Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 20-11-2020 9:34am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. Lê Thị Bích Phượng- Chuyên viên phôi học- IVFMD Phú Nhuận
 
Sàng lọc phôi lệch bội tiền làm tổ (PGT-A) là phương pháp lựa chọn phôi chuyển nguyên bội. Phương pháp này ngày càng được sử dụng phổ biến cho những bệnh nhân có nguy cơ có phôi lệch bội cao như bệnh nhân lớn tuổi, thất bại làm tổ nhiều lần hay sẩy thai liên tiếp. Theo một số nghiên cứu, tỉ lệ thai sau chuyển phôi nguyên bội dao động trong khoảng 70% và sau khi phôi làm tổ thì bệnh nhân vẫn có nguy cơ sẩy thai. Câu hỏi đặt ra là tại sao chuyển phôi nguyên bội mà tỉ lệ thai vẫn không đạt 100%. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh quá trình làm tổ của phôi phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bên cạnh vai trò của phôi, sự tiếp nhận của nội mạc tử cung, các yếu tố miễn dịch… cũng đóng vai trò rất quan trọng. Do đó những yếu tố này cũng được xem là nguyên nhân gây thất bại làm tổ. Hiện nay, dữ liệu về mối tương quan giữa nguồn gốc của noãn (tự thân hoặc xin noãn) và nguyên nhân gây vô sinh với kết quả IVF sau chuyển phôi nguyên bội vẫn chưa được rõ ràng. Vì vậy F. Meng và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu này nhằm đánh giá liệu rằng tỉ lệ sinh sống sau chuyển phôi nguyên bội trong chu kỳ chuyển phôi trữ có tương quan với nguồn noãn hoặc nguyên nhân vô sinh hay không.



Nghiên cứu hồi cứu phân tích trên 3828 chu kỳ chuyển phôi trữ từ noãn tự thân và 320 chu kỳ chuyển phôi trữ xin noãn được báo cáo bởi SART CORS vào năm 2014. Kết quả chính là đánh giá tỉ lệ làm tổ, kết quả phụ bao gồm tỉ lệ thai lâm sàng, tỉ lệ sẩy thai và tỉ lệ thai ngoài tử cung. Kết quả nghiên cứu cho thấy:
Không có sự khác biệt giữa chu kỳ sử dụng noãn tự thân và xin noãn về tỉ lệ sinh sống (53,9% với 50,0%; p = 0,18), tỉ lệ thai lâm sàng (62,9% với 58,4%), tỉ lệ sẩy thai (8,9% với 8,4%) cũng như tỉ lệ thai ngoài tử cung và tỉ lệ đa thai (p>0,05). Trong chu kỳ chuyển phôi trữ từ noãn tự thân, bệnh nhân với chẩn đoán vô sinh do yếu tố tử cung có tỉ lệ sinh sống cao hơn so với bệnh nhân vô sinh do yếu tố ống dẫn trứng (55,4% với 48,5%; p= 0,95) tuy nhiên kết quả không có ý nghĩa thống kê. Tương tự, không có mối tương quan giữa tỉ lệ sinh sống với nguyên nhân vô sinh ở nhóm bệnh nhân xin noãn. Các đặc điểm nền khác như tuổi mẹ, số chu kỳ điều trị trước đó, FSH nền không có mối tương quan với kết quả điều trị. Tuy nhiên, có mối tương quan được tìm thấy với tỉ lệ sinh sống trong chu kỳ chuyển phôi trữ từ nguồn noãn tự thân (95% CI: 0,96–0,98, p < 0,01). Phụ nữ có BMI < 25 có tỉ lệ thai lâm sàng và tỉ lệ sinh sống cao hơn đáng kể so với phụ nữ có BMI> 25.

Kết quả nghiên cứu cho thấy tỉ lệ sinh sống sau chuyển phôi nguyên bội trong chu kỳ chuyển phôi trữ không có mối tương quan với nguồn noãn tự thân hay xin noãn cũng như nguyên nhân vô sinh.

Nguồn: Live birth rate from euploid blastocysts is not associated with infertility etiology or oocyte source following frozen-thawed embryo transfer (FET): analysis of 4148 cycles reported to SART CORS. Journal of Assisted Reproduction and Genetics. 10.1007/s10815-020-01996-z 2020.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK