Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 30-09-2020 1:57pm
Viết bởi: ngoc
Danh mục: Tin quốc tế
 NHS Nguyễn Thị Cẩm Nhung – IVFMD Tân Bình

Vitamin D là một loại hormone steroid được thu nhận thông qua chế độ ăn uống hoặc thông qua việc da tiếp xúc với tia cực tím. Mặc dù chủ yếu tham gia vào quá trình chuyển hóa xương và cân bằng nội môi can-xi và phốt-pho, vitamin D còn có liên quan đến nhiều chức năng khác trong cơ thể, bao gồm cả vai trò trong sinh sản. Thụ thể vitamin D là một thành viên của thụ thể hormone steroid tuyến giáp. Thụ thể vitamin D đã được tìm thấy trên khắp cơ thể, bao gồm các mô của hệ sinh sản như buồng trứng, tinh hoàn, vùng dưới đồi, tuyến yên, nhau thai và tử cung.
Nhiều bằng chứng trước đây ủng hộ vai trò của vitamin D trong sinh lý sinh sản. Tác giả Merhi và cộng sự, ghi nhận mối tương quan tích cực giữa vitamin D huyết thanh và nồng độ AMH ở phụ nữ lớn tuổi. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng vùng khởi động của gen AMH có chứa yếu tố đáp ứng vitamin D. Các nghiên cứu từ nhiều thập kỷ trước ghi nhận rằng cả chức năng của trứng, tinh trùng và khả năng sinh sản đều bị ảnh hưởng đáng kể ở chuột thiếu vitamin D.

Các nghiên cứu trước đây cũng đã ghi nhận mối liên quan giữa phụ nữ thiếu vitamin D với béo phì và sắc tộc. Bởi vì phụ nữ béo phì và phụ nữ da màu thường có tỷ lệ thành công khi thực hiện thụ tinh ống nghiệm thấp hơn so với mong đợi, sự thiếu hụt vitamin D có thể cho chúng ta một cơ chế hợp lý cho những phát hiện này. Phân tích chi phí - hiệu quả đã xác định rằng phương pháp tiếp cận xét nghiệm thiếu hụt vitamin D, bao gồm bổ sung, kiểm tra lại xét nghiệm huyết thanh để xác nhận bổ sung đầy đủ, và sau đó tiếp tục điều trị IVF là có lợi nếu chúng ta có thể giả định rằng tỷ lệ mang thai diễn tiến mỗi chu kỳ tăng từ 35% đến 38%.

Mối liên quan giữa vitamin D và sự thành công của IVF được đưa ra ban đầu dựa trên mối liên quan hợp lý về mặt sinh lý, được hỗ trợ bởi các nghiên cứu được công bố trong nhiều năm từ nhiều nghiên cứu khác nhau. Thử nghiệm đánh giá tình trạng thiếu vitamin D rất dễ vì đây là một xét nghiệm lâm sàng có sẵn, có thể được thực hiện thường xuyên. Việc điều chỉnh thiếu hụt có thể được dễ dàng xác minh bằng cách sử dụng cùng một xét nghiệm sau một thời gian bổ sung, điều trị cũng không quá phức tạp (không kê đơn) và thực phẩm chức năng có chi phí thấp. Cuối cùng, mối tương quan này có thể đưa ra lời giải thích hợp lý cho sự thành công của IVF thấp hơn ở phụ nữ béo phì và phụ nữ da màu.

Tuy nhiên, tổng quan hệ thống mới nhất gần đây của tác giả Cozzolino và cộng sự với 14 nghiên cứu, 4382 bệnh nhân tham gia cho thấy không có mối tương quan giữa nồng độ vitamin D huyết thanh và kết quả điều trị IVF như tỷ lệ thai lâm sàng, trẻ sinh sống và sẩy thai. Kết quả này cũng khó được chấp nhận vì nó đi ngược lại với các giả thuyết trước đây về mối liên quan giữa vitamin D và IVF. Tuy vậy cũng cần lưu ý rằng các nghiên cứu về chủ đề vitamin D rất khó để hợp nhất trong phân tích gộp vì một số nghiên cứu xem nồng độ vitamin D như một biến liên tục, trong khi những nghiên cứu khác chỉ đánh giá tác dụng của chúng theo nhóm (đủ so với thiếu). Một số nghiên cứu loại trừ nhóm không đủ (21–29 ng/mL), trong khi những nghiên cứu khác đưa nó vào nhóm thiếu (≤20 ng/mL) hoặc xen kẽ với nhóm đủ (≥30 ng/mL). Vì thế, tác giả cũng đề xuất cần có thêm nghiên cứu sử dụng một nhóm quần thể lớn hơn với thời gian đo vitamin D được xác định cẩn thận trong chu kỳ IVF, lưu ý đến chỉ số khối cơ thể, chủng tộc và theo mùa khi xét nghiệm.

Dù chưa có bằng chứng rõ ràng và thuyết phục, hiện nay có thể cân nhắc kiểm tra các cặp vợ chồng hiếm muộn về tình trạng thiếu vitamin D, kê đơn bổ sung thuốc khi cần thiết và theo dõi nồng độ trong huyết thanh, với mục tiêu cân bằng nội môi xương khỏe mạnh lâu dài.
 
Lược dịch từ: Is Vitamin D important for IVF success? Truy cập tại: https://www.fertstert.org/article/S0015-0282(20)30763-9/fulltext. Ngày truy cập: 16/9/2020.
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
Biến chứng của đa thai - Ngày đăng: 29-09-2020
Tăng huyết áp trong thai kỳ - Ngày đăng: 26-09-2020
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK