Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 28-07-2021 8:53pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
Nguyễn Thị Minh Phượng, Chuyên viên phôi học – IVFMD Tân Bình

Ngày nay kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (ART) ngày càng được phát triển, tuy nhiên tỷ lệ mang thai chỉ đạt khoảng 20 - 50% dù các điều kiện như quá trình kích thích buồng trứng, chất lượng phôi sử dụng hay nội mạc tử cung đã được tối ưu (Eldivan và cs, 2016). Trong điều trị hỗ trợ sinh sản, chuyển phôi được coi là bước cuối cùng và quyết định kết quả của một chu kỳ điều trị, ở bước này người ta sử dụng catheter bảo vệ phôi khỏi hệ vi khuẩn từ âm đạo hoặc cổ tử cung. Trong nghiên cứu của Witkin và cộng sự (1994), tỷ lệ phôi làm tổ giảm khi vi khuẩn Chlamydia trachomatis được phân lập từ dịch tiết cổ tử cung ở những phụ nữ điều trị thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Hay trong một nghiên cứu khác của Selman (2007) đã báo cáo khi cấy vi khuẩn dịch catheter chuyển phôi âm tính, tỷ lệ mang thai tăng lên đến 50%. Các kết quả này tương tự với nhiều nghiên cứu tiếp đó và cho thấy rằng sự nhiễm khuẩn có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tỷ lệ phôi làm tổ và mang thai. Vì lý do này một số nhóm nghiên cứu đề xuất sử dụng kháng sinh theo kinh nghiệm trong quá trình chuyển phôi, tuy nhiên hiện nay các tác động cũng như điều trị dự phòng bằng kháng sinh đối vơi tỷ lệ thành công của một chu kỳ điều trị hỗ trợ sinh sản vẫn còn chưa rõ ràng (Wittemer và cs, 2004).

Vậy vi khuẩn có thực sự ảnh hưởng tới kết quả chuyển phôi hay không? Để trả lời câu hỏi này, Hamdoun và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu này nhằm đánh giá tác động của vi khuẩn được phân lập từ âm đạo, cổ tử cung và đầu catheter chuyển phôi với tỷ lệ mang thai khi bệnh nhân thực hiện ICSI.

Đây là một nghiên cứu phân tích tiến cứu dọc, được thực hiện từ ngày 1 tháng 2 đến ngày 31 tháng 10 năm 2017. Có 40 bệnh nhân đủ điều kiện tham gia vào nghiên cứu, đáp ứng một số đặc điểm nền như: Tuổi ≤ 40, siêu âm và nội soi tử cung bình thường, thực hiện chu kỳ ICSI lần đầu hoặc lần thứ hai, sử dụng tinh dịch tươi và chuyển ít nhất một phôi chất lượng tốt. Ba mẫu được thực hiện để phân tích vi sinh bao gồm: dịch tiết âm đạo, chất nhầy cổ tử cung và đầu catheter chuyển phôi.

Một số kết quả thu nhận được:
 - Tỷ lệ có thai trung bình đạt khoảng 52,5% trong tất cả các mẫu phân tích
 -  Phân tích hệ vi sinh:
    + Vi sinh được tìm thấy trong: dịch tiết âm đạo (70%, n = 28), chất nhầy cổ tử cung (50%) và 22,5% được tìm thấy ở đầu catheter chuyển phôi.
    + Hệ vi khuẩn được phân lập chủ yếu bao gồm Streptococcus anginosus (37% trường hợp), Gardnerella vaginalis (27% trường hợp) và Streptococcus agalactiae (18% trường hợp).
    + Gardnerella vaginalis được tìm thấy trong các trường hợp viêm âm đạo
 - Quần thể nghiên cứu được chia tiếp thành hai nhóm: cấy dịch đầu catheter chuyển phôi dương tính và âm tính. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tổng lượng gonadotropin sử dụng trong chu kỳ điều trị, nồng độ estradiol, số noãn trưởng thành thu nhận được. Tỷ lệ có thai thấp hơn đáng kể đối với nhóm cấy catheter dương tính (p = 0.003).

Trong nghiên cứu này, Streptococcus anginosus, Streptococcus agalactiae và Gardenerella vaginalis được phát hiện có liên quan nhiều nhất đến nhiễm khuẩn catheter. Streptococcus anginosus đã được báo cáo như một tác nhân của bệnh nhiễm trùng sinh mủ ở hệ thống niệu – sinh dục (Kobo và cs, 2017; Asam và cs, 2014). Đối với Streptococcus agalactiae có tỷ lệ xâm nhập âm đạo dao động từ 8-18% và vẫn có thể cao hơn ở một số trường hợp, chúng có khả năng thâm nhập sâu tới cổ tử cung dẫn đến nhiễm trùng dai dẳng hoặc mãn tính ở nữ giới (Patras và cs, 2015; Abdul-Lateef và cs, 2018). Gardnerella vaginalis - một loại vi khuẩn kỵ khí, được nhận thấy có liên quan tới viêm âm đạo, ngoài ra trong một số báo cáo dường như nó có liên quan tới nguyên nhân vô sinh từ ống dẫn trứng (Van Oostrum và cs, 2013; Bracewell-Milnes và cs, 2018).
Viêm âm đạo đã được nhận thấy rằng có mối tương quan với tỷ lệ sẩy thai sớm sau điều trị IVF và tỷ lệ lâm sàng thấp cũng được nhận thấy ở các trường hợp này. Với những kết quả rút ra được từ nghiên cứu, việc sử dụng liệu pháp kháng sinh có thể là một giải pháp tốt đối với các bệnh nhân nhiễm khuẩn âm đạo. Nhóm nghiên cứu đề xuất sử dụng amoxicillin và axit clavulanic do hiệu quả trên cả Streptococci và Gardnerella vaginalis. Tuy nhiên, những vi khuẩn này vẫn có khả năng tạo các màng sinh học để kháng lại tác dụng của kháng sinh vì vậy men vi sinh đặt âm đạo có thể là một trong những phương án tốt có thể hạn chế được các nhược điểm của kháng sinh.

Tóm lại, nhiễm khuẩn ở đầu catheter chuyển phôi từ cổ tử cung, âm đạo có liên quan tới giảm tỷ lệ mang thai đối với các bệnh nhân thực hiện ICSI. Dự phòng bằng kháng sinh có hệ thống có thể được đề xuất để giảm tác động tiêu cực này. Tuy nhiên vẫn cần các nghiên cứu có cỡ mẫu lớn để khẳng định lại các kết quả của nghiên cứu này.

Tài liệu tham khảo: Hamdoun, M., Braham, M., Kacem, K., Hannachi, H., Zhioua, F., Chakroun, N., & Bahri, O. (2021). Does bacterial colonization during embryo transfer have an impact on pregnancy rate in ICSI?: Tunisian preliminary results. Journal of gynecology obstetrics and human reproduction, 50(2), 101727.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK