BS. Giang Huỳnh Như – Bs Hồ Mạnh Tường
HỘI CHỨNG QUÁ KÍCH BUỒNG TRỨNG
Hội chứng quá kích buồng trứng (HCQKBT) được định nghĩa là sự dịch chuyển của huyết thanh từ lòng mạch vào khoang thứ ba trong cơ thể, thường gặp nhất là vào ổ bụng nhưng cũng có thể là khoang màng phổi, hiếm gặp hơn là khoang màng tim. HCQKBT là biến chứng thường gặp của kích thích buồng trứng (KTBT). HCQKBT nặng xảy ra ở 0,5 – 5% các chu kỳ thụ tinh ống nghiệm (TTTON) [1]. HCQKBT cũng có thể xảy ra khi cơ thể có nồng độ gonadotropin nội sinh cao như trong thai kỳ tự nhiên, thai trứng,... Trong những trường hợp này, bệnh nhân có nồng độ hCG (human chorionic gonadotropin) cao.
Biểu hiện lâm sàng của HCQKBT có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng. Buồng trứng to và dịch trong ổ bụng làm căng chướng, đau bụng. Trong một số trường hợp bệnh nhân có khó thở do dịch ổ bụng quá nhiều làm hạn chế hoạt động của cơ hoành hay do tràn dịch màng phổi. Thất thoát dịch vào khoang thứ ba trong cơ thể dẫn đến hiện tượng cô đặc máu và giảm lượng máu tưới đến các cơ quan gây ra thiểu niệu, ảnh hưởng lên chức năng thận, chức năng gan và có nguy cơ thuyên tắc mạch. HCQKBT nặng có biểu hiện rất rầm rộ: buồng trứng to, báng bụng, tràn dịch màng phổi, rối loạn điện giải, giảm thể tích tuần hoàn, thiểu niệu; trầm trọng hơn sẽ là huyết khối, suy gan, suy thận, hội chứng nguy cập hô hấp cấp ở người lớn, có thể dẫn đến tử vong.
VAI TRÒ CỦA VEGF (VASCULAR ENDOTHELIAL GROWTH FACTOR) TRONG HCQKBT
Các triệu chứng của hội chứng quá kích buồng trứng là hậu quả của tăng tính thấm thành mạch, làm cô đặc máu, giảm tưới máu cơ quan, thuyên tắc mạch, rỉ dịch ra khoang phúc mạc và khoang màng phổi. Để dự phòng HCQKBT, đã có nhiều phương pháp được áp dụng như giảm liều đầu FSH ở những bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao có HCQKBT, ngưng FSH để làm thoái hóa nang noãn (coasting), truyền albumin, không chuyển phôi,…. Mặc dù đây là một biến chứng có thể làm nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân, cho đến hiện nay, việc dự phòng và điều trị HCQKBT vẫn mang tính kinh nghiệm và điều trị triệu chứng.
Trong cơ chế bệnh sinh của HCQKBT, sự hiện diện của buồng trứng và hCG là 2 yếu tố bắt buộc vì sẽ không có HCQKBT khi cắt bỏ 2 buồng trứng hay khi không tiêm hCG [2]. VEGF (Vascular endothelial growth factor) là chất trung gian tạo mạch phụ thuộc hCG. VEGF không những kích thích sự phát triển của mạch máu mới mà còn là yếu tố quyết định trong tăng tính thấm thành mạch khi tương tác với VEGF receptor 2 [3, 4]. Trong thời gian gần đây, đã có những bằng chứng cho thấy sự liên quan của VEGF trong cơ chế bệnh sinh của HCQKBT. Người ta nhận thấy sau khi tiêm hCG, nồng độ VEGF có nguồn gốc từ tế bào hạt cũng như ở các tế bào nội mô mạch máu tăng lên, đặc biệt là ở những bệnh nhân có nguy cơ cao quá kích buồng trứng. Nồng độ VEGF có liên quan đến nguy cơ phát triển HCQKBT và bệnh cảnh lâm sàng của hội chứng này [5].
CABERGOLINE TRONG DỰ PHÒNG HỘI CHỨNG QUÁ KÍCH BUỒNG TRỨNG
Đã có những nghiên cứu về các dược phẩm có đặc tính đối lập với VEGF trong dự phòng và điều trị HCQKBT. Người ta nhận thấy dopamine có khả năng ức chế chọn lọc lên tác dụng tăng sinh mạch máu và tăng tính thấm thành mạch của VEGF [3,4]. Cabergoline và bromocriptine là hai chất đồng vận của dopamine được quan tâm nghiên cứu nhiều nhất do hai chất này cùng tác động thông qua Dopamine/dopamine receptor 2, từ đó có tác dụng lên VEGF/VEGFR-2 [6].
Người ta tiến hành nhiều nghiên cứu về hiệu quả của các chất đồng vận dopamin trong dự phòng HCQKBT. Trong nghiên cứu của Alvarez (2007), cabergoline được sử dụng cho những bệnh nhân cho trứng có nguy cơ HCQKBT cao (có số trứng chọc hút được > 20 trứng). Kết quả nghiên cứu cho thấy >75% phụ nữ trong nhóm điều trị không có triệu chứng của HCQKBT, so với 15% trong nhóm giả dược [4]. Một nghiên cứu khác được tiến hành vào năm 2008 cũng trên những bệnh nhân có nguy cơ cao HCQKBT (E2>4000pg/mL) với tỉ lệ HCQKBT trong nhóm điều trị là 10,8% [7]. Năm 2009, tại hội thảo IVF Expert Meeting, một nghiên cứu cũng đã được báo cáo về sử dụng bromocriptine, cho những bệnh nhân Việt Nam có nguy cơ cao HCQKBT (có số trứng chọc hút được > 20 trứng) để dự phòng HCQKBT. Trong nhóm bệnh nhân có chuyển phôi và sử dụng bromocriptine, tỉ lệ HCQKBT là 3,37% [9].
Về tính an toàn của các chất đồng vận dopamin, chưa có tác dụng phụ đáng kể nào của thuốc này được ghi nhận khi sử dụng cho các bệnh nhân có nguy cơ cao HCQKBT [4, 5, 9]. Có một số tác giả ghi nhận sử dụng dopamin agonist kéo dài (cabergoline và bromocriptine) có thể gây hở van tim. Tuy nhiên, tác dụng phụ này được ghi nhận ở các bệnh nhân sử dụng dopamin agonist liều cao và kéo dài trong điều trị Parkinson [10].
KẾT LUẬN
Cho đến thời điểm hiện nay, sử dụng cabergoline nói riêng và các chất đồng vận dopamin nói chung trong dự phòng HCQKBT là một phương pháp khá hiệu quả và an toàn. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều nghiên cứu thực nghiệm lâm sàng nhằm khẳng định tính hiệu quả, cũng như đưa ra phác đồ chung trong dự phòng và điều trị HCQKBT bằng các chất đồng vận dopamin.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Delvigne A and Rozenberg S. Epidemiology and prevention of ovarian hyperstimulation syndrome (OHSS): a review. Human Reproduction Update. 2002; 8(6): 559 – 577.
2. Aboulghar MA và Mansour RT. Ovarian hyperstimulation syndrome: classifications and critical analysis of preventive measure. Human Reproduction Update. 2003; 9(3), 275 – 289.
3. Alvarez C. Preventing ovarian hyperstimulation syndrome. The Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism. 2007; 92(8): 2882 – 2884.
4. Alvarez C, Bonmati LM, Maestre EN, Sanz R, Gomez R, Sanchez MF, Simon C, Pellicer A. Dopamine agonist Carbegoline reduces hemoconcentration and ascites in hyperstimulated women undergoing assisted reproduction. The journal of Clinical Endocrinology and Metabolism. 2007; 92 (8): 2931 – 2937.
5. Albert C, Garrido N, Mercader A, Rao CV, Remohi J, Simon C, Pellicer A. The role of endothelial cells in the pathogenesis of ovarian hyperstimulation syndrome. Molecular Human Reproduction. 2002; 8(5): 409 – 418.
6. Gomez R, Izquierdo MG, Zimmermann RC, Maestre EN, Muriel IA, Criado JS, Remohi J, Simon C, Pellicer A. Low-dose Dopamine agonist administration blocks vascular endothelial growth factor (VEGF) – Mediated vascular hypermeability without altering VEGF Receptor 2 – Dependent luteal angiogenesis in a rat ovarian hyperstimulation model. Endocrinology. 2006; 147(11): 5400 – 5411.
7. Carizza C, Abdelmassih V, Abdelmasih S, Ravizzini P, Salgueiro L, Salgueiro PT, Jine LT, Nagy P, Abdelmassih R. Carbegoline reduces the early onset of ovarian hyperstimulation syndrome: a prospective ranđomize study. Reproductive BioMedicine Online. 2008; 17(6): 751 – 755.
8. Murata Y, Ando H, Nagasaka T, Takahashi I, Saito K, Fukugaki H, Matsuzawa K, Mizutani S. Successful pregnancy after bromocriptine therapy in an anovulatory woman complicated with ovarian hyperstimulation caused by follicle-stimulating hormone-producing plurihormonal pituitary microadenoma. The Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism. 2003; 88 (5) 1988-1993.
9. Giang Huỳnh Như và Hồ Mạnh Tường. Kinh nghiệm sử dụng bromocriptine trong dự phòng hội chứng quá kích buồng trứng. IVF Expert Meeting lần 5, tại Đà Lạt. 2009.
10. European Medicines Agency 2008 Questions and answers on the review of ergot-derived dopamine agonists. Available at http://www.emea.europa.eu/pdfs/general/direct/pr/31905408en.pdf.
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...