Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 27-12-2017 5:51pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin trong nước

Cuộc trò chuyện cùng ThS, BS Hồ Mạnh Tường - Tổng thư ký Hội Nội tiết Sinh sản và Vô sinh TPHCM mở ra nhiều điều về điều trị vô sinh - hiếm muộn ở VN hiện nay và với tầm vươn ra biển lớn.

Việt Nam hiện đi đầu và cũng là nơi có nhiều kinh nghiệm nhất trên thế giới về kỹ thuật IVM (kỹ thuật nuôi trưởng thành noãn trong ống nghiệm). Kỹ thuật này đã được thực hiện ở Việt Nam hơn 10 năm qua với hơn 2.500 trường hợp. Tỉ lệ thành công được ghi nhận hơn 40%. Cho đến nay đã có hơn 1.000 trường hợp em bé ra đời khoẻ mạnh. Việt Nam cũng là một trong những nước thực hiện IVM nhiều nhất và có tỉ lệ thành công cao trên thế giới hiện nay. Nhiều nơi trên thế giới đã cử người sang nước ta để học kỹ thuật IVM và nhiều chuyên gia đầu ngành về IVM trên thế giới đã đến để tham quan, học tập và mời hợp tác nghiên cứu.

vô sinh hiếm muộn ở VN
 

Cuộc trò chuyện cùng ThS, BS Hồ Mạnh Tường - Tổng thư ký Hội Nội tiết Sinh sản và Vô sinh TPHCM mở ra nhiều điều về điều trị vô sinh - hiếm muộn ở VN hiện nay và với tầm vươn ra biển lớn.

1/ Thưa Bác sĩ, Theo một nghiên cứu của Đại học  Y Hà Nội năm 2012, tỉ lệ hiếm muộn trên các cặp vợ chồng trong tuổi sinh sản ở Việt Nam là 7,7%, tương đương trên 1 triệu cặp vợ chồng. Nguyên nhân vì sao? Có gì đó mâu thuẫn không, khi mà đời sống ngày càng được nâng cao hơn, hiện đại hơn, vấn đề sức khỏe sinh sản được quan tâm nhiều hơn, thì tỉ lệ hiếm muộn cũng trở nên đáng lưu ý hơn, thưa bác sĩ?

Một số bệnh lý viêm nhiễm đường sinh dục có xu hướng giảm và thường được phát hiện sớm hơn, ít để lại di chứng gây hiếm muộn. Số trường hợp có thai ngoài ý muốn và nạo phá thai cũng giảm do các biện pháp ngừa thai phổ biến hơn và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, có các vấn đề chính kháckhiến tình trạng hiếm muộn có xu  hướng tăng:

  • Một số bệnh lý phụ khoa khác có khuynh hướng tăng như rối loạn phóng noãn, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung…
  • Số lượng tinh trùng nam giới có xu hướng giảm, có thể do các yếu tố môi trường, lối sống.
  • Đời sống xã hội phát triển, khiến các cặp vợ chồng căng thẳng hơn về thời gian, về công việc, làm giảm khả năng và cơ hội có con.
  • Các cặp vợ chồng xu hướng mong con ở độ tuổi trễ hơn. Nói chung, khi càng lớn tuổi thì khả năng sinh sản cả nam và nữ đều giảm, đặc biệt giảm nhanh và rõ hơn ở phụ nữ. Thông kê ở các nước đang phát triển và ở Việt Nam cho thấy, sau khoảng 5-10 năm thì độ tuổi có con ở phụ nữ tăng thêm 2 tuổi. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây gia tăng tình trạng hiếm muộn.

Nội tiết và sinh sản
 

2/ Thưa bác sĩ, một trong những nguyên nhân ngày càng tăng tỉ lệ hiếm muộn có từ lý do người phụ nữ muốn có con ở độ tuổi trễ hơn?

Đúng. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng hiếm muộn trên thế giới hiện nay. Ở phụ nữ, độ tuổi thích hợp nhất cho việc có thai và sinh con là từ 20 đến 30 tuổi. Ở độ tuổi này, việc có thai thường dễ dàng, việc mang thai và sinh con cũng ít biến chứng hơn và trẻ sinh ra khoẻ mạnh hơn. Sau 30 tuổi, khả năng sinh sản bắt đầu giảm dần. Người ta nhận thấy sau 35 tuổi, khả năng sinh sản của phụ nữ giảm rõ rệt qua từng năm cho dù không có bệnh lý gì đặc biệt. Đến sau 40 tuổi, chỉ khoảng 10% phụ nữ có thể thụ thai và mang thai đến khi sinh. Việc suy giảm khả năng có thai của phụ nữ theo tuổi chủ yếu là do sự suy yếu của buồng trứng. Tuổi mãn kinh của phụ nữ ở Việt Nam trung bình vào khoảng 48 tuổi, khi buồng trứng không còn hoạt động. Tuy nhiên, khoảng hơn 5 năm trước đó, người phụ có thể đã không còn khả năng sinh sản.

Trong xã hội hiện đại và phát triển, phụ nữ thường ưu tiên thời gian từ 20 đến 35 tuổi cho việc học tập, phát triển nghề nghiệp, tăng thu nhập và tham gia các hoạt động xã hội khác. Việc có con thường được dời lại, cho dù có thể lập gia đình sớm hơn. Điều này dẫn đến rất nhiều phụ nữ mong muốn có con ở tuổi mà theo tự nhiên, khả năng sinh sản đã bắt đầu giảm hay đã giảm nhiều. Xu hướng này sẽ làm tỉ lệ hiếm muộn ngày càng tăng ở các xã hội phát triển.

3/ Về phía góc độ nam giới, như bác sĩ nói, khả năng có con cũng giảm do số lượng tinh trùng và chất lượng tinh trùng giảm. Tại sao?

Cũng như ở nữ giới, càng lớn tuổi, số lượng và chất lượng tinh trùng nam giới cũng giảm dần theo tuổi. Tuy nhiên, giảm khả năng sinh sản theo tuổi ở nam giới chậm hơn và kéo dài hơn. Sau 35 tuổi chất lượng và số lượng tinh trùng bắt đầu giảm, nhưng phải sau 40 tuổi thì khả năng sinh sản bắt đầu giảm rõ. Tuy nhiên, nam giới vẫn có thể có khả năng sinh sản đến 60-70 tuổi.

Ngoài giảm khả năng sinh sản do tuổi thì nhiều nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam cho thấy số lượng và chất lượng tinh trùng của nam giới có khuynh hướng giảm dần. Một số nghiên cứu cho thấy số lương tinh trùng trung bình của nam giới trong độ tuổi sinh sản giảm khoảng 1% mỗi năm. Có nghiên cứu cho thấy số lượng tinh  trùng trung bình của nam giới hiện nay chỉ bằng khoảng ½ so với các số liệu 50 năm trước. Một nghiên cứu về tinh dịch đồ trên các cặp vợ chồng hiếm muộn ở Việt Nam cho thấy chỉ có khoảng 5-10 % người chồng có số lượng và chất lượng tinh trùng đạt được các chuẩn tối thiểu của Tổ chức Y tế thế giới. Nguyên nhân của sự sụt giảm số lượng và chất lượng tinh trùng ở nam giới được cho là do lối sống, chế độ sinh hoạt, môi trường sống ô nhiễm, sự nóng lên của trái đất…

4/ Các biện pháp tránh thai và tình trạng hiếm muộn, liệu có mối liên quan nào không, thưa bác sĩ?

Các biện pháp tránh thai không hồi phục (triệt sản) như thắt ống dẫn tinh và thắt vòi trứng thì sẽ gây vô sinh nếu bệnh nhân muốn có con lại. Các cặp vợ chồng này muốn có con lại thì phải thực hiện vi phẫu để nối ống dẫn tinh hay nối vòi trứng. Tuy nhiên, tỉ lệ thành công của việc thông nối không cao và chỉ nên áp dụng nếu chưa để quá lâu. Đặt dụng cụ tránh thai vào buồng tử cung lâu năm hay trong điều kiện kỹ thuật không đảm bảo vô trùng, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường sinh sản ở phụ nữ và dẫn đến vô sinh do tắc vòi trứng hay do dính vùng chậu. Biện pháp tránh thai bằng thuốc nội tiết tránh thai thường ít ảnh hưởng đến khả năng có thai về sau. Phụ nữ thường có khả năng mang thai lại sau vài tháng ngưng thuốc. Nếu tránh thai trong thời gian quá lâu, đến khi lớn tuổi sẽ khó có thai lại, do buồng trứng suy giảm theo thời gian, thường không phải do thuốc.

kỹ thuật hỗ trợ hiếm muộn

5/ Với sự tiến bộ không ngừng của y học, nhiều kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã mang lại hiệu quả cao trong điều trị hiếm muộn? Đó là những phương pháp nào thưa bác sĩ? Tỉ lệ thành công?

Hai phương pháp hỗ trợ để tăng khả năng có thai và điều trị các trường hợp vô sinh hiện nay là kỹ thuật Bơm tinh trùng vào tử cung, IUI (còn gọi là thụ tinh nhân tạo) và thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). thuật IUI thường dùng cho các trường hợp hiếm muộn nhẹ, trẻ tuổi. Kỹ thuật TTTON thường áp dụng cho các trường hợp khó, thất bại nhiều lần với IUI hoặc các trường hợp nặng, lớn tuổi. Nếu thực hiện đúng kỹ thuật và đúng chỉ định, tỉ lệ thành công sau một đợt điều trị IUI khoảng 15-20%. Một cặp vợ chồng có thể điều trị nhiều đợt IUI. Nếu kỹ thuật thực hiện tốt, buồng trứng của người vợ chưa bị suy yếu, tỉ lệ thành công của một cặp vợ chồng sau TTTON thường hơn 50%.

6/ Thụ tinh trong ống nghiệm được xem là chỉ định cho người đã thất bại trong thực hiện thụ tinh nhân tạo trước đó, đặc biệt khi khả năng sinh sản của người phụ nữ giảm. Cụ thể, phương pháp này sẽ được thực hiện như thế nào, thưa bác sĩ và kết quả ra sao?

Trong thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON), người vợ sẽ được tiêm thuốc kích buồng trứng mỗi ngày, từ ngày đang hành kinh, trong vòng khoảng trung bình 12 ngày. Sau đó, người vợ sẽ đến bệnh viện để làm thủ thuật chọc hút noãn từ buồng trứng. Chồng sẽ lấy tinh trùng tại bệnh viện. Noãn và tinh trùng sẽ được cho thụ tinh trong phòng nuôi cấy phôi và phôi sẽ được nuôi tiếp trong vòng 3-5 ngày trước khi được chọn cấy vào tử cung. Một lần làm TTTON, cặp vợ chồng có thể có được nhiều phôi (trung bình 4-6 phôi ngày 3 hoặc 2-3 phôi ngày 5). Sau đó, có thể chia ra, chuyển phôi vào tử cung nhiều lần, mỗi lần 1-2 phôi (chuyển phôi được 2-3 lần). Nếu tuổi của người vợ <38 tuổi, khả năng có thai sau 1 lần chuyển phôi trung bình là 40-50%, khả năng có thai tổng cộng sau 2-3 lần chuyển phôi có thể khoảng 60-70%. Những trường hợp vợ lớn tuổi (>40 tuổi) hoặc buồng trứng suy giảm nhiều (giảm dự trữ buồng trứng thì tỉ lệ thành công sẽ giảm nhiều. Nếu không thành công, có thể phải cân nhắc khả năng xin trứng từ người trẻ tuổi khác để làm TTTON. 

7/ Những ca ấn tượng mà bác sĩ đã thực hiện thành công?

Hai trường hợp tôi có nhiều ấn tượng nhất là hai trường hợp rất khó, không xác định rõ nguyên nhân: mộttrường hợp có thai và sinh bé khoẻ mạnh sau 14 lần chuyển phôi, trường hợp thứ hai hai vợ chồng có thai và sinh bé sau 16 lần chuyển phôi.

Một trường hợp khác là hai vợ chồng ở nước ngoài, người chồng về Việt Nam trữ lạnh tinh trùng để làm IVF. Sau đó, khi trở về nước, người chồng phát hiện có bệnh ung thư giai đoạn muộn, không chữa trị được. Người vợ tiếp tục về Việt Nam làm TTTON với tinh trùng đông lạnh của chồng để quyết tâm có con trước chồng mất. Trường hợp này đã thành công ngay lần đầu tiên với mẫu tinh trùng đông lạnh duy nhất còn lại của chồng và em bé đã được sinh ra trước khi người chồng mất vài tháng.

Một trường hợp đặc biệt nữa là một tiến sĩ chuyên ngành TTTON nổi tiếng thế giới. Lúc trẻ, ông này đã từng làm việc tại trung tâm TTTON đầu tiên thế giới ở Anh. Ông có rất nhiều công trình nghiên cứu về IVF và là đồng tác giả quyển sách giao khoa nổi tiếng về IVF, được sử dụng để giảng dạy nhiều nơi trên thế giới. Ông có một người vợ gốc Việt. Sau 5 lần làm TTTON thất bại ở Anh và Mỹ. Hai vợ chồng quyết định về Việt Nam để làm TTTON lần cuối cùng và hai vợ chồng đã có thai sau khi điều trị ở Việt Nam.

8/ Thưa bác sĩ, với kỹ thuật nuôi trưởng thành noãn trong ông nghiệm (IVM), VN được đánh giá là 1 trong những nước đi đầu về kỹ thuật này trên thế giới. Đến nay, đã có hơn 1000 em bé ra đời từ kỹ thuật này. Ưu điểm của kỹ thuật này là gì, thưa bác sĩ?

Các ưu điểm của kỹ thuật IVM:

  • An toàn hơn do loại trừ nguy cơ hội chứng quá kích buồng trứng.
  • Đơn giản, thuận lợi hơn do giảm thiểu số lần tiêm thuốc, siêu âm, tái khám theo dõi.
  • Giảm chi phí điều trị gần 50% so với TTTON cổ điển, chủ yếu do giảm chi phí tiêm thuốc kích thích buồng trứng và xét nghiệm theo dõi.

9/ Không chỉ là đi đầu, VN cũng là nơi có nhiều kinh nghiệm nhất trên thế giới hiện nay về kỹ thuật IVM? Những kinh nghiệm được đúc kết là gì, thưa bác sĩ?

Sau hơn 10 năm thực hiện thành công và phát triển IVM, cùng với đánh giá của nhiều chuyên gia về IVM trên thế giới đã đến Việt Nam hợp tác và làm việc, chúng tôi nhận thấy:

  • Kỹ thuật IVM phù hợp với điều kiện Việt Nam hơn do giúp giảm đáng kể chi phí điều trị.
  • Kỹ thuật IVM khó thực hiện hơn TTTON cổ điển. Các chuyên gia Việt Nam khéo tay hơn và tỉ mỉ hơn ở các công đoạn, nên đạt hiệu quả cao hơn.
  • Nếu đầu tư đầy đủ về nhân sự và kỹ thuật chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ mới trong y tế và phát triển hơn các nước trong một số kỹ thuật phù hợp.

10/ Không chỉ tập trung cho công việc khám, điều trị bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn, một điều gây tiếng vang rất lớn trong giới ôn mà bác sĩ cùng TS BS Vương Thị Ngọc Lan và đội  ngũ y bác sĩ ở IVFMD (Mỹ Đức), bắt đầu xuất hiện và tạo những dấu ấn đáng kể khi từng bước tham gia, báo cáo tại các hội nghị khoa học lớn và uy tín nhất của chuyên ngành y học sinh sản thế giới hiện nay. Đó là công việc không hề đơn giản. Vì sao bác sĩ và BS Ngọc Lan quyết tâm hướng đến mục tiêu này?

Khoảng năm 2002 chỉ sau hơn 5 năm thành công TTTON ở Việt Nam, chúng tôi bắt đầu nhận học viên nước ngoài đến để học tập và chuyển giao công nghệ. Trong thời gian này chúng tôi đã có nhiều hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học trong nước. Đến năm 2007, chúng tôi bắt đầu có nghiên cứu bài bản và hướng đến công bố quốc tế. Uy tín của ngành hỗ trợ sinh sản Việt Nam bắt đầu đi lên trong khu vực. Sau 10 năm thực hiện TTTON ở Việt Nam, chúng tôi nhận thấy mình đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật và tạo được uy tín chuyên môn trong khu vực. Để phát triển hơn nữa và tạo uy tín quốc tế, chỉ có thể thông qua việc thực hiện các nghiên cứu khoa học bài bản và công bố quốc tế tại các hội nghị khoa học lớn và đăng tải trên các tạp chí khoa học uy tín. Từ đó, chúng tôi đã thuyết phục được các đồng nghiệp, đàn em trong nhóm học tập, đầu tư cho mục tiêu này. Chúng tôi đã mất hơn 10 năm để đầu tư cho mục tiêu này. Cho đến nay, nhóm IVFMD đã đạt được một số thành tựu và trở thành nhóm nghiên cứu về hỗ trợ sinh sản mạnh nhất khu vực ASEAN và là một trong những nhóm nghiên cứu mạnh ở châu Á.

Xin cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ - TS.BS Hồ Mạnh Tường - - Tổng thư ký Hội Nội tiết Sinh sản và Vô sinh TPHCM

Theo Tạp chí Sức khỏe - Khoe24h.vn


Các tin khác cùng chuyên mục:
Endometriosis Experts Meeting 7 - Ngày đăng: 28-10-2017
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK