CNXN. Điêu Anh Tuấn - Khoa Hiếm muộn - Bệnh viện Từ Dũ
GIỚI THIỆU
Trong thế kỷ 21, dù y học hiện đại đã đạt được những bước tiến vượt bậc trong chăm sóc thai kỳ, tiền sản giật vẫn là một "ẩn số nguy hiểm" với thai phụ và thai nhi. Là một hội chứng phức tạp, khởi phát sau tuần thai thứ 20, tiền sản giật không chỉ đơn thuần là rối loạn tăng huyết áp, đó là biểu hiện của một chuỗi thay đổi bệnh lý toàn thân, liên quan đến nhau thai, nội mô mạch máu và đáp ứng viêm. Hàng năm, hàng triệu phụ nữ trên thế giới phải đối mặt với nguy cơ sinh non, tai biến sản khoa và thậm chí tử vong do căn bệnh này. Điều đáng lo ngại là cho đến nay, việc tầm soát và dự báo sớm tiền sản giật vẫn còn nhiều hạn chế. Các phương pháp hiện nay chủ yếu dựa vào yếu tố nguy cơ tiền sử (ví dụ: tiền sản giật trước đó, bệnh lý tăng huyết áp mạn tính, béo phì, đái tháo đường...) có độ chính xác thấp. Các chỉ điểm sinh học như PAPP-A, PLGF, sFlt-1 tuy đã được ứng dụng trong một số mô hình tiên đoán kết hợp, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về độ nhạy, độ đặc hiệu và khả năng áp dụng rộng rãi [1].
Trong những năm gần đây, thượng di truyền đang nổi lên như một hướng tiếp cận mang tính cách mạng. Các cơ chế biểu sinh như methyl hóa DNA, sửa đổi histone, và đặc biệt là RNA không mã hóa có vai trò trung tâm điều hòa những yếu tố then chốt trong cơ chế bệnh sinh của tiền sản giật như chức năng nhau thai, mạch máu và đáp ứng viêm. Đặc biệt, nhiều nghiên cứu đã phát hiện các dấu ấn thượng di truyền đặc trưng ở thai phụ mắc tiền sản giật, có thể được phát hiện từ rất sớm trong thai kỳ thông qua máu ngoại vi, nhau thai hoặc dịch sinh học khác, mở ra tiềm năng lớn cho tầm soát sớm và điều trị cá thể hóa.
Do đó, thượng di truyền không chỉ dừng lại ở vai trò chẩn đoán, mà đang dần khẳng định vị thế như một "chìa khóa tiềm năng" trong toàn bộ quá trình quản lý tiền sản giật từ tầm soát, dự phòng, cho đến điều trị. Đây chính là trọng tâm mà bài tổng quan này sẽ làm rõ.
CƠ CHẾ THƯỢNG DI TRUYỀN TRONG SINH LÝ BỆNH TIỀN SẢN GIẬT
Thượng di truyền đóng vai trò trung gian quan trọng trong sinh lý bệnh tiền sản giật, giúp giải thích những bất thường trong biểu hiện gen nhau thai mà không do đột biến DNA. Ba cơ chế thượng di truyền chính tác động trong tiền sản giật gồm:
Methyl hóa DNA
Methyl hóa DNA là quá trình gắn nhóm methyl (–CH₃) vào nucleotide cytosine tại vị trí CpG, đóng vai trò điều hòa hoạt động gene mà không làm thay đổi trình tự DNA. Cơ chế này đặc biệt quan trọng trong thai kỳ vì ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình biệt hóa tế bào, phát triển nhau thai và cân bằng nội môi giữa mẹ và thai nhi.
Trong bối cảnh tiền sản giật, nhiều nghiên cứu đã phát hiện sự thay đổi bất thường trong mô hình methyl hóa DNA tại nhau thai, đặc biệt ở các gen liên quan đến tạo mạch, chống viêm và chống stress oxy hóa. Cụ thể, tăng methyl hóa tại vùng promoter của các gen bảo vệ mạch máu như VEGFA, FLT1 và ENG làm giảm biểu hiện của chúng, từ đó dẫn đến giảm tưới máu nhau thai [2]. Ngược lại, giảm methyl hóa tại các gen viêm như TNF-α làm tăng biểu hiện các cytokine tiền viêm, góp phần làm tăng phản ứng viêm nội mô - yếu tố then chốt trong sinh lý bệnh tiền sản giật [3]. Các bất thường trái ngược này góp phần gây mất cân bằng giữa yếu tố tạo mạch và chống tạo mạch.
