Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 18-05-2021 8:16am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Thị Cẩm Nhunng – IVFMD Tân Bình

Tỷ lệ thành công trong hỗ trợ sinh sản (ART) đã được cải thiện rõ rệt trong những thập kỷ gần đây. Tuy nhiên, kết quả điều trị của ART vẫn không đạt hiệu quả tối ưu. Nhiều bệnh nhân vẫn thất bại và phải tiến hành điều trị ở nhiều chu kỳ tiếp theo. Có nhiều yếu tố liên quan đến sự thành công của một chu kỳ hỗ trợ sinh sản trong đó có chất lượng tinh trùng. Tinh trùng bất thường, số lượng và độ di động thấp sẽ làm giảm khả năng thụ tinh, ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển và làm tổ của phôi. Vì vậy, việc sử dụng những phương pháp mới trong việc lựa chọn tinh trùng có thể là một chiến lược thích hợp để nâng cao hiệu quả điều trị trong hỗ trợ sinh sản.

Hiện nay, hai phương pháp lọc rửa tinh trùng truyền thống được sử dụng phổ biến là swim-up và ly tâm thang nồng độ (gradient). Mặc dù cả hai phương pháp này đều giúp thu được một lượng tinh trùng sống, di động tốt và giảm tỷ lệ tinh trùng bất thường, nhưng swim-up có tỷ lệ thu hồi thấp, trong khi nhiều nhà nghiên cứu nghi ngại rằng việc lọc rửa tinh trùng bằng thang nồng độ có thể làm gia tăng tỷ lệ phân mảnh DNA do quá trình ly tâm. Vì vậy việc phát triển các kỹ thuật chọn lọc tinh trùng mới giúp tăng cơ hội lựa chọn tinh trùng trưởng thành, nguyên vẹn về cấu trúc DNA là một trong những phương pháp để cải thiện hiệu quả của ART.

Microfluidics đã được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng lâm sàng khác nhau và có thể được áp dụng như một phương pháp thay thế để chọn lọc tinh trùng giúp cải thiện kết quả ART. Nguyên tắc chính của phương pháp này là tinh trùng bất động, di động yếu sẽ di chuyển thụ động theo hướng dòng chảy, tinh trùng di động tốt sẽ bơi ra khỏi dòng chảy đến vị trí thu nhận tinh trùng (outlet). Mục đích chính của microfluidics là thu nhận những tinh trùng di động tốt, bình thường về chức năng để cải thiện tỷ lệ thụ tinh và thai lâm sàng. Tuy nhiên, hiện tại không có đủ cơ sở dữ liệu để đánh giá ảnh hưởng của việc chọn lọc tinh trùng bằng phương pháp microfluidics lên kết quả thai trong các chu kỳ điều trị ART.

Mục đích của nghiên cứu hồi cứu này là đánh giá ảnh hưởng của việc chọn lọc tinh trùng bằng phương pháp dòng vi lỏng lên kết quả điều trị ART ở các cặp vợ chồng vô sinh nam, trong đó tinh trùng sẽ được chọn lọc bằng hai phương pháp là ly tâm thang nồng độ và microfluidics. Theo nhóm nghiên cứu, đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá ảnh hưởng của phương pháp microfluidics lên kết quả ART trong điều trị vô sinh nam so với phương pháp ly tâm thang nồng độ.

Phương pháp: Tổng cộng có 181 bệnh nhân làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) có yếu tố vô sinh nam. Tất cả bệnh nhân được chia thành hai nhóm theo phương pháp chọn lọc tinh trùng: nhóm I (n = 91): microfluidics; nhóm II (n = 90): ly tâm thang nồng độ. Dữ liệu được thu thập bao gồm tuổi bố mẹ, nguyên nhân vô sinh, thời gian vô sinh, số chu kỳ điều trị, tiền sử hút thuốc, số lượng nang noãn, tổng liều gonadotropin, mức estradiol tối đa, thời gian kích thích buồng trứng, độ dày nội mạc tử cung vào ngày hCG, tổng số OCC, số lượng noãn MII, số lượng 2PN, các thông số về tinh trùng, thai lâm sàng và thai diễn tiến.

Kết quả: Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về thai lâm sàng và thai diễn tiến ở cả hai nhóm (49,5% so với 40%, P = 0,2; 44% so với 36,7%, P = 0,3; tương ứng). Tuy nhiên có sự cải thiện về thai lâm sàng ở nhóm phụ nữ lớn tuổi (>35 tuổi) (P = 0,09) và vô sinh nam có tổng số tinh trùng di động từ 1 đến 5 triệu (P <0,01).

Kết luận: Phân loại tinh trùng bằng microfluidics là phương pháp đơn giản, dễ sử dụng và tiết kiệm chi phí. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ thành công của IVF có thể cải thiện khi sử dụng phương pháp chọn lọc tinh trùng này đối với nhóm vô sinh nam.

Nguồn: Ozcan, P., T. Takmaz, M. G. K. Yazici, O. A. Alagoz, M. Yesiladali, O. Sevket, C. J. J. o. O. Ficicioglu & G. Research (2021) Does the use of microfluidic sperm sorting for the sperm selection improve in vitro fertilization success rates in male factor infertility? 47, 382-388.

Các tin khác cùng chuyên mục:
SIÊU ÂM THAI PHỤ NHIỄM SARS-CoV-2 - Ngày đăng: 04-05-2021
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK