Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Sunday 14-01-2018 10:31pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin trong nước

Số báo mới nhất (ngày 11/1/2018) của tạp chí New England Journal of Medicine (NEJM) đã công bố kết quả của nghiên cứu “So sánh hiệu quả của chuyển phôi đông lạnh và chuyển phôi tươi trên phụ nữ điều trị thụ tinh trong ống nghiệm không có hội chứng buồng trứng đa nang”. New England Journal of Medicine là tạp chí y khoa uy tín (Impact Factor trong năm 2017, là 72.406) và là nơi đăng tải các nghiên cứu lâm sàng quan trọng trên thế giới hiện nay. Cho đến nay, đây là một trong số rất ít nghiên cứu, mà một nhóm nghiên cứu người Việt Nam thực hiện và đứng tên chính, được chấp nhận đăng trên tạp chí danh giá này.
 
Trước đây, các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) trên thế giới và ở Việt Nam thường ưu tiên chuyển phôi tươi sau khi làm TTTON. Số phôi còn dư lại sẽ được đông lạnh và để dành để chuyển phôi các lần sau, tạo thêm cơ hội cho người bệnh. Trong vòng khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều nghiên cứu hồi cứu hay RCT với cỡ mẫu nhỏ cho thấy, chuyển phôi đông lạnh đưa đến một tỷ lệ có thai cao hơn và có thể cải thiện kết cục sản khoa. Dựa trên các chứng cứ này, một số trung tâm có xu hướng chuyển sang đông lạnh phôi toàn bộ, không chuyển phôi tươi, mà chuyển phôi sau rã đông ở các chu kỳ sau đó. Tuy nhiên, việc đông lạnh phôi toàn bộ, lại làm tăng chí phí và làm trì hoãn cơ hội có thai của người bệnh thêm 1 vài tháng nữa.
 
Một nghiên cứu quan trọng khác trước đây, cũng công bố trên tạp chí NEJM năm 2017, đã từng chỉ ra rằng nhóm phụ nữ hiếm muộn do hội chứng buồng trứng đa nang (BTĐN) có tỷ lệ sinh sống cao hơn nếu đông lạnh phôi toàn bộ và chuyển phôi đông lạnh khi thực hiện TTTON. Tuy nhiên, các dữ liệu đủ mạnh về hướng đi này trên nhóm phụ nữ không có hội chứng BTĐN (chiếm phần lớn bệnh nhân đến khám) vẫn chưa có.
 
Nghiên cứu mới này của chúng tôi cho thấy rằng trên nhóm phụ nữ có chỉ định TTTON mà không có hội chứng BTĐN,  không có sự khác biệt về tỷ lệ sinh sống cũng như các kết cục sản khoa giữa hai phương pháp can thiệp. Kết quả của nghiên cứu quan trọng này đem lại nhiều ý nghĩa ứng dụng đối với phác đồ thực hiện TTTON hiện nay trên thế giới. Việc quyết định chuyển phôi tươi hay đông lạnh phôi toàn bộ và chuyển phôi sau đó cần được cân nhắc xem xét trên từng người bệnh, cá thể hoá việc điều trị, để tăng cơ hội có thai và giảm chi phí điều trị cho người bệnh. Ngoài ra, việc đông lạnh và lưu trữ phôi người với kỹ thuật hiện nay là an toàn và hiệu quả, do đó, chúng ta không cần chuyển quá nhiều phôi vào tử cung một lúc, mà có thể đông lạnh phôi phôi và chuyển phôi làm nhiều lần, mỗi lần 1-2 phôi. Như vậy, người bệnh vẫn có gia tăng cơ hội có thai mà nguy cơ đa thai được giảm tối đa.
 
Bên cạnh ý nghĩa khoa học, sự cộng tác chặt chẽ giữa hai nhóm nghiên cứu tại bệnh viện Mỹ Đức và Đại học Adelaide, Úc đã giúp phát triển thế mạnh của cả hai nhóm chuyên gia ở hai nước như lời nhận xét của GS Ben Mol “Chất lượng và khả năng thực hiện nghiên cứu của nhóm chuyên gia ở Việt Nam là rất tốt. Chúng tôi rất vui khi có thể tư vấn, hỗ trợ cho một nhóm nghiên cứu mạnh ở Việt Nam về các vấn đề quan trọng và nổi bật của khu vực và thế giới.” 

BS Đặng Quang Vinh
Bệnh viện Mỹ Đức
 
 
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
Endometriosis Experts Meeting 7 - Ngày đăng: 28-10-2017
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK