Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 30-09-2020 12:15pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Một nghiên cứu mới đây cho thấy những phụ nữ có tiền sử mắc đái tháo đường (ĐTĐ) thai kỳ có khoảng cách sinh ngắn cao hơn 50% so với những phụ nữ không mắc bệnh lý này.

Tại phiên họp khoa học của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ lần thứ 80 (2020), tiến sĩ Ronald Anguzu từ Đại học Y khoa Wisconsin (Hoa Kỳ) đã báo cáo: “Tỷ lệ khoảng cách sinh ngắn (≤ 18 tháng) cao hơn ở phụ nữ có tiền sử ĐTĐ thai kỳ so với những phụ nữ không bị ĐTĐ thai kỳ và điều này có ý nghĩa thống kê (56,4% so với 43,6 phần trăm; p < 0,001). Anguzu cho biết khoảng cách sinh ≤ 18 tháng có liên quan đến các kết cục bất lợi bao gồm sẩy thai tự nhiên, sinh non và sinh con nhẹ cân. Ông đề xuất can thiệp để kéo dài khoảng thời gian này có thể tạo cơ hội cho việc tư vấn trước thụ thai, bên cạnh việc tầm soát và quản lý ĐTĐ type 2. Việc thúc đẩy giáo dục và các chiến lược về khoảng cách sinh trong nhóm nguy cơ cao này là rất quan trọng vì việc thụ thai trong bối cảnh ĐTĐ chưa được chẩn đoán và không kiểm soát được mang đến những nguy cơ lớn về sức khoẻ cho cả thai phụ và trẻ.

Nghiên cứu cũng đã xem xét dữ liệu của 28.000 phụ nữ từ 18 - 44 tuổi từ khảo sát “US National Survey on Family Growth Data Sets” trong giai đoạn 2011 - 2017 và phát hiện tiền sử mắc ĐTĐ thai kỳ ở 9,9% số đối tượng nghiên cứu. Những phụ nữ này có tuổi trung bình cao hơn so với những người không có tiền sử đái tháo đường thai kỳ (36,3 so với 34,3 tuổi; p <0,001). BMI trung bình ở những người mắc ĐTĐ thai kỳ cũng cao hơn so với những người không có tiền sử (31,3 kg/m2 so với 27,9 kg/m2). OR của các khoảng cách sinh ngắn nếu phụ nữ có tiền sử mắc ĐTĐ thai kỳ là 1,43 (95% CI, 1,22 - 1,66) so với những người không mắc ĐTĐ thai kỳ. Mối liên quan vẫn mạnh mẽ mặc dù đã điều chỉnh các yếu tố gây nhiễu như tuổi mẹ, BMI, chủng tộc/dân tộc, tình trạng hôn nhân, giáo dục, thu nhập gia đình, sử dụng biện pháp tránh thai và tiền sử mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (OR hiệu chỉnh = 1,49, 95% CI, 1,26 – 1,76).

Mặc dù, ĐTĐ thai kỳ thường chỉ tạm thời và khỏi sau khi sinh nhưng tiến sĩ Mary Loeken, phó giáo sư tại Trường Y khoa Harvard (Hoa Kỳ), cho biết hầu hết phụ nữ mắc ĐTĐ thai kỳ có nguy cơ cao tiến triển thành ĐTĐ type 2. Bà cảnh báo: “Bước vào thai kỳ với ĐTĐ type 2 dẫn đến nhiều nguy cơ cho người mẹ và thai nhi, bao gồm cả khả năng bị dị tật bẩm sinh. Do đó, việc tư vấn cho những phụ nữ này để mang thai có thể cải thiện sức khỏe của họ và thai nhi trong những lần mang thai tiếp theo.”

Nghiên cứu kết luận rằng các biến chứng chu sinh có thể được giảm bớt bằng cách giảm số lượng các khoảng cách sinh ngắn trong dân số thông qua các biện pháp tránh thai hiệu quả.
 
Nguồn:
Anguzu R, Egede LE, Shour AR, Palatnik A. 192-OR: Association between Gestational Diabetes and the Risk of Short Interpregnancy Intervals. ADA 2020 Scientific Sessions. Presented June 14, 2020.
DOI: https://doi.org/10.2337/db20-192-OR

Các tin khác cùng chuyên mục:
Biến chứng của đa thai - Ngày đăng: 29-09-2020
Tăng huyết áp trong thai kỳ - Ngày đăng: 26-09-2020
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK