Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Friday 07-02-2014 7:39am
Viết bởi: Administrator

n212 Chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh trong thời kỳ hậu sản là một vấn đề có tầm quan trọng không kém so với chăm sóc thai kỳ. Các biến chứng cho mẹ và bé vẫn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong giai đoạn này mặc dù cuộc sinh ngả âm đạo hoặc mổ lấy thai hoàn toàn bình yên. Chính vì vậy, việc nắm rõ các vấn đề cần chăm sóc cũng như cần tư vấn cho mẹ và bé cũng như gia đình của họ là điều rất cần thiết của một cơ sở y tế nhằm đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho người mẹ vừa vượt cạn và thai nhi bé bỏng mới chào đời. Bài này xin tóm tắt các khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới về các vấn đề cần chăm sóc sau sanh cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Khuyến cáo 1 : Thời gian xuất viện sau sinh

Sau sinh ngã âm đạo không biến chứng tại một cơ sở y tế, các bà mẹ khỏe mạnh và trẻ sơ sinh nên được chăm sóc tại cơ sở ít nhất 24 giờ sau sinh.

Mức khuyến cáo yếu dựa trên bằng chứng chất lượng thấp

Khuyến cáo 2 : Số lần và thời gian liên lạc sau sinh

Nếu sinh con tại cơ sở y tế, các bà mẹ và trẻ sơ sinh nên được chăm sóc tại cơ sở ít nhất 24 giờ sau sinh.

Nếu sinh con tại nhà, lần khám sau sinh đầu tiên nên càng sớm càng tốt trong vòng 24 giờ sau sinh.

Cần khám thêm sau sinh ít nhất ba lần cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, vào ngày thứ 3 (48-72 giờ), giữa ngày 7-14 sau sinh, và 6 tuần sau sinh.

Khuyến cáo mạnh dựa trên bằng chứng có chất lượng trung bình đối với trẻ sơ sinh và bằng chứng chất lượng thấp đối với bà mẹ

Khuyến cáo 3 : Thăm khám hậu sản tại nhà

Thăm khám tại nhà trong tuần đầu tiên sau sinh được khuyến cáo cho việc chăm sóc người mẹ và trẻ sơ sinh.

Khuyến cáo mạnh dựa trên bằng chứng chất lượng cao cho trẻ sơ sinh và bằng chứng chất lượng thấp cho bà mẹ

Nội dung chăm sóc sau sinh cho trẻ sơ sinh

Khuyến cáo 4 : Đánh giá sức khỏe trẻ sơ sinh

Các dấu hiệu sau đây cần được đánh giá trong mỗi lần tiếp xúc và chăm sóc sau sinh và trẻ nên được đánh giá thêm nếu có những dấu hiệu sau : ăn kém, tiền sử co giật, thở nhanh (nhịp thở ≥ 60 phút), không có cử động tự phát, sốt (nhiệt độ ≥ 37,50C), nhiệt độ cơ thể thấp (nhiệt độ < 35,50C), vàng da bất kỳ trong 24 giờ đầu, hoặc lòng bàn tay và lòng bàn chân vàng ở mọi thời điểm.

Các gia đình nên được khuyến khích đến cơ sở y tế sớm nếu họ xác định bất kỳ dấu hiệu nào ở trên.

Khuyến cáo mạnh dựa trên bằng chứng chất lượng thấp

Khuyến cáo 5 : Bú mẹ hoàn toàn

Tất cả trẻ sơ sinh nên được bú sữa mẹ hoàn toàn từ khi sinh ra cho đến khi 6 tháng tuổi. Các bà mẹ cần được tư vấn và hỗ trợ cho bú mẹ hoàn toàn tại mỗi lần thăm khám sau sinh.

Khuyến cáo mạnh dựa trên bằng chứng chất lượng trung bình

Khuyến cáo 6 : Chăm sóc dây rốn

Dùng Chlorhexidine hàng ngày (7,1% chlorhexidine digluconate dung dịch nước hoặc gel, cung cấp 4% chlorhexidine) bôi lên gốc cuống rốn trong tuần đầu tiên được khuyến khích cho trẻ sơ sinh được sinh tại nhà trong vùng có tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh cao (tử vong sơ sinh ≥ 30 trên 1000 trẻ sinh sống).

Giữ rốn sạch và khô được khuyến khích cho trẻ sơ sinh sinh tại cơ sở y tế và tại nhà trong vùng có tỷ lệ  tử vong sơ sinh thấp. Trong tình huống này, chỉ sử dụng chlorhexidine khi cần thay thế các chất có hại mà địa phương hay dùng theo truyền thống như dùng phân bò để bôi lên gốc cuống rốn.

Khuyến cáo mạnh dựa trên bằng chứng chất lượng trung bình

Khuyến cáo 7 : Các chăm sóc khác cho trẻ sơ sinh

Tắm nên được trì hoãn cho đến 24 giờ sau sinh. Nếu không thể thực hiện điều này do vấn đề về văn hóa, nên hoãn tắm ít nhất 6 giờ.

Khuyến khích mặc quần áo cho bé phù hợp với nhiệt độ môi trường. Nên mặc cho bé nhiều hơn 1-2 lớp quần áo so với người lớn, và sử dụng nón / mũ.

Mẹ và bé không nên tách rời và nên ở trong cùng một phòng 24 giờ một ngày.

Giao tiếp và chơi với các trẻ sơ sinh cần được khuyến khích.

Tiêm chủng cần được đẩy mạnh theo hướng dẫn của WHO hiện có.

Trẻ sinh non và nhẹ cân cần được xác định ngay sau sinh và cần được cung cấp sự chăm sóc đặc biệt theo hướng dẫn của WHO hiện có.

Đồng thuận của GDG (Guidelines Development Group) dựa theo hướng dẫn hiện hành của WHO

Chăm sóc mẹ sau sanh

Khuyến cáo 8 : Đánh giá người mẹ

24 giờ sau sinh

Tất cả phụ nữ sau sinh nên được đánh giá thường xuyên xuất huyết âm đạo, tử cung co hồi, bề cao tử cung, nhiệt độ và nhịp tim thường xuyên trong 24 giờ bắt đầu từ những giờ đầu sau sinh. Huyết áp nên được đo ngay sau sinh. Nếu bình thường, lần thứ 2 cần được thực hiện trong vòng 6 giờ. Lượng nước tiểu nên được ghi chép trong vòng 6 giờ.

Sau 24 giờ sau sinh

Tại mỗi lần khám tiếp theo cần đánh giá các vấn đề: tiểu tiện, tiểu không tự chủ, chức năng của ruột, vết thương tầng sinh môn, đau đầu, mệt mỏi, đau lưng, đau tầng sinh môn và đáy chậu, vệ sinh , đau vú, đau tử cung và sản dịch.

Tiến độ cho con bú nên được đánh giá tại mỗi lần khám.

Tại mỗi lần khám, phụ nữ nên được hỏi về cảm xúc hạnh phúc của họ, những gì gia đình và xã hội đã hỗ trợ họ và chiến lược của họ để đối phó với những vấn đề hằng ngày. Tất cả phụ nữ và gia đình/ bạn tình của họ nên thông báo cho nhân viên y tế về những thay đổi về tâm trạng, cảm xúc và hành vi của người mẹ khác với ngày thường.

Vào 10-14 ngày sau sinh, tất cả phụ nữ nên được hỏi về những giải pháp đối phó với trầm cảm sau sinh tạm thời. Nếu các triệu chứng không cải thiện, người mẹ nên được theo dõi tiếp tục và nếu triệu chứng vẫn tồn tại thì nên được đánh giá toàn diện.

Phụ nữ nên được theo dõi nếu có bất kỳ nguy cơ hay các dấu hiệu của bạo lực gia đình.

Phụ nữ nên được biết nơi liên hệ để được tư vấn và xử trí.

Tất cả phụ nữ nên được hỏi về việc quan hệ tình dục lại và giao hợp đau nếu có như một phần của việc đánh giá tổng thể 2-6 tuần sau sinh.

Nếu có bất kỳ vấn đề nào ở các lần khám, người phụ nữ nên được xử trí và / hoặc chuyển viện theo các khuyến cáo khác của WHO hiện hành.

Đồng thuận của GDG dựa theo hướng dẫn hiện hành của WHO

Khuyến cáo 9 : Tư vấn

Tất cả phụ nữ nên được cung cấp thông tin về quá trình sinh lý của phục hồi sau sinh, và về một số vấn đề sức khỏe phổ biến cần được báo cáo cho nhân viên y tế:

Các dấu hiệu và triệu chứng của băng huyết sau sinh : mất máu đột ngột và nhiều hay kéo dài, ngất, chóng mặt, đánh trống ngực / nhịp tim nhanh.

Các dấu hiệu và triệu chứng của tiền sản giật, sản giật : đau đầu kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng của rối loạn thị giác, buồn nôn, nôn, đau thượng vị hoặc đau hạ sườn phải, cảm giác mờ nhạt, co giật (trong vài ngày đầu sau sinh).

Các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng : sốt, run, đau bụng và / hoặc khó chịu âm đạo

Các dấu hiệu và triệu chứng của huyết khối : đau bắp chân một bên, đỏ hoặc sưng, khó thở, đau ngực.

Phụ nữ cần được tư vấn về dinh dưỡng.

Phụ nữ cần được tư vấn về vệ sinh, đặc biệt là rửa tay.

Phụ nữ cần được tư vấn về khoảng cách sinh và kế hoạch hóa gia đình. Biện pháp tránh thai tùy chọn cần được thảo luận, và các phương pháp tránh thai cần được cung cấp theo yêu cầu.

Phụ nữ cần được tư vấn về tình dục an toàn như sử dụng bao cao su.

Trong vùng dịch tễ sốt rét, các bà mẹ và trẻ sơ sinh nên ngủ dưới màn ngủ tẩm thuốc trừ muỗi.

Tất cả phụ nữ cần được khuyến khích để vận động càng sớm càng tốt sau sinh. Họ cần được khuyến khích tập thể dục nhẹ nhàng và dành thời gian nghỉ ngơi.

Đồng thuận của GDG dựa theo hướng dẫn hiện hành của WHO

Khuyến cáo 10 : Sắt và acid folic

Bổ sung sắt và acid folic nên được cung cấp ít nhất là ba tháng.

GDG ghi chú rằng hiện tại không có bằng chứng để thay đổi khuyến cáo này và WHO đang tiến hành việc xây dựng các hướng dẫn mới cụ thể về dinh dưỡng dành cho bà mẹ sau sanh

Khuyến cáo 11 : Kháng sinh dự phòng

Sử dụng kháng sinh ở phụ nữ sinh ngã âm đạo và rách tầng sinh môn độ 3-4 được khuyến cáo để giảm biến chứng của vết thương.

Không có đủ bằng chứng để khuyên bạn nên thường xuyên sử dụng kháng sinh trong tất cả các trường hợp phụ nữ sinh ngã âm đạo có nguy cơ thấp để phòng ngừa viêm nội mạc tử cung.

Khuyến cáo mạnh dựa trên bằng chứng chất lượng thấp

Khuyến cáo 12: Hỗ trợ tâm lý

Hỗ trợ tâm lý bởi một người đã qua đào tạo được khuyến khích cho công tác phòng chống trầm cảm sau sinh ở những phụ nữ có nguy cơ cao phát triển bệnh này.

Không có đủ bằng chứng để khuyến cáo các cuộc tư vấn với tất cả phụ nữ để giảm sự xuất hiện / nguy cơ trầm cảm sau sinh.

Không có đủ bằng chứng để khuyên bạn nên thảo luận thường xuyên, in tài liệu giáo dục để phòng ngừa trầm cảm sau sinh.

Chuyên gia y tế sẽ cho người phụ nữ cơ hội để thảo luận về trải nghiệm của họ trong quá trình nằm viện.

Một người phụ nữ đã mất em bé nên được chăm sóc hỗ trợ bổ sung.

Khuyến cáo yếu dựa trên bằng chứng chất lượng rất thấp

BS Phan Diễm Đoan Ngọc

Nguồn: WHO recommendations on Postnatal care of the mother and newborn, 2013

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
Thuyên tắc ối - Ngày đăng: 26-10-2013
Dự phòng tiền sản giật - Ngày đăng: 08-10-2013
Thuyên tắc ối - Ngày đăng: 20-02-2013
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 6 . 1 . 2025 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK