Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 12-11-2018 2:12am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

Béo phì trong độ tuổi vị thành niên của phụ nữ thường gắn liền với tình trạng dậy thì sớm, rối loạn kinh nguyệt và hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) (Elizondo-Montemayor, 2017). Nhiều bằng chứng cho thấy béo phì ở phụ nữ có liên quan đến các rối loạn phụ khoa bao gồm cả vô sinh (Nelson, 2007; Pandey, 2010). Một vài nghiên cứu đã điều tra sự liên quan giữa béo phì ở trẻ em gái và vô sinh của những đứa trẻ này trong độ tuổi sinh sản (Lake, 2007; Jacobs, 2017). Tuy nhiên, các điều tra chưa có sự nhất quán trong kết luận, cũng như các nghiên cứu này bị giới hạn về phân loại nguyên nhân vô sinh, trong đó vô sinh từ chồng chưa được đưa vào điều kiện loại trừ trong nghiên cứu.

Do đó, nghiên cứu của He Ye và cộng sự tiến hành kiểm tra sự liên quan giữa chỉ số cơ thể ở độ tuổi 7-15 và vô sinh ở độ tuổi 26-41 trên nhóm phụ nữ Úc được xem xét loại trừ các yếu tố gây nhiễu tiềm tàng.


Với mục tiêu nhằm đánh giá trẻ em béo phì có liên quan đến vô sinh trong độ tuổi sinh sản, nghiên cứu này đã thực hiện trên tổng số 1544 bé gái ở Úc, tuổi từ 7 đến 15 vào năm 1985. Sau đó, những người này hoàn thành bảng câu hỏi vào các năm 2004-2006 và/hoặc năm 2009-2011. Chỉ số BMI được phân thành ba nhóm (<25, 25-30 và >30 kg/m2), thừa cân được định nghĩa là 25<BMI<29,9 kg/m2 và béo phì là BMI>30 kg/m2.

Kết quả của nghiên cứu đăng trên tạp chí Fertility and Sterility (09/2018), trong đó vô sinh được định nghĩa là khó thụ thai (trên 12 tháng cố gắng có thai nhưng không thành công) hoặc đi khám bác sĩ vì khó mang thai. Ở tuổi từ 7 đến 11, các bé gái có chỉ số BMI trên ngưỡng trung bình có xu hướng tăng về: nguy cơ vô sinh (chỉ số rủi ro hiệu chỉnh tương đối aRR=2,94), cố gắng có thai >12 tháng nhưng không thành công (aRR=3,89), gặp bác sĩ vì khó mang thai (aRR=3,65) khi so sánh với các bé gái có BMI bình thường. Ngoài ra, tỷ lệ phụ nữ vô sinh bị thừa cân/béo phì từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành là 27,9%, trong khi đó tỷ lệ này là 21,6% đối với phụ nữ có cân nặng bình thường từ tuổi thơ ấu đến trưởng thành. Trong một kết quả khác, nghiên cứu đã phát hiện ra ở những trẻ thừa cân/béo phì có tỷ lệ lạc nội mạc tử cung thấp hơn so với nhóm cân nặng bình thường (3,5% so với 15,1%), kết quả này tương tự với nghiên cứu của Liu và cs (2017).

Như vậy, nghiên cứu được thực hiện trên nhóm phụ nữ Úc đã chỉ ra tác động bất lợi của béo phì trước 12 tuổi sẽ làm tăng nguy cơ vô sinh khi trưởng thành. Việc phòng ngừa sớm béo phì ở trẻ em rất quan trọng đối với khả năng sinh sản cũng như phòng ngừa bệnh tật sau này.

Phạm Thanh Liêm – Chuyên viên phôi học – IVFMD Phú Nhuận

Tài liệu tham khảo
Ye He, Jing Tian, Wendy H. Oddy, Terence Dwyer
and Alison J. Venn. Association of childhood obesity with female infertility in adulthood: A 25-year follow-up study. Fertil Steril 2018; 110: 596-604.
Các tin khác cùng chuyên mục:
Tăng cân trong thai kỳ và sinh non - Ngày đăng: 13-11-2018
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK