Tin tức
on Monday 07-05-2018 12:33am
Danh mục: Tin trong nước
ThS. Bs Hê Thanh Nhã Yến
Phòng khám Mãn kinh – BV Mỹ Đức Phú Nhuận
Khi nào mãn kinh là câu hỏi luôn được phụ nữ không chỉ riêng ở Việt Nam mà trên toàn thế giới quan tâm. Dù mãn kinh là giai đoạn thay đổi tự nhiên của phụ nữ khi bước vào độ tuổi 45-55, hầu hết phụ nữ đều mong muốn kéo dài thời gian trước mãn kinh, hay nói theo cách khác là kéo dài tuổi thanh xuân.
Chúng ta đã biết tuổi mãn kinh phụ thuộc yếu tố di truyền, dân tộc và cơ địa. Với mỗi phụ nữ, các yếu tố này là đặc trưng và không thể thay đổi. Mới đây, một nghiên cứu lớn cho thấy chế độ ăn cũng ảnh hưởng đến tuổi mãn kinh. Được thiết kế chặt chẽ, hơn 14.000 phụ nữ từ 40 đến 65 tuổi, sinh sống ở Anh, Scotland và xứ Wales đã được sàng lọc vào nghiên cứu. Trong 4 năm theo dõi, các tác giả tuyển lựa được 914 phụ nữ với đặc điểm mãn kinh tự nhiên, không sử dụng thuốc nội tiết và đồng ý cung cấp đầy đủ thông tin liên quan chế độ dinh dưỡng theo yêu cầu của nghiên cứu.
Bảng thu thập dữ liệu gồm nhiều câu hỏi chi tiết về 217 loại thực phẩm, đã được kiểm chứng với 303 đối tượng. Đối với từng loại thực phẩm, thành phần dinh dưỡng như chất béo, chất xơ, lượng đường… được tính toán dựa trên tiêu chuẩn của Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm (Food Standards Agency). Nhiều yếu tố gây nhiễu được cân nhắc trong quá trình phân tích dữ liệu bao gồm tuổi, tiền sử sản khoa, chỉ số khối cơ thể, hoạt động thể lực, đái tháo đường….
Các tác giả ghi nhận tuổi mãn kinh trung bình của đối tượng tham gia nghiên cứu là 50,5 tuổi. Chỉ số khối cơ thể, được tính theo công thức cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m), trung bình là 23,9 (kg/m2). Phụ nữ trong nghiên cứu có hoạt động thể chất tương đối ít, trung bình 15 phút/ ngày. Chỉ có 8% phụ nữ có hút thuốc và lượng rượu trung bình được tiêu thụ là 9g/ngày.
Kết quả chính của nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn nhiều cá béo (chứa nhiều omega-3) làm trì hoãn tuổi mãn kinh đến hơn 3 năm và ăn nhiều rau củ tươi giúp trì hoãn đến gần 1 năm. Bên cạnh đó, việc bổ sung nhiều vitamin B6 và kẽm cũng giúp tăng tuổi mãn kinh đến khoảng ½ năm. Mặt khác, ăn nhiều mì và gạo đã qua chế biến làm tuổi mãn kinh sớm hơn 1,5 năm. Một số phát hiện khác cũng được các tác giả ghi nhận như, phụ nữ ăn chế độ toàn thực vật (vegetarians) có tuổi mãn kinh sớm hơn gần 1 năm. Đối với phụ nữ chưa sinh con, ăn nhiều nho và thịt gia cầm có thể trì hoãn tuổi mãn kinh tương đương 2,5 năm và 5,2 năm.
Lý giải cho các phát hiện này, các tác giả nhấn mạnh vai trò của các tác nhân chống oxy hoá có nhiều trong nhóm thực phẩm như cá béo và rau củ tươi. Về mặt cơ chế, hoạt động của các nang noãn ở buồng trứng bị hạn chế bởi các thành phần oxy hoá ROS (reactive oxygen species). Sự suy giảm về số lượng và chất lượng nang noãn lại là yếu tố chính khởi phát tiến trình mãn kinh. Vì vậy, các tác nhân chống oxy hoá có trong thực phẩm, vitamin khoáng chất như B6 và kẽm góp phần làm chậm tiến trình này, dẫn đến trì hoãn tuổi mãn kinh. Bên cạnh đó, việc hấp thu nhiều carbohydrate, nguồn gốc từ mì và gạo, làm tăng nguy cơ đề kháng insulin. Hoạt động của insulin giảm, dẫn đến giảm các protein gắn kết với nội tiết tố sinh dục, viết tắt là SHBG (sex hormone binding globulin). SHBG vốn là thành tố quan trọng trong hoạt động của nội tiết tố nữ estrogen. Cơ chế này giải thích cho việc chế độ ăn nhiều tinh bột đẩy nhanh tiến trình mãn kinh. Mặt khác, chế độ ăn toàn thực vật, nghĩa là nhiều chất xơ và không có chất béo từ động vật, cũng ảnh hưởng nồng độ nội tiết chịu trách nhiệm điều hoà hoạt động nang noãn như LH (luteinizing hormone) và FSH (follicular stimulating hormone), làm giảm estrogen.
Kết quả từ nghiên cứu đưa đến một thông điệp tích cực và khả thi cho mọi phụ nữ, rằng chế độ ăn phù hợp, với nhiều cá béo và rau củ, bổ sung vitamin B6 và kẽm, hạn chế tinh bột, có thể giúp trì hoãn tuổi mãn kinh tự nhiên, kéo dài tuổi thanh xuân.
Nguồn: Dunneram Y, Greenwood DC, Burley VJ, et al. Dietary intake and age at natural menopause: results from the UK Women’s Cohort Study. J Epidemiol Community Health. Published Online First: 30 April 2018. doi:10.1136/jech-2017-209887
Các tin khác cùng chuyên mục:
Hội thảo thực hành SGART ứng dụng PGS/PGD trong thực hành lâm sàng - Ngày đăng: 02-05-2018
Sau 20 năm 3 em bé ống nghiệm đầu tiên chào đời, y học Việt Nam chạm cột mốc mới - Ngày đăng: 02-05-2018
Hành trình 20 năm của những đứa trẻ thụ tinh trong ống nghiệm - Ngày đăng: 02-05-2018
Ba 'em bé' thụ tinh ống nghiệm đầu tiên ở VN tròn 20 tuổi - Ngày đăng: 01-05-2018
Phụ nữ ngày càng khó có con - Ngày đăng: 01-05-2018
Phái mạnh đang... yếu dần - Ngày đăng: 10-04-2018
Mối tương quan giữa các dạng phân cắt phôi sớm với sự phát triển in vitro và sự làm tổ của phôi - Ngày đăng: 01-03-2018
Tác động của phôi bào đa nhân lên tiềm năng phát triển, động học hình thái và sự lệch bội của phôi - Ngày đăng: 01-03-2018
Hội nghị mãn kinh lần VI - Ngày đăng: 23-01-2018
Một nghiên cứu trong lĩnh vực Sản Phụ khoa thực hiện tại Việt Nam được công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine - Ngày đăng: 14-01-2018
Hỏi đáp Bác sĩ - ThS.BS Hồ Mạnh Tường: Vươn ra biển lớn - Ngày đăng: 27-12-2017
PreCongress Hội nghị Khoa học thường niên HOSREM lần XVIII - Ngày đăng: 06-12-2017
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
Quinter Central Nha Trang, chiều thứ bảy 11.1.2025 (13:00 - 17:00)
Năm 2020
Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025
Năm 2020
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...
FACEBOOK