Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 12-02-2007 9:59am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin cộng đồng

TTO - Không giống như nam giới, những tinh trùng mới được sản xuất ra hàng ngày suốt cả đời; bé gái sinh ra đã có sẵn khoảng 1-2 triệu trứng non ở 2 buồng trứng (thuật ngữ chuyên môn gọi là nang noãn chưa trưởng thành).

Đến tuổi dậy thì và bắt đầu hành kinh, số trứng non chỉ còn khoảng 300.000. Mỗi chu kỳ kinh có một vài trứng non bắt đầu phát triển nhưng chỉ có một đạt đến độ trưởng thành và vỡ ra rồi được hút vào vòi trứng, đó là sự rụng trứng hay còn gọi là phóng noãn. Những trứng non nào không phát triển được thì tự tiêu huỷ đi do đó chỉ còn lại vài trăm trứng khi phụ nữ đến tuổi mãn kinh (45 hay 55 tuổi); do những biến đổi hoóc-môn đi kèm với tuổi mãn kinh nên những trứng còn lại khó có thể trưởng thành và sống được.

Nhiều văn liệu cho thấy rằng những thay đổi sinh học đầu tiên ở chức năng sinh sản của người phụ nữ đã xảy ra trước khi mãn kinh khá lâu, khoảng 15 năm và thay đổi rõ hơn khoảng 10 năm trước kỳ kinh cuối cùng. Trên 90% phụ nữ có thể đã giảm khả năng sinh sản vào 5 năm cuối trước mãn kinh, khi chưa xuất hiện cơn bốc nóng hoặc vã mồ hôi về đêm và cả khi kinh nguyệt vẫn còn đều đặn.

Khả năng sinh sản của phụ nữ đã bắt đầu giảm ngay từ tuổi 27 và giảm nhanh sau tuổi 35. Theo Hội y học sinh sản Mỹ thì trên 90% phụ nữ dưới 30 vẫn sinh con nhưng chỉ còn 85% còn sinh con ở độ tuổi 30-34; 70% ở độ tuổi 35-39 và khoảng 35% ở độ tuổi 40-44. Những phụ nữ đến độ tuổi 45 mà vẫn muốn có thai thì chỉ có 10% đạt được kết quả.

Những con số thống kê về sảy thai tăng theo tuổi tác cũng cho thấy một thực trạng ảm đạm hơn nữa, gần 15% phụ nữ bị sảy thai dưới 35 tuổi, tỷ lệ sảy tăng lên 20% ở độ tuổi 35-37; 25% ở độ tuổi 38-40 và 40% sau 40 tuổi. Vì tỷ lệ sảy cao ở những phụ nữ có tuổi cho nên số bị sảy từ 2 lần trở lên không phải là hiếm.

Tuy nhiên vẫn có những phương pháp để giúp đỡ phụ nữ đạt được nguyện vọng có thai nhưng cơ may có kết quả cũng giảm nhanh theo tuổi tác, ví dụ nhờ điều trị nên tỷ lệ có thai có thể tăng lên 20% đối với phụ nữ dưới 35 bị hiếm muộn không rõ nguyên nhân nhưng giảm đi còn 10% khi 35-40 tuổi hoặc thấp hơn nữa khi đã ngoài 40. Những cặp vợ chồng muốn thụ thai trong ống nghiệm cũng vấp phải triển vọng xấu tương tự. Tỷ lệ trẻ đẻ ra sống nhờ thụ thai trong ống nghiệm là hơn 30% đối với phụ nữ dưới 30 nhưng đến tuổi 40 thì tỷ lệ thành công dưới 10%. Cần biết rằng tuổi tác có tác động rất xấu đến khả năng sinh sản của phụ nữ; những phụ nữ hiếm muộn được điều trị đã sinh con vào độ tuổi 40 hay 50 và tưởng rằng đó là giới hạn tuổi để sinh đẻ nhưng không biết rằng nhiều người trong số họ đã may mắn nhờ có trứng của người khác (cho trứng).

Chính thầy thuốc cũng có nhiều người tin rằng khả năng sinh sản của phụ nữ chỉ bắt đầu giảm đi sau tuổi 40. Chỉ khi nào phát triển được kỹ thuật chuyển nguyên liệu gien của một tế bào bình thường (ví dụ tế bào da) vào một trứng rỗng không mang nguyên liệu di truyền và trứng này có thể trưởng thành như một tế bào trứng bình thường và được tế bào tinh trùng thụ tinh thì khi đó mới có thể tạo ra thai nghén mang các yếu tố sinh học của người mẹ ở bất kỳ tuổi nào. Còn bây giờ vẫn phải cần đến người cho trứng hoặc nuôi con nuôi khi điều kiện sinh học về sinh sản của người phụ nữ đã không còn thuận lợi.

Khả năng sinh sản và chất lượng con thay đổi theo tuổi mẹ

- Khó có thai: ngoài 35 chỉ còn 70% phụ nữ sinh đẻ vì sự thụ thai trở nên khó khăn hơn... Dù đã có nhiều liệu pháp hỗ trợ sinh sản nhưng tốn kém, phiền phức và khó thành công trên cơ thể phụ nữ ở độ tuổi này.

- Tăng khả năng sinh đôi: mặc dầu ở độ tuổi 30 phụ nữ kém mắn hơn nhưng lại tăng cơ may sinh 2 con.

- Tăng nguy cơ sảy thai: phụ nữ càng nhiều tuổi thì càng dễ sảy thai như trên đã nêu.

- Mẹ càng nhiều tuổi thì càng tăng nguy cơ con kém phát triển trí tuệ. Lí do là tuổi tác làm cho các thể nhiễm sắc ở trứng không tách biệt tốt, chúng dễ kết dính với nhau và khi tạo thành một tổ hợp nhiễm sắc thể nào đó thì có thể dẫn đến hội chứng Down và nhiều bệnh khác do có nhiễm sắc thể thừa.

Mẹ 25 tuổi tỷ lệ sinh con bị bệnh Down chỉ là 1/1250; 30 tuổi tỷ lệ con bị bệnh là 1/952, trên 35 tuổi tỷ lệ là 1/378, trên 40 tỷ lệ là 1/106, từ 45 tuổi trở lên tỷ lệ con bị Down là 1/30.

- Tăng biến chứng: những biến chứng tiềm ẩn ở phụ nữ nhiều tuổi mang thai hay sinh đẻ cao hơn phụ nữ trẻ, họ dễ bị cao huyết áp, tiểu đường, dễ có bệnh ở nhau thai (cơ quan cung cấp ôxy và nuôi dưỡng thai), dễ có biến chứng khi chuyển dạ và khi đẻ, kể cả dễ bị mổ lấy thai.

Nên ngừng sinh đẻ sau tuổi 30 nhưng cũng nên biết rằng ở bất kể tuổi nào mang thai và sinh đẻ cũng đều có thể gặp biến chứng.

Cuối cùng, tuổi của người bố có ảnh hưởng đến chất lượng con? Xưa kia, người ta tưởng rằng tuổi của người bố không ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng nhưng đã có nhiều nghiên cứu và thống kê học cho thấy rằng bố tuổi cao gây tăng tỷ lệ bị bệnh tâm thần phân liệt ở thế hệ con. Hơn nữa, hiện tượng tắt dục ở nam theo tuổi tác là hiện tượng y học và đi kèm với khả năng sinh sản của nam giới cũng suy giảm do giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, nhất là với những nam giới không có lối sống lành mạnh (sử dụng nhiều rượu, thuốc lá, kém dinh dưỡng…).

BS ĐÀO XUÂN DŨNG (Tuổi Trẻ)

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK