Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Monday 29-07-2013 9:14am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Mãn kinh

suc-khoe-tien-man-kinh_1


BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng



VẤN ĐỀ SỬ DỤNG NỘI TIẾT ĐIỀU TRỊ

(HORMONE THERAPY - HT)

Đây là một vấn nạn lớn hiện nay trên cả thế giới vì còn nhiều mâu thuẩn phải giải quyết để phụ nữ mãn kinh biết rõ bản thân mình có nên sử dụng nội tiết hay không và các nhà chuyên môn có mạnh dạn sử dụng cho bệnh nhân của mình hay không.

Lịch sử của vấn đề điều trị nội tiết hay liệu pháp nội tiết thay thế ở phụ nữ mãn kinh

Hai trăm năm về trước, người ta chưa biết gì về nội tiết. Cuối thế kỷ 19, rãi rác có vài nhà hóa học và vài nhà sinh lý học cố gắng chiết suất các chất nội tiết từ các tuyến, từ mật và từ nước tiểu của động vật. Một vài nhà lâm sàng còn phiêu lưu hơn, đã dùng các chất trích ly đó để điều trị cho bệnh nhân, thí dụ chất trích ly từ tuyến giáp để điều trị thiểu năng tuyến giáp và rồi từ “nội tiết học” ra đời. Nội tiết có nghĩa là chất được tuyến tiết ra nhưng đổ thẳng từ bên trong tế bào tuyến ra hệ tuần hoàn để đi đến các tế bào đích.

Charles Edouard Brown Sequard là người đầu tiên sử dụng chất trích ra từ tinh hoàn của chó và công bố rằng, ông ta cảm thấy trẻ lại. Từ đó, ông nghĩ rằng, chất trích ra từ buồng trứng của động vật có thể sử dụng cho phụ nữ để tăng thêm sức sống cho phụ nữ lớn tuổi. Cho đến năm 1897, mới có chất trích ly từ buồng trứng điều trị có hiệu quả cơn phừng bốc nóng mặt cổ.

Trải qua nhiều năm và nhiều nhà khoa học như Madison, Allen, Doisy đến năm 1929, mới có được vài milligram chất chiết suất từ một khối lượng lớn nước tiểu phụ nữ mang thai, được đặt tên là estrogen, là chất gây ra hiện tượng estrus (thời kỳ mà con vật cái dễ chấp nhận con đực, quan sát được ở loài vật). Công trình này được báo cáo tại hội nghị quốc tế lần I về “Chuẩn hóa các nội tiết sinh dục” diễn ra tại London năm 1932.

Đến hội nghị lần II, George W. Corner cùng với Williard Myron Allen báo cáo về chất trích ly được từ hoàng thể của 50.000 con lợn cái để có vài milligram. Corner và Allen đề nghị đặt tên là Progestin.

Những năm 1930, công ty Wyeth Ayerst chiết suất được estrogen từ nước tiểu của phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, do khó khăn trong thu mua nguyên liệu, mùi hôi khó chịu, Gordon A. Grant, một nhà hóa học của công ty này đã sử dụng nước tiểu của ngựa, bắt đầu từ năm 1939. Sản phẩm có được là một hợp chất muối sulfat ester của nhiều loại estrogen, được sử dung từ năm 1941 ở Canada và 1942 ở Hoa kỳ với tên gọi là Premarin, hàm lượng 1,25 mg để điều trị các triệu chứng cơ năng của mãn kinh.

Càng về sau, trên thế giới càng có nhiều loại estrogen khác để điều trị cho phụ nữ mãn kinh, đồng thời, người ta còn thêm vào chất progestogen (hay progestin như tên gọi từ ban đầu) để giảm tăng sản nội mạc tử cung và ung thư nội mạc tử cung ở những phụ nữ còn tử cung.

Các loại nội tiết hiện đang được sử dụng và đường dùng

Estrogens

Trên thị trường Việt Nam hiện có các loại estrogen với độ mạnh (bảng 14.2).

Bảng 14.2. Estrogen và liều tác dụng sinh học

Loại estrogen

Liều có tác dụng sinh học

Conjugated equine estrogens

0,625mg

Micronized estradiol

1,0mg

Ethinyl estradiol

2-10µg

Estradiol valerate

1,0mg

Esterified estrogen

0,625mg

Estriol

----

Estradiol dán da

50µg

Biết độ mạnh hay yếu của estrogen rất quan trọng để cho toa, ví dụ, ethinylestradiol rất mạnh, có nhiều khả năng tăng độ nhớt của máu, estriol chỉ gắn được với 20-30% thụ thể estrogen so với estradiol và được thanh thải nhanh. Estriol còn là một chất chuyển hóa của estrone và estradiol. Sử dụng estriol ở liều bình thường không dự phòng được loãng xương. Thực nghiệm trên chuột cho thấy estriol có tính đối vận với estradiol trên ung thư vú do một số hóa chất gây ra. Estradiol valerate gần với estrogen thiên nhiên, chiết xuất từ đậu nành.

Các estrogen kể trên có loại sử dụng qua đường uống, có loại dán da hay thoa da, có loại sử dụng đường đặt âm đạo.

Estrogen uống phải đi ngang qua gan để chịu biến đổi qua gan rồi mới đến cơ quan hay tế bào đích. Estrogen qua da hay qua đường âm đạo có thể ngấm thẳng vào hệ tuần hoàn để đến cơ quan hay tế bào đích nên tránh được tác dụng ban đầu của gan.

Hiện nay, các miếng dán da có cải tiến để tránh phản ứng gây viêm da cho phụ nữ các nước vùng nhiệt đới. Mỗi ngày miếng dán thải ra qua da 14 đến 100µg estradiol.

Estrogen uống đi ngang qua gan trước khi đến cơ quan đích, ảnh hưởng đến sự tổng hợp các proteins tác dụng trong đông máu, do đó không chỉ định sử dụng estrogen uống cho phụ nữ có tiền sử viêm tắc mạch máu.

Cả hai estrogen đường uống và qua da đều làm giảm cholesterol toàn phần, LDL cholesterol và lipoprotein (a). Estrogen uống làm tăng HDL cholesterol nhiều hơn estrogen qua da nhưng cũng làm tăng triglycerides trong khi estrogen qua da không tăng.

Về các chất chỉ thị sinh học của viêm: estrogen uống làm tăng CRP còn estrogen qua da không tăng. Một nghiên cứu theo dõi 346 phụ nữ uống nội tiết cho thấy, CRP tăng nhưng chỉ có những người có interleukin-6-IL6- tăng thì mới có ảnh hưởng đến bệnh tim mạch sau này. Nghiên cứu WHI cũng khẳng định, CRP tăng khi sử dụng estrogen uống không làm tăng nguy cơ tim mạch.

Về tỷ lệ nhồi máu cơ tim: cả hai đường sử dụng estrogen đều làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Đối với phụ nữ có bệnh chuyển hóa như tiểu đường: estrogen dán da không ảnh hưởng đến các chỉ số xét nghiệm theo dõi diễn tiến của bệnh. Cả hai đường sử dụng estrogen đều cải thiện tình trạng mỡ bụng dày, giữ đường huyết ổn định và giảm đề kháng insulin nên giảm được sự xuất hiện bệnh tiểu đường type 2.

Về nguy cơ ung thư vú: CEE/MPA giảm 26% insulin-like growth factor-1 (IGF-1) và tăng 96% SHBG. IGF-1 cao và SHBG thấp thường kèm với nguy cơ ung thư vú cao. Một nghiên cứu bệnh-chứng của các nhà khoa học Đức trên 3.593 phụ nữ sử dụng nội tiết sau mãn kinh cho thấy, tỷ lệ ung thư vú không tăng. Tuy nhiên, nghiên cứu này không phải là một nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng nên chưa cho phép chúng ta đưa ra kết luận chắc chắn.

Về ung thư đại-trực tràng: theo các nghiên cứu, kể cả WHI, estrogen uống hay qua da đều làm giảm tỷ lệ ung thư đại tràng và trực tràng. Nếu sử dụng estrogen dán da mà không kèm theo progestin, tác dụng có ích này còn cao hơn.

Nói chung, nên sử dụng estrogen dán da cho các trường hợp sau:

1. Phụ nữ mãn kinh có nguy cơ cao bị viêm tắc tĩnh mạch.

2. Phụ nữ có triglycerides cao sẵn hay cao sau khi uống nội tiết.

3. Phụ nữ béo phì có các bệnh chuyển hóa.

Estrogen dán da nên chỉ định thận trọng đối với phụ nữ có hút thuốc hoặc cao huyết áp hay có rối loạn tình dục.

Ngoài hai đường sử dụng trên, estrogen còn có thể sử dụng qua đường âm đạo (FemRing, MenoRing), mỗi ngày tiết ra khoảng 50 đến 100µg estradiol acetate trong 3 tháng. Estradiol acetate là một chất tiền nội tiết, bị thủy phân nhanh chóng trong âm đạo thành estradiol, vào máu, tác động lên toàn thân giống như estrogen uống hay dán da (hoặc gel hay dung dịch thoa da).

Không cần thiết phải theo dõi nồng độ estrogen hay FSH trong khi sử dụng estrogen trong mãn kinh để thay thế hoặc điều trị những triệu chứng mãn kinh.

Progestogen

Một nguyên tắc khi sử dụng nội tiết ở phụ nữ mãn kinh là, khi tử cung còn nguyên vẹn, thì phải sử dụng progestogen kèm theo estrogen để tránh tăng sản nội mạc tử cung và ung thư nội mạc tử cung.

Lúc đầu, estrogen và progestogen kết hợp theo chu kỳ, giống như chu kỳ tự nhiên. Khi ngưng nội tiết, 80-90% phụ nữ có xuất huyết âm đạo giống như hành kinh, gây bất tiện cho người sử dụng. Do đó, progestogen được kết hợp liên tục với estrogen, mỗi viên nội tiết uống hằng ngày đều có estrogen và progestogen. Qui trình này giúp cho 80-90% phụ nữ sẽ không còn bị xuất huyết âm đạo sau 12 chu kỳ sử dụng thuốc và cũng tránh được tăng sản nội mạc tử cung hiệu quả hơn.

Progestogen sau khi vào cơ thể, nhất là progesterone dạng mịn, sẽ được chuyển hóa thành allopregnanolone và pregnanolone, có tác dụng gây buồn ngủ - do đó nên khuyên uống vào buổi tối, trước khi đi ngủ.

Một số tác dụng phụ của progestogen có thể gặp là:

Căng đau vú: thường gặp ở 28,7% người sử dụng nội tiết estrogen kết hợp với progesterone hoặc medroxyprogesterone acetate.

Phù do tác dụng giữ nước của progestogen.

Trầm cảm hoặc nhẹ hơn, buồn bã, cáu gắt, bứt rứt.

Một số progetogen có mặt trên thị trường hiện nay ở Việt Nam, riêng lẻ hoặc kết hợp với estrogen (bảng 14.3)

Drospirenone là dẫn xuất của spironolactone, là loại progestogen mới, giống với progesterone thiên nhiên nhất, có tính kháng estrogen, kháng androgen và kháng mineralocorticoids, tăng thải nước và muối sodium, không làm tăng thể trọng, có lợi cho tim mạch, sử dụng kết hợp với estradiol điều trị các triệu chứng mãn kinh phù hợp với lứa tuổi này.

Progesterone có dưới dạng tiêm, uống, gel thoa da, que cấy dưới da, viên hoặc gel đặt âm đạo. Progesterone đặt âm đạo sẽ ngấm qua niêm mạc âm đạo, cổ tử cung, vào tử cung và nội mạc tử cung nhanh với nồng độ cao, có tác dụng trực tiếp lên cơ và nội mạc tử cung mà không cần qua gan. Một lượng rất ít progesterone đặt âm đạo vào huyết thanh so với đường uống hay tiêm nên ít gây tác dụng phụ toàn thân.

Bảng 14.3. Một số progestogen có mặt trên thị trường Việt Nam ở dạng riêng lẻ hoặc kết hợp

Progesterone

Viên

100 hoặc 200mg

Dẫn xuất 21-carbon

Medroxyprogesterone actate

5,0mg

Megestrol acetate

5,0mg

Cyproterone acetate

1,0mg

Dydrogesterone

10,0 mg

19-Nor Pregnane

Trimegestone

0,0625 – 0,50mg

Promegestone

0,5mg

Nomegestrol

5,0mg

Nomegestrol acetate

3,75 – 5,0mg

Nhóm19-Nortestosterone

Ethinylated

Norethindrone

0,7 – 1,0 mg

Norethindrone acetate

1,0mg

Levonorgestrel

0,075mg

Desogestrel

0,15mg

Norgestimate

0,09mg

Gestodene

0,20mg

Dẫn xuất Spironolactone

Drospirenone

2,0mg

Một dạng đặc biệt của progestogen là dụng cụ tử cung có chứa levonorgestrel, tiết ra 10µg levonorgestrel trong 24 giờ, có hiệu quả bảo vệ nội mạc tử cung tránh được tăng sản và ung thư. Progestogen đặt âm đạo có tác dụng tại chỗ, không làm giảm các tác dụng có lợi của estrogen trên lipids - huyết thanh. Trong 6 tháng đầu sau khi đặt dụng cụ tử cung có levonorgestrel, có thể có xuất huyết âm đạo bất thường. Sau 12 tháng, khoảng 60-70% người sử dụng sẽ vô kinh. Loại dụng cụ tử cung này có thể có tác dụng đến 10 năm.

Một số các trường hợp phụ nữ mãn kinh, đã cắt tử cung rồi nhưng vẫn cần sử dụng progestogen kèm với estrogen:

1. Chỉ định cắt tử cung là lạc nội mạc tử cung: đã có trường hợp ung thư tuyến nội mạc tử cung xảy ra trên phụ nữ có lạc nội mạc tử cung vùng chậu được sử dụng estrogen đơn thuần. Ngoài ra, cũng có trường hợp thận ứ nước do u tuyến nội mạc tử cung phát triển trên một phụ nữ đã cắt tử cung và hai phần phụ vì lạc nội mạc tử cung, được cho sử dụng estrogen đơn thuần.

2. Phụ nữ đã cắt tử cung bán phần, có thể một ít nội mạc tử cung còn sót lại sẽ bị tăng sản hoặc ung thư.

3. Phụ nữ vừa bị cắt tử cung và hai phần phụ vì ung thư nội mạc tử cung.

4. Phụ nữ đã được phẫu thuật điều trị u dạng nội mạc tử cung ở buồng trứng.

Androgens

Sau mãn kinh, sự tổng hợp androgen cũng giảm xuống nhưng chậm hơn so với estrogen. Ngoài ra, do SHBG giảm nên testosterone tự do tăng nên tác dụng sinh học tăng, sự thiếu hụt androgen không quan sát được rõ.

Một số phụ nữ mãn kinh có các triệu chứng cơ năng nặng nề như đau nhức, trầm cảm đã được điều trị bằng estrogen liều cao vẫn không thuyên giảm. Testosterone chứng tỏ có hiệu quả trong trường hợp này. Testosterone còn điều trị giảm ham muốn quan hệ tình dục ở phụ nữ mãn kinh.

Testosterone không bảo vệ được nội mạc tử cung nên cần sử dụng kèm progestogen với estrogen dù đã có androgen. Testosterone còn có thể được thơm hóa ở mô ngoại vi, thành estrogen, nên có thể gây xuất huyết âm đạo bất thường, tuy chưa có trường hợp nào ung thư nội mạc tử cung trong khi sử dụng testosterone.

Testosterone không điều trị được cơn bốc nóng mặt cổ, không dự phòng được loãng xương.

Nghiên cứu NHS (Nurses’ Health Study) cho thấy, phối hợp estrogen-testosterone cho phụ nữ mãn kinh làm tăng tỷ lệ ung thư vú lên hai lần.

Chưa có đủ nghiên cứu để đảm bảo sử dụng testosterone lâu dài là an toàn đối với phụ nữ mãn kinh.

Testosterone có thể được sử dụng ở nhiều dạng: viên uống (methyltestosterone), kem thoa da, tiêm.

SERMs (Selective Estrogen Receptors Modulators)

Gồm các loại thuốc có tác dụng chọn lọc trên thụ thể estrogen, có thể vừa là đồng vận đối với mô xương nhưng đối vận đối với tuyến vú.

Có nhiều loại SERMs: raloxifene, tamoxifene, Iasofoxifene, droloxifene…

Tác dụng chủ yếu trên phụ nữ mãn kinh: dự phòng gãy xương (đốt sống), giảm tỷ lệ ung thư vú, không gây tăng sản hay ung thư nội mạc tử cung (ngoại trừ tamoxifene), chưa chứng minh được có tác dụng có lợi cho tim mạch.

SERMs cũng có tác dụng phụ tăng viêm tắc tĩnh mạch tương tự như estrogen.

Tibolone

Tibolone là một loại thuốc đặc biệt sử dụng cho phụ nữ mãn kinh, cùng lúc vừa có tác dụng như estrogen, progestogen và androgen. Tác dụng này có chọn lọc trên mô, giống như SERMs.

Tibolone qua gan và ruột, được chuyển thành 3 chất đồng phân: 3β-OH, 3α-OH và delta 4.

Hai chất đồng phân 3β-OH và 3α-OH có tác dụng đồng vận với estrogen, gắn với thụ thể estrogen (ER) nhưng với thụ thể α estrogen (ERα) nhiều hơn ERβ.

Chất đồng phân delta 4 đến nội mạc tử cung gắn với thụ thể progesterone, bảo vệ nội mạc tử cung khỏi tác dụng của estrogen, giống tác dụng của một progestogen.

Tibolone còn có tác dụng giống như một androgen, tăng đáp ứng tình dục ở phụ nữ mãn kinh. Tác dụng này có thể do tác dụng nam hóa trực tiếp của chất đồng phân delta 4 nhưng cũng có thể do tăng testosterone tự do trong huyết thanh. Chất đồng phân delta 4 tác dộng lên gan, làm giảm 50% SHBG, cho nên, khi điều trị với tibolone, lượng testosterone toàn phần giảm nhưng lượng testosterone lại tăng cao, có tác dụng sinh học. Như androgen, tibolone giúp phụ nữ mãn kinh có khí sắc tốt hơn.

Tibolone 2,5 mg/ngày làm giảm 20% HDL-cholesterol, giảm 10% cholesterol toàn phần và 20% triglycerides còn LDL-cholesterol không giảm hoặc giảm rất ít. Tibolone không gây tăng huyết áp.

Trong khi điều trị lạc nội mạc tử cung hoặc u xơ tử cung bằng GnRH đồng vận, người ta kèm thêm tibolone (add-back) và thấy bệnh nhân không bị bốc nóng mặt cổ, không ngăn cản tác dụng của GnRH trên u xơ.

Tác dụng của tibolone trên vú: Vú nhận tác động của estrogen từ nơi khác đến nhưng cũng đồng thời tự sản xuất ra estrogen nhờ có các enzymes sulfatase, aromatase, 17β-hydroxysteroid dehydrogenase, đồng thời tại tuyến vú, estrogen được chuyển sang dạng sulfates nhờ enzyme sulfotransferase. Như vậy, trong vú có 2 hiện tượng nhằm tạo ra estrogen:

Sự thơm hóa chuyển androgen thành estrogen. Hiện tượng này không quan trọng trong tuyến vú.

Hiện tượng quan trọng hơn là chuyển estrone sulfate có nồng độ cao trong vú, nhất là trong mô ung thư vú, thành estrone rồi estrsdiol.

Cả 2 hoạt động đều cao trong mô vú, nhất là trong mô ung thư; nhưng hoạt động của sulfatase cao hơn hoạt động thơm hóa 130-200 lần.

Tibolone và các chất đồng phân ngăn chặn hoạt động của estrone sulfatase và 17β-hydroxysteroid dehydrogenase trong các tế bào mô đệm bình thường của tuyến vú và trong các tế bào ung thư vú, qua đó, tăng hoạt động estrone chuyển ngược lại thành estrone sulfate và ngăn chặn estrone chuyển thành estradiol. Do đó, tibolone giảm bớt kích thích của estrogen trên tuyến vú, giảm sự phát triển của tế bào ung thư.

Nghiên cứu LIBERATE (Livial Intervention following Breast cancer: Efficacy, Recurrence, And Tolerability Endpoints) là một nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng, đa quốc gia, nghiên cứu trên các phụ nữ có tiền sử ung thư vú đã được phẫu thuật trong vòng 5 năm trước đó, và hiện tại có thêm triệu chứng cơ năng của mãn kinh, được sử dụng tibolone hoặc placebo. Nghiên cứu đã dừng ngày 31 tháng 07 năm 2007, 5 tháng trước thời hạn dự kiến kết thúc vì có dấu hiệu tăng ung thư vú tái phát trên nhóm sử dụng tibolone nhiều hơn nhóm placebo (51 trên 1.000 so với 36 trên 1.000). Không có sự khác biệt về tỷ lệ tử vong, tai biến tim mạch cũng như ung thư sinh dục khác. Các triệu chứng rối loạn vận mạch, chất lượng cuộc sống và mật độ xương ở phụ nữ nhóm tibolone tốt hơn nhiều.

Tibolone không nên được chỉ định cho phụ nữ có tiền sử ung thư vú cho đến khi có thêm nghiên cứu khác chứng minh vô hại.

Tác dụng của tibolone trên xương

Tibolone giảm mất xương giống như estrogen hay estrogen-progestogen trên những bệnh nhân có lạc nội mạc tử cung hay u xơ tử cung được điều trị bằng GnRH đồng vận, tibolone được sử dụng như một add-back để giảm các triệu chứng mãn kinh như bốc nóng mặt cổ, mất xương.

Nghiên cứu LIFT (Long-term Intervention on Fractures with Tibolone) là một nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng, đa trung tâm ở 22 quốc gia trên 4.538 phụ nữ chia làm 2 nhóm sử dụng tibolone 1,25mg/ngày hoặc placebo trong 3 năm. Nghiên cứu cho thấy, tibolone giảm gãy xương cột sống đến 45% và giảm gãy các xương khác 25%.

Thuốc tương tự nội tiết - Phytoestrogens và tác dụng

Sau khi nghiên cứu WHI được công bố, cho rằng nội tiết thay thế có thể làm tăng số ung thư vú, tăng tai biến tim mạch, dù kết quả đã bị phê phán rất gắt gao từ phía các nhà nội tiết học sinh sản nổi tiếng trên thế giới, nhưng phụ nữ cũng dao động, ngưng sử dụng nội tiết và cố gắng chịu đựng những triệu chứng cơ năng của mãn kinh, giảm chất lượng cuộc sống. Nhân cơ hội nầy, một số các công ty đã dồn dập nghiên cứu, đưa ra nhiều sản phẩm gọi là thiên nhiên, không hóa chất, không phải là nội tiết nhưng có tác dụng điều trị được những triệu chứng khó chịu của mãn kinh. Phytoestrogens là một nhóm sản phẩm trong số đó.

Phytoestrogens là từ dùng để chỉ nhóm chất có tác dụng như estrogen hoặc các chất chuyển hóa có tính chất giống như estrogen, có mặt trong trên 300 loài thực vật, có thể gắn kết được với thụ thể estrogen. Đậu nành chứa nhiều phytoestrogens nhất.

Phytoestrogens gồm có 3 nhóm:

Isoflavones có trong đậu nành và một số đậu khác, có chứa daidzein, genistein, glycitin.

Lignans có trong ngũ cốc, rau cải và trái cây.

Coumestans có trong hạt hướng dương, giá đỗ.

Nhiều nghiên cứu cho thấy:

Phytoestrogens tác dụng không hơn placebo đối với việc điều trị các triệu chứng rối loạn vận mạch hay khô teo âm đạo. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Hà Lan chứng minh được rằng, 2 viên phytoestrogens mỗi ngày trong 12 tuần lễ có thể làm giảm được cơn bốc nóng mặt cổ.

Isoflavone cùng với protein đậu nành có tác dụng làm tăng HDL-cholesterol, giảm LDL-cholesterol và cholesterol toàn phần, tăng giãn mạch và giảm xơ vữa mạch máu.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, 120mg isoflavone mỗi ngày có thể tăng mật độ xương ở cột sống và cổ xương đùi.

Protein đậu nành có thể làm tăng trí nhớ và sự tập trung chú ý ở phụ nữ mãn kinh.

Những dân tộc tiêu thụ nhiều sản phẩm từ đậu nành có tần suất ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung và ung thư tiền liệt tuyến thấp hơn các dân tộc khác. Ở phụ nữ Úc bị ung thư vú, nước tiểu có nồng độ thấp daidzein và genistein. Người tiêu thụ nhiều đậu nành, đậu hủ và có nồng độ isoflavones trong nước tiểu cao thì có tỷ lệ ung thư vú thấp, quan sát được trong cộng đồng người Singapore, Trung Quốc, Úc và ngay cả phụ nữ Mỹ có thói quen ăn nhiều đậu hũ.

KẾT LUẬN

Mãn kinh là khoảng thời gian có nhiều biến đổi trong cơ thể của phụ nữ sau tuổi sinh sản, về thể chất cũng như tâm lý, do buồng trứng không còn nang noãn phát triển, không còn tổng hợp được nội tiết sinh dục. Những thay đổi này có thể làm giảm chất lượng cuộc sống của phụ nữ. Cần có sự thông cảm từ phía gia đình, đồng nghiệp và cần các biện pháp can thiệp giúp cho phụ nữ có cuộc sống khỏe mạnh, vui tươi hơn. Tư vấn cho phụ nữ tuổi mãn kinh:

Cần luyện tập thể dục đều mỗi ngày.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Tránh các yếu tố nguy cơ cao như té ngã gây tăng gãy xương, uống rượu hay hút thuốc làm tăng nguy cơ ung thư sinh dục…

Giữ cho tinh thần thanh thản.

Sử dụng nội tiết phù hợp để điều trị những triệu chứng mãn kinh, nếu cần thiết, và theo tư vấn của các chuyên gia về mãn kinh. Chỉ định điều trị nội tiết phải được cân nhắc trên từng phụ nữ tuổi mãn kinh với những đặc điểm riêng của cá nhân họ, có thông tin đầy đủ về những thuận lợi và không thuận lợi của các loại nội tiết sử dụng, thảo luận mỗi lần tái khám để xem có tiếp tục hay ngưng sử dụng.

Qua tiếp xúc với phụ nữ tuổi mãn kinh cần quan tâm đến việc tầm soát các loại ung thư sinh dục để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hiệu quả, xét nghiệm để tầm soát các bệnh lý thường gặp như tiểu đường, lipids-huyết thanh tăng cao, chức năng gan, chức năng thận.

Cán bộ y tế không ngừng cập nhật kiến thức sẽ giúp cho phụ nữ sau mãn kinh có đầy đủ thông tin về sức khỏe của mình, những thuận lợi và bất lợi khi sử dụng các loại thuốc nội tiết để điều trị các triệu chứng cơ năng cũng như dự phòng các bệnh lý của tuổi mãn kinh, giúp họ có những quyết định đúng cho cuộc sống có chất lượng tốt hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Fritz MA, Speroff L (2011). Menopause and Perimenopausal transition. Clinical Gynecologic Endocrinology and Infertility, 8th Ed. Lippincott Williams& Wilkins, Philadelphia, USA: 672-748.

2. Lobo RA (2009). Menopause and Aging. In: Reproductive Endocrinology: Physiology, Pathophysiology, and Clinical Management, 6th edition. Yen and Jaffe (eds). Saunders Elsevier, Philadelphia, USA: 325-356.

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
Mãn kinh (phần I) - Ngày đăng: 29-07-2013
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK
Loading...