Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 20-06-2018 3:31pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Phân tích gộp gần đây nhất cũng chưa kết luận được chắc chắn về hiệu quả dự phòng sinh non của vòng nâng cổ tử cung trên đơn thai



Những năm gần đây, vòng nâng cổ tử cung đã được nghiên cứu nhiều trong dự phòng sinh non ở thai phụ đơn thai lẫn song thai, với lợi điểm chi phí thấp hơn, ít xâm lấn hơn và tiện dụng hơn so với đặt progesterone âm đạo hoặc khâu cổ tử cung. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn nhiều khác biệt về hiệu quả dự phòng sinh non của vòng nâng CTC giữa các nghiên cứu. Hai trong các lý do chính của khác biệt này là sự chưa đồng nhất về đối tượng bệnh nhân và thời điểm can thiệp dự phòng.
Một phân tích gộp gần đây được công bố năm 2017 của các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng chưa thể rút ra kết luận chắc chắn về vai trò của vòng nâng CTC trong dự phòng sinh non trên đơn thai. Phân tích gộp gồm 3 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng trên 1412 thai phụ mang đơn thai có cổ tử cung ngắn dưới 25 mm và không có triệu chứng doạ sinh non. Kết quả phân tích cho thấy vòng nâng CTC không có hiệu quả dự phòng sinh non (<34, 30 và 28 tuần) trên đơn thai so với nhóm chứng không can thiệp gì.
Các nhà phân tích cho biết mặc dù nghiên cứu đưa ra kết quả trên, nhưng họ khẳng định vẫn chưa thể kết luận chắc chắn về vai trò của vòng nâng trong dự phòng sinh non. Trong 3 nghiên cứu, báo cáo của Goya cho thấy hiệu quả của vòng nâng CTC tốt hơn so với nhóm chứng. Tuy nhiên, tỉ lệ sinh non trong nhóm chứng của ông lại quá cao (21,16%), trong khi đó tỉ lệ sinh non của đơn thai trong dân số Tây Ban Nha nói chung chỉ dưới 10%. Vì vậy, hiệu quả của vòng nâng CTC trong nghiên cứu của Goya và cộng sự được cho là xảy ra ngẫu nhiên.
Trong khi đó, nghiên cứu của Nicolaides và cộng sự có tới 45% bệnh nhân ở cả hai nhóm can thiệp và nhóm chứng được sử dụng thêm progesterone âm đạo, vốn đã được chứng minh là có hiệu quả dự phòng sinh non trên đơn thai. Vì vậy, mặc dù nghiên cứu của Nicolaides và cộng sự không cho thấy hiệu quả của vòng nâng CTC, kết quả nghiên cứu này đã bị tác động ít nhiều bởi một can thiệp khác là progesterone âm đạo. Còn thử nghiệm ngẫu nhiên thứ ba của Hui và cộng sự thì cũng không đủ độ mạnh, với cỡ mẫu quá nhỏ để có thể kết luận về hiệu quả của vòng nâng CTC.
Điểm mạnh của phân tích gộp này là gồm 3 thử nghiệm với đối tượng bệnh nhân khá đồng nhất, được can thiệp cùng một loại vòng nâng CTC là Arabin, và thời điểm can thiệp khá tương đương (18-22 tuần hoặc 20-24 tuần). Điều đáng tiếc là chúng ta vẫn chưa thể kết luận gì về vai trò của vòng nâng. Hi vọng trong vòng 5 năm tới, chúng ta sẽ sớm có câu trả lời về vấn đề này.

BS. Nguyễn Khánh Linh – Nhóm Nghiên cứu sinh non – BV Mỹ Đức.
Nguồn: Cervical Pessary for Prevention of Preterm Birth: A Meta-Analyis. Xin-Hang Jin, Dan Li & Li-Li Huang (2017). www.nature.com/scientificreports. DOI: 10.1038/srep42560.
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK