Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Friday 29-06-2018 8:50am
Viết bởi: Administrator
Vỡ ối non xảy ra ở khoảng 12% các trường hợp sinh sống và là nguyên nhân chính góp phần vào tỷ lệ tử vong và bệnh tật ở trẻ sơ sinh. Tiếp cận chẩn đoán lâm sàng và điều trị ối vỡ non còn nhiều tranh cãi giữa các trung tâm khác nhau. Vấn đề then chốt trong ối vỡ non là tuổi thai tại thời điểm vỡ ối và cân nhắc nguy cơ của việc chấm dứt thai kỳ và dưỡng thai tiếp tục. Các yếu tố như: nhiễm trùng, nhau bong non, sa dây rốn cần phải được xem xét kỹ.

Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ đã ra hướng dẫn quản lý thai kỳ có ối vỡ non dựa trên những bằng chứng khoa học hiện có cũng như những đồng thuận từ hội đồng y khoa Hoa Kỳ vào tháng 1/2018.

Nội dung bài viết này sẽ cung cấp các khuyến cáo liên quan đến thai kỳ có ối vỡ non. Các vấn đề lâm sàng sẽ lần lượt được đề cập như:
  1. Chẩn đoán ối vỡ non
  2. Tiếp cận ban đầu đối với bệnh nhân có ối vỡ non
  3. Vỡ ối non trên thai đủ tháng
  4. Thời điểm chấm dứt thai kỳ đối với một thai chưa đủ tháng có ối vỡ non
  5. Theo dõi dưỡng thai tiếp tục ở thai kỳ có ối vỡ non
  6. Vấn đề sử dụng giảm gò trên thai kỳ có ối vỡ non
  7. Sử dụng corticosteroids trên thai non tháng có ối vỡ non
  8. Bảo vệ não thai nhi bằng magnesium sulfate trên thai non tháng có ối vỡ non
  9. Sử dụng kháng sinh trên thai kỳ non tháng có ối vỡ non
  10. Quản lý bệnh nhân ối vỡ non trên thai non tháng có khâu cổ tử cung
  11. Quản lý thai kỳ có ối vỡ non trên thai non tháng có nhiễm Herpes simplex virus (HSV) và HIV
  12. Chăm sóc thai kỳ có vỡ ối non trước khi thai có khả năng sống
  13. Kết cục thai kỳ có vỡ ối non sau khi chọc ối
  14. Quản lý thai kỳ trên thai phụ có tiền căn ối vỡ non

1. Chẩn đoán ối vỡ non

Ối vỡ thường được chẩn đoán dựa vào bệnh sử bệnh nhân có ra nước âm đạo và khám lâm sàng. Khám âm đạo bằng tay có thể gây nhiễm trùng ối và cho ít thông tin hơn khám mỏ vịt. Do đó, khám âm đạo bằng tay nên tránh và chỉ thực hiện khi nghi ngờ bệnh nhân vào chuyển dạ hoạt động. Khám mỏ vịt cho ta các thông tin về dịch ối, dây rốn, ngôi thai, xóa mở cổ tử cung cũng như làm các xét nghiệm cấy dịch khi cần thiết.

Nitrazine test có thể được sử dụng để xác định sự tồn tại của dịch ối trong âm đạo. Nitrazine test dương tính giả trong trường hợp có máu hoặc tinh dịch, chất khử khuẩn, hoặc viêm âm đạo do vi khuẩn. Âm tính giả trong trường hợp ối vỡ lâu và hết ối.

Trong các trường hợp khó, siêu âm theo dõi lượng nước ối có thể giúp gợi ý tình trạng màng ối không còn nguyên vẹn.

2. Tiếp cận ban đầu đối với bệnh nhân có ối vỡ non

Tất cả các trường hợp vỡ ối đều phải xác định tuổi thai, ngôi thai và tình trạng sức khỏe thai. Khám lâm sàng tìm bằng chứng của nhiễm trùng ối, nhau bong non, suy thai. Cần phải cấy dịch âm đạo tìm GBS nếu chưa có chỉ định chấm dứt thai kỳ ngay.

Đo tim thai và cơn gò bằng monitor nên được chỉ định.

Quản lý thai kỳ có ối vỡ non chủ yếu dựa vào tuổi thai. Thai suy và nhiễm trùng ối là chỉ định để chấm dứt thai kỳ. Nếu bệnh nhân có ra huyết âm đạo, nên nghĩ tới nhau bong non và nên xem xét chấm dứt thai kỳ dựa vào tình trạng thai, huyết âm đạo và tuổi thai.

3. Thời điểm chấm dứt thai kỳ đối với một thai chưa đủ tháng có ối vỡ non

Xác định chính xác tuổi thai, ngôi thai và tim thai trên monitor để đánh giá sức khỏe thai. Dự phòng GBS.

Một phân tích gộp gồm 23 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng (8615 thai phụ) cho thấy, khởi phát chuyển dạ sẽ giúp rút ngắn thời gian từ lúc vỡ ối cho đến lúc sinh, giảm tỷ lệ nhiễm trùng ối, viêm nội mạc tử cung, giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh nhập NICU mà không làm tăng tỷ lệ mổ lấy thai cũng như sinh giúp. Nghiên cứu lớn nhất trong các nghiên cứu này còn chỉ ra rằng thai phụ hài lòng với phương án khởi phát chuyển dạ hơn là theo dõi vào chuyển dạ tự nhiên. Khởi phát chuyển dạ bằng prostaglandins có hiệu quả tương tự như oxytocin nhưng có tỷ lệ nhiễm trùng ối cao hơn.

Phân tích gộp này đã chỉ ra rằng khởi phát chuyển dạ có lợi hơn theo dõi vào chuyển dạ tự nhiên sau khi ối đã vỡ ở thai đủ tháng. Ở thai từ 37 tuần, nếu chuyển dạ tự nhiên không xảy ra ngay sau vỡ ối thì nên khởi phát chuyển dạ nếu thai phụ không có chống chỉ định, thông thường nên sử dụng oxytocin. Và khi khởi phát chuyển dạ bằng oxytocin, nên theo dõi 12-18 giờ đủ gò trước khi kết luận khởi phát chuyển dạ thất bại và mổ lấy thai.

4. Thời điểm chấm dứt thai kỳ đối với một thai chưa đủ tháng có ối vỡ non

Thai suy, nhiễm trùng ối, nhau bong non là các chỉ định chấm dứt thai kỳ. Ngoài ra, tuổi thai lần nữa là yếu tố quan trọng hàng đầu khi xem xét giữa chấm dứt thai kỳ hay dưỡng thai tiếp tục.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, mốc tuổi thai để quyết định cho sinh hay dưỡng thai vẫn còn đang tranh cãi. Một phân tích gộp gồm 7 thử nghiệm ngẫu nhiên có nhóm chứng, với 690 bệnh nhân, kết luận rằng: không đủ bằng chứng để ra khuyến cáo thực hành lâm sàng khi xem xét nguy cơ và lợi ích của việc dưỡng thai tiếp tục so với chấm dứt thai kỳ ở thai có vỡ ối non trên thai non tháng.

Gần đây hơn, có 2 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng so sánh giữa chấm dứt thai kỳ và theo dõi dưỡng thai thêm ở tuổi thai 34 và 37 tuần, có tất cả 736 bệnh nhân. Kết hợp dữ liệu của 2 nghiên cứu cho thấy khởi phát chuyển dạ không làm giảm tỷ lệ nhiễm trùng huyết sơ sinh (2.7% ở tuổi thai 34 tuần so với 4.1% ở 37 tuần, RR 0.66, 95%CI 0.3-1.5). Tuy nhiên, khởi phát chuyển dạ làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng ối (1.6% ở 34 tuần so với 5.3% ở 37 tuần, RR 0.31, 95% CI 0.1-0.8). Kết quả nghiên cứu này cũng tương đồng với một nghiên cứu nhỏ hơn, thiết kế nghiên cứu tương tự nhưng thực hiện trên thai đủ tháng.

Mặc dù có nhiều nghiên cứu về vấn đề này, tuy nhiên lựa chọn thời điểm chấm dứt thai kỳ vẫn còn nhiều tranh cãi.

Ở tuổi thai 34 0/7 tuần hoặc hơn, chấm dứt thai kỳ nên được khuyến cáo cho tất cả thai phụ có ối vỡ. Nếu muốn dưỡng thai tiếp tục khi thai đã qua tuần 34, nên cân nhắc nguy cơ và lợi ích một cách cẩn thận và phải trao đổi với thai phụ, không nên dưỡng thai khi tuổi thai đã qua 37 tuần. Nếu vỡ ối xảy ra trước tuần 34, nên dưỡng thai thêm nếu không có chống chỉ định.

5. Theo dõi trường hợp dưỡng thai tiếp tục sau khi vỡ ối

Thai phụ nên được nhập viện và theo dõi định kỳ dấu hiệu nhiễm trùng, nhau bong non, chèn ép rốn, sức khỏe thai và dấu chuyển dạ. Hiện vẫn chưa có khuyến cáo nào về khoảng cách giữa các lần đánh giá, nhưng đều đồng thuận nên định kỳ siêu âm đánh giá sự phát triển thai và theo dõi tim thai trên monitor, theo dõi nhiệt độ, công thức bạch cầu. Sốt có thể là dấu hiệu chỉ điểm nhiễm trùng ối. Theo dõi công thức bạch cầu và các chỉ dấu viêm khác vẫn chưa được chứng minh là có hiệu quả và không đặc hiệu khi lâm sàng không có biểu hiện của nhiễm trùng.

6. Sử dụng giảm gò trên thai phụ có ối vỡ non trên thai non tháng

Sử dụng thuốc giảm gò trong trường hợp ối vỡ non trên thai non tháng hiện vẫn còn nhiều tranh cãi và phác đồ áp dụng rất khác nhau giữa các trung tâm cũng như các chuyên gia. Hiện tại vẫn chưa đủ dữ liệu để đưa ra khuyến cáo về sử dụng giảm gò dự phòng trên thai non tháng có ối vỡ non. Một phân tích gộp gồm 8 thử nghiệm lâm sàng với tổng cộng 408 thai phụ đã được thực hiện nhưng không có giá trị áp dụng, lý do là vì chỉ có 2 nghiên cứu trong số này có sử dụng kháng sinh và corticosteroids -được xem là điều trị chuẩn trong trường hợp vỡ ối non trên thai non tháng. Sử dụng thuốc giảm gò dự phòng có thể kéo dài thai kỳ và giảm nguy cơ sinh trong vòng 48 giờ nhưng đồng thời cũng có liên quan đến nguy cơ nhiễm trùng ối ở thai nhỏ hơn 34 tuần. Nói tóm lại, chỉ định giảm gò dự phòng có thể kéo dài thai kỳ và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ối nhưng lại không mang đến lợi ích đáng kể cho trẻ sơ sinh và thai phụ. Trong trường hợp vỡ ối sớm, thai phụ vào chuyển dạ hoạt động sau vỡ ối, liệu pháp giảm gò cũng không thể kéo dài thai kỳ và cải thiện kết cục sơ sinh. Chính vì vậy, giảm gò không được khuyến cáo trong trường hợp vỡ ối.

7. Chỉ định corticosteroids trên thai non tháng có vỡ ối

Corticosteriods chỉ định trong trường hợp vỡ ối non trên thai non tháng được đánh giá qua rất nhiều nghiên cứu và được chứng minh làm giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh, tỷ lệ suy hô hấp, xuất huyết não thất và viêm ruột hoại tử. Những dữ liệu hiện nay đều cho rằng sử dụng corticosteroids trước sinh không làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cho mẹ và bé dù ở bất kỳ tuổi thai nào. Khuyến cáo sử dụng 1 đợt corticosteroids cho những trường hợp có nguy cơ sinh non trong vòng 7 ngày ở tuổi thai 24 0/7 đến 34 0/7 tuần, có thể cân nhắc chỉ định corticosteroids trong trường hợp thai 23 0/7 tuần. Một phân tích tổng quan hệ thống Cochrane đã khẳng định corticosteroids có hiệu quả dù màng ối còn hay đã vỡ. Tất cả các trường hợp sinh non đều nên được chỉ định 1 đợt corticosteroids thường quy.

Đã có nghiên cứu cho thấy betamethasone trong giai đoạn sinh non muộn từ 34 0/7 đến 36 6/7 tuần có thể làm giảm nguy cơ suy hô hấp trên trẻ sơ sinh.

Không có dữ liệu ủng hộ việc chỉ định corticoteroids trên thai chưa có khả năng sống nên trong trường hợp này, corticosteroids không được khuyến cáo. Corticosteroids mỗi tuần có thể làm giảm cân nặng và vòng đầu lúc sinh, vì thế không được khuyến cáo.

8. Bảo vệ não thai nhi bằng magnesium sulfate trên thai non tháng có ối vỡ non

Kết quả nhiều nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên có nhóm chứng đã chứng minh việc sử dụng magnesium sulfate để bảo vệ não thai nhi trong trường hợp sinh non trước 32 tuần làm giảm nguy cơ bại não trên trẻ sinh non sống (RR 0.71, 95%CI 0.55-0.91). Chiếm phần lớn trong các thử nghiệm này, 85% là các trường hợp vỡ ối non trên thai non tháng ở tuổi thai từ 24 0/7 đến 32 0/7 tuần. Phác đồ dùng magnesium sulfate để bảo vệ não thai nhi hiện nay vẫn còn chưa được thống nhất, và các nghiên cứu đã thực hiện đều có các phác đồ khác nhau. Mỗi bệnh viện nên tự thống nhất xây dựng cho mình phác đồ dùng magnesium sulfate bảo vệ não thai nhi. Dù áp dụng phác đồ nào thì thai phụ có ối vỡ non trước 32 tuần có nguy cơ sinh non đều nên được chỉ định magnesium sulfate bảo vệ não thai nhi.

9. Sử dụng kháng sinh trên thai kỳ non tháng có ối vỡ non

Sử dụng kháng sinh phổ rộng có thể kéo dài thêm thai kỳ, giảm nguy cơ nhiễm trùng mẹ và trẻ sơ sinh, giảm tỷ lệ bệnh tật liên quan đến thai non tháng. Phác đồ điều trị vẫn chưa được thống nhất do có nhiều phác đồ đã được chứng minh có hiệu quả. Dựa trên những dữ liệu có được, nhằm làm giảm tỷ lệ nhiễm trùng mẹ và bé, đồng thời giảm tỷ lệ bệnh tật liên quan đến non tháng, phác đồ sử dụng kháng sinh đường tĩnh mạch 7 ngày kết hợp giữa ampicillin và erythromycin, sau đó chuyển sang amoxicillin và erythromycin đường uống trong trường hợp vỡ ối non trên thai non tháng trước 34 tuần. Phác đồ sử dụng trong nghiên cứu của National Insitute of Child Health and Human Development Maternal-Fetal Medicine Units Network gồm: ampicillin tiêm mạch chậm 2g mỗi 6 giờ và erythromycin 250mg mỗi 6 giờ trong 48 giờ; sau đó chuyển sang uống amoxicillin 250mg mỗi 8 giờ và erythromycin 333g mỗi 8 giờ. Lưu ý, amoxicillin-clavulanic có liên quan đến nguy cơ hoại tử ruột trên trẻ sinh non chính vì vậy khuyến cáo không nên sử dụng. Chưa có nghiên cứu nào đề cập đến phác đồ điều trị trong trường hợp bệnh nhân dị ứng -lactam, trong trường hợp này có thể chỉ sử dụng erythromycin. Các thai phụ có ối vỡ non trên thai non tháng nếu có chỉ đinh điều trị dự phòng GBS nên được điều trị dự phòng GBS nhằm giảm lây truyền cho bé sơ sinh.

10. Quản lý bệnh nhân ối vỡ non trên thai non tháng có khâu cổ tử cung

Cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu tiền cứu nào thực hiện trên thai phụ ối vỡ non trên thai non tháng có khâu cổ tử cung. Kết quả từ các nghiên cứu hồi cứu không được thống nhất, nhưng nhìn chung đều cho rằng lưu chỉ khâu cổ tử cung trong vòng 24 giờ sau vỡ ối có thể làm kéo dài thai kỳ. Tuy nhiên vì các nghiên cứu này không thực hiện ngẫu nhiên nên không rõ các yếu tố như vào chuyển dạ, có dấu hiệu nhiễm trùng ảnh hưởng như thế nào đến quyết định cắt chỉ khâu cổ tử cung. Vài nghiên cứu, không phải tất cả, cho thấy lưu chỉ khâu cổ tử cung sau khi ối vỡ non có thể làm tăng bệnh suất sơ sinh liên quan đến nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng sơ sinh, hội chứng suy hô hấp, và nhiễm trùng ối trên mẹ.

Vì những lý do trên mà cho tới nay vẫn không thể ra khuyến cáo về việc cắt chỉ khâu hay lưu lại sau khi ối vỡ non trên thai non tháng.

11. Quản lý thai kỳ có ối vỡ non trên thai non tháng có nhiễm Herpes simplex virus (HSV) và HIV

Nhiễm Herpes simplex trên trẻ sơ sinh thường do lây nhiễm từ mẹ trong lúc sinh. Nguy cơ lây truyền trực tiếp qua cuộc sinh ở những trường hợp nhiễm HSV nguyên phát là 30-50%, đối với nhiễm HSV thứ phát, nguy cơ lây truyền là 3%. Báo cáo y văn về các trường hợp dưỡng thai tiếp tục trên thai phụ ối vỡ non có nhiễm HSV còn nhiều hạn chế, dừng lại ở các báo cáo loạt ca. Tất cả các bệnh nhân đều được điều trị acyclovir và mổ lấy thai nếu sang thương còn tồn tại tại thời điểm chấm dứt thai kỳ. Không có trường hợp nhiễm nào ở trẻ sơ sinh được ghi nhận.
Nguy cơ thai non tháng nên được cân nhắc với khả năng trẻ sơ sinh bị nhiễm HSV. Tại thời điểm vỡ ối, nếu bệnh nhân có tái nhiễm HSV dạng hoạt động, có thể dưỡng thai tiếp tục nếu nhỏ hơn 34 tuần. Trong quá trình dưỡng thai, nên điều trị kháng HSV, corticosteroids, kháng sinh và bảo vệ não thai nhi bằng magnesium sulfate. Đến thời điểm chấm dứt thai kỳ, nếu sang thương HSV còn nhìn thấy, nên chỉ định mổ sinh.

Cách thức quản lý thai phụ nhiễm HIV có ối vỡ non trên thai non tháng vẫn chưa được xác định do thiếu các dữ liệu từ những bệnh nhân có ối vỡ lâu. Những báo cáo ban đầu cho thấy thời gian ối vỡ càng lâu thì nguy cơ lây truyền cho bé càng tăng, tuy nhiên, những dữ kiện gần đây cho rằng thời gian vỡ ối không liên quan đến lây truyền mẹ con trên những bệnh nhân có điều trị kháng virus, có nồng độ virus trong máu thấp và có dự phòng lây truyền mẹ con bằng zidovudine trước và trong chuyển dạ. Đồng thời, một báo cáo gồm 10 bệnh nhân có ối vỡ non trên thai non tháng được dưỡng thai tiếp tục trong khi vẫn điều trị kháng virus, không có trường hợp trẻ sơ sinh bị lây truyền được báo cáo mặc dù nồng độ virus rất cao ở mức 23,000 copies/ml; khoảng thời gian kéo dài thai kỳ là từ 4 giờ đến 4 ngày, tất cả các bệnh nhân đều được mổ lấy thai.

Quản lý bệnh nhân nhiễm HIV có ối vỡ non trên thai non tháng nên tuỳ từng trường hợp cụ thể, nên xem xét tất cả các yếu tố gồm: tuổi thai, phác đồ điều trị kháng virus hiện tại, nồng độ virus. Trong trường hợp thai còn quá non tháng, bệnh nhân đang dùng kháng virus, nồng độ virus thấp, có thể theo dõi dưỡng thai tiếp tục.

12. Chăm sóc thai kỳ có vỡ ối non trước khi thai có khả năng sống

Thai phụ có ối vỡ non trước khi thai có khả năng sống nên được tư vấn đẩy đủ về nguy cơ và lợi ích của việc tiếp tục dưỡng thai cũng như chấm dứt thai kỳ. Tư vấn phải bao gồm kết cục của trẻ sơ sinh non tháng. Nên hướng tới việc chấm dứt thai kỳ ngay.

Nếu thai phụ mong muốn được dưỡng thai tiếp và lâm sàng ổn định, không có bằng chứng của nhiễm trùng, có thể xem xét cho thai phụ theo dõi ngoại trú. Nên lưu ý thai phụ cần phải khám ngay nếu có các dấu hiệu của nhiễm trùng, chuyển dạ hoặc nhau bong non. Hướng dẫn bệnh nhân theo dõi thân nhiệt. Một khi thai đã đạt thời điểm có khả năng sống được, nên cho bệnh nhân nhập viện.

Khi nhập viện, chỉ định corticosteroids và kháng sinh. Theo dõi thai trên siêu âm, bao gồm: đo chỉ số ngực, đo dòng chảy mạch máu phổi, ước lượng dung tích phổi; nhằm đánh giá sự phát triển của phổi, tuy nhiên, các dấu hiệu này có độ chính xác không cao và không nên dựa hoàn toàn vào đó để ra quyết định lâm sàng. Vì lý do tất cả các nghiên cứu cho kháng sinh dự phòng nhiễm trùng ối đều thực hiện trên thai phụ lớn hơn 24 tuần, do đó hiện không có đủ bằng chứng đánh giá nguy cơ và lợi ích của kháng sinh trên thai cực non trước 24 tuần. Tuy nhiên, việc cho kháng sinh dự phòng trong trường hợp này cũng hợp lý nếu thai phụ có mong muốn dưỡng thai tiếp tục. Không có bằng chứng ủng hộ việc sử dụng giảm gò trên thai chưa có khả năng sống, nên trong trường hợp này, giảm gò không được khuyến cáo.

13. Kết cục những thai kỳ có vỡ ối non sau khi chọc ối ở tam cá nguyệt 2

Các nghiên cứu trên những thai phụ chọc ối để chẩn đoán tiền sản, nguy cơ ối vỡ non chiếm tỷ lệ 1%. Khác với những thai phụ có ối vỡ non tự nhiên không do can thiệp trong tam cá nguyệt 2, vỡ ối sau chọc ối có thể phục hồi lượng ối về bình thường và cho kết cục thai kỳ tốt hơn. Trong một báo cáo loạt ca gồm 11 thai phụ có ối vỡ non sau chọc ối để chẩn đoán tiền sản, chỉ có 1 trường hợp sẩy thai, 72% thai phụ hồi phục lượng ối về bình thường sau 1 tháng và tỷ lệ sinh sống là 91%.

14. Quản lý thai kỳ trên thai phụ có tiền căn ối vỡ non

Bệnh nhân có tiền căn vỡ ối non trên thai non tháng có nguy cơ cao vỡ ối non và sinh non ở lần mang thai tiếp theo, chính vì vậy nên khai thác kỹ bệnh sử của bệnh nhân. Tuy nhiên hiện nay có rất ít nghiên cứu khảo sát hiệu quả của các biện pháp can thiệp nhằm ngăn ngừa vỡ ối non lặp lại. Thai phụ có tiền căn vỡ ối non trên thai non tháng có tham gia vào các nghiên cứu giảm tỷ lệ sinh non lặp lại bằng progesterone, nhưng hầu hết các nghiên cứu đều không báo cáo tỷ lệ ối vỡ non cũng như không phân tích riêng kết cục của nhóm bệnh nhân này. Mặc dù vậy, theo kết quả của nghiên cứu này, những thai phụ mang đơn thai có tiền căn sinh non (dù có ối vỡ non hay không) đều nên được chỉ định đặt progesterone âm đạo bắt đầu từ 16 tuần đến 24 tuần tuổi thai để giảm nguy cơ sinh non lặp lại.

Mặc dù siêu âm đánh giá chiều dài kênh cổ tử cung có độ an toàn cao đồng thời có giá trị tin cậy để đánh giá nguy cơ sinh non, thế nhưng hiện chưa có nghiên cứu nào được thiết kế tốt theo dõi diễn tiến cổ tử cung trên thai phụ có tiền căn vỡ ối non. Tuy nhiên, tương tự các thai phụ có tiền căn sinh non, các thai phụ có tiền căn vỡ ối non cũng nên siêu âm tầm soát chiều dài kênh cổ tử cung qua ngả âm đạo. Khâu cổ tử cung có thể giảm đáng kể nguy cơ sinh non, cho thấy nhiều lợi ích cho trẻ sơ sinh, và có thể xem xét trong trường hơp bệnh nhân có các đặc điểm sau: đơn thai, tiền căn sinh non trước 34 tuần, cổ tử cung ngắn (dưới 25mm) trước 24 tuần tuổi thai. Không có dữ liệu để khuyến cáo thời điểm bắt đầu theo dõi cũng như khoảng cách giữa các lần theo dõi cho đến nay.

Tóm lại:
  • Thai phụ có ối vỡ non trước 34 tuần tuổi thai nên được theo dõi dưỡng thai thêm nếu không có các biến chứng trên mẹ và thai. (Khuyến cáo mức A)
  • Để giảm tỷ lệ nhiễm trùng và bệnh sinh do thai non tháng trên mẹ và trẻ sơ sinh, nên dùng kháng sinh tĩnh mạch kết hợp giữa ampicillin và erythromycin trong 7 ngày, sau đó chuyển sang duy trì kháng sinh uống kết hợp giữa amoxicillin và erythromycin trong suốt thời gian dưỡng thai. (Khuyến cáo mức A)
  • Nên chỉ định điều trị dự phòng lây truyền GBS đối với những thai phụ có ối vỡ non trên thai non tháng và thai có khả năng sống sau sinh. (Khuyến cáo mức A)
  • Một đợt corticosteroids nên được dùng cho những trường hợp có ối vỡ non trên thai non tháng ở tuổi thai 24 0/7 đến 34 0/7 tuần và có thể cân nhắc trong trường hợp thai 23 0/7 tuần. (Khuyến cáo mức A)
  • Trong trường hợp ối vỡ non trước 32 tuần có nguy cơ sinh ngay, nên chỉ định magnesium sulfate bảo vệ não thai nhi. (Khuyến cáo mức A)
  • Đối với thai phụ có ối vỡ non ở tuổi thai 37 0/7 tuần trở lên, nếu không tự vào chuyển dạ tự nhiên, nên khởi phát chuyển dạ nếu không có chống chỉ định sinh ngả âm đạo. (Khuyến cáo mức B)
  • Nên chấm dứt thai kỳ trong trường hợp ối vỡ trên 34 0/7 tuần. (Khuyến cáo mức B)
  • Trong trường hợp ối vỡ non và đã đi vào chuyển dạ hoạt động, giảm gò không thể kéo dài thêm thai kỳ và không cải thiện kết cục sơ sinh, chính vì vậy không được khuyến cáo. (Khuyến cáo mức B)
  • Không nên theo dõi ngoại trú những thai phụ có ối vỡ non trên thai đủ tháng. (Khuyến cáo mức C)
BS Châu Ngọc Minh – Nhóm Nghiên cứu sinh non – BV Mỹ Đức

Nguồn: 188 Prelabor Rupture of Membranes, ACOG Practice Bulletin (January 2018)
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
Sàng lọc lệch bội - Ngày đăng: 06-07-2017
Tật đầu nhỏ ở trẻ - Ngày đăng: 03-02-2017
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK