Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 04-05-2021 10:13pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Thị Thu Thảo - IVFMD Bình Dương

Ngày nay, thụ tinh trong ống nghiệm (Invitro Fertilization – IVF) được cho là có liên quan đến tỷ lệ sinh đôi cùng trứng (Monozygotic twin - MZT) cao hơn. Đây được cho là một vấn đề lớn do tỷ lệ biến chứng sản khoa chính tăng lên rõ rệt ở các trường hợp MZT. Sẩy thai, sinh non, nhẹ cân, hạn chế tăng trưởng, dị tật phát triển, tiền sản giật, bệnh tật chu sinh và tử vong đều tăng cao ở trường hợp MZT. Ngoài ra, phụ nữ còn phải đối mặt với các biến chứng nghiêm trọng đặc biệt liên quan đến nhau bong non như hội chứng truyền máu song thai (Twin to-twin transfusion syndrome - TTTS), hội chứng song thai thiếu máu đa hồng cầu (Twin reversed arterial perfusion sequence - TRAP), thai chết lưu trong tử cung và hạn chế sự phát triển trong tử cung có chọn lọc. Với những nguy cơ tiềm ẩn có liên quan này, việc điều tra sâu hơn về mối liên quan giữa kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (Assisted Reproductive Technologies – ART) và MZT là một điều cần thiết. Những lý do đằng sau mối liên hệ giữa ART và MZT vẫn còn là điều mơ hồ. Hai phân tích tổng hợp gần đây đã xác định trẻ tuổi và thời gian nuôi cấy kéo dài đến giai đoạn phôi nang là các yếu tố nguy cơ có thể có liên quan đến mối quan hệ này. Ngược lại, trái ngược với bằng chứng ban đầu, hỗ trợ thoát màng (Assisted hatching - AH) và tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (Intra-Cytoplasmic Sperm Injection – ICSI) dường như không liên quan đáng kể đến thai MZT. Bên cạnh đó, các yếu tố được phân tích trong các nghiên cứu này có xu hướng liên quan với nhau và phân tích tổng hợp trên dữ liệu thô ở những nghiên cứu này không phải là công cụ thống kê thích hợp để phân loại vai trò độc lập của những yếu tố đó. Ngoài ra, hầu hết các bằng chứng hiện có đều có sai sót về phương pháp luận. Phần lớn các nghiên cứu là phân tích hồi cứu cơ sở dữ liệu lâm sàng thường quy và bao gồm các cặp song sinh MZT phát sinh từ cả chuyển đơn phôi và nhiều phôi, do đó cho thấy những phát hiện này không chính xác và có nhiều yếu tố gây nhiễu đáng kể. Để làm sáng tỏ hơn về vấn đề này, Chiara Dallagiovanna và cộng sự (2020) đã tiến hành một nghiên cứu hồi cứu bệnh – chứng bắt cặp đa trung tâm nhằm phân tích các yếu tố nguy cơ chuyên sâu hơn đối với MZT. Để đảm bảo thông tin chính xác hơn và ít sai lệch hơn, nghiên cứu chỉ tập trung vào phụ nữ thực hiện chuyển đơn phôi (Single embryo transfer – eSET) và truy xuất thông tin chi tiết từ biểu đồ của bệnh nhân.

Nghiên cứu thực hiện trên tất cả các chu kỳ IVF-ICSI được thực hiện từ năm 2014 đến năm 2019 tại các đơn vị điều trị hiếm muộn của hai viện hàn lâm Ý. Tiêu chí để đủ điều kiện tham gia nghiên cứu là chuyển đơn phôi và có thai lâm sàng. Tổng cộng có 50 trường hợp MZT đã được xác định và bắt cặp theo tỷ lệ 1: 5 với 250 trường hợp đơn thai (đối chứng) theo trung tâm nghiên cứu và giai đoạn nghiên cứu. MZT được chẩn đoán bằng siêu âm. Các trường hợp đa thai ở lần siêu âm đầu tiên được xác định là có ít nhất hai túi thai trong tử cung. Phụ nữ bị sẩy thai có thể được tính với điều kiện là sẩy thai xảy ra sau khi chẩn đoán xác định là MZT. Bên cạnh đó, các đặc điểm nhân khẩu học, lâm sàng và phôi học được lấy từ biểu đồ của bệnh nhân.

Kết quả cho thấy, nhìn chung thì tỷ lệ MZT là 1,2% (50 trong số 4016 trường hợp chuyển đơn phôi). Tại các phân tích đơn biến, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê đối với BMI, nồng độ estradiol và progesterone tại thời điểm tiêm hCG, tổng số noãn thu được, chu kỳ trữ-rã và hỗ trợ thoát màng. Sau khi thực hiện phân tích đa biến, chỉ còn hỗ trợ thoát màng có liên quan có ý nghĩa thống kê với MZT (OR điều chỉnh 2,32, KTC 95% 1,03–5,25).

Nghiên cứu đã cung cấp bằng chứng mới về vấn đề đang tranh cãi này. Qua đó, những lợi ích và rủi ro tiềm ẩn liên quan đến quy trình AH phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. AH được cho là cải thiện khả năng làm tổ của phôi trong nội mạc tử cung. Do đó, các nhà phôi học đã đưa ra giả thuyết rằng việc tạo điều kiện cho quá trình thoát màng có thể nâng cao tỷ lệ làm tổ và thai lâm sàng. Do đó, thủ thuật này thường xuyên được thực hiện và ngày nay được thực hiện chủ yếu thông qua tia laser, ngay cả khi bằng chứng chứng minh tính hiệu quả của nó là rất ít. Hai cơ chế có thể dẫn tới hỗ trợ thoát màng có liên quan đáng kể với MZT đã được đưa ra là sự phân tách phôi bào trong quá trình đi qua lỗ nhân tạo này hoặc sự can thiệp vào đường truyền tín hiệu bên trong phôi. Theo giả thuyết sự sinh đôi có thể là hậu quả của sự phân tách và phân chia phôi bào do đi qua một lỗ nhân tạo, tất cả các kĩ thuật tác động đến zona pellucida như AH, ICSI, sinh thiết phôi để thực hiện xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (Preimplantation Genetic Testing - PGT) sẽ làm tăng nguy cơ MZT, nhưng điều này không được quan sát thấy trong nghiên cứu này, nghiên cứu cho thấy không có mối liên quan giữa ICSI và MZT. Bên cạnh đó, các kết luận liên quan đến PGT không thể được rút ra từ nghiên cứu này do số lượng bệnh nhân được điều trị quá thấp.

Nghiên cứu cho thấy chỉ có AH được phát hiện là làm tăng đáng kể nguy cơ sinh đôi cùng trứng - MZT. Do đó, những phát hiện của nghiên cứu đã gián tiếp không khuyến khích thực hiện kĩ thuật này. Tuy nhiên, nhiều yếu tố khác vẫn chưa được biết đến có thể góp phần làm tăng tần suất MZT trong thai kỳ ART và do đó cần có những nghiên cứu lớn hơn nữa để khám phá thêm về những vấn đề này. Đặc biệt, với sự phổ biến rộng rãi gần đây của PGT-A vào thực hành lâm sàng và những điểm tương đồng vốn có giữa sinh thiết phôi và AH thì sự gia tăng có thể có của MZT sau PGT-A cần được xem xét thêm.

Tài liệu tham khảo: Chiara Dallagiovanna & Valeria Stella Vanni & Edgardo Somigliana và cộng sự. Risk Factors for Monozygotic Twins in IVF-ICSI Cycles: a Case-Control Study. Reproductive Sciences. 2020.

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK