Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 15-12-2020 3:13pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

CTV Nguyễn Vĩnh Xuân Phương


Caffeine hiện được sử dụng khá rộng rãi trong nhiều loại thức uống và thức ăn, đặc biệt là trà, cà phê, cola, các thức uống tăng lực và chocolate. Tác dụng của caffeine lên sức khoẻ có thể được ví như con dao hai lưỡi. Caffeine có thể có tác dụng bảo vệ đối với các bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh gan và thậm chí là Parkinson. Ngược lại, một tổng quan cho thấy caffeine có thể tăng nguy cơ sẩy thai, thai lưu, sinh non, trẻ nhẹ cân hoặc nhỏ so với tuổi thai. Trong một thời gian dài, mối liên quan giữa việc sử dụng caffeine và vô sinh trong dân số chung vẫn không rõ ràng. Fan-Long Bu và cộng sự đã thực hiện một nghiên cứu tổng quan xem xét một cách có hệ thống các bằng chứng từ các nghiên cứu lâm sàng có đối chứng, nhằm khảo sát liệu việc sử dụng caffeine có là yếu tố nguy cơ gây vô sinh ở người hay không.

Bảy cơ sở dữ liệu được tìm kiếm các nghiên cứu được đăng tải đến tháng 5/2019. Tiêu chuẩn bao gồm nữ/nam không có tiền sử vô sinh nhưng sẵn sàng có con được theo dõi trong các nghiên cứu tiến cứu và nữ/nam được chẩn đoán vô sinh trong các nghiên cứu hồi cứu. Yếu tố phơi nhiễm được theo dõi là caffeine hoặc thức uống có chứa caffeine. Chẩn đoán vô sinh hay không vô sinh của người tham gia là kết cục chính.

Thang điểm Newcastle-Ottawa hoặc công cụ Cochrane đánh giá nguy cơ sai lầm được sử dụng để đánh giá chất lượng phương pháp nghiên cứu của các nghiên cứu được bao gồm trong tổng quan. Phân tích gộp được thực hiện nếu sự không đồng nhất về thống kê và lâm sàng giữa các nghiên cứu có thể chấp nhận được. Phương pháp GRADE được sử dụng để đánh giá mức độ chắc chắn của chứng cứ.

Bốn nghiên cứu (một đoàn hệ và ba bệnh-chứng) gồm 12.912 người tham gia được phân tích. Theo NOS, điểm số trung bình của các nghiên cứu bệnh-chứng là 6 và nghiên cứu đoàn hệ là 9. Phân tích gộp và phân tích dưới nhóm được thực hiện. Kết quả cho thấy sử dụng caffeine lượng ít (OR 0.95, 95%CI 0.78-1.16), trung bình (OR 1.14, 95%CI 0.69-1.86) và nhiều (OR 1.86, 95%CI 0.28-12.22) có thể không làm tăng nguy cơ vô sinh. Chất lượng của phần lớn chứng cứ hiện tại đều thấp.

Tổng quan và phân tích gộp này cung cấp chứng cứ chất lượng thấp rằng liều lượng sử dụng caffeine ít, trung bình hay nhiều đều không làm gia tăng nguy cơ vô sinh. Vì vậy, kết luận này nên được xem xét một cách thận trọng khi tư vấn cho những bệnh nhân mong con về mối liên quan giữa caffeine và khả năng sinh sản.

Nguồn: Fan-Long BuXue FengXiao-Ying YangJun RenHui-Juan Cao. Relationship between caffeine intake and infertility: a systematic review of controlled clinical studies. BMC Womens Health. 2020 Jun 16;20(1):125.  doi: 10.1186/s12905-020-00973-z.
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK