Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 10-08-2020 1:19pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. Võ Như Thanh Trúc – Chuyên viên phôi học – IVFAS

Bệnh xơ nang (Cystic fibrosis) là một bệnh lý khá phổ biến trong quần thể người và có thể di truyền từ bố mẹ sang con thông qua cơ chế di truyền gene lặn trên nhiễm sắc thể thường. Trên thế giới, tỉ lệ mắc bệnh xơ nang khoảng 1:2.500 trẻ sinh ra; ở khu vực Đông Á tỉ lệ này thấp hơn nhiều, chỉ khoảng 1:100.000 – 1:350.000 trẻ sinh ra. Hiện nay, người ta đã tìm thấy nhiều biến thể đột biến trên gene CFTR (Cystic fibrosis transmembrane conductance regulator) – các cá thể mang đột biến đồng hợp lặn trên gene này sẽ biểu hiện kiểu hình bệnh xơ nang. Các cá thể mang dị hợp tử đột biến gene này (thường gọi là các cá thể dạng carrier) không biểu hiện kiểu hình bệnh lý, tuy nhiên, lại mang nguy cơ di truyền đột biến gene lặn này cho đời con. Trong trường hợp hai cá thể dạng carrier kết hôn với nhau, 25% cá thể đời con sẽ mang đồng hợp lặn gene CFTR và biểu hiện thành bệnh lý. Do đó, trong thời gian gần đây, các xét nghiệm tầm soát carrier mang gene CFTR được triển khai rộng rãi tại một số quốc gia, áp dụng cho các đối tượng chẩn đoán tiền hôn nhân hoặc chuẩn bị mang thai hoặc áp dụng trong hỗ trợ sinh sản.



Ở các quốc gia khác nhau, các trung tâm khác nhau sẽ có nhiều phương pháp, kỹ thuật khác nhau nhằm phát hiện các biến thể gene CFTR trên cá thể dạng carrier. Hơn nữa, trong thời gian gần đây, các đối tượng hiến tinh trùng chỉ đơn thuần xét nghiệm tinh dịch đồ chứ không thực hiện các khảo sát di truyền, do đó không thể ngăn ngừa nguy cơ di truyền các biến thể gene lặn này cho các cặp vợ chồng điều trị vô sinh xin tinh trùng. Nghiên cứu của Molina và cộng sự (2020) thực hiện so sánh kết quả phân tích các biến thể gene CFTR trên 935 người hiến tinh trùng. Mẫu máu ngoại vi của các đối tượng này vừa được thực hiện phân tích genotyping gene CFTR theo 4 panel phân tích các biến thể đã biết đang lưu hành trong quần thể người Tây Ban Nha, vừa phân tích toàn bộ trình tự gene CFTR bằng kỹ thuật NGS (Next-generation sequencing).

Kết quả phân tích cho thấy 17% đối tượng tham gia nghiên cứu mang ít nhất 1 biến thể đột biến trên gene CFTR, với 39 biến thể khác nhau được xác định bằng phương pháp NGS. Và chỉ có 4/39 biến thể này (10.27%) được phát hiện bằng phương pháp genotyping. Nghiên cứu này cho thấy để có thể tầm soát tối ưu các biến thể gene CFTR trên carrier, chúng ta nên áp dụng phương pháp NGS để phân tích trình tự toàn gene này hơn là các phương pháp genotyping dựa vào các biến thể đã biết trước đó. Hơn nữa, đối với các đối tượng hiến tinh trùng hoặc hiến noãn, chúng ta cũng nên tư vấn thực hiện các phân tích tầm soát carrier để hạn chế các bệnh lý di truyền trong điều trị thụ tinh trong ống nghiệm.
 
Nguồn: Molina M., et al. (2020), “Carriers of cystic fibrosis among sperm donors: complete CFTR gene analysis versus CFTR genotyping”, Fert and Ster. DOI:https://doi.org/10.1016/j.fertnstert.2020.04.016

Các tin khác cùng chuyên mục:
Cúm trong thai kỳ - Ngày đăng: 06-08-2020
HIV và thai kỳ - Ngày đăng: 06-08-2020
Mất ngủ trong mùa dịch covid-19 - Ngày đăng: 06-08-2020
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK