Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 29-09-2020 4:02pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

NHS. Trần Thị Thu Hà_Phòng khám Ngọc Lan


Đa thai là tình trạng mang nhiều hơn một thai trong tử cung ở cùng một lần mang thai. Trong chu kỳ kinh nguyệt, nếu có nhiều hơn một trứng được phóng thích và mỗi trứng được thụ tinh bởi một tinh trùng, thì nhiều hơn một phôi có thể làm tổ và phát triển trong tử cung của thai phụ, dẫn đến mang đa thai [1].

Đa thai gặp chủ yếu trong các trường hợp điều trị vô sinh. Việc sử dụng các loại thuốc kích thích sinh sản để gây phóng noãn có thể khiến nhiều noãn được phóng thích và dẫn đến sinh đôi, sinh ba... Ngoài ra, trong kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), việc chuyển nhiều hơn một phôi vào tử cung người phụ nữ làm tăng tỷ lệ thai lâm sàng, tuy nhiên cũng làm tăng tỷ lệ đa thai, cũng như các biến chứng mà thai phụ và thai nhi có thể phải đối mặt [1]. Các biến chứng này bao gồm: sinh non, thiếu máu, dị tật bẩm sinh, sẩy thai, bất thường ối, hội chứng truyền máu song thai và nguy cơ đái tháo đường thai kì, tiền sản giật, mổ lấy thai và băng huyết sau sinh ở thai phụ [2].

Biến chứng thường gặp nhất của đa thai là sinh non. Hơn một nửa số cặp song sinh sinh non. Số lượng thai nhi càng nhiều thì nguy cơ sinh non càng lớn. Nguyên nhân có thể liên quan đến tình trạng tử cung căng quá mức, vị trí nhau bám thấp, nhau tiền đạo gây máu chảy nhiều, ối vỡ sớm hoặc thai suy trong tử cung. Sinh non là nguyên nhân chính gây tăng tần suất bệnh tật và tử vong ở trẻ sơ sinh. Trẻ sinh trước 37 tuần của thai kỳ có thể tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe về hô hấp, ăn uống và giữ ấm cũng như như rối loạn về nhận thức và hành vi sau khi được sinh ra hoặc thậm chí khi đã trưởng thành. Trẻ sinh rất non tháng (sinh trước tuần thứ 32 của thai kỳ) có thể tử vong hoặc gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, ngay cả khi được chăm sóc tốt nhất. Ở cùng một tuổi thai, trẻ sinh non trong đa thai có nguy cơ gặp các vấn đề trên cao hơn so với trẻ sinh non trong đơn thai. Trẻ sinh ra với các vấn đề liên quan đến sinh non có thể cần được chăm sóc y tế suốt đời [1]. Đa thai còn ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh phát triển, tăng trưởng khác của thai nhi. Tình trạng thiếu máu, nguy cơ mắc các tật bẩm sinh như tật nứt đốt sống và các dị tật ống thần kinh khác, cũng như các vấn đề về đường tiêu hóa và tim cao gấp đôi so với khi sinh đơn thai, điều này dẫn đến dễ gây sẩy thai. Sự hạn chế tăng trưởng của thai nhi còn có thể bắt nguồn từ nguy cơ nhiễm trùng, lượng nước ối bất thường, do dây rốn của những cặp song thai có chung túi ối có thể bị quấn vào nhau hoặc do từ hội chứng truyền máu song thai (TTTS). Hội chứng này xảy ra ở khoảng 3 trong số 20 cặp song thai có chung bánh nhau, do có sự thông nối mạch máu giữa hai thai trong tử cung, gây nên hiện tượng truyền máu từ thai nhi này sang thai nhi khác dẫn đến sự mất cân bằng huyết động giữa các thai. Theo thời gian, thai nhi cho sẽ có kích thước nhỏ hơn và bị thiếu oxy, cũng như chất dinh dưỡng, trong khi đó thai nhi nhận sẽ nhận được nhiều máu nên hệ tuần hoàn luôn luôn phải làm việc dẫn đến quá tải, làm suy giảm chức năng tim mạch. Đây là một tình trạng rất nguy hiểm cho cả hai thai nhi [2].

Đa thai không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi mà còn làm cho thai phụ phải đối mặt với nhiều nguy cơ gặp phải các biến chứng không mong muốn. Các biến chứng ở thai phụ có liên quan đến đa thai là rối loạn tăng huyết áp dẫn đến tiền sản giật, đái tháo đường thai kì, mổ lấy thai và băng huyết sau sinh. Tiền sản giật thường gặp trong thai kỳ đa thai hơn so với thai kỳ đơn thai, với xu hướng xảy ra sớm và trầm trọng hơn. Tiền sản giật là một bệnh lý nguy hiểm, thường bắt đầu sau 20 tuần mang thai hoặc sau khi sinh con, khi xảy ra có khả năng làm tổn thương một hoặc nhiều cơ quan trong cơ thể thai phụ, phổ biến nhất là ở thận, gan, não và mắt. Tiền sản giật có thể tiến triển thành sản giật, làm cho thai phụ co giật, đe dọa tính mạng và thai nhi có thể chấm dứt thai kỳ ngay lập tức bất kể tuổi thai [1]. Ở thai phụ mang đa thai, nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ cũng cao hơn so với thai phụ mang đơn thai, dẫn đến thai nhi có thể gặp vấn đề về hô hấp và có lượng đường trong máu thấp, chế độ ăn uống, tập thể dục, và biện pháp dùng thuốc có thể làm giảm nguy cơ xảy ra biến chứng này. Ở thai phụ mang đa thai, do vị trí thai nhi bất thường làm tăng nguy cơ phải mổ lấy thai. Ngoài ra, diện tích nhau thai lớn và tử cung căng quá mức do mang nhiều thai còn khiến thai phụ có nguy cơ băng huyết sau sinh [2]. Hơn nữa, đa thai còn làm tăng nguy cơ trầm cảm cho thai phụ. Những căng thẳng về kinh tế và tình cảm đối với các gia đình liên quan đến việc nuôi dạy các cặp sinh đôi, sinh ba ngày càng trở nên rõ ràng.

Tóm lại, trong hỗ trợ sinh sản, mặc dù việc chuyển nhiều phôi có thể làm tăng tỷ lệ thai lâm sàng, tuy nhiên với những lo ngại kể trên, cần cân nhắc đến biến chứng sẽ xảy ra. Do đó, nên hạn chế số lượng phôi được chuyển xuống một hoặc hai, sẽ làm giảm sự xuất hiện của đa thai và ảnh hưởng của tình trạng này đến sức khỏe của thai phụ và thai nhi. Đối với bệnh nhân hiếm muộn, cần thiết đưa ra các tài liệu giáo dục đơn giản để có thể nâng cao kiến thức cho các thai phụ về các rủi ro có thể xảy ra khi mang đa thai.
 
Tài liệu tham khảo

[1] Multiple Pregnancy | ACOG. (n.d.). Retrieved September 20, 2020, from https://www.acog.org/patient-resources/faqs/pregnancy/multiple-pregnancy
[2] Complications of Multiple Pregnancy | Stanford Chidren’s Health. (n.d.) Retrieved September 20, 2020, from
 https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=complications-of-multiple-pregnancy-85-P08021
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
Tăng huyết áp trong thai kỳ - Ngày đăng: 26-09-2020
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK