Đứng trên bình diện quần thể, số lượng và chất lượng bài báo công bố trên các tập san khoa học quốc tế được xem là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá năng suất khoa học của một quốc gia, một trường đại học, hay một nhà khoa học. Thật vậy, ở các nước phát triển và đang phát triển, người ta có hẳn vài nhóm chuyên theo dõi và so sánh các công trình nghiên cứu để dựa vào đó mà điều chỉnh chính sách cung cấp ngân sách cho nghiên cứu khoa học. Các trường đại học xem con số bài báo khoa học và chỉ số trích dẫn là một đo lường về uy tín khoa bảng của trường, một chỉ tiêu để thu hút tài trợ cho nghiên cứu. Đối với một cá nhân nhà khoa học, có thể nói rằng con số công trình nghiên cứu được công bố là chỉ tiêu chính để được đề bạt các chức vụ khoa bảng.
Trong thời gian gần đây, vấn đề hiệu suất nghiên cứu khoa học ở nước ta đã được đặt ra nhiều lần. Một số phân tích của người viết bài này cho thấy con số bài báo khoa học của nước ta trong vòng 10 năm qua vẫn còn rất khiêm tốn so với các nước trong vùng. Khi tính đến các chỉ số về phẩm chất nghiên cứu khoa học, các công trình khoa học xuất phát từ nước ta cũng chưa thể so sánh với các nước trong vùng, chứ chưa nói đến các nước phát triển. Mới đây nhất, có phân tích cho thấy con số bài báo khoa học ở nước ta không bằng con số bài báo khoa học của một trường đại học Thái Lan!
Mỗi năm, Nhà nước chi ra khoảng 400 triệu USD cho nghiên cứu khoa học. Do đó, câu hỏi đặt ra là trong năm vừa qua, năng suất khoa học của nước ta ra sao, có xứng đáng với đồng tiền của người dân đóng thuế bỏ ra cho nghiên cứu khoa học hay không? Để trả lời câu hỏi này, tôi đã làm một phân tích đơn giản về con số bài báo khoa học xuất phát từ Việt Nam trong năm qua và so sánh với một số nước trong khối ASEAN để cho thấy vị thế của nền khoa học nước ta.
Năng suất khoa học 2004-2008
Trong năm 2008 (tính đến tháng 10), các nhà khoa học Việt Nam công bố được 910 bài báo khoa học trên 512 tập san khoa học quốc tế. So với các nước trong vùng, con số bài báo khoa học nước ta đứng hàng thứ 4 (sau Singapore, Thái Lan, và Mã Lai), và vị trí này không thay đổi trong 5 năm qua. Trong cùng năm 2008, Singapore công bố được 5553 bài báo khoa học (cao hơn nước ta gấp 6 lần); Thái Lan công bố được 3310 bài (hơn Việt Nam 3,6 lần), và Mã Lai công bố 2194 bài (hơn Việt Nam khoảng 2,5 lần).
Tuy nhiên, so sánh tỉ lệ tăng trưởng trong thời gian 2004 đến 2008, năng suất khoa học Việt Nam có chiều hướng tích cực. Con số bài báo khoa học của Việt Nam trong năm 2008 phản ảnh một tỉ lệ tăng trường gần 2 lần so với năm 2004. Trong cùng thời gian này, Thái Lan tăng 78%, Mã Lai tăng 95%, và Singapore tăng 21%. Các nước như Philippines và Insonesia có tỉ lệ tăng trường khoảng 30 đến 40% (Bảng 1).
Bàng 1. Số lượng bài báo khoa học trên các tập san khoa học quốc tế trong thời gian 2004-2008 | |||||||
Nước | Số lượng bài báo khoa học | Tỉ lệ tăng trưởng trong năm 2008 so với năm | |||||
2004 | 2005 | 2006 | 2007 | 2008 | 2004 | 2007 | |
Việt Nam | 478 | 669 | 681 | 792 | 910 | 1,90 | 1,15 |
Thái Lan | 1860 | 2333 | 2733 | 3112 | 3310 | 1,78 | 1,06 |
Malaysia | 1126 | 1474 | 1618 | 1842 | 2194 | 1,95 | 1,19 |
Indonesia | 419 | 532 | 542 | 575 | 544 | 1,30 | 0,95 |
Philippines | 383 | 464 | 443 | 436 | 531 | 1,39 | 1,22 |
Singapore | 4594 | 5514 | 5640 | 5726 | 5553 | 1,21 | 0,97 |
Lĩnh vực nghiên cứu
Trái lại với nhiều người lầm tưởng, lĩnh vực nghiên cứu “mạnh” của Việt Nam không phải là toán hay vật lí, mà là y học. Thật vậy, Trong năm 2008, con số bài báo liên quan đến y khoa (như tế công cộng, y học nhiệt đới và bệnh truyền nhiễm) là 156, chiếm 17% tổng số bài báo của cả nước. Trong khi đó, ngành vật lí lí thuyết và vật lí ứng dụng “sản xuất” được 141 bài (chiếm 15% tổng số bài báo khoa học Việt Nam), và toán 120 bài (13%). Như vậy, chỉ ba ngành y học, vật lí và toán đã chiếm khoảng 45% các công trình nghiên cứu khoa học từ Việt Nam (xem Bảng 2).
Trong khi đó, các lĩnh vực nghiên cứu “mạnh” của Thái Lan tập trung vào các ngành khoa học ứng dụng và y sinh học. Chỉ riêng ngành dược, với 189 bài báo khoa học, chiếm gần 6% tổng số bài báo quốc tế từ Thái Lan. Các lĩnh vực “top 10” hàng đầu của Thái Lan là: công nghệ thực phẩm (5,1%), công nghệ sinh học (~5%), sinh học phân tử (~5%), khoa học vật liệu (4%), vi sinh học (~4%), khoa học môi trường (~4%), bệnh truyền nhiễm (~4%), polymer (~4%), và hóa học (~3,7%).
|
Thật ra, ngay cả các lĩnh vực “top 10” của Việt Nam (không phải top 10 của Thái Lan), con số công trình khoa học cũng rất thấp so với Thái Lan. Chẳng hạn như số bài báo về y học (y tế công cộng, y học nhiệt đới, bệnh truyền nhiễm) của Thái Lan vẫn cao hơn Việt Nam gần 2 lần. Ngay cả ngành vật lí (lí thuyết, ứng dụng, và chất rắn) con số bài báo của Thái Lan vẫn cao hơn Việt Nam. Chỉ có số lượng bài báo về toán học là Thái Lan thấp hơn Việt Nam khoảng 40%.
Nội lực
Trong tổng số 910 công trình khoa học Việt Nam trên các tập san quốc tế, 65% bài là do tác giả người Việt Nam đứng tên đầu, và phần còn lại là do tác giả ngoại quốc đứng tên đầu. Những tác giả đứng tên đầu có thể là nghiên cứu sinh nhưng cũng có thể là người chủ trì dự án nghiên cứu; do đó, một cách đánh giá nội lực chính xác hơn là dựa vào tên tác giả chịu trách nhiệm chính (responsible author). Chỉ có 209 bài báo khoa học (khoảng 23%) do tác giả người Việt chịu trách nhiệm chính.
Tuy nhiên, phân tích cho từng ngành thì thấy ngành y sinh học có tỉ lệ nội lực thấp nhất: chỉ khoảng 5% bài báo y sinh học là do tác giả Việt Nam chịu trách nhiệm chính, phần còn lại là do người nước ngoài chủ trì. Nói cách khác, phần lớn (có thể 95%) công trình nghiên cứu y sinh học ở Việt Nam là do các nhà khoa học Việt Nam tham gia vào những dự án nước ngoài, hoặc do hợp tác hay cộng tác với đồng nghiệp nước ngoài.
Chất lượng
Chất lượng của một bài báo nghiên cứu khoa học thường được đánh giá qua chỉ số ảnh hưởng (IF hay impact factor) của tập san. Tập san có uy tín cao thường có chỉ số IF cao, vì họ chỉ công bố những công trình khoa học có chất lượng cao.
Phân tích về chất lượng cũng cho thấy đại đa số các bài báo khoa học được công bố trên những tập san có chỉ số IF rất thấp. Chẳng hạn như trong ngành y sinh học (một lĩnh vực tương đối mạnh của nước ta), phần lớn các bài báo đều công bố trên tập san có chỉ số IF dưới 3 như American Journal of Tropical Medicine and Hygiene (IF= 2,5), Journal of Clinical Microbiology (IF=3,5), Tropical Medicine & International Health (IF=2,6), International Journal of Tubeculosis and Lung Disease (IF=2), Chemical and Pharmaceutical Bulletin (IF=1.3). Ngay cả các ngành như toán và vật lí, phần lớn bài báo từ Việt Nam cũng chỉ công bố trên các tập san có chỉ số IF thấp (dưới 1).
Tính trung bình, khoảng 42% các bài báo từ Việt Nam được trích dẫn trên 5 lần, tức là cao hơn số trung bình trên thế giới. Các ngành khoa học Việt Nam có trích dẫn cao thường là các ngành khoa học thực nghiệm như y sinh học, hóa học, nông nghiệp, môi trường và công nghệ sinh học. Riêng hai ngành toán và kĩ thuật số lần trích dẫn không cao và có thể chẳng có ảnh hưởng gì lớn trên thế giới. Điều đáng quan tâm là 41% các bài báo về kĩ thuật từ Việt Nam chưa bao giờ được trích dẫn sau 5 năm công bố.
Một cách khác để gián tiếp đánh giá chất lượng là xem xét tỉ lệ các bài báo chưa bao giờ được trích dẫn. Có khoảng 20% các bài báo khoa học từ Việt Nam chưa bao giờ được trích dẫn sau 5 năm công bố. Đây cũng là tình trạng chung ở các nước trong vùng, với tỉ lệ chưa bao giờ trích dẫn (trong vòng 5 năm) được ghi nhận tại Thái Lan (15%), Mã Lai (19%), Nam Dương (19%), Phi Luật Tân (13%), và Singapore (17%). Như vậy, tính trung bình chất lượng nghiên cứu khoa học nước ta cũng thấp hơn so với các nước trong vùng.
Vài nhận xét
Qua các phân tích trên đây, chúng ta thấy rõ ràng rằng năng suất khoa học ở nước ta quá thấp hơn so với các nước trong vùng. Một trong những lí do cho tình trạng khoa học Việt Nam còn quá khiêm tốn trên trường quốc tế và trong vùng là các đại học và trung tâm nghiên cứu khoa học nước ta chưa có những qui định về chuẩn mực nghiên cứu khoa học phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Hệ thống đề bạt giáo sư ở nước ta vẫn dựa vào các tiêu chuẩn “nội địa”, mà không mấy quan tâm đúng mức đến mức độ đóng góp vào khoa học có công trình đăng trên các tập san khoa học quốc tế. Đại đa số các tiến sĩ được đào tạo từ trong nước cũng không hay chưa bao giờ có các bài báo trên các tập san khoa học quốc tế.
Ngoài ra, chúng ta có quá nhiều nhà khoa học với chức danh giáo sư và tiến sĩ nhưng họ không làm nghiên cứu mà chỉ đảm nhận các chức vụ hành chính (gần 70% các tiến sĩ giữ chức vụ quản lí và không làm nghiên cứu khoa học). Theo thống kê, năm học 2007-2008, cả nước có 38.217 giảng viên dạy đại học; trong số này, có 13.394 người có trình độ thạc sĩ trở lên (kể cả 21 giáo sư và phó giáo sư), và nếu theo tiêu chuẩn nước ngoài mỗi năm phải có một bài báo khoa học, thì con số bài báo khoa học nước ta phải là 13.000. Nhưng trong thực tế, cả nước chỉ “sản xuất” được 910 bài, tức chưa đầy 10% tiềm năng!
Chẳng những số lượng thấp và chất lượng lại càng rất thấp. Như vừa trình bày trên, đại đa số các công trình nghiên cứu từ Việt Nam chỉ công bố trên các tập san có chỉ số IF thấp, thậm chí những tập san địa phương như của Hàn Quốc và Nhật! Con số 20% công trình nghiên cứu chưa bao giờ được trích dẫn cũng là một phản ảnh về chất lượng nghiên cứu khoa học ở nước ta chưa được cao.
Số lượng và chất lượng nghiên cứu khoa học có thể tùy thuộc vào ngân sách khoa học. Theo một quan chức trong Bộ Khoa học và Công nghệ, trong niên khóa 2007-2008, ngân sách Nhà nước cho nghiên cứu khoa học lên đến 400 triệu USD. Trong năm 2008 có 209 bài báo nội lực (tức hoàn toàn do người Việt Nam làm chủ trì và chịu trách nhiệm chính). Như vậy, tính trung bình, mỗi bài báo khoa học tốn đến 1,9 triệu USD tiền đóng thuế của người dân. Đó là một cái giá rất đắt, đắt gấp 3-5 lần so với các nước trong vùng.
Những dữ liệu trên đây cho thấy các nhà quản lí giáo dục và khoa học cần phải định lại tiêu chuẩn về tiến phong giáo sư và phó giáo sư. Hiện nay, trong khi các đại học trên thế giới đều dựa vào số lượng và chất lượng công trình nghiên cứu khoa học để đề bạt các chức vụ khoa bảng, thì ở nước ta có sự đánh giá tương đồng giữa những bài báo trong nước và các bài báo trên các tập san quốc tế! Một sự đánh đồng như thế chẳng những thiếu công bằng, mà còn có ảnh hưởng xấu đến việc đưa khoa học nước ta hội nhập với cộng đồng khoa học quốc tế.
Nếu những phân tích trên đây cung cấp một vài ý nghĩa, thì tôi nghĩ đến vấn đề ưu tiên cho nghiên cứu khoa học nước ta trong tương lai là gì. Đã từ lâu, hoạt động khoa học nước ta chủ yếu nhắm vào những nghiên cứu cơ bản như toán học và vật lí học, hai ngành nằm trong “top 10” ở nước ta. Nhưng sự thật qua con số bài báo khoa học cho thấy chính ngành y sinh học mới là ngành mạnh ở nước ta, chứ không phải ngành toán hay vật lí. Nếu kinh nghiệm từ các nước đang phát triển như Thái Lan hay Mã Lai là một bài học, tôi nghĩ định hướng nghiên cứu khoa học tương lai ở nước ta nên dành ưu tiên cho khoa học thực nghiệm và ứng dụng, như y sinh học, công nghệ sinh học và khoa học môi trường.
Nghiên cứu khoa học là một trong những tiêu chí chuẩn để đánh giá và xếp hạng một đại học trong hàng ngũ “đẳng cấp quốc tế” (world-class university). Theo ước nguyện của ngành giáo dục nước ta, một số đại học đang có tham vọng trở thành “đại học đẳng cấp quốc tế” trong vòng 20 năm. Nhưng những kết quả phân tích trên đây cho thấy ước nguyện đó rất có thể chỉ là mộng ước, vì rất khó thành hiện thực. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, 20 năm nữa, con số bài báo khoa học nước ta có thể chỉ 2500 bài, tức chỉ bằng phân nửa con số của Singapore hay 20% thấp hơn Thái Lan của năm 2008. Với một viễn ảnh như thế, chúng ta không nên chỉ mơ ước, mà phải biến mơ ước thành hiện thực qua nhiều cải cách giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Do đó, để nâng cao vị thế khoa học Việt Nam trên trường quốc tế, thiết nghĩ Nhà nước cần phải nâng cao hiệu suất đầu tư cho khoa học và công nghệ, và cải cách hệ thống hoạt động nghiên cứu khoa học, và bắt đầu bằng việc phát triển các chuẩn mực cho các nhà khoa học, kể cả tiêu chuẩn giáo sư, sao cho phù phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và không quá xa rời thực tế ở nước ta. Cần chuẩn mực mới nên khuyến khích các nhà khoa học nước ta tập trung vào việc công bố các nghiên cứu trên các tập san quốc tế, tập trung vào việc đăng kí bằng sáng chế tại các cơ quan quốc tế. Cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhưng cũng cần phải đảm bảo những nghiên cứu từ Việt Nam thuộc sở hữu của người Việt Nam.
Nguyễn Văn Tuấn (Y khoa.net )
Quinter Central Nha Trang, chiều thứ bảy 11.1.2025 (13:00 - 17:00)
Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...