Các yếu tố như đa hình gen MTHFR, thiếu folate, B12, choline và tác nhân môi trường (ô nhiễm, stress oxy hóa) có thể làm thay đổi hoạt động của các enzym methyl hóa, dẫn đến mất cân bằng methyl hóa [4,5,6]. Sự rối loạn methyl hóa DNA trong tiền sản giật không chỉ ảnh hưởng đến biểu hiện của các gene chức năng mà còn làm suy giảm cấu trúc và chức năng nhau thai, góp phần vào tiến triển của bệnh và nguy cơ biến chứng cho cả mẹ và thai nhi.
Biến đổi histone
Biến đổi histone là một cơ chế thượng di truyền quan trọng trong điều hòa biểu hiện gene, thông qua việc thay đổi cấu trúc chromatin và khả năng tiếp cận DNA của các yếu tố phiên mã. Các sửa đổi phổ biến bao gồm acetyl hóa, methyl hóa, phosphoryl hóa và ubiquitin hóa tại các đuôi histone, đặc biệt là trên histone H3 và H4.
Trong bối cảnh tiền sản giật, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự thay đổi trong các kiểu biến đổi histone tại mô nhau thai ảnh hưởng trực tiếp đến các gene liên quan đến phát triển mạch máu, điều hòa miễn dịch và stress oxy hóa. Giảm acetyl hóa histone H3 tại promoter của các gen quan trọng trong quá trình tạo mạch nhau thai như VEGFA, PIGF làm giảm khả năng phiên mã và ức chế biểu hiện các yếu tố tạo mạch [7]. Tăng methyl hóa histone H3K9 và H3K27, được xem là dấu hiệu đóng chromatin, có liên quan đến sự ức chế biểu hiện các gene cần thiết cho xâm nhập của tế bào lá nuôi [8].
Các yếu tố nguy cơ như stress oxy hóa, thiếu vi chất, và phơi nhiễm với chất độc môi trường có thể tác động đến hoạt động của các enzyme điều chỉnh histone như histone acetyltransferase (HATs) hoặc histone deacetylase (HDACs), từ đó làm thay đổi cân bằng acetyl hóa–methyl hóa trong nhau thai [5].
Hệ quả của những rối loạn này là giảm khả năng xâm nhập của tế bào lá nuôi, rối loạn hình thành mạch máu nhau thai và tăng phản ứng viêm – những yếu tố nền trong sinh bệnh học của tiền sản giật [7,8].
RNA không mã hóa
RNA không mã hóa (non-coding RNA, ncRNA), bao gồm miRNA, lncRNA và circRNA, là nhóm phân tử RNA không tham gia mã hóa protein nhưng đóng vai trò quan trọng trong điều hòa biểu hiện gene ở cấp độ hậu phiên mã và tác động các yếu tố thượng di truyền khác.
Trong tiền sản giật, nhiều miRNA có biểu hiện bất thường tại bánh nhau và huyết thanh mẹ, ảnh hưởng đến các quá trình như tạo mạch, stress oxy hóa và miễn dịch. Ví dụ điển hình là miR-210, thường được tìm thấy tăng cao trong nhau thai tiền sản giật. MiR-210 làm giảm biểu hiện của các gene điều hòa chuyển hóa và tạo mạch, góp phần vào tình trạng giảm tưới máu nhau thai [8]. miR-155 cũng là một miRNA có vai trò điều hòa miễn dịch và được chứng minh tăng lên rõ rệt trong các trường hợp tiền sản giật nặng [3].
Ngoài miRNA, các lncRNA và circRNA cũng được phát hiện có biểu hiện thay đổi trong tiền sản giật. Chúng tương tác với cả RNA thông tin và protein, điều hòa biểu hiện gene một cách phức tạp hơn, bao gồm cả việc ảnh hưởng gián tiếp đến methyl hóa DNA hoặc biến đổi histone [7].
Sự rối loạn biểu hiện của ncRNA không chỉ phản ánh tình trạng bệnh lý tại bánh nhau, mà còn góp phần trực tiếp vào cơ chế bệnh sinh của tiền sản giật. Chính vì vậy, nhóm phân tử này đang được xem là đối tượng đầy hứa hẹn trong chẩn đoán sớm và phát triển liệu pháp nhắm trúng đích trong tương lai [9].
TIỀM NĂNG ỨNG DỤNG THƯỢNG DI TRUYỀN TRONG CHẨN ĐOÁN
TIỀN SẢN GIẬT
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ di truyền và sinh học phân tử trong những năm gần đây đã mở ra cơ hội khai thác thượng di truyền như một công cụ đầy tiềm năng trong việc chẩn đoán sớm, điều trị cá thể hóa và phòng ngừa tiền sản giật. Những hiểu biết sâu hơn về các dấu ấn thượng di truyền liên quan đến tiền sản giật có thể giúp tạo ra các chiến lược lâm sàng chính xác hơn.
Chẩn đoán sớm bằng dấu ấn thượng di truyền
Dấu ấn thượng di truyền là những tín hiệu phân tử phản ánh sự thay đổi thượng di truyền có thể phát hiện được trong mẫu mô hoặc dịch cơ thể. Trong bối cảnh tiền sản giật, nhiều dấu ấn đã được xác định ở cả nhau thai và máu mẹ.
Dấu ấn methyl hóa DNA
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng các thay đổi methyl hóa DNA có thể được sử dụng như dấu ấn sinh học để phát hiện sớm tiền sản giật. Ví dụ, phân tích methyl hóa DNA từ DNA tự do (cell-free DNA - cfDNA) trong máu mẹ đã cho thấy khả năng phân biệt giữa thai kỳ bình thường và thai kỳ có nguy cơ tiền sản giật [10]. Ngoài ra, một nghiên cứu đã xác định 389 thay đổi thượng di truyền trong các vùng methyl hóa DNA ở phụ nữ mắc tiền sản giật, cho thấy tiềm năng sử dụng các dấu ấn này trong việc dự đoán và quản lý tình trạng này sớm hơn [11].
Một số gene có mức methyl hóa đặc hiệu trong nhau thai tiền sản giật như:
-
FLT1: giảm methyl hóa, tăng biểu hiện sFlt-1 (Ashraf, 2024)
-
HSD11B2, SERPINA3, INHBA: tăng methyl hóa, ức chế bảo vệ nhau thai khỏi stress [2, 12].
Những thay đổi này có thể phát hiện trong máu mẹ thông qua cfDNA, từ đó giúp tiên lượng nguy cơ tiền sản giật từ tam cá nguyệt thứ nhất hoặc thứ hai [10].
RNA không mã hóa
Các RNA không mã hóa, đặc biệt là miRNA, đã được nghiên cứu như các dấu ấn sinh học tiềm năng cho tiền sản giật. Một số miRNA đã được xác định là biểu hiện bất thường trong tiền sản giật và có thể được sử dụng để phân biệt giữa thai kỳ bình thường và thai kỳ có nguy cơ [13].
miR-210 được coi là miRNA của tình trạng thiếu oxy, biểu hiện tăng cao trong nhau thai và huyết thanh của phụ nữ mắc tiền sản giật nên có thể đóng vai trò như một dấu ấn sinh học không xâm lấn để chẩn đoán sớm tiền sản giật với độ nhạy và độ đặc hiệu cao [14].
miR-18 tăng biểu hiện trong nhau thai và huyết thanh của phụ nữ mắc tiền sản giật [15].
miR-155, miR-29b, miR-517a/b được tìm thấy tăng hoặc giảm đáng kể trong huyết thanh thai phụ bị tiền sản giật trước khi có triệu chứng lâm sàng [11,16].
Những miRNA này có thể được định lượng bằng phương pháp PCR hoặc microarray. Đây là những xét nghiệm không xâm lấn, dễ chuẩn hóa, độ nhạy cao nếu dùng kết hợp nhiều dấu ấn.
Tích hợp dấu ấn thượng di truyền với các mô hình tiên lượng đa biến
Việc tích hợp các dấu ấn thượng di truyền vào mô hình tiên lượng đa biến đang mở ra hướng đi mới trong chẩn đoán sớm và chính xác tiền sản giật. Khi kết hợp các dấu ấn thượng di truyền với mô hình lâm sàng (tuổi mẹ, BMI, huyết áp, protein niệu, ...) hoặc các chất sinh học truyền thống (PlGF, sFlt-1), độ chính xác của tiên lượng tăng lên đáng kể.
Một nghiên cứu của Baetens và cs. đã phát triển hai mô hình phân loại để chẩn đoán và dự đoán tiền sản giật dựa trên các vùng methyl hóa DNA khác biệt được phát hiện sớm từ tuần thứ 12 của thai kỳ. Kết quả cho thấy các mô hình này có khả năng phân biệt giữa thai kỳ bình thường và thai kỳ tiền sản giật với độ chính xác cao, đặc biệt khi kết hợp với các yếu tố lâm sàng như tuổi mẹ, chỉ số BMI và huyết áp.
Các dấu ấn sinh học truyền thống như PlGF và sFlt-1 đã được sử dụng rộng rãi trong dự đoán tiền sản giật. Tuy nhiên, khi kết hợp với các dấu ấn thượng di truyền, độ chính xác trong dự đoán được cải thiện đáng kể. Một nghiên cứu của Adil và cs. đã phát triển mô hình dự đoán tiền sản giật bằng cách sử dụng cfDNA trong máu mẹ kết hợp với các yếu tố lâm sàng và dấu ấn sinh học truyền thống. Mô hình này đạt hiệu suất phân biệt là 0,85, với độ nhạy 81% và độ đặc hiệu 80% trong việc dự đoán tiền sản giật [17].
Mô hình tích hợp phát hiện sớm các dấu ấn thượng di truyền trong thai kỳ, cho phép can thiệp kịp thời với độ chính xác cao hơn đồng thời cho phép cá thể hóa trong xác định nguy cơ, từ đó đưa ra các chiến lược phòng ngừa và điều trị phù hợp như [18]:
-
Sử dụng aspirin liều thấp từ tam cá nguyệt thứ nhất ở những người có dấu ấn thượng di truyền bất thường liên quan đến tăng nguy cơ.
-
Tư vấn chế độ ăn giàu folate, choline giúp hỗ trợ chu trình methyl hóa bình thường.
-
Theo dõi sát và can thiệp sớm ở nhóm thai phụ có mức miRNA huyết tương gợi ý tiền sản giật khởi phát sớm.
HƯỚNG ĐIỀU TRỊ NHẮM TRÚNG ĐÍCH BẰNG LIỆU PHÁP THƯỢNG DI TRUYỀN
Hiện tại, điều trị tiền sản giật chủ yếu vẫn là theo dõi, kiểm soát huyết áp và chấm dứt thai kỳ khi cần thiết. Tuy nhiên, thượng di truyền mở ra hướng can thiệp sớm và cá thể hóa hơn, thông qua việc điều chỉnh các rối loạn biểu sinh nhằm can thiệp vào các cơ chế bệnh sinh ở cấp độ phân tử. Tuy nhiên, phần lớn các loại thuốc này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền lâm sàng hoặc thử nghiệm in vitro, và chưa được chấp thuận sử dụng trong thai kỳ do lo ngại về tính an toàn đối với thai nhi.
Thuốc điều chỉnh thượng di truyền bất thường [12]
Thuốc ức chế DNA methyltransferase (DNMTi) như azacitidine và decitabine đã được sử dụng trong điều trị ung thư để đảo ngược tình trạng methyl hóa DNA bất thường. Trong bối cảnh tiền sản giật, các nghiên cứu đang xem xét khả năng của DNMTi trong việc điều chỉnh methyl hóa DNA tại nhau thai, nhằm khôi phục biểu hiện của các gene quan trọng cho cho sự phát triển mạch máu và chức năng nhau thai.
Thuốc ức chế histone deacetylase (HDACi) như vorinostat và belinostat có khả năng tăng cường biểu hiện gene bằng cách duy trì trạng thái acetyl hóa của histone. Trong tiền sản giật, việc sử dụng HDACi có thể giúp phục hồi biểu hiện của các gene bị ức chế do hoạt động quá mức của HDAC, từ đó cải thiện chức năng xâm lấn của tế bào lá nuôi và sự phát triển mạch máu trong nhau thai cho sự phát triển mạch máu và chức năng nhau thai.
Ngoài DNMTi và HDACi, các phân tử nhỏ điều chỉnh thượng di truyền khác như inhibitor của EZH2 (một enzyme methyltransferase) cũng đang được nghiên cứu với mục tiêu điều chỉnh các dấu ấn thượng di truyền liên quan đến tiền sản giật. Tuy nhiên, các nghiên cứu này vẫn đang ở giai đoạn sơ khởi và cần thêm dữ liệu để đánh giá hiệu quả và độ an toàn.
Liệu pháp miRNA [19]
Các miRNA có thể mang lại lợi ích đáng kể trong điều trị tiền sản giật nhờ vào tính ổn định, đặc hiệu cao và khả năng điều hòa các con đường chuyển hóa quan trọng. Khả năng điều chỉnh biểu hiện gen ở giai đoạn hậu phiên mã khiến miRNA trở thành ứng viên lý tưởng cho các liệu pháp điều trị nhắm trúng đích, nhằm làm giảm những đặc điểm then chốt của tiền sản giật như stress oxy hóa, rối loạn chức năng nhau thai và bất thường mạch máu. Hiện có hai phương pháp chính được đề xuất trong điều trị dựa trên miRNA. Phương pháp đầu tiên là sử dụng chất ức chế miRNA (miRNA antagomirs) có tác dụng ức chế hoạt động của các miRNA bị biểu hiện quá mức, như miR-210 và miR-155, nhằm khôi phục các quá trình tế bào bình thường. Ngược lại với phương pháp trên là sử dụng chất bắt chước miRNA (miRNA mimics). Chất này sẽ bù đắp cho sự suy giảm của các miRNA, chẳng hạn như miR-126 và miR-195, từ đó cải thiện sự phát triển của nhau thai và chức năng mạch máu. Việc nhắm đích trực tiếp vào các miRNA này có thể giải quyết các quá trình bệnh lý quan trọng trong tiền sản giật, bao gồm stress oxy hóa, viêm, và rối loạn chức năng nội mô. Tuy nhiên, mặc dù tiềm năng điều trị là rất lớn, vẫn còn nhiều rào cản cần vượt qua trước khi liệu pháp dựa trên miRNA có thể được áp dụng trong lâm sàng, đặc biệt là trong việc đảm bảo sự dẫn truyền chính xác và hiệu quả đến mô nhau thai. Việc phát triển các hệ thống dẫn truyền nhắm đích là rất quan trọng, bởi tiêm toàn thân có thể gây ra nguy cơ kích hoạt miễn dịch và tác dụng ngoài mục tiêu. Gần đây, các tiến bộ trong công nghệ nano như vận chuyển qua exosome và hạt nano lipid cho thấy nhiều triển vọng trong việc nâng cao hiệu quả điều trị và độ chính xác trong phân phối thuốc. Ngoài ra, các phương pháp chỉnh sửa gen dựa trên CRISPR cũng có thể cung cấp cách kiểm soát sự tổng hợp miRNA trong tương lai.
HƯỚNG NGHIÊN CỨU TƯƠNG LAI ỨNG DỤNG THƯỢNG DI TRUYỀN TRONG TẦM SOÁT VÀ ĐIỀU TRỊ TIỀN SẢN GIẬT
Thượng di truyền mở ra hướng tiếp cận mới trong tầm soát và điều trị tiền sản giật. Những tiến bộ về công nghệ sinh học đang thúc đẩy nghiên cứu sâu hơn vào biểu sinh học, hướng tới xét nghiệm sớm, dự báo chính xác và điều trị cá thể hóa. Đây sẽ là chìa khóa để đưa lĩnh vực này vào ứng dụng lâm sàng hiệu quả và an toàn hơn.
Tích hợp đa omics để hiểu sâu hơn cơ chế bệnh sinh
Việc kết hợp dữ liệu từ epigenomics, transcriptomics và proteomics đang được xem là chiến lược tối ưu nhằm xác định các mạng lưới gen và biểu sinh điều hòa phức tạp trong tiền sản giật [7]. Cách tiếp cận này không chỉ giúp phát hiện các dấu ấn sinh học mới mà còn cung cấp cái nhìn toàn diện về các con đường tín hiệu và mối tương tác giữa các tầng điều hòa phân tử. Nghiên cứu đa omics cũng có thể xác định được nhóm thai phụ nguy cơ cao với độ chính xác cao hơn so với chỉ sử dụng đơn lẻ một loại dữ liệu.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích dữ liệu biểu sinh
Khối lượng dữ liệu biểu sinh ngày càng lớn và phức tạp đòi hỏi những công cụ phân tích tiên tiến. Trí tuệ nhân tạo và máy học (machine learning) đang được sử dụng để phát hiện các mẫu methyl hóa DNA hoặc biểu hiện microRNA có ý nghĩa tiên lượng cao [10]. AI không chỉ giúp xây dựng các mô hình dự đoán nguy cơ tiền sản giật sớm mà còn góp phần phát triển các thuật toán phân loại thai phụ dựa trên dữ liệu không xâm lấn, tăng tính cá thể hóa trong chăm sóc tiền thai sản.
Phát triển xét nghiệm thượng di truyền ứng dụng lâm sàng rộng rãi
Một thách thức quan trọng hiện nay là thiết kế các xét nghiệm biểu sinh có độ nhạy cao, giá thành hợp lý và dễ áp dụng đại trà. Điều này đòi hỏi tối ưu hóa kỹ thuật phân tích cfDNA hoặc miRNA từ mẫu huyết tương mẹ, kết hợp chuẩn hóa quy trình xử lý mẫu để tăng độ tin cậy và khả năng lặp lại [13]. Ngoài ra, việc xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc tế cho các dấu ấn epigenetic liên quan đến tiền sản giật sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển giao vào thực hành lâm sàng.
KẾT LUẬN
Thượng di truyền đang mở ra một hướng đi đầy hứa hẹn trong việc nâng cao khả năng tầm soát, dự phòng và điều trị tiền sản giật – một biến chứng sản khoa phức tạp và nguy hiểm. Các dấu ấn biểu sinh như methyl hóa DNA và miRNA không chỉ phản ánh cơ chế bệnh sinh sâu hơn mà còn có tiềm năng trở thành công cụ chẩn đoán sớm, phân tầng nguy cơ và cá thể hóa điều trị ngay từ giai đoạn đầu thai kỳ.
Dù vẫn còn nhiều thách thức trong tiêu chuẩn hóa và ứng dụng lâm sàng, thượng di truyền đã chứng minh vai trò như một “chìa khóa sinh học” giúp giải mã phần ẩn sâu của bệnh lý tiền sản giật. Trong tương lai, sự kết hợp giữa thượng di truyền với các chỉ điểm truyền thống và công nghệ y học chính xác có thể tạo nên bước ngoặt trong quản lý thai kỳ, góp phần bảo vệ sức khỏe mẹ và bé một cách toàn diện và chủ động hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-
Rybak-Krzyszkowska M, Staniczek J, Kondracka A, Bogusławska J, Kwiatkowski S, Góra T, Strus M, Górczewski W. From Biomarkers to the Molecular Mechanism of Preeclampsia-A Comprehensive Literature Review. Int J Mol Sci. 2023 Aug 26;24(17):13252. doi: 10.3390/ijms241713252. PMID: 37686054; PMCID: PMC10487701.
-
Ashraf UM, Hall DL, Rawls AZ, Alexander BT. Epigenetic processes during preeclampsia and effects on fetal development and chronic health. Clin Sci (Lond). 2021 Oct 15;135(19):2307-2327. doi: 10.1042/CS20190070. PMID: 34643675; PMCID: PMC8948502.
-
Chen F, Fei X, Zhu W, Zhang Z, Shen Y, Mao Y, Zhu Q, Xu J, Zhou W, Li M, Du J. Placental DNA methylation changes in gestational diabetes mellitus. Epigenetics. 2022 Dec;17(13):2109-2121. doi: 10.1080/15592294.2022.2110193. Epub 2022 Aug 21. PMID: 35993280; PMCID: PMC9665131.
-
Monasso GS, Küpers LK, Jaddoe VWV, Heil SG, Felix JF. Associations of circulating folate, vitamin B12 and homocysteine concentrations in early pregnancy and cord blood with epigenetic gestational age: the Generation R Study. Clin Epigenetics. 2021 Apr 29;13(1):95. doi: 10.1186/s13148-021-01065-x. PMID: 33926538; PMCID: PMC8082638.
-
Ghazi T, Naidoo P, Naidoo RN, Chuturgoon AA. Prenatal Air Pollution Exposure and Placental DNA Methylation Changes: Implications on Fetal Development and Future Disease Susceptibility. Cells. 2021 Nov 5;10(11):3025. doi: 10.3390/cells10113025. PMID: 34831248; PMCID: PMC8616150.
-
Yun L, Ge M, Xu R, Zheng F, Zhao X, Li X. C677T Gene Polymorphism of MTHFR Is a Risk Factor for Impaired Renal Function in Pregnant Women With Preeclampsia in the Chinese Han Population. Front Cardiovasc Med. 2022 May 30;9:902346. doi: 10.3389/fcvm.2022.902346. PMID: 35711354; PMCID: PMC9196626.
-
Benny PA, Alakwaa FM, Schlueter RJ, Lassiter CB, Garmire LX. A review of omics approaches to study preeclampsia. Placenta. 2020 Mar;92:17-27. doi: 10.1016/j.placenta.2020.01.008. Epub 2020 Jan 22. PMID: 32056783; PMCID: PMC7306500.
-
Deng F, Lei J, Chen J, Zhao M, Zhao C, Fu M, Sun M, Zhang M, Qiu J, Gao Q. DNA methylation-mediated 11βHSD2 downregulation drives the increases in angiotensin-converting enzyme and angiotensin II within preeclamptic placentas. FASEB J. 2024 Jun 15;38(11):e23714. doi: 10.1096/fj.202400199R. PMID: 38814727.
-
Layman CE, Ward S, Davis BA, Nevonen KA, Okhovat M, Rincon M, Valent A, Carbone L, Thornburg KL. High-throughput methylome analysis reveals differential methylation for early and late onset preeclampsia for mothers and their children. Physiol Genomics. 2024 Mar 1;56(3):276-282. doi: 10.1152/physiolgenomics.00058.2023. Epub 2024 Jan 8. PMID: 38189116; PMCID: PMC11283906.
-
Baetens M, Van Gaever B, Deblaere S, De Koker A, Meuris L, Callewaert N, Janssens S, Roelens K, Roets E, Van Dorpe J, Dehaene I, Menten B. Advancing diagnosis and early risk assessment of preeclampsia through noninvasive cell-free DNA methylation profiling. Clin Epigenetics. 2024 Dec 18;16(1):182. doi: 10.1186/s13148-024-01798-5. PMID: 39695764; PMCID: PMC11656954.
-
Nilsson EE, Winchester P, Proctor C, Beck D, Skinner MK. Epigenetic biomarker for preeclampsia-associated preterm birth and potential preventative medicine. Environ Epigenet. 2024 Nov 6;10(1):dvae022. doi: 10.1093/eep/dvae022. PMID: 39606093; PMCID: PMC11602036.
-
Oliveira Cruz J, Luizon MR. Potential epigenetic markers of clinical diagnostics/therapeutic targets in preeclampsia. Epigenomics. 2024;16(15-16):1057-1060. doi: 10.1080/17501911.2024.2383558. Epub 2024 Aug 8. PMID: 39115080; PMCID: PMC11418293.
-
Rani BU, Vasantharekha R, Santosh W, Swarnalingam T, Barathi S. Endocrine-Disrupting Chemicals and the Effects of Distorted Epigenetics on Preeclampsia: A Systematic Review. Cells. 2025 Mar 26;14(7):493. doi: 10.3390/cells14070493. PMID: 40214447; PMCID: PMC11987890.
-
Anton L, Olarerin-George AO, Schwartz N, Srinivas S, Bastek J, Hogenesch JB, Elovitz MA. miR-210 inhibits trophoblast invasion and is a serum biomarker for preeclampsia. Am J Pathol. 2013 Nov;183(5):1437-1445. doi: 10.1016/j.ajpath.2013.07.021. Epub 2013 Sep 10. PMID: 24035613; PMCID: PMC3814521.
-
Yang Z, Shan N, Deng Q, Wang Y, Hou Y, Mei J, Wu Z. Extracellular vesicle-derived microRNA-18b ameliorates preeclampsia by enhancing trophoblast proliferation and migration via Notch2/TIM3/mTORC1 axis. J Cell Mol Med. 2021 May;25(10):4583-4595. doi: 10.1111/jcmm.16234. Epub 2021 Apr 9. PMID: 33835684; PMCID: PMC8107107.
-
Cirkovic A, Stanisavljevic D, Milin-Lazovic J, Rajovic N, Pavlovic V, Milicevic O, Savic M, Kostic Peric J, Aleksic N, Milic N, Stanisavljevic T, Mikovic Z, Garovic V, Milic N. Preeclamptic Women Have Disrupted Placental microRNA Expression at the Time of Preeclampsia Diagnosis: Meta-Analysis. Front Bioeng Biotechnol. 2021 Dec 24;9:782845. doi: 10.3389/fbioe.2021.782845. PMID: 35004644; PMCID: PMC8740308.
-
Adil M, Kolarova TR, Doebley AL, Chen LA, Tobey CL, Galipeau P, Rosen S, Yang M, Colbert B, Patton RD, Persse TW, Kawelo E, Reichel JB, Pritchard CC, Akilesh S, Lockwood CM, Ha G, Shree R. Preeclampsia risk prediction from prenatal cell-free DNA screening. Nat Med. 2025 Apr;31(4):1312-1318. doi: 10.1038/s41591-025-03509-w. Epub 2025 Feb 12. PMID: 39939524; PMCID: PMC12003088.
-
Rolnik DL, Wright D, Poon LC, O'Gorman N, Syngelaki A, de Paco Matallana C, Akolekar R, Cicero S, Janga D, Singh M, Molina FS, Persico N, Jani JC, Plasencia W, Papaioannou G, Tenenbaum-Gavish K, Meiri H, Gizurarson S, Maclagan K, Nicolaides KH. Aspirin versus Placebo in Pregnancies at High Risk for Preterm Preeclampsia. N Engl J Med. 2017 Aug 17;377(7):613-622. doi: 10.1056/NEJMoa1704559. Epub 2017 Jun 28. PMID: 28657417.
-
Gerede A, Stavros S, Danavasi M, Potiris A, Moustakli E, Machairiotis N, Zikopoulos A, Nikolettos K, Drakakis P, Nikolettos N, Eleftheriades M, Domali E. MicroRNAs in Preeclampsia: Bridging Diagnosis and Treatment. J Clin Med. 2025 Mar 15;14(6):2003. doi: 10.3390/jcm14062003. PMID: 40142811; PMCID: PMC11942707.









Tiền Hội nghị: Trung tâm Hội nghị Grand Saigon, thứ bảy ngày ...
New World Saigon hotel, thứ bảy 14 tháng 06 năm 2025 (12:00 - 16:00)
Vinpearl Landmark 81, ngày 9-10 tháng 8 năm 2025

Kính mời quý đồng nghiệp quan tâm đến hỗ trợ sinh sản tham ...

Y học sinh sản số 73 (Quý I . 2025) ra mắt ngày 20 . 3 . 2025 và ...

Sách ra mắt ngày 6 . 1 . 2025 và gửi đến quý hội viên trước ...