Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 12-08-2020 11:22am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

CVPH. Phạm Ngọc Đan Thanh – IVFAS
 
Cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật ngày nay, ngành hỗ trợ sinh sản đã có những thành tựu đáng kể trong điều trị hiếm muộn. Có nhiều nguyên nhân liên quan đến tỉ lệ thành công, trong đó thất bại làm tổ nhiều lần vẫn là một vấn đề gây nhức nhối và nguyên nhân thật sự của vấn đề này vẫn chưa được làm rõ. Trong đó, viêm nội mạc tử cung mãn tính được xác định là một trong những bệnh lý liên quan đến sự thất bại làm tổ liên tiếp ở nhóm đối tượng hiếm muộn.
 
Viêm nội mạc tử cung mãn tính (Chronic endometritis – CE) là tình trạng viêm nhiễm dai dẳng của nội mạc tử cung. Các tác nhân thường gây viêm nội mạc tử cung mãn tính bao gồm Escherichia coli, Streptococcus spp., Staphylococcus spp., Chlamydia, Mycoplasma, Ureaplasma và một số loại virus.
Viêm nội mạc tử cung không có triệu chứng lâm sàng và siêu âm đặc hiệu, do đó các triệu chứng của viêm nội mạc tử cung thường bị bỏ qua. Bất kỳ phụ nữ nào trong độ tuổi sinh sản đều có nguy cơ mắc bệnh. Một số thủ thuật can thiệp ở buồng tử cung không đảm bảo vô trùng như nạo hút thai, nạo sinh thiết, đặt và lấy dụng cụ tử cung, có thể gây viêm nội mạc tử cung. Mổ lấy thai nếu có sót nhau thai hoặc ứ dịch lòng tử cung kéo dài cũng có thể gây ra viêm nội mạc tử cung.

Viêm nội mạc tử cung nếu không được điều trị đúng có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn huyết, dính tử cung, viêm phần phụ gây dính tắc vòi trứng và hậu quả cuối cùng là vô sinh do tinh trùng không gặp trứng để thụ tinh, hoặc tử cung không đảm bảo chức năng cho phôi có thể làm tổ.

Một số nghiên cứu cho thấy các trường hợp viêm nội mạc tử cung có tỉ lệ mang thai thấp (Kitaya K và cs., 2016). Tuy nhiên, cơ chế tác động của bệnh lý viêm nội mạc tử cung mãn tính đến khả năng làm tổ và có thai  vẫn còn khá ít tài liệu đề cập đến.
 
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã thực hiện một nghiên cứu nhằm đánh giá mức độ miễn dịch từ máu ngoại vi và nội mạc tử cung ở nhóm bệnh nhân thất bại nhiều lần (Recurrent reproductive failure – RRF) mắc bệnh lý viêm nội mạc tử cung mãn tính.
Trong đó, RRF bao gồm sẩy thai sớm (Recurrent miscarriage – RM: ³ 2 lầnsẩy thai trước 20 tuần tuổi) và thất bại làm tổ nhiều lần (recurrent implantation failure – RIF: thất bại sau 2-6 lần điều trị IVF với nhiều hơn 10 phôi loại tốt được chuyển vào tử cung) (Tan BK và cs., 2005).
 
Đây là một nghiên cứu hồi cứu thực hiện trên 524 bệnh nhân RRF, trong đó có 324 phụ nữ sẩy thai sớm (RM) và 200 thất bại làm tổ nhiều lần (RIF). Mẫu máu ngoại vi và niêm mạc tử cung của bệnh nhân được thu thập trong giai đoạn giữa chu kỳ điều trị hoặc khi mang thai. Số lượng tế bào lympho T, tế bào giết tự nhiên (natural killer cell  - tế bào NK) và tế bào B, độc tính của tế bào NK và biểu hiện của tế bào TH1 cytokines được đánh giá bằng phương pháp flow cytometry, và các tế bào miễn dịch của niêm mạc tử cung được hoá mô miễn dịch để đánh giá.
                        
Các tế bào miễn dịch trong máu ngoại vi như tế bào NK CD56þ, đại thực bào CD163þ M2 và tế bào tua chưa trưởng thành CD1 aþ trên nội mạc tử cung không có sự khác biệt đáng kể giữa nhóm CE và không CE. Tỉ lệ đại thực bào CD68þ, tế bào tua trưởng thành CD83þ, tế bào T CD8þ và tế bào T điều hoà Foxp3þ tăng lên đáng kể ở nhóm CE.

Sau khi điều trị bằng thuốc kháng sinh, tỷ lệ đại thực bào CD68þ, tế bào tua trưởng thành CD83þ, tế bào T CD8þ và tế bào T điều hòa Foxp3þ trong nội mạc tử cung đã giảm đáng kể ở những bệnh nhân từng mắc bệnh lý CE nhưng được chữa khỏi.
 
Như vậy, viêm nội mạc tử cung mãn tính đóng một vai trò trong việc làm tăng mức độ thâm nhập niêm mạc tử cung của tế bào miễn dịch. Sự hiện diện quá mức của các tế bào miễn dịch nội mạc tử cung ở bệnh nhân viêm nội mạc tử cung mãn tính có thể liên quan đến việc giảm khả năng tiếp nhận phôi ở nội mạc tử cung và gây thất bại trong điều trị IVF.
 
Tài liệu tham khảo:
LI, Yuye, et al. Evaluation of peripheral and uterine immune status of chronic endometritis in patients with recurrent reproductive failure. Fertility and Sterility 2020;113.1: 187-196.
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
Cúm trong thai kỳ - Ngày đăng: 06-08-2020
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK