Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 02-04-2021 9:05am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CVPH. Nguyễn Cao Trí – IVFVH

Mặc dù xu hướng chuyển phôi trữ (FET) đang ngày càng gia tăng, quy trình chuẩn bị nội mạc tử cung (NMTC) tối ưu và thời điểm tốt nhất để chuyển phôi trữ vẫn chưa được xác định rõ ràng. Theo một đánh giá gần đây của Cochrane (2017), không có bằng chứng nào cho thấy lợi thế của một phác đồ chuẩn bị NMTC cụ thể so với các phác đồ hiện tại, mặc dù số lượng nghiên cứu có chất lượng cao vẫn còn ít. Đối với phác đồ FET với chu kỳ tự nhiên (NC), có hai ý kiến trái chiều về hiệu quả sử dụng giữa chu kỳ NC + đỉnh LH tự thân (NC-FET) và NC + hCG ngoại sinh (modified NC-FET), với các kết quả ưu thế thuộc về nhóm NC-FET. Tuy nhiên, theo nhóm tác giả nhận định về đặc điểm các nghiên cứu trước đây, trong đó có 1 nghiên cứu được thực hiện bởi chính nhóm này vào năm 2010, cho thấy một số hạn chế về cỡ mẫu cũng như thiết kế nghiên cứu. Một thông tin quan trọng khác nữa là có công bố cho thấy sử dụng hCG ngoại sinh đồng thời với đỉnh LH nội sinh có ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả điều trị. Từ những vấn đề tồn tại trên, nhóm tác giả thực hiện lại nghiên cứu này nhằm so sánh tỷ lệ thai lâm sàng (CPR) sau khi chuyển FET với hai phác đồ NC-FET và modified NC-FET.
Nghiên cứu được thực hiện tại một bệnh viện đại học, trong khoảng thời gian từ tháng 1/2014 đến tháng 1/2019. Bệnh nhân trong nhóm A: NC-FET, nhóm B: modified NC-FET tiêm hCG dưới da để kích thích phóng noãn. Cả hai nhóm không được hỗ trợ giai đoạn hoàng thể. Bệnh nhân nhóm B nếu có xuất hiện đỉnh LH sẽ không được tiêm hCG và được xem như bệnh nhân nhóm A. Tất cả các phôi được đông lạnh vào ngày 3 và được chuyển vào ngày 4 của quá trình phát triển phôi. Kết quả CPR kiểm tra sau 7 tuần. Tất cả bệnh nhân được theo dõi thêm cho đến khi thai được 10 tuần, tỷ lệ thai diễn tiến (OPR) được xác định bằng cách quan sát hoạt động tim của thai nhi trên siêu âm. Các kết quả thứ phát khác bao gồm tỷ lệ thai sinh hóa, sẩy thai sớm và số lần khám, lấy mẫu máu và kiểm tra siêu âm trước khi FET. Tổng cộng có 260 bệnh nhân (130 trên mỗi nhóm nghiên cứu) được chọn ngẫu nhiên. Sau khi sàng lọc thêm các BN trong quá trình điều trị, phân tích trên số ca điều trị ban đầu (ITT) đã được thực hiện trên 248 bệnh nhân (125 ở nhóm A và 123 ở nhóm B), cũng như phân tích trên mỗi phác đồ (PP) trên một tập hợp con gồm 173 bệnh nhân (110 ở nhóm A và 63 ở nhóm B).

Kết quả cho thấy, các đặc điểm nhân khẩu học được phân bổ đồng đều giữa các nhóm nghiên cứu, cũng như các đặc điểm chu kỳ chuyển phôi tươi và đông lạnh có liên quan. Theo phân tích ITT, CPR và OPR ở nhóm A lần lượt là 33.6% và 27.2% và nhóm B lần lượt là 29.3% và 24.4%, không có sự thay đổi đáng kể giữa hai nhóm [relative risk (RR) 0.87, 95% CI (0.60;1.26), P = 0.46 và RR 0.90, 95% CI (0.59;1.37), P = 0.61, tương ứng]. Tỷ lệ thai sinh hóa và sẩy thai sớm cũng không có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm. Ngược lại, số lần cần phải thăm khám và lấy mẫu máu nhiều hơn để theo dõi chu kỳ trong nhóm A NC-FET (4.05 ± 1.39) so với nhóm B modified NC-FET (3.03 ± 1.16, P = <0.001), trong khi số lần siêu âm thực hiện tương đương (1.70 ± 0.88 trong nhóm A so với 1.62 ± 1.04 trong nhóm B). Phân tích trên mỗi phác đồ bổ sung cho thấy sự phù hợp với kết quả ITT: CPR ở nhóm A là 36.4% so với 38.1% ở nhóm B [RR 1.05, 95% CI (0.70;1.56), P = 0.82].

Như vậy, nghiên cứu RCT này bổ sung thêm bằng chứng có chất lượng cao cho xu hướng còn gây tranh cãi hiện có liên quan đến hiệu quả của NC-FET so với modified NC-FET. Kết quả trên cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về kết quả lâm sàng giữa hai phác đồ, sự lựa chọn điều trị có thể được đưa ra tùy theo sở thích của bệnh nhân và của bác sĩ điều trị. Tuy nhiên, chiến lược modified NC-FET làm giảm yêu cầu theo dõi nội tiết tố và do đó có thể được coi là một cách tiếp cận thân thiện với bệnh nhân hơn và có hiệu quả về chi phí điều trị.

Nguồn: S. Mackens, A. Stubbe, S. Santos-Ribeiro, L.Van Landuyt, A. Racca,C. Roelens, M. Camus, M.De Vos, A. van de Vijver, H.Tournaye, and C. Blockeel. To trigger or not to trigger ovulation in a natural cycle for frozen embryo transfer: a randomized controlled trial. Hum. Reprod., 2020.

Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK