Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 21-08-2018 8:08am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Theo ước tính hiện nay trên toàn cầu, cứ 9 em bé ra đời lại có một trẻ sinh non. Sinh non không những là nguyên nhân gây tử vong sơ sinh hàng đầu mà còn gây những ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ của trẻ do nguy cơ bệnh lý tim mạch, chuyển hoá, hô hấp. Tỷ lệ biến chứng do sinh non xảy ra cao nhất ở nhóm trẻ được sinh trước 34 tuần. Dù đã có rất nhiều nghiên cứu lớn được thực hiện, nhưng cho đến nay, nguyên nhân sinh non vẫn còn là một câu hỏi khó.

Xuất phát từ việc quan sát thấy trọng lượng lúc sinh và tuổi thai thường lớn ở nhóm cộng đồng ăn cá của quần đảo Faroe, một giả thuyết về vai trò kéo dài thai kỳ và trì hoãn sinh non của acid béo n-3 chuỗi dài được thiết lập. Giả thuyết này lần đầu tiên công bố trên The Lancet năm 1986. Sau đó, rất nhiều nghiên cứu đã được tiến hành nhằm trả lời cho câu hỏi liệu việc tiêu thụ một lượng lớn axit béo n-3 chuỗi dài có khả năng kéo dài thai kỳ hay không. Mặc dù kết quả của các nghiên cứu không nhất quán trong ủng hộ giả thuyết đặt ra, tuy nhiên có ít nhất 1 nghiên cứu mô tả, 5 nghiên cứu can thiệp và vài phân tích gộp trên những nghiên cứu RCT đồng kết luận axit béo n-3 chuỗi dài trong thai kỳ có liên quan đến tác dụng kéo dài thai kỳ.
Tuy nhiên, đến nay, nồng độ tác dụng, mối tương quan giữa mức độ thiếu hụt acid béo ở các thời điểm khác nhau trong thai kỳ và nguy cơ của kết cục bất lợi trên thai kỳ vẫn chưa được giải đáp thoả đáng.
 
Một nghiên cứu bệnh chứng khảo sát trên những trường hợp sinh non tại Đan Mạch vừa công bố với mục tiêu nhằm xác định mối tương quan giữa nồng độ acid béo trong thai kỳ và nguy cơ sinh non.
Nghiên cứu này thực hiện khảo sát trên 376 trường hợp sinh non trước 34 tuần (loại trừ trường hợp tiền sản giật) và 348 trường hợp thuộc nhóm chứng.

Nồng độ acid eicosapentaenoic cộng với acid docosahexaenoic (EPA + DHA% của tổng số axit béo) huyết tương được đo hai lần trong thai kỳ, lúc thai khoảng 9 tuần và 25 tuần. Tỷ số chênh và khoảng tin cậy 95% (CI) cho các mối liên quan giữa EPA + DHA và nguy cơ sinh non được ước tính bằng hồi quy logistic, điều chỉnh theo độ tuổi, chiều cao, BMI trước khi mang thai, tiền sử sản khoa, hút thuốc và các yếu tố kinh tế xã hội.
Kết quả: Nguy cơ sinh non tăng khi nồng độ EPA + DHA thấp hơn 2%. Phụ nữ ở nhóm nồng độ EDP+DHA thấp nhất (EPA + DHA <1,6%) có nguy cơ sinh non tăng 10,27 lần (95% CI 6,80–15,79, p <0,0001); phụ nữ ở nhóm thứ hai tăng nguy cơ sinh non lên 2,86 (95% CI 1,79–4,59, p <0,0001), khi so sánh với phụ nữ trong ba nhóm EPA + DHA ≥ 1,8%.

Kết quả nghiên cứu cho thấy nồng độ của EPA và DHA huyết tương thấp trong thai kỳ là một yếu tố nguy cơ cao của sinh non.

BS. Lê Tiểu My – Nhóm nghiên cứu sinh non Bệnh viện Mỹ Đức
Nguồn: Olsen, S.F., et al., Plasma Concentrations of Long Chain N-3 Fatty Acids in Early and Mid-Pregnancy and Risk of Early Preterm Birth, EBioMedicine (2018), https://doi.org/10.1016/j.ebiom.2018.07.009
Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK