Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 29-09-2020 3:26pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
CVPH_Trần Hà Lan Thanh_IVFMD Phú Nhuận
 
Chiến lược trữ phôi toàn bộ (TPTB) ra đời đã hạn chế những ảnh hưởng không tốt của kích thích buồng trứng (KTBT) trong chu kỳ điều trị như nguy cơ quá kích buồng trứng (OHSS), KTBT làm nồng độ hormone estradiol (E2) và progesterone (P) cao hơn mức sinh lý bình thường dẫn đến ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận nội mạc tử cung. Tuy nhiên, các nghiên cứu lâm sàng về hiệu quả TPTB về kết cục điều trị vẫn hạn chế.
Trong một nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng (RCT) cho thấy TPTB cho kết quả mang thai lâm sàng cao hơn ở phụ nữ đáp ứng buồng trứng bình thường và cao. Còn theo 1 nghiên cứu khác ở phụ nữ bị thất bại làm tổ trước đó, chu kỳ TPTB cho tỷ lệ trẻ sinh sống cao hơn có ý nghĩa thống kê so với chu kỳ chuyển phôi tươi. Gần đây hơn, bốn RCT so sánh chu kỳ chuyển phôi tươi và TPTB đã được công bố. Trong tất cả các RCT này, số lượng noãn trung bình thu được là 12 và chuyển phôi phân chia trong 3 RCT. Chen và cộng sự báo cáo rằng chiến lược TPTB làm tăng tỷ lệ trẻ sinh sống (LBR) ở phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Còn trong một RCT chuyển phôi nang, Wei và cộng sự đã cho thấy chuyển đơn phôi nang trữ lạnh cho tỷ lệ trẻ sinh sống cao hơn so với chuyển đơn phôi nang tươi. Hai RCT kia không cho thấy sự khác biệt đáng kể giữa chu kỳ TPTB và chu kỳ chuyển tươi.

Mối liên hệ giữa số lượng noãn và chiến lược TPTB đã được báo cáo trong 2 nghiên cứu hồi cứu. Tuy nhiên, những nghiên cứu này có quần thể bệnh nhân không đồng nhất về độ tuổi của phụ nữ và tuổi phôi chuyển. Ngoài ra, các nghiên cứu trên không thể phân biệt các chu kỳ TPTB được tự chọn với các chu kỳ buộc phải TPTB do nguy cơ OHSS sớm. Mục đích của nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu này là để so sánh tỉ lệ trẻ sinh sống cộng dồn (CLBR) sau khi chuyển phôi nang giữa các chu kỳ TPTB được tự chọn (electively freeze-all, e-FET) và những chu kỳ chuyển phôi tươi trước khi chuyển phôi trữ tiếp sau đó theo số lượng noãn chọc hút trong chu kỳ KTBT.

Tổng cộng 2523 bệnh nhân đang điều trị chu kỳ chuyển phôi nang tươi (ET, n=1047) hoặc trữ lạnh được tự chọn (e-FET, n=1476). Các bệnh nhân được chia thành bốn nhóm nhỏ theo số lượng noãn chọc hút như sau: Nhóm A: 1–5, nhóm B: 6–10, nhóm C: 11–15 và nhóm D: 16–25 noãn chọc hút. Kết cục chính là CLBR. Các kết cục phụ là tỷ lệ OHSS, tỷ lệ trẻ sinh sống sau chuyển phôi lần đầu tiên.

Các kết quả thu được là:
  • CLBR tương tự giữa các nhánh ET và e-FET trong nhóm A (35/76 (46,1%) so với 29/67 (43,3%), p = 0,74) và nhóm B (165/275 (60%) so với 216/324 (66,7%), p = 0,091), trong khi tỷ lệ cao hơn đáng kể ở nhánh e-FET trong nhóm C (328/460 (71,3%) so với ET trong nhóm C là 201/348 (57,8%), p <0,001) và nhóm D (227/348 (65,2%) so với ET trong nhóm D là 446/625 (71,5%), p <0,001).
  • Tỷ lệ OHSS cũng được tìm thấy cao hơn ở nhánh ET nhóm C (12/348 (3,4%) so với e-FET nhóm C là 0/460 (0%), p <0,001) và nhóm D (38/348 (10,9%) so với e-FET nhóm D là 3/625 (0,5%), p <0,001).
  • Kết quả chu sinh và sản khoa không có sự khác biệt rõ rệt giữa ET và e-FET. Tuy nhiên, cân nặng trẻ sơ sinh thấp hơn đáng kể ở nhóm ET (p <0,001).
Như vậy, so với chiến lược chuyển phôi tươi thì chiến lược e-FET cho kết quả CLBR cao hơn ở những bệnh nhân có > 10 noãn chọc hút trong các chu kỳ KTBT.

Nguồn: Impact of elective frozen vs. fresh embryo transfer strategies on cumulative live birth: Do deleterious effects still exist in normal & hyper responders? PLOSONE, 2020, http://dx.doi.org/10.1371/journal.pone.0234481
Các tin khác cùng chuyên mục:
Tăng huyết áp trong thai kỳ - Ngày đăng: 26-09-2020
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK