noãn đạt đường kính trung bình 17 mm, bệnh nhân được tiêm trưởng thành noãn bằng rhCG (recombinant hCG) hoặc uhCG (urinary hCG) và tiến hành chọc hút trứng dưới hướng dẫn của siêu âm đầu dò âm đạo sau 36h. Noãn sẽ được thụ tinh bằng phương pháp IVF cổ điển hoặc tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) tuỳ theo chất lượng tinh trùng. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục được chuẩn bị NMTC cho chuyển phôi tươi ngày 2.

Trong 1000 chu kì chuyển phôi tươi, có 277 chu kì có thai sinh hoá (chiếm 27,7%) và 245 chu kì có thai lâm sàng (24,5%). Nhóm bệnh nhân có thai và không có thai có sự khác biệt rõ rệt về các thông số lâm sàng như: tuổi, AMH (Anti-Mullerian Hormone), nồng độ estradiol, số noãn chọc hút được và số noãn trưởng thành.

Ngoài ra, để đánh giá mối liên hệ giữa độ dày nội mạc tử cung với tỉ lệ thai, bệnh nhân được chia thành 9 nhóm (dựa trên độ dày nội mạc vào ngày chuyển phôi) ≤ 7 mm, 7–8 mm, 8–9 mm, 9– 10 mm, 10–11 mm, 11–12 mm, 12–13 mm, 13–14 mm, và ≥ 14 mm. Tỉ lệ thai sinh hoá và tỉ lệ thai lâm sàng được tính theo từng nhóm. Kết quả nghiên cứu cho thấy độ dày nội mạc tử cung và kết quả thai có mối liên quan với nhau (p < 0.0001). Cụ thể, nếu độ dày của nội mạc tử cung tăng đến 11 mm thì tỉ lệ thai tăng và nếu tăng hơn 11 mm thì tỉ lệ thai giảm.
Bên cạnh đó, bệnh nhân còn được chia thành 4 nhóm tuổi: 18–23, 23–30, 30–38, và > 38 tuổi để đánh giá mối liên quan giữa tuổi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm và độ dày nội mạc tử cung. Kết quả phân tích cho thấy tỉ lệ thai có sự khác biệt giữa 4 nhóm (p = 0.0001), riêng nhóm 2 (từ 23 – 30 tuổi) có tỉ lệ thai cao nhất với tỉ lệ thai sinh hoá và thai lâm sàng lần lượt là 32,5% và 30,1%.

Từ các kết quả ghi nhận được, nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa độ dày nội mạc tử cung và tỉ lệ thai. Tỉ lệ thai cao nhất khi độ dày nội mạc tử cung trong khoảng 8–11 mm và giảm dần khi độ dày > 14 mm. Cùng với đó là khả năng có thai giảm dần khi độ tuổi của phụ nữ càng lớn.

Lược dịch từ: Eftekhar, M., Mehrjardi, S.Z., Molaei, B., Taheri, F. and Mangoli, E., 2020. The correlation between endometrial thickness and pregnancy outcomes in fresh ART cycles with different age groups: A retrospective study. Middle East Fertility Society Journal, 24(1), pp.1-6.
Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK